(Tiếp theo và hết)

III.- CHỐNG ÁN TỬ HÌNH

a) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Cần phải ghi nhận rằng ĐGH. Gioan Phaolô II là vị lãnh đạo tôn giáo chủ trương chống án tử hình mạnh mẽ nhất. Sau 4 năm hội ý với Thượng Hội Đồng Giám Mục, ngày 25-3-1995, ngài đã ra tông thư "Evangelium Vitae" (Đời sống Phúc Âm) để yêu cầu các quốc gia bãi bỏ án tử hình. Theo ngài, việc duy trì án tử hình trong thế giới ngày nay "thật là họa hiếm, nếu không nói là không còn thực sự tồn tại nữa." Trong cuộc viếng thăm Hoa Kỳ vào năm 1999, ĐGH đã công khai nói với dân chúng Mỹ rằng án tử hình là "độc ác và không cần thiết". Ngài khẳng định: "Giá trị của đời sống con người không bao giờ được lấy đi, cả trong trường hợp con người làm điều vô cùng độc ác".

b) Lập trường của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Ngay từ năm 1980, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra một văn kiện quan trọng bày tỏ lập trường phải hủy bỏ án tử hình với 4 lý do chính sau đây:

Thứ nhất, chấm dứt án tử hình là một cách phá vỡ vòng luẩn quẩn bạo hành. Đứng trước thảm trạng gia tăng các tội ác bạo hành, xã hội phải phản ứng nhân đạo hơn và hữu hiệu hơn, bao gồm cả việc chú ý đến nguồn gốc tội phạm, như sự nghèo đói và bất công.

Thứ nhì, việc bãi bỏ án tử hình xác quyết niềm tin vào "giá trị và nhân bản độc đáo" của mỗi người.

Thứ ba, việc hủy bỏ án tử hình biểu lộ niềm tin căn bản rằng Thiên Chúa là Chủ Tể của đời sống con người và rằng con người phải là những quản gia tốt, nhưng không có quyền kiểm soát tuyệt đối sự sống của mình.

Thứ tư, chấm dứt án tử hình "là phù hợp nhất với tấm gương Chúa Giêsu". Thiên Chúa được mặc khải qua đời sống của Chúa Giêsu là một Thiên Chúa của tha thứ và cứu chuộc, của tình yêu và thông cảm.

Sau khi Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ công bố lập trường trên, nhiều vị giám mục và Hội Đồng Giám Mục các Tiểu Bang đều nhất loạt bày tỏ lập trường chống án tử hình. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1999, Ủy Ban Hành Chánh Hội Đồng Giám Mục, sau khi tưởng niệm bản án tử hình của Chúa Kitô, đã kêu gọi giáo dân tích cực hoạt động để hủy bỏ án tử hình.

c) Hội Đồng Giám Mục Tiểu Bang California

Tháng 7 năm 1999, các Giám Mục thuộc Tiểu Bang California đã công bố một văn kiện gồm 7 điểm liên quan đến chủ đề hủy án tử hình như sau:

1. Đời sống mỗi người là thánh thiêng và quyền sống của mỗi người luôn luôn phải được tôn trọng. Sự thánh thiêng của đời sống con người không bao giờ bị tước đoạt bởi hành động xấu của con người.

2. Trong khi một nghi can không được coi là vô tội hoặc không thoát cảnh bị luận tội thì sự sống của người đó vẫn là thánh thiêng và xứng đáng để được bảo vệ và tôn trọng.

3. Việc dùng án tử hình làm mất tính cách nhân đạo của xã hội qua việc hợp thức hóa bạo lực như là một chiến thuật để đối phó với các hành vi tội lỗi của con người và do đó, sẽ góp phần vào nền văn hóa của sự chết.

4. Việc dùng án tử hình không phản ảnh hào quang cố hữu của Phúc Âm về sự tha thứ, hy vọng và cứu rỗi do Chúa Giêsu rao giảng. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là giải pháp chọn con đường tha thứ không có nghĩa là chiều chuộng những kẻ phạm pháp, vì công lý đòi hỏi rằng những kẻ phạm tội bạo hành phải nhận lãnh những hình phạt hữu hiệu qua những biện pháp giam cầm.

5. Việc cấm án tử hình đưa đến nhận thức rằng chiếc vòng bạo lực đã bị bẻ gẫy và sự tin tưởng này hỗ trợ cho một nền đạo đức xác tín giá trị đời sống liên quan với quan điểm của Giáo Hội về phá thai, án tử hình và sự nâng đỡ của Giáo Hội đối với người nghèo và người bị tổn thương, cũng như tất cả những người còn sống bên lề xã hội.

6. Việc cấm án tử hình cổ võ cho nhận thức rằng chỉ mình Thiên Chúa là Đấng Tối Cao của hết mọi đời sống.

7. Giáo Hội phải hỗ trợ và hợp tác với các chương trình của liên bang và tiểu bang để hướng dẫn đời sống tâm linh của các tội nhân bị phạt tù chung thân. Giáo Hội cũng khuyến khích các tội nhân biết mở rộng lòng để đón nhận ơn hòa giải của Chúa, cải sửa đời sống và tham dự vào các chương trình bài trừ cần sa và ma túy.

d) Công luận

Ngoài Giáo Hội Công Giáo, còn có nhiều tôn giáo cũng như đoàn thể khác cũng chống lại án tử hình với 5 lý do tóm tắt như sau:

1. Án tử hình kỳ thị chủng tộc:

Theo thống kê tại Hoa Kỳ, những người Mỹ gốc Phi châu chiếm 12% dân số, nhưng số tử tội da đen chiếm 43%. Các nạn nhân da đen trong những vụ giết người chiếm 50%, nhưng 83% nạn nhân trong những vụ có án tử hình lại là da trắng. Nhìn tổng quát, chỉ có 37% trong số 18.000 tử tội bị hành quyết là người da trắng.

2. Án tử hình dành cho người nghèo:

Hầu như người có đủ khả năng tài chánh để thuê mướn luật sư giỏi biện hộ thì sẽ thoát khỏi án tử hình. Trên 90% các bị cáo trong các tội danh có thể bị án tử hình đều là những người nghèo, không đủ khả năng tài chánh để mướn luật sư biện hộ. Họ thường được chính phủ chỉ định cho những luật sư miễn phí, nhưng thiếu kinh nghiệm.

3. Việc hành quyết những người vô tội thực sự đã xảy ra:

Từ năm 1976, đã có 82 người bị tòa án phạt tử hình, nhưng sau đó được phóng thích vì có bằng chứng là họ vô tội. Nói cách khác, trong số 7 tử tội thì đã có 1 người bị xử oan.

Sau khi nghiên cứu các bản án sai lầm, người ta đã tìm ra được các nguyên do sau đây:

52% lầm về lý lịch

31% lầm về thử máu

31% do lỗi cảnh sát

26% do lỗi công tố viện

21% do dụng cụ điều tra

18% do kính hiển vi so sánh tóc

17% do luật sư dở

15% do lời khai sai của nhân chứng

15% do sự đưa tin sai lạc

15% do lời thú tội giả của nghi can

5% do ngôn từ luật pháp

1% do thử nghiệm DNA sai

Khi nói đến những bản án tử hình sai lầm trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ, người ta không thể nào không nhắc đến vị Thống Đốc thời danh của Tiểu Bang Illinois, ông George Ryan. Vào ngày 10 và 11-1-2003 là những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ Thống Đốc, ông đã ký lệnh ân xá cho tất cả các tử tội trong tiểu bang Illinois, tổng cộng là 171 người. Trong số này, 164 tử tội được giảm án thành tù chung thân, 3 tử tội được giảm án thành 40 năm, 4 tử tội được tha án vì trước đó đã phải nhận tội do việc tra tấn dã man của cảnh sát. Trong bài diễn văn dài giải thích lý do quyết định của mình, Thống Đốc George Ryan đã nói:

"Từ 3 năm qua, tôi đã phải đương đầu với một nguồn tin khủng khiếp. Chúng ta đã tha miễn cho không phải một, không phải hai, mà là 13 tử tội đang chờ ngày hành quyết. Họ bị khám phá ra là vô tội. Vô tội đối với những cáo buộc dẫn họ đến bản án tử hình. Quý vị có thể tưởng tượng được không? Xém chút nữa chúng ta đã giết người vô tội, xém chút nữa chúng ta đã chích thuốc độc cho họ chết trước sự chứng kiến của các nhân chứng trong phòng hành quyết của tiểu bang... Làm sao việc này có thể xảy ra được? Tôi là một dược sĩ. Nếu tôi phải thu hồi về 50% các món thuốc mà tôi đã giao lầm thì tôi phải giải nghệ ngay."

"Luật pháp không được sửa đổi. Các nhà làm luật cũng không cứu xét. Tôi sẽ không ủng hộ cho việc này được. Tôi phải hành động. Hệ thống án tử hình của chúng ta đã bị con quỷ lầm lẫn ám ảnh- lầm lẫn trong việc định tội, và lầm lẫn trong việc quyết định ai là người đáng phải chết. Vì tất cả những lý do trên, hôm nay tôi quyết định ân giảm tất cả các bản án tử hình."


4. Không có bằng chứng nào xác quyết rằng án tử hình làm nản lòng những người phạm tội: Cuộc nghiên cứu của cơ quan FBI cho thấy rằng số vụ giết người trong những tiểu bang không có án tử hình thấp hơn những tiểu bang có án này.

5. Án tử hình là một hình phạt dã man và bất thường, không tôn trọng sự sống con người. Đôi khi án này còn là kết quả của những luật lệ kỳ thị và bất công nữa.



Ngày 19-9-2003, hàng ngàn phụ nữ tại Nam Phi xuống đường biểu tình yêu cầu tòa kháng cáo Nigeria hủy bỏ bản án của một tòa sơ thẩm đã tuyên án tử hình cho một người đàn bà sanh con mà không có chồng. Chị Amina Lawal, 31 tuổi, đã ly dị chồng được 2 năm; sau đó, chị chưa lấy chồng khác nhưng lại có thai được 6 tháng rưỡi thì Nigeria chấp nhận bộ luật Hồi giáo Shariah cho phép xử tử bằng cách ném đá người đàn bà nào ngoại tình. Những người biểu tình cho rằng luật lệ đã khinh thường nữ giới. Tại sao trong điệu nhẩy tango của hai người nam nữ, mà lại chỉ phạt một mình người phụ nữ thôi? Luật lệ bất công sẽ dẫn đến hình phạt tử hình bất công.

IV.- KẾT LUẬN

Xã hội ngày nay của chúng ta đã có hệ thống hình sự, nhưng chưa có hệ thống công lý hình sự. Lịch sử muôn đời vẫn ghi nhớ Chúa Giêsu đã bị toà án loài người kết án tử hình. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài hoàn toàn vô tội. Tuy nhiên, cũng nhờ bản án bất công này mà Con Thiên Chúa bị loài người hành quyết và chính nhờ sự chết oan uổng này mà con người được Thiên Chúa cứu rỗi. Chính vì bài học lịch sử về Ơn Cứu Chuộc này, xã hội loài người đang phải đối phó với một đề tài khá gay go hầu như không có câu giải đáp thoả đáng: Chấp nhận hay từ khước án tử hình. Có lẽ sau cùng chúng ta phải đặt TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA để làm mẫu số chung cho các cuộc tranh cãi bênh hay chống án tử hình, hầu dung hoà êm thấm được 3 yếu tố của vấn đề gai góc này:

- Quyền của các nạn nhân và gia đình trong những vụ giết người,

- Quyền của những kẻ giết người, và

- Quyền của xã hội được sống trong an bình, không có cảnh phạm pháp giết người, cũng như không có cảnh toà án công bố những bản án giết người vô tội.