Giáo Luật và Hôn Phối

Dân Chúa Úc Châu (Thứ Ba 19/8/2003)

Tòa trong và tòa ngoài

Kính thưa Cha,

Con là đọc giả trung thành của Nguyệt San Dân Chúa. Mỗi khi cầm một tờ báo mới là con mở ngay ở “Mục Lục” xem nếu có phần giải đáp thắc mắc Giáo Luật của Cha là con xem trước tiên đã. Trong tờ báo số 100 vừa qua, Cha trả lời về việc “Phạm tội là làm được một việc tốt”, con biết Cha nói thực không pha “tếu”, nhưng phần giải đáp vẫn làm con cười tức bụng và qua đó con cũng học được một kinh nghiệm đáng giá.

Xin Chúa luôn luôn chúc lành cho Cha và ban cho Cha sức khỏe dồi dào. Sau đây, xin Cha vui lòng giải đáp cho con một số thắc mắc như sau:

1. Xin Cha giải thích và cho thí dụ cụ thể những việc gì thì thuộc “tòa trong” và những gì thì thuộc “tòa ngoài”?. Khi một hối nhân xưng tội xong, được Cha giải tội ra việc đền tội và ban ân xá giải. Trước khi ra khỏi tòa giải tội, hối nhân đó trình bày với Cha giải tội về việc đang có bất hòa trầm trọng và dai dẳng với vợ hoặc chồng mình để xin Cha giải tội giúp giải quyết. Thưa Cha vấn đề hối nhân trình bày lúc đó là thuộc tòa trong hay tòa ngoài? Cha giải tội có thể mời người kia đến nói chuyện bất hòa đó và khuyên làm hòa không?

2. Một đôi vợ chồng ngoài công giáo, chỉ có một người xin học giáo lý xin rửa tội và xin rửa tội các con nhỏ. Như vậy cặp vợ chồng này có cần phải hợp thức hóa hôn phối theo phép chuẩn không? Cũng tương tự, nếu một cặp vợ chồng già trên 75 tuổi thì thế nào?

3. Một cặp vợ chồng hay hai người bạn có bất hòa sâu sắc và dai dẳng trông nhau như kẻ thù. Một người nói nó như rễ cây cổ thụ rồi rất khó nhổ ra, rất khó mà tha thứ. Người này hầu như tham dự thánh lễ và rước lễ hàng ngày và nói Chúa cũng thông cảm thôi chớ khó mà tha thứ quá. Xin Cha cho lời khuyên để hai người này đọc được lời khuyên của Cha hy vọng họ sẽ hòa giải với nhau.

4. Về Kinh Mân Côi. Sách Giáo lý số 971 viết: “Kinh Mân Côi được coi như “Bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng”. Tại một cộng đoàn công giáo nọ, hễ có cuộc rước kiệu Đức Mẹ và vào các cuộc rước kiệu Đức Mẹ Fatima vào mỗi ngày 13 mỗi tháng từ tháng 5 cho đến tháng 10, thì vị chủ sự đứng trên bục giảng nói: “Khi lần hột, các kinh tôi đọc phần đầu, còn cộng đoàn đọc phần sau. Khi đọc Kinh Kính Mừng vị chủ sự này đọc: Kính Mừng Maria đầy ơn phúc. Đức Chúa Trời ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc lạhơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Mẹ gồm phúc lạ. Xin Cha cho con và tín hữu thuộc cộng đoàn này hiểu ý nghĩa của sự thay đổi này.

5. Về lễ Phục sinh: Thưa Cha cho biết tại sao Lễ Phục sinh không nhằm vào một ngày nhất định trong năm? Có người nói là tính theo năm Phụng vụ thì con rất khó hiểu. Có người thì nói tính theo ngày lễ Vượt qua theo lịch Do Thái cũng giống như Tết Âm lịch không nhằm vào một ngày nhất định theo dương lịch. Xin Cha giải thích.

6. Chúng con thường nói Đức Chúa Giêsu làm phép lạ. Đọc trong Tin Mừng thì chúng con thấy dùng từ “dấu lạ”. Thưa Cha có sự khác nhau giữa “phép lạ” và “dấu lạ” không?

Thưa Cha, con đặt nhiều câu hỏi quá. Nếu Cha không trả lời trên cùng một số báo thì Cha có thể trả lời làm hai lần.

Nguyện xin Chúa và Mẹ Maria luôn chúc lành cho Cha.

Kính thư: Trương Cổ Thành (tên thật của con là PH...)

Đáp

Kính thăm Ông Trương Cổ Thành,

Cám ơn ông đã hướng dẫn tôi cách trả lời các thắc mắc của ông: “Nếu Cha không trả lời trên cùng một số báo thì Cha có thể trả lời làm hai lần..”. Giá mà ông chia những câu hỏi trong thư và hỏi làm hai lần thì có lẽ sự việc sẽ dễ dàng cho cả hai chúng ta... vì chính ông sau khi đọc lại những gì đã viết, ông đã phải thốt ra: Thưa Cha con đặt nhiều câu hỏi quá!...

Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng đi qua từng điểm kê khai trong thư của ông.

1. Về vấn đề “tòa trong” và “tòa ngoài”. Có hai cách hiểu những từ ngữ này mà trong lãnh vực luật pháp người ta hay nói tới:

Hiểu theo nghĩa chật và hiểu theo nghĩa rộng. Hiểu theo nghĩa chật thì “tòa trong” (còn gọi là ấn tín tòa giải tội) là tất cả những điều một cha giải tội đã được nghe, biết khi tiếp xúc với hối nhân trong tòa giải tội (từ lúc hối nhân lên tiếng cho đến khi hối nhân bước ra khỏi nơi giải tội (hay bằng một hình thức khác diễn tả hiển nhiên thời điểm khởi đầu và thời điểm chấm dứt việc xưng tội và giải tội).

Theo nghĩa rộng thì “tòa trong” là tất cả những gì một linh mục biết về lãnh vực thiêng liêng phần hồn của những người đến với ngài vì ngài là linh mục.

Hiểu theo cả hai nghĩa thì việc “ấn tín” này là luật tự nhiên, là thiên luật và đồng thời là luật của Giáo hội (nhân luật), vì thế, không cứ gì cha giải tội, mà ngay một tín hữu bình thường cũng nên giữ “ấn tín tòa trong” hiểu theo nghĩa rộng khi bằng cách nào đó trong cuộc sống biết về đời tư của người khác.

Giải thích như thế tưởng như đã là câu trả lời cho thí dụ của ông trong phần này.

2. Giáo hội nhìn nhận những vợ chồng không phải là công giáo là vợ chồng khi họ đã cử hành (hay đã không cử hành!) hôn nhân theo cách thế của họ, và vì vậy, giáo hội nhìn nhận việc sống chung của họ là hôn nhân thành sự (dĩ nhiên là phải có một chứng cớ nào đó của việc sống chung vợ chồng, chứng cớ này có thể là giấy hôn thú dân sự hay sự hiển nhiên chấp nhận của xã hội dân sự). Vì thế, khi một trong hai người muốn gia nhập giáo hội, hôn nhân của họ vẫn phải được kể là tồn tại và hợp pháp.

Giải thích như thế tưởng như đã là câu trả lời cho câu hỏi bắt đầu bằng từ ngữ “Cũng tương tự...” của ông trong phần này.

3. Một người tham dự thánh lễ và rước lễ hàng ngày, thì tôi chắc người đó cũng nghe mỗi ngày những khuyến dụ của các cha dâng lễ về lãnh vực tha thứ và ơn Chúa. Ông viết rằng “... Xin Cha cho lời khuyên để hai người này đọc được lời khuyên của Cha hy vọng có thể hòa giải với nhau...”.

Tôi nhớ trong Phúc Âm, ở đoạn khi nhà phú hộ nọ nói với Abraham rằng xin Cha sai Lagiarô về nhà cha tôi vì tôi còn bảy anh em nữa, kẻo họ cũng bị sa hỏa ngục như tôi... Abraham đã trả lời: Nếu chúng đã không nghe Moisen và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết có sống lại, chúng cũng chẳng nghe đâu! (Luca 16,24).

4. Về Kinh Mân Côi, Giáo hội coi (và thật sự là như vậy) là “tóm tắt toàn bộ Tin Mừng”, vì mỗi ngắm trong hai chục ngắm tắt trước mỗi chục kinh Mân Côi, là một mầu nhiệm hay biến cố trong đời Chúa Kitô, kể từ lúc Thiên Thần truyền tin cho đến khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Việc sùng kính Đức Mẹ qua Kinh Mân Côi được Giáo hội cổ võ qua phần 971 ông đề cập: Mẹ Maria đã và đang được tôn kính một cách chính đáng trong Giáo hội...

Về việc đang xảy ra tại một cộng đoàn nọ trong cách đọc Kinh Mân Côi (hay có sự thay đổi nào đó khi đọc Kinh Mân Côi) thì không biết ông có lầm khi đặt câu hỏi này với tôi không? Câu hỏi của ông.. . “Xin Cha cho con và tín hữu thuộc cộng đoàn này hiểu ý nghĩa của sự thay đổi...”. Theo tôi, câu hỏi này phải được đặt với Cha chủ sự, người xướng xuất ra việc này chứ không phải với tôi.

5. Công đồng Nicea I (năm 325) qui định rằng Chúa Nhật Phục sinh sẽ là Chúa Nhật ngày Xuân Phân, hay nếu ngày Xuân Phân không phải là Chúa Nhật, thì Chúa Nhật ngay sau đó, rồi từ đó tính ra các ngày khác cho lịch Phụng vụ.

Tưởng cũng nên biết rằng mỗi năm, có hai ngày khi mặt trời đi qua xích đạo gọi là ngày Xuân Phân (vernal equinox - spring equinox) và ngày Thu Phân (Autumnal equinox).

6. Qua ngôn ngữ, người ta có nhiều cách thế khác nhau để ám chỉ một sự việc.

Để nói về những hành động và sự kiện khác thường Chúa Giêsu đã thực hiện khi Ngài còn tại thế trong thân xác con người. Những hành động này, đã được thực hiện không theo qui luật tự nhiên, mà phải do sức mạnh siêu nhiên thần bí, người ta gọi đó là những dấu lạ, phép lạ, sự lạ, điều kỳ diệu, phép thần v. v... tùy theo hoàn cảnh và mạch văn.

Nguyện xin Chúa và Mẹ Maria luôn chúc lành cho chúng ta. Amen

Việc hữu hiệu của hôn nhân (1)

Thưa cha,

Con là một tu sĩ nên hồi cô ấy tỏ tình với con cách đây khoảng hai năm, con đề nghị kết nghĩa anh em. Sau một thời gian suy nghĩ, cô ấy đồng ý.

Từ lúc đó, con vẫn hy vọng tình cảm của cô ấy sẽ được chuyển hướng sang cho một người khác, và con vẫn thường động viên cô ấy bước tới xây dựng tương lai của mình với một người mà cô ấy có thể chọn làm bạn đời. Cuối cùng, cô ấy cho con biết là cô ấy đã chọn người bạn thân học chung lớp với con hồi con chưa đi tu, nhưng cô ấy thú nhận là ngoài tình yêu dành cho con ra cô ấy không có tình yêu nào khác.

Cô ấy đồng ý tiến tới hôn nhân vào năm tới với bạn con do nhiều yếu tố chi phối: chán sống trong gia đình của bố mẹ; tuy không yêu bạn con (như cô ấy nói) nhưng vì thấy bạn con là một người đàng hoàng, kiên nhẫn theo đuổi mình nên ‘đánh liều’ đồng ý tiến tới với hy vọng tình yêu sẽ nảy nở sau khi thành vợ chồng.

Cô ấy tâm sự rằng: “ Điều em sợ nhất là khi gặp sóng gió trong cuộc sống gia đình em sẽ không thể chu toàn trách nhiệm của mình vì em không thật sự có tình yêu với người ấy. Thương thì thương nhưng không yêu”.

Con thấy mối quan hệ của họ rất tốt về đa số các phương diện ngoại trừ điều ‘nhỏ bé mà quan trọng’ kia. Điều cô ấy sợ cũng là điều con sợ. Con yêu cô ấy nhưng con đã lựa chọn con đường dấn thân phục vụ. Đã nhiều lần và kể cả lần cách đây mấy ngày, cô ấy hỏi con một lần nữa rằng con có dám bỏ tu, còn cô ấy sẽ chia tay với bạn con, để tiến tới với nhau.

Trình bày dài dòng như vậy, con cốt chỉ muốn hỏi cha: nếu họ tiến tới bí tích hôn phối thì hôn phối ấy có thành sự (valid) không? Họ là những người tốt, có lẽ bạn con cũng yêu cô ấy (vì bạn con tỏ ra rất kiên nhẫn theo đuổi) nhưng tình yêu của bạn con có vẻ mang tính một chiều nhiều hơn.

Liệu họ có thể sống trọn cuộc đời vợ chồng khi thiếu đi cái ‘tình yêu tự nhiên’ kia trong một thế giới mà các chuẩn mực xã hội không còn đủ mạnh để ràng buộc họ sống đến trọn đời với nhau không?

Xin cha giải đáp giúp con và nếu có thể thì xin cha cho con một lời khuyên. Con chân thành cám ơn cha. Xin Chúa chúc lành cho cha luôn mãi!

Andrê

Đáp

Thăm Andrê,

Sau đây là một vài chia sẻ của Cha Tiến, sau khi đọc thư của Andrê:

- Việc hướng thượng tình yêu của Andrê qua quyết định từ chối tình yêu riêng để chọn sống đời sống tận hiến là một điều hết sức đáng khâm phục. Đó là dấu hiệu và là cách đáp trả ơn gọi của những người có ơn gọi sống đời sống tận hiến.

Việc đề nghị và chấp nhận song phương kết nghĩa anh em (trong trường hợp này) là một việc làm ấu trĩ, thiếu kinh nghiệm và là dấu hiệu của việc chưa trưởng thành. Ơn gọi sống đời tận hiến và đời sống gia đình khác nhau ở nhiều điểm, đồng thời cũng giống nhau ở nhiều điểm: (1) khác nhau là vì một bên sống với người khác và một bên sống đời độc thân; (2) Giống nhau ở chỗ là cả hai đời sống đều có những lúc “cơm không lành, canh không ngọt”. Ở vào những thời điểm này, người ta sẵn sàng bỏ hết để tìm đến một nơi mà người ta cho là “an toàn” và “đầm ấm” hơn.

Giả như một người chồng đang trong lúc “gay cấn” với vợ mà lại có một người phụ nữ “nào đó” mình yêu và yêu mình, đang “sẵn sàng” ở gần đâu đó, thì cái nguy cơ tìm đến nhau nó rất khả thể (tục ngữ có câu: tình cũ không rủ cũng lại).

Một người đang sống đời sống tận hiến cũng thế, có những giờ phút cô độc và “cô đơn” đến ghê khiếp, ơn Chúa gần như không còn được nhận diện (dù ơn Chúa vẫn ở đó). Những giây phút như thế mà lại có một người phụ nữ “nào đó” mình yêu và yêu mình, đang “sẵn sàng” ở gần đâu đó, thì cái nguy cơ tìm đến nhau nó rất khả thể (tục ngữ có câu: tình cũ không rủ cũng lại).

Trên thực tế, khó tìm được một liên hệ xã hội nào được coi là thuần túy đúng đắn giữa hai người nam nữ yêu nhau bằng tình yêu con người, nếu hai người nam nữ ấy không phải là hai vợ chồng hay anh chị em ruột thịt.

Việc cô ấy tâm sự rằng: “ Điều em sợ nhất là khi gặp sóng gió trong cuộc sống gia đình em sẽ không thể chu toàn trách nhiệm của mình vì em không thật sự có tình yêu với người ấy. Thương thì thương nhưng không yêu” có thể chia làm hai vế. Vế thứ nhất rất đúng: “Điều em sợ nhất là khi gặp sóng gió trong cuộc sống gia đình em sẽ không thể chu toàn trách nhiệm của mình..”. Nhưng vế thứ hai còn phải xét lại, làm sao phân tích được sự khác biệt giữa thương và yêu, nhất là cô ấy lại phát biểu câu này trước mặt Andrê (người cô ấy bảo là đang yêu?)

Việc thành sự (validity) của một hôn phối cần hội đủ ba điều kiện, vào chính lúc cử hành hôn phối được xét như sau: (1) Hai người không bị ngăn trở; (2) Hai người cử hành hôn phối theo nghi thức Giáo hội qui định và (3) hai người tự do nói lên sự ưng thuận của mình. Không một tòa án nào, không một đấng bậc nào có trách nhiệm trong lãnh vực này với ba điều kiện kể trên sẵn sàng mà lại đi xét về việc thành sự hay không của một bí tích chưa được cử hành. Cuối cùng, nếu cần chia sẻ một lời khuyên, Cha Tiến sẽ lập lại Lời Chúa nói với những kẻ muốn theo Ngài: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn ngươi, hãy theo Ta.” (Mt. 8,22)

Thân mến chúc lành,

Việc hữu hiệu của hôn nhân (2)

Trọng kính Cha,

Cách đây vào khoảng vài tuần con có đọc mục Giải Đáp thắc mắc về vấn đề Hôn Phối trên Vietcatholic.net của cha. Nay con xin nhờ cha chỉ dạy giùm con một vấn đề như sau:

Con có một người em họ, tên là A đã lập gia đình với chị B được khoảng 20 năm và đã có bốn mặt con. Hai người này không có phép Hôn Phối cũng như không có hôn thú ngoài đời.

Giờ đây anh A có quen chị C vào khoảng 3 năm và họ cùng làm một chỗ với nhau, trong thời gian anh A và chị C làm chung với nhau thì anh A và chị C đã ăn ở với nhau mặc dầu chị C biết anh A đã có gia đình, và sau đó anh A và chị C quyết định đi tới việc lập gia đình với nhau cho nên anh A đã bỏ chị B để lập gia đình với chị C và nhân dịp anh A và chị C về VN ăn tết, hai người đã làm phép Hôn Phối tại VN. Vậy con xin cha cho con biết phép Hôn Phối giữa anh A và chị C có thành hay không? Xin cha giải thích cho con tại sao thành hay tại sao lại không thành. (Tất cả 3 người A, B và C đều là đạo Công Giáo.)

Con xin cám ơn cha nhiều.

Lê Minh

Đáp

Kính thăm anh Lê Minh,

Đọc thư anh viết, tôi hiểu là anh và cả ba người kia đều là công giáo. Nhưng tôi lại không hiểu là quí anh chị hiểu việc “lập gia đình” theo quan niệm, giáo huấn và cách nói của người công giáo thế nào?

Anh viết:.. . “Con có một người em họ đã lập gia đình với chị B...”. Nhóm từ “lập gia đình” anh viết trong trường hợp này là anh căn cứ vào “điểm” nào của việc chung chạ trong 20 năm với 4 mặt con giữa A và B khi cả hai người không có hôn thú dân sự và cũng không qua một nghi thức tôn giáo nào cả? Rồi sau đó anh viết thêm: “mặc dầu chị C đã biết anh A đã có gia đình.. . sau đó anh A và chị C quyết định đi tới việc lập gia đình.. .” và “anh A đã bỏ chị B để lập gia đình với chị C.”

Hình như anh chưa xác định được cách nói, cách hiểu và thực hành việc “lập gia đình” theo giáo huấn của Giáo hội!

Một hôn phối (theo luật) thành sự khi hai người cử hành hôn phối ấy hội đủ ba điều kiện luật qui định vào chính lúc cử hành hôn phối. Ba điều kiện ấy như sau: (1) Hai người không bị ngăn trở gì theo luật định; (2) Hai người cử hành hôn phối theo như nghi thức Giáo hội qui định và (3) Hai người tự do nói lên sự ưng thuận của mình.

Chúc anh luôn an khang và nhiều ơn Chúa.

Lm. Bùi Đức Tiến