□ Nguyễn Trung Tây, SVD
Chuyện Bác Chuyện Em: Giáng Sinh Úc Châu


□ Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.


Trời tháng Mười Hai, Úc Châu nóng chảy dầu chảy mỡ. Phố nhỏ sa mạc Alice Spring đỏ chói với những con số 42, 43 độ C trên hàn thử biểu! Ơi nóng! Thiên hạ trốn. Đường phố Alice Springs tự dưng vắng tanh như chùa Bà Đanh.

Trời nóng bỏng cả chân, em từ ngoài sân bước thẳng vào nhà quan bác, hí hửng khoe tấm hình Giáng Sinh Úc Châu. Nhìn hình, quan bác không cầm được miệng, cất tiếng mắng liền quan em mấy mắng,

— Đến là vớ vẩn! Ở đâu mà lại lòi ra cái “của” này!

Em bị mắng mấy mắng, mặt ngượng sần sượng. Nhưng vốn cứng đầu cứng cổ, em không nhịn, mở miệng cãi ngay,

— Ơ cái bác này… Ăn nói đến là hay chửa! Ở đâu ra? Chụp thì “nó” ra chứ ở đâu mà ra...

Em ăn nói mát mẻ, nhưng giọng điệu quả quyết,

— Cái “của” này là hình Giáng Sinh Úc Châu... Bác đã nom rõ chửa!

Mượn gió bẻ măng, em tố tới, giọng điệu châm chọc tổ ong thấy rõ,

— Khổ! Bác lại mắt toét rồi, cho nên hình Giáng Sinh mà nom mãi vẫn không nhận ra? Hay là thôi, để mai em xách ô tô bình bịch tới nhà, đèo một mạch lên phố thăm bác sĩ mắt... Trời ban cho cặp mắt, không khéo lại hỏng…

Em tiếp tục châm ngòi thuốc súng,

— Đấy! Cũng tại bác, em mới sực nhớ chuyện năm ngoái bác về Việt Nam, thăm họ hàng. Quay lại Úc, mắt tự nhiên toét ra… Hên là có em nhắc nhở, đèo lên phố thăm ông bác sĩ... Nếu không, giờ này… dám mù dở…

Bác lườm em, chép miệng, thở dài,

— Ông chỉ được cái tài vẽ rắn thêm chân… Chuyện từ năm ngoái, thế mà cũng còn nhớ!

Bác khịt khịt mũi như người cảm cúm,

— Chỉ được cái tài nhớ chuyện vớ vẩn. Còn chuyện kinh sách lễ nghĩa thì chả nhớ chi. Cụ giảng trên toà, về nhà hỏi lại, chả nhớ được một chữ… Ván lễ nào cũng như ván lễ đấy. Còn chuyện vớ vẩn thì nhớ vanh vách!

Quay lại tấm hình “Giáng Sinh Úc Châu”, quan bác tiếp tục cúi xuống gánh trên đôi vai hai sô than mang đi rao bán khắp cùng thiên hạ,

— Mà thôi! Tôi nói là tình thật… Tôi lậy ông! Đừng có ở không, buồn chân buồn tay mà bầy trò tếu nữa! Cái “của” này mà cũng gọi là hình Giáng Sinh à...

Em gân cổ, vừa cãi hăng tiết vịt, vừa chỉ chỉ vào tấm hình, nói văng cả nước bọt vào mặt bác,

— Ơ hay! Bác cứ nói! Sao lại không? Bác nom đi… Cũng Chúa Hài Đồng, Đức Mẹ, thánh Giuse, rồi mấy chú chiên bé tí ti kia kià...

Tay lau nước bọt, bác làm mặt kiên nhẫn, cố gắng giải thích,

— Biết! Nhưng cây thông với tuyết trắng đâu mất tiêu rồi? Còn thiên thần với ngôi sao nữa, đâu sất cả rồi?

Tiện thể, bác lại mở miệng mắng luôn mấy mắng,

— Ông… Chỉ được cái tài tán hươu tán vượn... Hên là không có Cụ ở đây…

Như đã hiểu chuyện, em cự nự,

— Cái bác này… Đến là hay! Cùng đường bí lối là cứ phải lôi Cụ ra dọa… Bác cứ làm như em thằng Tí thằng Tèo... phạm nhân bị cáo đứng trước mặt quan tây. Khổ! Vậy chứ em hỏi bác, bây giờ mình đang ở đâu?

Bác nhìn em, cẩn thận dò đường,

— Ở đâu là ở đâu?

Em thong thả điền vào chỗ trống cho thêm rõ nghĩa,

— Vâng, em xin lỗi bác! Em nói khí nhanh... Em muốn hỏi là bác với em đang sống ở nước nào?

Bác suy nghĩ, cẩn thận cân nhắc trước sau,

— Thì... thì ở Úc.

Như người đã nắm được chuôi dao, em nhẩn nha hỏi tới,

— Vâng! Xin phép quan bác, em hơi vô lễ! Em hỏi bác, tháng Mười Hai Giáng Sinh, Úc Châu đang mùa gì?

Bác như miễn cưỡng phải trả lời,

— Thì…thì...mùa hè… Mà ông hỏi để làm gì?

Em chỉ ngón tay ra ngoài đường, nói rõ từng chữ,

— Để làm gì hả? Thì bác cứ bước ra cửa mà nom đi. Bác có thấy gì không?

Em cúi thấp người, điệu bộ phường chèo,

— Em rước bác, em mời bác bước lên thảm đỏ chiếu hoa ra trước ngõ mà nom cho rõ…

...

Giáng Sinh mùa hè lại về với Nam Bán Cầu Úc Châu. Hai bên phố xá, đèn xanh đèn đỏ trên những mái nhà thị dân Úc Châu đêm đêm tiếp tục chớp tắt. Nơi công cộng, những cây thông xanh ngăn ngắt dựng cao ngất với nơ đo đỏ, kẹo sọc đỏ, giây kim tuyến. Thương xá vẫn là những ông già Noel râu bạc trắng như tơ mặc áo đỏ ngồi trên ghế chụp hình cười tươi với trẻ em.

Alice Plaza của phố sa mạc Alice Springs bầy hàng sáu chú Kangaroo sơn bóng lực lưỡng bay thẳng lên trời, kéo theo ông già Noel áo đỏ ngồi trên xe...

Nhưng không giống như mùa Giáng Sinh Bắc Bán Cầu, Giáng Sinh Nam Bán Cầu Úc Châu không có tuyết trắng đổi màu phố phường, Úc Châu tháng Mười Hai không có bầu không khí lành lạnh nổi da gà; bởi giờ này, Nam Bán Cầu mùa hè, trời nóng đổ lửa. Những bài thánh ca với những câu, “I’m dreaming of a white Christmas”, hay “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” không còn thích hợp với cư dân Úc Châu nữa. Bây giờ Giáng Sinh Úc Châu, nếu phải dreaming, thì người ta sẽ hát, “I’m dreaming of a hot Christmas”, hay “Đêm hè trời nóng Chúa sinh ra đời”. Mùa hè Úc Châu, hơi nóng thổi ngập phố phường. Phố nhỏ Alice Springs nguyên một tuần liên tục nhiệt độ hơn 40 độ C. Thiên hạ trốn hết! Phố sa mạc trưa hè theo làn gió nóng biến thành phố hoang! Ơi nóng! Bởi thế, không lạ chi nếu thiệp Giáng Sinh Úc Châu không có tuyết trắng bám trắng cây thông xanh. Giáng Sinh Úc Châu, nếu địa phương hóa theo tinh thần công đồng Vatican II, có thể sẽ xuất hiện:

— Cây gum thổ sản Úc Châu, dưới chân cây “gum” thổ sản xuất hiện Hài Nhi Thánh, Thánh Giuse, Mẹ Maria và chú chiên bé tí ti.

— Xa xa là cây cỏ, đất đỏ, và đồi núi mang đậm nét thổ của châu Úc.

Nói theo ngôn ngữ trần gian, "hồi xưa" Chúa ở trên cao “sống” nền "văn hóa" khác với văn hóa cõi trần. Văn hóa trần gian là văn hóa địa cầu. Người địa cầu nói tiếng Việt, nói tiếng Anh, nói tiếng thổ dân Úc, và nhiều tiếng khác. Người trần gian ăn cơm uống trà xanh như người Việt, hoặc ăn meatpie uống beer chai Victoria Bitter như người Úc, hoặc ăn thịt Kangaroo uống nước suối như thổ dân Úc. Nhưng "văn hóa thiên đàng" thì sao? Nét nào đặc trưng "văn hóa thiên đàng"?

Xin được ngắn gọn, tác giả có thể liệt kê một nét đặc trưng về "văn hóa thiên đàng": thiên đàng không có thể xác như trần gian. Bởi thế,

(1). "Văn hóa thiên đàng" không có tiếng nói như tiếng nói con người.

(2). "Văn hóa thiên đàng" không phải là văn hóa ẩm thực như văn hóa trần gian.

Nhưng bởi thương con người vất vả lao đao với cực nhọc bùn đen tội lỗi, Con Trời bỏ "văn hóa thiên đàng" khoác vào thiên thể thân xác của văn hóa trần gian. Và bởi Con Trời nhập thể làm người, ngài nói tiếng Do Thái, ăn bánh mì, và uống rượu y như tất cả mọi người Do Thái khác. Cho nên thánh Phaolô đã nói,

Đức Giêsu Kitô,

Tuy là Thiên Chúa,

nhưng không nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng

với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn

trút bỏ vinh quang,

mặc lấy thân phận nô lệ

trở nên giống phàm nhân,

sống như người trần thế (Phil 2:6-7).

Nếu Chúa không từ bỏ "văn hóa thiên đàng", khoác vào người văn hóa trần gian, con người sẽ không bao giờ cảm nghiệm được tình yêu bao la trời cao dành riêng cho con người.

Trong tinh thần hòa nhập đó, mầu nhiệm vĩ đại trong lịch sử ơn cứu độ đã xảy ra cách đây hai ngàn năm tại phố nhỏ Bethlehem, “Ngôi Lời đã làm người, và định cư giữa chúng ta” (Jn 1:14). Trong tinh thần địa phương hóa đó, công đồng Vatican II kêu gọi người tín hữu duy trì và phát huy đức tin Kitô trong nét độc đáo có một không hai của từng văn hóa địa phương.

Trong tinh thần hòa nhập của mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và địa phương hóa của Vatican II, hình GIÁNG SINH ÚC CHÂU ra đời. Hình nguyên thủy là tranh của nhà họa sĩ lừng danh Albert Namatjira, thổ dân Arrernte của vùng sa mac Central Australia... Tác giả bày ra bộ tượng Giáng Sinh trước tranh của nhà họa sĩ, và chụp...


...

Nói một thôi một hồi, em dừng lại, thở, hơi ngắt quãng như người hấp hối sinh thì,

— Bác đã hiểu chửa?

Bác nhìn em, làm mặt man man như người cám lợn dở hơi,

— Ông nói hiểu cái gì?

Tới phiên em cáu gắt mắm tôm,

— Ơ, cái bác này, đến là hay. Nói suốt từ nãy đến giờ, khô cả nước miếng, mà bác vẫn không hiểu chi hết...

Bác như được dịp, ăn miếng trả miếng, đáp nhanh,

— Hiểu chết liền!!!

□ Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com