Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha Phanxicô: "Kiêu ngạo là cơ sở của tất cả các cuộc xung đột"

Trong thánh lễ buổi sáng thứ Hai 17 tháng 6 tại Casa Santa Marta, Đức Giáo Hoàng đã khích lệ các Kitô hữu cần phải khiêm tốn thực sự. Ngài nói rằng sự kiêu ngạo, và nỗi ám ảnh về của cải vật chất là nguồn gốc của tất cả các cuộc xung đột và chiến tranh.

Đức Thánh Cha nói:

"Kitô hữu là một người mở lòng mình ra với lòng nhân từ, bởi vì người đó có" tất cả", đó là Đức Giêsu Kitô. Những điều khác "chẳng có nghĩa gì". Một số điều có thể là tốt, chúng có những mục đích nhất định, nhưng khi phải lựa chọn Kitô hữu phải luôn luôn chọn "cái tất cả" là Đức Giêsu Kitô, với một sự khiêm hạ. Sự khiêm hạ Kitô giáo và lòng nhân từ là dấu chỉ đặc trưng của các môn đệ của Chúa Giêsu. Sống như thế không dễ dàng đâu, bởi vì anh chị em thực sự nhận được những cái tát! Và trên cả hai má! Nhưng Kitô hữu phải nhu mì, và nhân từ, phải mở rộng con tim của mình. Đôi khi chúng ta gặp các Kitô hữu với trái tim nhỏ bé, với trái tim teo. ... Đấy không phải là Kitô giáo nhưng là tính ích kỷ đeo mặt nạ Kitô giáo".

Đức Thánh Cha giải thích rằng đối với người Kitô hữu, 'tất cả' chỉ có thể được tìm thấy nơi Chúa Giêsu, chứ không phải nơi của cải vật chất. Khi Chúa Giêsu là tất cả của một người, Ngài mở lòng họ ra và ban cho họ sức mạnh để vượt qua những thử thách.

2. Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Khiêm tốn là đức tính cần thiết để hiểu và loan truyền Tin Mừng

Để thực sự hiểu biết và có thể loan truyền sứ điệp Tin Mừng, ta phải biết chân thành khiêm tốn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong thánh lễ sáng thứ Sáu 14 tháng Sáu tại nhà nguyện của nhà trọ Santa Martha.

Sự khiêm tốn giúp ta nhận ra tình trạng tội lỗi và sự yếu đuối của mình. Thánh Phaolô là một điển hình. Ngài không bao giờ quên quá khứ cũng như tội lỗi của mình. Trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha xoay quanh lá thư thứ hai của thánh Phaolô gởi dân thành Côrintô trong đó thánh nhân nói rằng kho báu đức tin đã được chứa đựng trong bình sành là con người yếu đuối của ngài để thế gian thấy quyền năng thực sự đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ thân phận tội lỗi và yếu đuối của ngài (2 Cr 4, 7).

Đức Thánh Cha nói:

"Anh chị em, chúng ta có một kho báu, đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta. Thập giá Chúa Kitô, là kho báu mà chúng ta tự hào thì chúng ta lại chứa đựng trong bình sành. Chúng ta hãy cao rao cả ‘sổ tay’ các tội lỗi chúng ta để các cuộc đối thoại Kitô giáo và Công Giáo trở nên cụ thể, bởi vì ơn cứu độ chúng ta từ Chúa Giêsu Kitô là cụ thể. Người đã không cứu chúng ta chỉ bằng một ý tưởng, một chương trình trí tuệ. Không. Ngài đã cứu chúng ta bằng xác thịt của Ngài, với sự cụ thể của xác thịt. Ngài đã xuống thế làm người, đã hoá thành phàm nhân cho đến chung cuộc. Điều này là hồng ân chỉ có thể hiểu được, chỉ có thể nhận được, trong những bình sành dương thế", nghĩa là nơi những người khiêm tốn nhận ra tình trạng tội lỗi và yếu đuối của mình.

Trong số những người tham dự Thánh Lễ có các thành viên của Thánh Bộ Giáo Sĩ và đông đảo các linh mục. Đức Giáo Hoàng nhắc nhở các linh mục cần phải khiêm tốn để loan truyền thành công sứ điệp Tin Mừng.

3. Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Chúng ta phải kiểm soát lời ăn tiếng nói của chúng ta để đừng hạ nhục người khác

Sáng thứ Năm 13 tháng Sáu tại nhà nguyện Casa Santa Marta của Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ bằng Tiếng Tây Ban Nha. Đây là lần đầu tiên sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, Đức Phanxicô đã dùng tiếng Tây Ban Nha trong toàn bộ thánh lễ. Điều này có lẽ là vì sự tham dự đông đảo của nhân viên đại sứ quán Argentina cạnh Tòa Thánh.

Trong bài giảng của ngài, Đức Giáo Hoàng đã lưu ý đến việc kiểm soát lời ăn tiếng nói của chúng ta để đừng hạ nhục người khác

Nhiều người thích gán cho người khác những “biệt danh” để thể hiện óc sáng tạo và hài hước của họ. Tuy nhiên, ngay cả trong những nền văn hóa như các nền văn hóa Mỹ Châu La Tinh nơi điều đó thường được xem là chuyện “người ta thường tình”, hành vi này có thể là xúc phạm.

Đức Thánh Cha cảnh giác là trong tình trạng yếu đuối và tội lỗi, chúng ta thường có khuynh hướng nói xấu và hạ nhục người khác hơn là nói tốt và làm những việc tốt lành.

Đức Thánh Cha nói:

"Tôi cầu xin Chúa ban cho chúng ta hồng ân biết giữ gìn lời ăn tiếng nói của chúng ta, để cảnh giác về những gì chúng ta đề cập đến những người khác. Đó là một thống hối nhỏ, nhưng mang lại rất nhiều hoa trái. Đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho ân sủng này là biết thích ứng đời sống của chúng ta với luật mới này, là luật của sự kiên nhẫn, của tình yêu, của hòa bình. Chúng ta có thể ít nhất là cố gắng giữ ngôn từ của chúng ta một chút, giữ đừng tuôn ra các ý kiến chúng ta về những người khác. Giữ lại sự bộc phát những tức giận hoặc những lời lăng mạ. Xin Chúa ban cho chúng ta tất cả các ân sủng này. "

Sau đó các Đức Giáo Hoàng đã nói đùa với những người đồng hương của ngài rằng ngài thích được cử hành Thánh Lễ bằng Tiếng Tây Ban Nha, là điều ngài đã không thực hiện được kể từ ngày 26 Tháng hai, là thánh lễ sau cùng tại Argentina.

4. Hãy yêu thương kẻ thù

Trong thánh lễ sáng thứ Ba 18 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng các Kitô hữu phải học cách yêu thương kẻ thù của họ. Đức Giáo Hoàng nói rằng mặc dù rất khó để tha thứ cho người làm hại chúng ta, trả thù không bao giờ là giải pháp.

Đức Thánh Cha nói:

"Với sự tha thứ, với tình yêu dành cho kẻ thù của chúng ta, chúng ta trở nên nghèo hơn. Tình yêu làm nghèo chúng ta đi, nhưng cái nghèo ấy là hạt giống sinh hoa kết quả và đem lại tình yêu tha nhân. Sự nghèo khó của Chúa Giêsu đã trở nên ơn cứu độ cho tất cả chúng ta, và như thế là sự giàu có lớn lao nhất. .. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy nghĩ đến những kẻ thù của chúng ta, đến những người không muốn chúng ta nên tốt. Thật tốt đẹp nếu chúng ta dâng thánh lễ này cho họ, dâng hy tế của Chúa Giêsu cho họ, cho những người không yêu thương chúng ta. Và cho cả chúng ta, ngõ hầu Chúa có thể dạy chúng ta ơn khôn ngoan này, tuy khó khăn, nhưng rất đẹp, bởi vì nó làm cho chúng ta nên giống như Cha chúng ta trên trời. Nó sẽ mang ánh nắng mặt trời đến cho tất cả mọi người, cả người tốt lẫn kẻ xấu. Nó làm cho chúng ta nên giống như Chúa Giêsu, Đấng trong sự sỉ nhục của mình trở nên nghèo để làm giàu cho chúng ta, bằng cái nghèo của Ngài. "

Đức Thánh Cha Francis nhấn mạnh rằng tha thứ là cơ sở thực sự của sự hòa hợp và hiểu biết lẫn nhau.