Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng Chúa Nhật 22 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm Cagliari nơi có đền thánh Đức Bà Bonaria, trên đảo Sardaigna trong vòng 10 tiếng đồng hồ. Đây là chuyến viếng thăm mục vụ thứ hai tại Italia sau chuyến viếng thăm người tị nạn trên đảo Lampedusa.

Theo truyền thuyết, chính tại Cagliari này vào năm 1370 các ngư phủ đã vớt được một tượng Đức Mẹ được họ rất tôn kính và nhận làm Bổn Mạng. Khi một nhóm ngư phủ di cư sang Á Căn Đình họ đã truyền bá lòng sùng mộ này và lấy tên Bonaria đặt cho thủ đô nước này. Đây là lý do khiến cho Đức Thánh Cha, nguyên Tổng Giám Mục Buenos Aires, quyết định viếng thăm Cagliari. Đảo Sardaigna rộng hơn 24.000 cây số vuông có hơn 1.6 triệu dân, đa số sống về nông nghiệp và chăn nuôi.

Lúc 7 giờ sáng Đức Thánh Cha đã rời Vatican để ra phi trường Ciampino, từ đó ngài đáp máy bay đi Cagliari, thủ phủ đảo Sardaigna. Máy bay đã cát cánh lúc 7 giờ rưỡi và đến phi trường Mario Mameli của thành phố Cagliari-Elmas sau 45 phút bay. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại phi trường có Đức Cha Arrigo Miglio, Tổng Giám Mục Cagliari, và giới chức chính quyền tiếp đón. Sau đó Đức Thánh Cha đã đi xe vào thành phố để gặp gỡ giới công nhân tại quảng trường Carlo Felice. 20,000 công nhân thuộc mọi ngành nghề khác nhau mặc sắc phục riêng đã cùng với gia đình họ tiếp đón Đức Thánh Cha.

Trong một bài phát biểu mạnh mẽ với những người lao động tại đảo Sardinia, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về tệ nạn thất nghiệp là nguyên nhân phát sinh đau khổ cho nhiều người.

Đức Thánh Cha nói:

"Thiếu công ăn việc làm dẫn đến đau khổ, và xin lỗi nếu những lời tôi nói đây nghe bi đát quá, nhưng đó là sự thật, khi nói rằng người ta cảm thấy như không có nhân phẩm! Khi không có công việc, không có nhân phẩm! Và điều này không chỉ là một vấn đề riêng của Sardianian, nhưng nó gây khó khăn trầm trọng tại đây! Đó không chỉ là vấn đề của Ý, hay một số nước châu Âu, nó là hậu quả của một thế giới, của một hệ thống kinh tế đặt trung tâm nơi một ngẫu tượng được gọi là tiền. "

Đức Giáo Hoàng chú ý đến các trường hợp của ba nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế: một công nhân thất nghiệp, một nông dân và một nữ doanh nhân.

Ông Francesco, một công nhân nói:

"Thưa Đức Thánh Cha, tên con là Franceso. Con là một công nhân vận hành máy tại đảo Sardina và kể từ ngày 02 tháng 2 năm 2009, tức là hơn bốn năm nay, con đã không có công ăn việc làm. Xin vui lòng cho con đề cập đến hai đồng nghiệp đã thiệt mạng vì thảm cảnh này là hai anh Marcelo và Mauricio"

Đức Giáo Hoàng đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt nền văn hóa vắt chanh bỏ vỏ đã gạt người già và thanh thiếu niên sang một bên.

Đức Thánh Cha nói:

"Chúng ta phải nói 'Không' với cái nền 'văn hóa vắt chanh bỏ vỏ'. Chúng ta phải mạnh mẽ nói: ‘Chúng tôi muốn có một hệ thống công bằng!’ Một hệ thống mà trong đó tất cả chúng ta có thể sống còn. Chúng ta phải nói: 'Chúng tôi không muốn có cái hệ thống kinh tế toàn cầu hóa tai hại này! Con người phải được đặt ở vị trí trung tâm, giống như Chúa muốn, chứ không phải là tiền! "

Cảm động trước các chứng từ của những người đại diện, Đức Giáo Hoàng bỏ qua một bên bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn của ngài.

Đức Thánh Cha nói:

"Tôi đã viết một vài điều cho anh chị em, nhưng bây giờ những lời này đến với tôi. Tôi sẽ đưa bài phát biểu của tôi cho các giám mục, như thể tôi đã đọc nó. Nhưng tôi thích hô to lên những gì trái tim tôi đang cảm thấy ngay bây giờ. "

Đức Giáo Hoàng khuyến khích tất cả người lao động hãy có hy vọng và đừng để ai cướp đi hy vọng của mình nhưng phải chiến đấu cùng với nhau để những người nam nữ và gia đình của họ phải được đặt lại ở vị trí trung tâm của cuộc sống, chứ không phải là tiền.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã mời mọi người cùng ngài cầu nguyện trong thinh lặng.

Anh chị em thân mến,

Giờ đây tôi muốn kết thúc cuộc gặp gỡ này bằng cách cầu nguyện với tất cả các anh chị em. Tôi sẽ nói những gì xuất phát từ con tim tôi, và anh chị em cầu nguyện trong im lặng với tôi.

Lậy Chúa, xin hãy nhìn thành phố và dân chúng của toàn đảo Sardaigna, xin hãy nhìn từng người trong chúng con và gia đình chúng con. Lậy Chúa Giêsu, Chúa chưa bao giờ thiếu việc làm, Chúa đã là người thợ mộc và Chúa đã hạnh phúc.

Lậy Chúa, chúng con thiếu công ăn việc làm. Các ngẫu tượng muốn cướp mất phẩm giá của chúng con. Các hệ thống bất công muốn cướp đi niềm hy vọng của chúng con. Lậy Chúa, xin đừng để chúng con cô đơn. Xin giúp chúng con giúp đỡ nhau, để chúng con quên đi một ít ích kỷ và cảm thấy trong con tim tiếng “chúng tôi”, là những người cần được thăng tiến. Lậy Chúa Giêsu, Chúa không thiếu việc làm, xin cho chúng con có việc làm và xin dậy chúng con tranh đấu cho việc làm và chúc lành cho chúng con”.

Diễn văn và lời cầu của Đức Thánh Cha đã khiến cho nhiều người khóc vì cảm động.

Rời quảng trường Carlo Felice, Đức Thánh Cha đến quảng trường trước đền thánh nằm sát bãi biển. Đã có hơn 300.000 tín hữu từ khắp nơi trong đảo Sardaigna tuốn về đây để tham dự thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói ngài đến để chia sẻ các niềm vui, hy vọng, sự nhọc mệt, các dấn thân và khát vọng của người dân toàn đảo Sardaigna và để củng cố đức tin của họ. Cuộc sống của người dân gặp nhiều thử thách vì thiếu công ăn việc làm, bấp bênh và tương lai không chắn chắn. Cần phải có sự cộng tác của tất cả mọi người, và sự dấn thân của giới hữu trách các cơ cấu để bảo đảm cho các cá nhân và gia đình các quyền nền tảng, và khiến cho xã hội lớn mạnh với nhiều tình huynh đệ và liên đới hơn.

Đức Thánh Cha khích lệ mọi người như sau:

Chúng ta hãy nhìn nhau một cách huynh đệ hơn! Mẹ Maria dạy chúng ta có cái nhìn tìm tiếp đón, đồng hành, che chở. Chúng ta hãy tập nhìn nhau dưới cái nhìn hiền mẫu của Mẹ Maria! Có những người cần đến cái nhìn đó hơn hết: những người bị bỏ rơi, người đau yếu, người không có phương tiện sống, người không biết Chúa Giêsu, người trẻ gặp khó khăn. Chúng ta đừng sợ hãi nhìn các anh chị em của chúng ta với cái nhìn của Mẹ.

Hoạt động thứ hai của Đức Thánh Cha chiều Chúa Nhật 22/9 là cuộc gặp gỡ với giới văn hóa lúc quá 4 giờ chiều tại thính đường Giáo Hoàng phân khoa thần học ở Cagliari do các cha dòng Tên đảm trách. Ngoài ra còn có đại diện của hai Đại học công lập tại Cagliari và Sassari.

Ngỏ lời trong dịp này, sau lời chào mừng của linh mục khoa trưởng thần học và hai giáo sư viện trưởng hai trường Đại học, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đức Giáo Hoàng nói rằng chúng ta đang sống trong một môi trường thay đổi nhanh chóng.

Đức Thánh Cha nói:

"Tôi nghĩ về sự phân hủy của môi trường: Điều này là nguy hiểm. Hãy nghĩ về tương lai, về cuộc chiến liên quan đến nguồn nước đang ló dạng, về sự bất bình đẳng xã hội, về sức mạnh tàn phá kinh hoàng của vũ khí mà chúng ta đã đề cập đến trong những ngày qua, về hệ thống kinh tế và tài chính, trong đó tiền của, vị thần tài, được đặt ở vị trí trung tâm chứ không phải là con người. Hãy nghĩ đến sự phát triển và sức nặng của các phương tiện truyền thông, với những mặt tích cực trong giao tiếp và chuyển tải. Đây là một sự thay đổi sâu xa quy định cách thức nhân loại tiến về phía trước trong thế giới này. "

Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi các nhà khoa học hãy tạo ra một nền văn hóa đoàn kết, và không sợ hãi đối thoại.

Giã từ giới văn hóa, Đức Thánh Cha trở lại Quảng trường Carlo Felice gần bến tàu Cagliari nơi ngài đã gặp giới lao động của đảo Sardegna vào sáng Chúa Nhật. Tại đây 100 ngàn bạn trẻ đã tụ tập tại đây ca hát, suy tư và nghe chứng từ về đề tài: “Con hãy thả lưới!” dựa trên Tin Mừng theo thánh Luca (5,4-11).

Khi Đức Thánh Cha đến, họ đã dành cho ngài một cuộc tiếp đón nồng nhiệt không khác gì Ngày Giới trẻ Thế giới, ngoại trừ địa điểm diễn ra cuộc gặp gỡ không phải là Rio De Janeiro, nhưng là hòn đảo Sardinia của Ý. Đức Thánh Cha đã gặp gỡ với hàng trăm ngàn người trẻ trong chuyến viếng thăm mục vụ của ngài. Một số đại diện bạn trẻ đã chào mừng và xin Đức Thánh Cha trả lời một số thắc mắc xin ngài giải đáp.

Đức Thánh Cha đã bông đùa với các bạn bằng tiếng Ý và Tây Ban Nha,

"Bây giờ cha trả lời một số ‘preguntas’ của các con. Cha đoán là cha đang nói đặc một giọng "địa phương" phải không? " preguntas là tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là câu hỏi.

Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi các bạn trẻ đừng lìa xa Giáo Hội. Ngài đặc biệt nói về một xu hướng chung cần phải chấm dứt.

Đức Thánh Cha nói:

"Trong khi đọc các câu hỏi của các con, cha thấy câu này. Bí Tích Thêm Sức. Tên của bí tích này nghĩa là gì ? Là sự củng cố phải không? Tên của bí tích này đã thay đổi thành Bí Tích ‘Chia Tay’. Sau bí tích đó thanh niên rời khỏi Giáo Hội. Phải không? Đây là một kinh nghiệm thất bại. "

Đức Giáo Hoàng sau đó khuyến khích các bạn trẻ có niềm hy vọng thực sự vào tương lai.

Đức Thánh Cha nói:

"Là những người trẻ, các con không thể và không được đánh mất đi niềm hy vọng. Hy vọng đơn giản là một phần trong bản chất của các con. Một người trẻ tuổi không còn hy vọng gì cả thì không còn trẻ nữa. Đó là một người đã gìa quá sớm. "

Đề cập trực tiếp đến việc sử dụng ma túy và rượu, Đức Giáo Hoàng cảnh báo về sự nguy hiểm khi con người đặt hy vọng của mình sai chỗ.

Đức Thánh Cha nói:

"Các con biết đấy, những kẻ buôn cái chết. Những người bán cái chết, đưa ra một con đường mới khi các con đang buồn phiền, đang mất hy vọng, đang mất đi sự tự tin, và sức mạnh. Xin vui lòng đừng bán tuổi trẻ của các con cho những đại diện của thần chết. Các con biết cha đang nói về những gì. Tất cả các con đều hiểu rõ. Đừng bán cuộc sống của các con"

60 năm trước đây Đức Giáo Hoàng đã cảm thấy một ơn gọi mạnh mẽ để trở thành một linh mục của Chúa. Đề cập đến kinh nghiệm cá nhân này, Đức Thánh Cha nói:

"Cha không hối tiếc. Không bao giờ hối tiếc! Các con có thể hỏi tại sao - Có phải vì cha cảm thấy như Tarzan và đủ mạnh để đi tiếp con đường cha đã chọn? Không, cha không hối tiếc vì trong mọi lúc, ngay cả tại những khoảnh khắc đen tối nhất của tội lỗi, yếu đuối và thất bại, cha luôn nhìn về phía Chúa Giêsu và cha tin tưởng vào Ngài. Ngài đã không bao giờ bỏ rơi cha. "

Để cảm ơn Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm của ngài tại hòn đảo đèo heo hút gió này, một nhóm thanh niên đã trình bày những điệu múa với âm nhạc truyền thống của đảo Sardinia .

Sở cảnh sát ở Cagliari cho biết có tới 400 ngàn người đã tham dự các sinh hoạt và buổi lễ do Đức Thánh Cha cử hành tại đây Chúa Nhật vừa qua.