Gõ Cửa

Hai tuần về Việt Nam vào tháng tám cách đây bốn năm, Chúa Nhật đầu tiên, tôi đi nhà thờ Huyện Sĩ ở gần ngã sáu Sàigòn, nhà thờ đang được trùng tu nên thánh lễ cử hành trong sân bên trái, có mái che, mới sáu giờ sáng mà quạt trần đã quay vùn vụt, giáo dân ngồi đầy các băng ghế.

Ca đoàn hát đến bốn bè, dàn âm thanh và nhạc cụ khá hoàn chỉnh, chỉ tội nhạc lễ xưa như diễm, từ nhạc phụng vụ cho đến thánh ca, tất cả đều lùi về thế kỷ trước, nhìn lại giáo dân đâu đến nỗi gìa, dĩ nhiên vẫn có ông nội, bà ngoại tham dự thánh lễ nhưng giới trẻ vẫn chiếm đa số.

Cha xứ càng không phải là người gìa, tôi nghĩ cha gần sáu mươi, nhưng cách giảng của cha thì trẻ vô cùng, ngài mở đầu bài giảng như thế này :

- Hôm đó đã hơn tám giờ đêm, điện thoại cứ reo liên tục, cứ cách năm phút lại reo, tôi nhớ đoạn phúc âm chúa nói « hãy gõ, thì sẽ mở... », và nghĩ giáo dân nào mà theo sát phúc âm đến thế nhỉ, đến lần thứ ba thì tôi nhấc máy.

Bên kia đầu dây, một giáo dân giọng đầy cảm xúc :

- Cha ở đâu mà con gọi mãi, mà này, cha có biết ông vua nhạc Pop M. Jackson vừa qua đời ...

Cha kể tiếp :

- Anh ta nói huyên thuyên nhiều lắm, giọng đầy thương cảm, cũng dễ hiểu thôi, thần tượng của anh, mà hình như tối hôm đó anh không có ai để chia sẻ nỗi buồn, nên anh đã gọi tôi đến ba lần, anh đã áp dụng đúng bài phúc âm của chúa.

Nói xa gần rồi cha cũng trở về bài phúc âm « Gõ cửa », chúng ta phải kiên nhẫn, dù có phải gõ cửa đến nhiều lần, vì chủ nhà dù không thích cuối cùng vẫn phải « mở cửa » để không bị làm phiền, đó là ta đã thắng bước đầu, còn nếu chủ nhà thích ta mà mở cửa ngay thì coi như ta « toàn thắng ».

Anh giáo dân kia đã biết vận dụng « đạo vào đời » khá trơn tru, còn chúng ta đã biết dùng chiêu đó chưa, và đã áp dụng như thế nào ? Làm gì thì làm, trước khi « Gõ cửa » chúng ta nên đọc kinh xin chúa soi sáng xem có nên và gõ có đúng chỗ, đúng lúc không ?

Tôi không thể đưa ra hết những trường hợp cụ thể, vì chúng ta mỗi người một cảnh, ngay như tôi trước khi « gõ cửa » cũng phải cầu nguyện, vì vậy cầu nguyện, suy ngẫm là điều cần làm trước khi bắt đầu một việc gì đó, hoặc trước khi lấy một quyết định quan trọng.

Cha kết thúc bài giảng như thế, mỗi người liệu cơm gấp mắm, tôi còn lay hoay chưa bước ra khỏi câu kết của cha, ca đoàn hát lên một bài bốn bè vang dộn sân giáo đường, cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi, lại một bài thánh ca xa xưa.

Tuần sau tôi trở lại nhà thờ này, vẫn là cha của Chúa Nhật tuần trước, một bài giảng khác, cũng đạo trong đời, không biết giáo dân ở đây nghĩ gì, riêng tôi thấy cách giảng của ngài giống cha tây xứ đạo xóm tôi, cũng vào tuổi sáu mươi, họ ở hai phương trời cách biệt, mà sao lại có cách nói giống nhau đến thế.

Chiều thứ bảy trước khi lên máy bay, tôi đi lễ nhà thờ ba chuông, đúng ngày lễ Đức Mẹ lên trời, thánh lễ được ca đoàn phục vụ hết sẩy, nhạc và thánh nhạc na ná lễ Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) chiều thứ bảy ở giáo xứ Paris mình.

Lúc rước lễ ca đoàn hát bài « Linh hồn tôi tung hô Chúa », giời ạ nghe cứ tưởng mình còn ở bên tây.

Cuối lễ cha mời mọi người ra tượng đài Đức Mẹ đọc ba kinh Kính Mừng, rồi hát bài « Mẹ là bóng mát », lại một bài ruột của ca đoàn TNTT.

Tôi trộm nghĩ, giá mà ca đoàn này hát cho thánh lễ sáng Chúa Nhật ở nhà thờ Huyện sĩ, nhưng có khi ca đoàn ở đó không thu hút tôi nên Chúa « bù lỗ » cho ông cha giảng hay.

Lạy chúa tôi, đã đến cửa thiền mà còn sân si, đi lễ như đi xem phim, đòi hỏi kịch bản, diễn viên tài ba mà mình không tốn một xu teng, sao không cảm ơn ca đoàn cất công tập dợt ròng rã trong tuần, nhạc xưa là do ca trưởng chuộng đồ cỗ, cũng là mặt hàng quý hiếm mà.

Trở về nhà thờ Ba Chuông, đứng trước tượng đài mới tôi chợt nhớ đến tượng đài Đức Mẹ ngày trước, dạo đó cha Trần Mục Đích hay chỉ trích chương trình Appolo của Mỹ, có lần trên bục giảng ngài nói :

- Để xem, sức mấy mà con người lên nổi cung trăng, sao nhân gian lại dám thách đố Chúa

Những năm sáu mươi, tôi chưa đủ hai mươi tuổi, tôi tin cha Đích nói đúng, nhưng vài năm sau Amstrong đã đặt chân lên cung trăng thật, huyền thoại mặt trăng của riêng Chúa theo suy nghĩ của cha Đích đã bị con người khám phá, tôi hoang mang nghĩ đến cha và thương cha lắm.

Rồi nhà thờ ba chuông xây tượng đài Đức Mẹ trong khuôn viên bên trái nhà thờ, sau lưng tượng Đức Mẹ là phi thuyền lớn và phi thuyền nhỏ bằng bêtông ốp đá rửa, chung quanh trồng mấy cây xoài.

Cha Đích không còn chỉ trích chương trình Appolo nữa, giáo dân cũng chẳng có người nào thắc mắc về lời giảng của cha ngày trước, ngay cả tôi cũng quên khoáy điều đó.

Hôm nay đứng trước tượng đài mới, lòng tôi còn vương vấn tượng đài xưa, thưở đó tôi còn ngu ngơ, chưa biết đời, tin Chúa, tin đời đẹp lắm.

Bây giờ tôi đã đi hết hai phần ba cuộc đời, tôi vẫn tin Chúa, tôi vẫn tin đời, đời đẹp xấu là do cái nhìn của mình, do cách đón nhận và cách hành xử của mình.

Trở về bên Tây, cha xứ xóm tôi dâng thánh lễ cuối cùng trước khi chuyển đến giáo phận mới, trong thánh lễ cuối tháng tám tỉnh lặng vì người ta còn nghỉ hè, ngài tóm tắt :

- Tôi rất hài lòng vì đã chung sống với quý vị mười năm, theo sự bổ nhiệm ban đầu, tôi chỉ ở đây sáu năm thôi, nhưng kết quả là mười năm, vì bề trên tin tôi, vì quý vị ủng hộ và hợp tác hết mình với tôi...

Một tràng pháo tay cắt ngang bài giảng của ngài, ngài tiếp :

- Phải công nhận xứ đạo của chúng ta thanh bình quá, tôi không phải động não nhiều, có lẽ sợ tôi quá an nhàn có thể dẫn đến « bại não », nên bề trên quyết định chuyển tôi đến họ đạo vùng ven Paris. Có lần đến đó để thăm dò tình hình, tôi thấy phía sau cung thánh, có cái bảng như thế này: trạm cao thế, nguy hiễm chết người.

Giới trẻ ở đó lấy câu này từ một trạm điện cao thế như để « nắn gân » vị chủ chiên vì dân tình ở đây rất đa dạng, năng động lắm... Tôi thầm nhủ, một đơn vị công tác ngoạn mục đầy hứa hẹn, nhưng tôi không ngại, vì tính tôi thích phiêu lưu ...

Lại một tràng pháo tay, tôi tiếc ngẫn ngơ một vị chủ chăn có tài kể chuyện về chúa cho chúng tôi nghe, tôi đang tiếc, tiếng ngài cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi :

- Quý vị còn nhớ, có lần tôi có bàn đến « Lời Chúa », ở thế kỷ 21 này mà Chúa dạy chúng ta : phải yêu kẻ thù của mình, rồi đưa thêm má bên kia cho người ta tát tiếp ... trong cái thời buổi nhiễu nhương này, chiến tranh nghèo đói, con người mạnh ai nấy sống... « Lời Chúa » có vẻ không thực tế chút nào.

Ngưng một chút, ngài nhìn xuống nhà thờ, mỉm cười, đúng là cái cười mời gọi « nhập cuộc » quen thuộc, rồi ngài tiếp :

- Lời Chúa đó, nhưng chúng ta đừng nghe, đừng nghĩ theo từng con chữ, mà hãy nghiệm theo cách sống của chúa, chính những câu nghe chừng như phi lý đó, giúp chúng ta suy xét lại đời mình.

Con người gần như khám phá ra vũ trụ là gì rồi, thế chúng ta còn tin Chúa nữa không ? Niềm tin vẫn không suy siễng, vì Chúa đã cho ta cái sáng suốt nhìn ra bàn tay của Người trong cuộc đời ta, cái mà con người thực sự khám phá ra, không phải là cái vũ trụ này, mà là sự khôn ngoan Chúa đã ban cho ta.

Ngài làm tôi nhớ đến cha Trần Mục Đích, ngày đó chắc Chúa Thánh Thần đã « giải mã » cái sự hiểu biết của nhân loại để cha Đích không còn phản đối chương trình Appolo, và khi xây tượng Đức Mẹ đứng trước phi thuyền chắc ý cha chánh xứ lúc đó cũng muốn đưa ra thông điệp, con người có khôn đến đâu đi nữa thì cũng do Chúa soi sáng mà thôi.

Trước khi kết thúc bài giảng, ngài cảm ơn mọi người đã đồng hành với ngài trong suốt mười năm qua, sau lời cảm ơn đó thánh lễ tiếp tục trong không khí lặng lẽ, chắc mọi người vừa nhận ra cuộc chia ly đã cận kề, đầy thương tiếc.

Còn tôi, tuy chưa có dịp tiếp xúc riêng với ngài, nhưng cảm giác mất mát đang xâm chiếm lòng tôi, thôi thì cầu cho ngài tiếp tục đem lời chúa đến với xứ đạo « nguy hiểm đến chết người » nơi kia.

Tôi tin tài kể chuyện đạo của ngài sẽ lôi kéo mọi người biến nơi nguy hiểm đó trở thành tụ điểm của những người thích nghe chuyện « Chúa xưa và nay ».

Hôm nay phúc âm trở lại bài « Gõ cửa », tôi chợt nhớ đến cha xứ Tây ngày trước, ngài đã biết cách « Gõ cửa lòng » giáo dân xóm tôi, nên đến bây giờ con số trên dưới trăm mạng vẫn siêng năng dự lễ chiều thứ bẩy.

Tôi tin ở xứ đạo mới của ngài cũng sẽ đông vui như ở đây vì ngài đã Gõ đúng nhịp đập con tim của giới trẻ đôi khi bị mất phương hướng trước những tiến bộ khoa học hiện đại ngày nay.

Juillet 13/ Đoàn Thị