Súp Chiều

Mùa đông năm nay kéo dài đến mùa chay, cha xứ bèn có sáng kiến trong bốn tuần đầu mùa chay, sau thánh lễ 18 giờ chiều thứ bảy, giáo dân được mời vào nhà xứ « húp súp » ban chiều, ngoài súp còn có cả bánh mì trét bơ, phô mai, paté ... ăn kèm.

Nhà thờ tây thường làm tôi ngạc nhiên, cha xứ luôn tìm mọi cách để níu kéo giáo dân dự thánh lễ chiều thứ bảy.

Thánh lễ gia đình hàng tháng, đông vui nhờ dàn nhạc hùng hậu của giới trẻ, sau lễ có bữa ăn nhẹ, tất cả được mời dự tiệc, có cả rượu của giáo dân mang vào chung vui.

Trước khi nghỉ hè, có lễ hội trong xóm cho giáo dân từ sáng thứ bảy cho đến giờ lễ và kết thúc bằng bữa ăn tối.

Rồi đến lễ mùa « Hạt Dẻ » của cộng đồng Bồ Đào Nha đãi giáo dân món cá mòi nướng và đặc sản xứ Bồ không thể thiếu rượu khai vị Porto, đã bảy giờ chiều trời chưa tắt nắng.

Lễ rửa tội tập thể cho con nít, nhà xứ lại mở tiệc ăn mừng, ai thích xin mời vào dù nhà mình chả có ai rửa tội.

Trong những bữa tiệc, ngoài nhóm hậu cần, nhân vật chính dính líu đến sự kiện hôm đó, phần còn lại là những gương mặt cũ xì, người gìa neo đơn, gia đình đông con có thu nhập kém, người tò mò như tôi, đi cho biết cái gì phía sau tiệc mời chiều thứ bảy.

Không khí rất thân tình, các cụ cứ tự nhiên lấy chén đĩa giấy chọn thức ăn, ra một gốc ăn no rồi về nếu không thích nói chuyện với ai, hoặc no bụng rồi nói chuyện cũng không muộn.

Có cụ cô đơn cả tuần nên vào đây để nói chứ không cần ăn, đến tàn tiệc mà đĩa thức ăn của cụ vẫn chưa vơi.

Gia đình đông con chộn rộn hài lòng lắm, chiều nay đở bữa chợ, con nít ăn thoả thích, có coca, xi rô, nước cam, bánh kẹo, ăn không hết cầm về nhà ăn tiếp.

Giới trẻ nhộn nhịp vây lấy cha khách mà « phỏng vấn », cha con cười đùa như bạn bè ngang hàng.

Tôi ăn cho có lệ, vì tôi không hảo thức ăn tây, kem bơ béo ngậy, gìa rồi ăn ít cho bao tử được nhờ, mục đích của tôi là bạ đâu bắt chuyện đó xem thiên hạ nghĩ gì về nhà thờ.

Ai cũng thừa nhận, tiệc nhà thờ cứ như bánh cá của Chúa ngày xưa, kẻ đói được no, người dư thừa chia sẻ với đồng loại, dù nhà xứ phải chi tiêu tất cả, nhưng đó cũng là tiền của « bá tánh », tiền giúp Giáo Hội để con Chúa được nhờ.

Đồng tiền xoay vòng rồi cũng trở về điễm xuất phát, tiền chỉ là phương tiện để giáo dân thắt chặt tình thân với nhau và tha thứ cho nhau nếu ai đó hờn ai, ai kia kỵ ai vì cái chức hờ trong công tác phụng vụ.

Ngày Chúa Nhật linh đình hơn, trước thánh lễ gia đình 10 giờ 30 hàng tuần, nhà xứ dọn sẳn bữa điễm tâm, vợ chồng con cái ngủ đầy giấc, mặc quần áo đẹp đến nhà thờ ăn sáng rồi bước qua nhà thờ dự lễ.

Tôi chưa bao giờ ăn sáng ở đây nhưng tôi tin nhờ bữa điễm tâm đó mà nhiều người trở lại nhà thờ, nói theo bài phúc âm « Gõ cửa », dù họ chỉ đến vì bữa điễm tâm nhưng cuối cùng họ đã vào nhà thờ dự lễ.

Chiều hôm qua cha khách nhắc nhở, hết lễ các em hướng đạo sẽ bán bánh để gây quỹ đi Frat sắp tới dưới Lộ Đức, quý vị rộng tay giúp đở, mua bánh thật nhiều để tôi được ăn ké đi theo các em.

Cha làm tôi nhớ đến quày bánh mì thịt của đoàn TNTT Giáo Xứ Ta đã nuôi đoàn thiếu nhi từ bao nhiêu năm nay.

Trước khi kết lễ, ban mục vụ nhà thờ báo cáo tài chính năm ngoái, số lượng người giúp nhà thờ có giảm nhưng thu nhập thì tăng, năm đầu tiên nhà xứ bội thu sau sáu năm thất thu và xin mọi người tiếp tục rộng tay.

Cái vụ bội thu cũng hao hao Giáo Xứ ta, nhân kỷ niệm ba mươi năm tái bản, chủ bút điều trần, báo giáo xứ suýt thất thu, số người đóng góp chỉ được một phần ba, nhưng họ đóng tiền gấp đôi, gấp ba nên báo còn sống sót.

Nhà thờ là vậy, là phục vụ dù có thua lỗ, dù phải chạy vạy khắp nơi nhưng nhờ ơn Chúa rồi đâu lại vào đấy.

Năm đầu tiên đồng euro bắt đầu lưu hành, các cha giải thích rát họng để giáo dân rộng tay thả hai euros vào rổ trong thánh lễ để chi tiêu điện nước, may mà có người mạnh dạn bỏ tờ năm, mười euros để nhà thờ sinh tồn.

Tiền rổ cũng cần, nhưng điều cần thiết hơn là đến nhà Chúa, chính vì thế mà cha xứ nặn óc bày đủ trò để chiêu dụ giáo dân, tội nghiệp cha thầy đi tu thời khoa học tiến bộ, đức tin loạn lạc, mới khổ như rứa.

Giáo dân chúng ta nghĩ gì khi mỗi tuần quần áo chỉnh tề đến nhà thờ có người bật đèn, mở máy sưởi, cha thầy ban phụng vụ lo toan tất cả để chúng ta rảnh ranh nghe lời Chúa.

Qua bữa súp chiều hôm nay tôi chợt thương các cha, và thầm trách, chúng mình tu không nỗi thì cũng đừng làm khó người đi tu, đã đến cửa thiền thì lòng phải rộng mở, đừng than phiền trách móc nếu có điều chi không ưng ý.

Mình chỉ có một gia đình để chạy gạo, cha có đến hàng lố con chiên lành, chiên ghẻ để lo toan, ngài phải thích ứng và vào vai từng trường hợp để đem Chúa đến với họ.

Hết mùa chay, tiệc súp ban chiều sẽ chấm dứt, nhưng vị ngọt của khoảng thời gian chia sẻ kia chắc chắn sẽ đọng lại trong lòng mọi người.

Từ nay mỗi lần khó ở trong người phải húp cháo, tôi lại nhớ đến chén súp nghĩa tình xuất phát từ mùa chay, thời điễm để mỗi người tìm về cùng đích đời mình.

Mùa Chay 2014 / Đoàn Thị