THƯ MỤC VỤ 01.9.2003

Số 111

BÀI GIẢNG

THÁNH LỄ NHẬN CHỨC LINH MỤC CHÁNH XỨ

(Cù mi, 21-8-2003)

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, tôi đưa đến cho anh chị em một mục tử mới. Bắt đầu từ hôm nay, trên bình diện đức tin, Ngài là vị chủ chăn chính thức của anh chị em. Chúa Giêsu, trong chương 10, từ câu 11 đến câu 16 sách Tin Mừng theo Thánh Gioan, đã tự giới thiệu mình như sau:

Ta là mục tử nhân lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì con chiên.

Ta là mục tử nhân lành, Ta biết các chiên Ta, và chiên Ta biết Ta.

Ta còn nhiều chiên khác không thuộc về đàn này, cả những chiên đó, Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta.

(Ga 10,11-17).

Ta là mục tử nhân lành

Là mục tử nhân lành, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế, không như một ông hoàng hay một tướng lãnh đầy quyền uy và thế lực. Thánh Phaolô viết: “Vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế ” (Pl 2,6-7). Người đã đến thế gian, không phải để làm vua, mặc dù nhiều lần dân chúng đã tìm cách tôn vương Người (x. Ga 6,15). Quan liêu, hống hách, độc đoán, cửa quyền không phải là thái độ, là cung cách, là lối sống hay là cách xử thế của Người. Chính Người đã nói với các môn đệ: “Vua chúa các dân ngoại thì thống trị dân và những kẻ có quyền hành thì bắt dân gọi mình là ân nhân. Phần các con thì không như thế, vì ai cao trọng hơn trong các con thì hãy trở thành như người nhỏ nhất và kẻ làm đầu, hãy trở thành như người hầu hạ ” (Lc 22,25-26)… “Thầy ở giữa các con như người hầu hạ ” (Lc 22,27).

Dân chúng, nhất là các người Biệt phái, Luật sĩ và các tư tế mong đợi một Đấng Thiên Sai trần thế, có chức năng giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của Đế quốc Rôma. Nhưng Chúa Giêsu, người mục tử nhân lành, không đến thế gian với mục đích ấy. Người không phải là một nhà cách mạng hay một chính trị gia. Nhiệm vụ của Người là để “cứu dân mình khỏi tội ” (x. Mt 1,21). Chức năng của Người thuộc phạm vi thiêng liêng. Đấng Messia (thiên sai) là người của Thiên Chúa. Không ai dụ dỗ hay lôi kéo được Người rời bỏ chức năng mục vụ của Người. Người không ngã theo phe nhóm này hay bè đảng khác. Vì người là mục tử của mọi người. Bất kỳ ai, tất cả đều có thể đến với Người. Người là mục tử và chỉ có thế thôi.

Một số đức tính nổi bật

Là người mục tử nhân lành, Chúa Giêsu đã tự nguyện chọn đời sống nghèo khó. Sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Thánh Phaolô viết: “vốn dĩ giàu sang phú quý, nhưng Người đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có ” (2Cr 8,9). Với người luật sĩ xin được theo Người, Chúa Giêsu đã nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có nơi gối đầu ” (Mt 8,20). Rồi khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Người đã dạy các ông: “Đi đường, các con đừng mang gậy, bao bì, lương thực, tiền bạc, cũng đừng mang theo hai áo ” (Lc 9,3). Người còn nói thêm với các ông: “Phúc cho các con là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của các con ” (Lc 6,20).

Ngoài ra, là Con Thiên Chúa, chủ chăn nhân lành, Chúa Giêsu còn nêu gương cho những kẻ theo Người, dấn thân sống đời thánh hiến. Người gọi họ là những người tự nguyện sống khiết tịnh vì Nước Trời (x. Mt 19,12). Trong số các môn đệ đi theo Người trên đường truyền giáo, có các nam nhân như nhóm mười hai Tông đồ, những cũng có một số bà như Maria Mađalêna, Gioanna vợ của ông Cusa, bà Susanna, và nhiều bà khác. Họ đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Người (x. Lc 8,2-3). Chúa vẫn kính trọng và quý mến họ như những người chị, người em và người mẹ của mình (x. Mt 12,50). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc đến thái độ, và cung cách đối xử khôn ngoan và đạo đức này trong bức tâm thư gởi các linh mục hoàn cầu nhân ngày thứ năm Tuần Thánh năm 1995 (x. AAS 87, tr. 793-803).

Sau hết, có hai đức tính mà Chúa Giêsu đã đặc biệt và minh thị dạy dỗ những vị mục tử tương lai của Người: đó là sự hiền lành và khiêm nhượng. “Các con hãy học với Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhượng ” (Mt 12,29). Là Thầy và là Chúa (x. Ga 13,13), Người còn nhiều nhân đức khác đáng làm gương, nhưng vì biết rõ những gì có trong con người (x. Ga 2,25), nên Người muốn nhấn mạnh trên sự hiền lành và khiêm nhượng.

Theo lời tiên báo của tiên tri Isaia, Người sẽ không cãi vả, không kêu to (la rầy, chửi bới…). Chẳng ai nghe tiếng Người trên đường phố (trên diễn đàn). “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn còn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi ” (Mt 12,19). Hiền lành, một đức tính rất cần cho người mục tử. Đức tính thứ hai mà Chúa Giêsu đã minh bạch dạy các môn đệ, nam cũng như nữ: đó là sự khiêm nhượng trong lòng. Cần phải khiêm nhượng cả bề ngoài và bề trong. Vì người khiêm nhượng biết tôn trọng sự thật, người khiêm nhượng dễ sửa mình, dễ nhịn nhục những lỗi lầm của người khác, dễ tha thứ. Người khiêm nhượng biết lắng nghe, biết nhìn nhận những cái hay, cái tốt của người khác và đón lấy cho mình. Nhất là, người khiêm nhượng được Chúa yêu thương và ủng hộ (x. Ga 4,6).

Nghèo khó, khiết tịnh, hiền lành và khiêm nhượng, đó là hình ảnh của Chúa Giêsu, người mục tử nhân lành!

Người mục tử với đàn chiên

Chúa Giêsu nói tiếp: “Ta biết các chiên Ta và chiên Ta biết Ta ”. Sự hiểu biết, quen biết, biết rõ nói đây, theo ngôn ngữ Thánh Kinh và theo ý của chính Chúa Giêsu, không dừng lại ở phương diện lý trí, mà bao gồm cả tâm hồn, được họa theo gương Thiên Chúa Ba Ngôi. “Cũng như Chúa Cha biết Ta, và Ta biết Chúa Cha ” (Ga 10,15). Chúa Con biết Chúa Cha, vì Người “ngự trong lòng Chúa Cha ” (Ga 1,18) và Chúa Cha biết Chúa Con vì Chúa Con là hình ảnh của Người, và là Đấng mà Chúa Cha đã xác nhận “là Con yêu dấu và hằng làm đẹp lòng Người ” (Lc 3,22). Do đó, sự hiểu biết giữa Chúa Giêsu và đàn chiên xuất phát từ tình yêu - vì Thiên Chúa là Tình yêu - được xây dựng trên tình yêu và tình yêu là mục đích. Sự hiểu biết đó hiển nhiên sẽ đưa đến sự sẵn sàng hy sinh mạng sống cho nhau, mục tử cho đàn chiên, và đàn cho cho mục tử.

Anh chị em cùng với Cha xứ, hãy phục vụ nhau. Hãy cộng tác và yêu thương nhau. Hãy nhân nhượng, chịu đựng và khi cần hãy tha thứ cho nhau. Vì “đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả ” (1Cr 13,7).

Những chiên chưa về ràn

Sau hết, với cái nhìn hướng về bốn phương trời xa tít mịt mù, Chúa Giêsu nói: “Ta còn nhiều chiên khác không thuộc về đàn này. Cả những chiên đó, Ta cũng phải mang về đàn, chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ còn một đàn chiên và một chủ chiên ” (Ga 10,16). Lời tuyên bố này liên quan đến sứ vụ truyền giáo của người mục tử và của đàn chiên. Công đồng Vatican II đã dạy: “Ơn gọi làm Kitô hữu, tự bản chất, cũng là ơn gọi làm tông đồ ”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc, cũng đã khẳng định: “Sứ vụ truyền giáo liên hệ tới mọi Kitô hữu, mọi giáo phận và giáo xứ, mọi định chế và mọi hiệp hội trong Giáo Hội ” (số 2). Giáo xứ anh chị em phải là một giáo xứ truyền giáo. Một giáo xứ có đức tin mạnh phải là một giáo xứ truyền giáo mạnh. Một giáo xứ truyền giáo mạnh sẽ làm cho đức tin vững mạnh thêm.

Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em

(Ga 20,21)

TIN TỨC

Tân Giám Mục Kontum

Thứ năm 28.8.2003, Cha Tổng Đại Diện giáo phận Micae Hoàng Đức Oanh đã được tấn phong làm Giám Mục giáo phận Kontum, kế vị Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung đã được Đức Thánh Cha chấp thuận cho nghỉ hưu. Thánh lễ đã được long trọng cử hành lúc 6 giờ tại Nhà Thờ Chánh Tòa.

Niên học mới

Thứ năm 28.8.2003, một số giáo xứ đã cử hành lễ cầu cho niên học mới. Nhiều nơi đã tổ chức quỹ học bổng giúp các em học sinh nghèo. Quỹ Lazaro Hội Các Bà Mẹ Công Giáo cấp trên 400 học bổng cho con em các gia đình nghèo trong giáo phận. Hội phụ huynh, nhóm giáo viên và học sinh trong các giáo xứ quyết tâm nâng cao trình độ học vấn và đức dục của giới trẻ trong giáo xứ.

Tết trung thu

Thứ năm 11.9.2003, nhằm ngày rằm tháng 8, là ngày lễ của Thiếu nhi. Đề nghị các giáo xứ cử hành Thánh lễ chiều thứ năm cho đoàn Thiếu nhi Thánh Thể. Các em sẽ họp mặt đầy đủ để dự lễ và sinh hoạt giúp vui cho thiếu nhi lương giáo trong giáo xứ.