□ Nguyễn Trung Tây, SVD
Chuyện Bác Chuyện Em: Sống Lại

Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình..


Bác từ ngoài hiên lê đôi guốc mộc vào, hốt hoảng thông báo bản tin,

— Bà Thìn mới mất...

Nhìn em đang thản nhiên ngồi trên bàn, tay vo vo điếu thuốc lào Cái Sắn, bác khựng ngang lại, ánh mắt nghi ngờ,

— Ông là hàng xóm của bà ấy. Ông đã biết chuyện chửa?

Em đang ngồi bên bàn, gật đầu,

— Em chào bác! Bác ghé nhà chơi...

Em bắt đầu ăn nói mát mẻ,

— Khổ! Bác cứ ưa nói chuyện như người giỡn chơi. Em là hàng xóm. Ông bà mình nói, "Bán anh em xa, không bằng láng giềng gần". Chuyện bà hàng xóm của em mất, bác ở mãi tít cuối xóm lại hốt hoảng chạy đến thông báo cho em.

Em dịu giọng lại,

— Vâng, em biết. Chiều hôm qua em, vừa dắt trâu về tới cửa chuồng đã nghe thấy tiếng khóc…

Bác bước thẳng tới bàn, ngồi xuống ghế, tay vun vun sợi thuốc thơm Cái Sắn, tay bật quẹt, đưa ống điếu lên rít một hơi dài

— Ừ, thì biết đâu. Tôi mới nghe Bà Cả Nha thông báo bản tin. Tôi vội vàng chạy vào trình báo cho Cụ biết. Rồi tiện trên đường về nhà, thấy chú ngồi ở phòng khách, tôi mới ghé vào hỏi thăm chú mấy câu... Đến là khổ cho cái bà Thìn, ốm nặng cũng hơn cả năm nay rồi... Tốn bao nhiêu tiền thuốc…

Em tiếp nối câu chuyện,

— Vâng, thì bác biết rồi đấy, đang ngồi đếm tiền trên phản bỗng dưng xùi bọt mép, đầu đâm thẳng xuống nền gạch cứ y như trúng gió độc, rồi là tứ chi rũ liệt như người không xương, cháo cũng còn chả nuốt nổi qua cổ họng nữa là. Cả cái cơ nghiệp thế là đổ hết vào tiền thuốc. Vậy mà vẫn cứ liệt giường liệt chiếu. Nom thấy mà hãi!

Em đổi giọng, nói nhỏ thì thào,

— Bác biết không? Có người còn nói nhỏ vào tai em…không biết có phải nghiệp báo chi hay không?

Bác nhăn nhăn mặt, mắng em mấy mắng,

— Sao lại nói nặng nhời như thế… Đằng nào người ta cũng đã nằm xuống…

Em đáp ngay,

— Khổ, bác chửa rõ chuyện… Em mới mở nhời là bác đã mắng mỏ em... Vâng, em biết. Nhưng em đã nói rồi... Em cũng chỉ thuật lại nhời của người ở xóm trên mà thôi. Họ nói cái bà Thìn là chuyên môn cho vay ăn lời nặng lãi. Mười phân tiền lãi là đúng mười phân. Chớ có mà chạy đi đâu được một hào lẻ với bà ấy.

Em phân bua,

— Các cụ nói, "Nghiã tử là nghiã tận". Em biết người mới nằm xuống thì cũng nên cẩn trọng lời ăn tiếng nói... Nhưng bà Thìn khi còn sống, bác cũng biết rồi, người nào mà giả không được tiền lãi đúng kỳ hạn, bà ấy sai người ăn kẻ ở trong nhà vác dao vác búa tới thẳng cửa nhà con nợ xiết vườn xiết ruộng. Có khối người đã phải bỏ vào trong Nam bởi mất trắng cửa nhà vào tay bà ấy rồi đấy… Bác người trong làng. Chuyện gì của bà ấy mà bác lại không rõ…

Bác như đã hiểu,

— Thì chuyện! Thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ. Cái nhà bà Thìn mấy đời rồi, cha truyền con nối, chuyên môn sống với cái nghề cho vay chơi hụi...

Em gật đầu, cắt ngang nhời bác,

— Em biết, nhưng cũng vừa phải thôi. Đấy, giờ này nhắm mắt nằm xuống rồi, có lận theo được trong người một tờ giấy bạc nào đâu. Đến là khổ…

Bác nói như muốn cho xong chuyện,

— Ừ, thì thôi. À, tôi có thằng cháu là đốc tờ trên phố, có lần hắn nói với tôi cái này không phải là trúng gió đâu.

Em ngạc nhiên,

— Ủa, không phải trúng gió độc thì là cái chi?

Bác chép miệng

— Thì nào có biết là cái chi. Nhưng tiếng Việt mình gọi là mỡ động mạch đấy. Cứ dộng cho lắm thịt mỡ vào, mạch máu đọng lại những mỡ là mỡ. Thế là tịt ngòi. Ông cũng coi chừng đấy, tới nhà thấy cứ ngồi nhậu tì tì với thịt heo nấu đông…

Em cự nự,

— Bác cứ nói hão, em cả năm mới vớ được một nồi thịt heo nấu đông bữa Mùng Một Tết. Còn lại quanh năm là cứ vẹo mồm gặm sắn. Ở đâu ra mà có mỡ dư đọng lại trong tim.

Bác cười, tay giơ cao ống thuốc lào, rít một hơi dài, miệng nói hơi khói,

— Thì biết đâu đấy…

Em quay sang chuyện cô con gái bà Thìn,

— Bác biết không? Nghĩ đi nghĩ lại, em chỉ thấy thương cho cô con gái út. Chỉ một lần lỡ dại mà hàng xóm cười chê. Nhưng có ai ngờ, tưởng là đũa mốc mà lại làm nên chuyện.

Bác chiêu một ngụm trà xanh Thái Nguyên,

— Ừ, lúc xảy ra chuyện thì tôi lại vắng nhà. Chuyện cô Sửu hồi đó như thế nào nhỉ?

Em kể lể rành rọt,

— Thì tự dưng bẵng đi một dạo không ai nom thấy cô ấy đâu hết, cứ làm như người đi lấy chồng xa, mà có thấy cưới hỏi gì đâu, rồi tự nhiên lại thấy cô ấy với cái bụng bầu...

Em dừng lại, nhỏ giọng lại, kín đáo nhìn quanh,

— Nhưng em phải khen cái nhà bà Thìn, anh em trong cái nhà ấy, ai nấy miệng kín như bưng nhé! Chẳng bao giờ nghe thấy xì xào lời ra tiếng vào. Mà bác nghĩ coi, mình cũng chỉ là hàng xóm, họ không nói mình sao dám hỏi... Cho đến buổi sáng hôm đó, em dậy sớm chuẩn bị mang trâu ra ruộng. Vừa mới bước tới cây mít làm cột mốc phân chia hai nhà, em thấy cô Sửu treo tòng toeng trên cành cây. Hãi quá, em hốt hoảng cắt dây, kéo cô ấy xuống, kín đáo mang ngay vào trong nhà bôi dầu nóng, dựt tóc mai, cạo gió, mãi cô ấy mới chịu tỉnh. Khi đó em mới yên lặng đi qua, gõ cửa nói nhỏ tin dữ vào tai bà Thìn. Mà bà Thìn thì cũng khéo lắm, miệng thì cám ơn rối rít nhưng vẫn cứ đợi cho đến chiều tối hẳn hoi, nom không rõ mặt người, bà ấy mới kín đáo đi ngõ sau sang bên em mang con gái về lại bên nhà.

Bác trợn mắt,

— Chuyện như thế mà tôi có biết gì đâu...

Em lễ phép,

— Em nói xin phép bác bỏ qua! Chuyện cô Sửu treo cổ cây mít, chỉ có em và nhà bà Thìn biết mà thôi. Bây giờ thì lại thêm bác là người biết chuyện đấy. Nhưng mà thôi, em xin bác, bác cũng kín miệng cho em và nhà người ta...

Bác gật gù,

— Ông nói phải. Chuyện đó liên quan tới danh dự một đời của nhà người ta. Còn vụ ông xin tôi giữ kín chuyện. Chú chẳng phải nhắc tôi cũng đã biết...

Em hài lòng,

— Cám ơn bác. Vâng cũng xin phép bác cho em kể nốt câu chuyện. Một tuần lễ sau, bà Thìn liền gửi cô ấy lên trên Hà Nội ở hẳn với người em ruột ở phố Hàng Đào, mãi cho tới khi bà ấy đổ bệnh nặng, cô ấy mới về lại làng nuôi nấng người bệnh. Thôi thì giặt mền, tắm rửa, đổ bô, thay tã, một tay cô ấy làm tất tật.

Bác nhìn em, hỏi cho rõ chuyện,

— Chuyện cô Sửu vất vả nuôi mẹ thì tôi cũng biết. Chuyện sờ sờ như thế, ai mà chẳng hay. Nhưng chuyện cô Sửu chửa hoang, hồi đó tôi vô trong Nam buôn bán, chẳng hay biết chi sất…

Em gạt ngang,

— Ấy, ấy! Chuyện còn dài... Em xin phép bác để em kể cho nốt câu chuyện… Sau cái lần bên gốc mít, tưởng thế là xong, ai ngờ có lần quẫn trí quá, cô ấy đã tính phá bỏ thằng bé đang nằm trong bụng rồi…

Bác trợn mắt, nghi ngờ,

— Hãi thế! Mà sao ông biết?

Em nhăn mặt như khỉ ăn dính mắm tôm,

— Khổ quá! Cô ấy không mở miệng, em nào biết. Chuyện là như thế này, lúc mới từ trên Hà Nội về lại làng, nhớ cái ơn cứu tử năm xưa, cô ấy cũng có ghé sang nhà em cám ơn. Rồi cô ấy cũng tâm sự nói sau lần có thai, cháu sống mà cũng như người đã chết rồi, ngày đêm lúc nào cũng chỉ rúc rúc ở trong xó nhà, không dám nhìn mặt ai trong làng...

Bác chen vào giữa chừng,

— Thì đã hẳn...

Em tiếp tục,

— Cô ấy còn nói, "Cái lần ở cây mít là lúc ấy cháu quẫn trí quá. Rồi lại thêm một lần nữa, thằng bé được ba tháng rồi, cháu quyết định phá bỏ. Nhưng trong khi ngồi đợi tới phiên, cháu nghĩ mình sống chẳng ra cái trò gì, thế nhưng mạng mình vẫn được người đời cứu sống. Huống chi đứa bé trong bụng nào có tội tình chi, vậy mà mình lại đang tâm giết nó! Mà chưa kể đây đâu phải là con sâu cái kiến, mà rõ ràng đây là một mạng người. Thế là cháu đứng dậy, bỏ về nhà. Từ hôm đó, cháu tỉnh táo hẳn ra...

Bác nhận xét,

— Chuyện! Tới cỡ như thế thì làm gì mà không tỉnh táo!

Em kết luận,

— Thì đấy, cô ấy vẫn cứ hay nói giờ cháu như người chết sống lại.
…Trong khi đó, bên nhà bà Thìn, cô Sửu vừa vuốt lại khăn nhung vấn đầu mẹ. Cô buồn vì tang mẹ, nhưng lòng cô thanh thản nhẹ nhàng. Có một thời cô hận mẹ vì để giữ lại nhà cửa dinh thự khang trang, bà Thìn đang tâm gả bán cô cho thương gia Việt kiều lấy tiền trang trải nợ nần. Nhưng sau một lần được cứu sống, và một lần cứu sống, mỗi lần nhìn thấy con trai toét miệng nở nụ cười bên người chồng của Hà Nội phố, cô lại nhớ tới ơn cứu tử của người hàng xóm và lòng độ lượng của chồng. Nhìn mẹ, cô Sửu nhớ lại lời mẹ xin lỗi trước lúc hấp hối. Lòng cô thanh thản nhẹ nhàng.

Cô ra hiệu cho nhà đòn đóng lại nắp áo quan của mẹ và cũng là một chương sách tối đen của cuộc riêng cuộc đời mình.



Lời Chúa

[Đức Giêsu] kêu lớn tiếng: “Ladarô, hãy ra khỏi mồ!” Người chết liền bước ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn liệm. Ðức Giêsu bảo: “Hãy cởi khăn và vải cho anh ấy…” (John 11:43-44).



Suy Niệm

Hồi xưa Ladarô được Chúa gọi dậy bước ra khỏi mồ. Ngày hôm nay Chúa vẫn đứng cạnh bên cửa mộ, gọi tên tôi đứng dậy bước ra khỏi ngôi mộ đá.

Mỗi lần tôi vấp ngã trên hành trình niềm tin là một lần tôi chết đi.

Mỗi lần tôi đứng dậy làm lại là một lần tôi sống dậy. Cả ba người, Phêrô (chối Chúa ba lần), Phaolô (bách hại Kitô hữu), và tôi (một quá khứ tối đen) đang bước ra khỏi mộ ám mùi tử thần.

Nói xấu, gian dối là một lần tôi chết đi. Quay về hòa giải với tôi, với Chúa, và với tha nhân là một lần người con hoang đàng và tôi cùng đang đồng hành chầm chậm nắm tay nhau lần bước ra khỏi ngôi mộ đá đẫm mùi tử khí tanh hôi.

Coi thường nhân phẩm của những người không có cùng một mầu da là một lần tôi chết chôn trong ngôi mộ đá. Bởi không nhận ra nhân diện của Chúa trên khuôn mặt của nhân gian, Tôma và tôi giống như nhau, bởi chúng tôi cùng chia sẻ chung một mẫu số của "đức tin không việc làm là đức tin chết" (James 2:17).

Không thành thật với Thầy, với chồng, với vợ, với con là một lần Giuđa và tôi chết chôn trong mộ. Nhưng khác với Giuđa từ chối lời gọi của Thầy, tôi nhận ra tiếng kêu của Chúa, và tôi bước đi ra khỏi vùng trời ám mùi tử khí tanh hôi.

Chúa vẫn đứng đấy bên ngôi mộ đá gọi tên tôi, mời gọi tôi hãy bước ra khỏi mộ đá.

□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com