Ðiểm sách : nhân đọc SƠ THẢO TÍNH DANH HỌC VIỆT NAM (tiếp theo)

Xét xưa nay một tác phẩm dù có giá trị đến đâu, do tác giả uy tín đến cỡ nào, vẫn không bao giờ có thể nói được là hoàn hảo. Tùy theo mức độ, độc giả có thể nhận ra được những khiếm khuyết, những sai sót hoặc những điểm cần bổ túc. Độc giả Việt Nam ai mà không biết, không quý trọng các nhà biên khảo cỡ Trần Trọng Kim, cỡ Đào Duy Anh,v.v. Thế mà trong cuốn Việt Nam Sử Lược của Lệ Thần tiên sinh, ngay Chương I, Quyển I, Họ Hồng Bàng, người ta đã thấy có những sai sót như ở trang 25, tiên sinh vừa nói "đến năm quí mão (285 trước Tây lịch) thì bị nhà Thục lấy mất nước" thì sau đó 3 dòng, lại kể "đến năm quí mão (258 trước Tây lịch)". Hay ở trang 28, tiên sinh viết "Năm giáp thìn (275 tr. Tây lịch), Thục Vương dẹp yên mọi nơi. ..Hai năm sau là năm bính ngọ (255 tr. Tây lịch An Dương Vương xây Loa Thành." (Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược.Văn Hoá Thông Tin,1999). Còn trong cuốn Việt Nam Văn Hoá Sử Cương, độc giả lấy làm thắc mắc tại sao Vệ Thạch tiên sinh lại nhiều lần gọi nữ anh hùng Triệu Thị Trinh là "Triệu Ẩu" (Trang 156), rồi gọi tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh là Thanh Tâm Tài Nhân (Trang 274) và khẳng định tiểu thuyết Nửa Chừng Xuân là của Nhất Linh (Trang 279),v.v,. (Đào Duy Anh. Việt Nam Văn Hóa Sử Cương. Bốn Phương,1951).

Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam cũng không là một ngoại lệ. Đọc tác phẩm này, chắc chắn ai cũng công nhận đây là công trình nghiên cứu công phu, là một đóng góp rất lí thú và mới mẻ vào kho tàng văn hoá nước nhà, song dĩ nhiên đã không tránh khỏi những điểm cần bàn bạc thêm hoặc những sai sót nho nhỏ. Bởi vì đây là một công trình nghiên cứu đặc khảo, cho nên ngoài những học giả có kiến thức chuyên ngành, khó ai có thể bàn thảo "ngang cơ" với tác giả. Là những người đọc bình thường, chúng tôi chỉ có thể nêu lên một số điểm nghi vấn và một ít chỗ sai sót không nằm trong nội dung chủ đề chính của cuốn sách, nếu được xem xét và sửa chữa sẻ làm cho tác phẩm tăng thêm giá trị.

Trước hết, theo thiển ý, các trang phụ bản mang hình ảnh quê hương, màu sắc rực rỡ, vừa có ý nghĩa vừa làm cho người đọc cảm thấy tươi vui hơn. Tuy nhiên trang bìa trước, bìa sau và màu sắc nên thay đổi, Lời Nói Đầu của Thằng Mõ nên "hành văn" kĩ lưỡng hơn, để nâng cao mức độ thẩm mĩ cho tương xứng tầm cỡ của cuốn sách.

Phần Mục lục của tác giả rất rõ ràng, song nếu chua thêm số trang cho các phân mục, sẽ giúp cho người đọc tra cứu dễ dàng hơn, đỡ mất thì giờ hơn. Chúng tôi còn tìm thấy một ít sai sót chính tả, thiếu hoặc dư chữ, có thể là do kĩ thuật đánh máy. (Các trang 19, 21, 49, 50, 54, 57, 65, 115, 126, 129, 130, 163, 172, 182, 252, 325).

Về cách viết một số tên riêng: Các tên riêng tiếng Đức phải như sau: Leibzig (Trang 11), Adelheid (Trang 261), Ochsenschwanz (Trang 189) và Melanchton (Trang 282). Trang 90, có những thương hiệu viết theo Anh ngữ nằm trong số những thương hiệu viết theo Pháp ngữ. Cũng vậy, nếu đã viết tên riêng các nhân vật trong Tân Ước theo tiếng Pháp thì thôi viết theo tiếng Anh và ngược lại (Trang 174). Trang 188, có những tên Meyers, nhưng không nhiều bằng các tên Meyer hay Mayer. Trang 264, tên Grace là tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Nếu viết theo tiếng La tinh, phải là Gratia.

Trang 42 và 43, miếu hiệu là do người còn sống truy tặng người đã chết cho nên không thể nói các vua "dùng" hoặc "xưng" miếu hiệu cho mình được.

Trang 46, nếu đã tính năm chấp chánh của vua Bảo Đại (1926-1945) thì cũng phải thống nhất với năm chấp chánh của Thủ tướng và Tổng thống Ngô Đình Diệm (1954-1963). Cuộc trưng cầu dân ý thời đó diễn ra ngày 23 tháng 10 năm 1955 chứ không phải là năm 1954. ( Xin xem Bùi Diễm. Gọng Kìm Lịch Sử. Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai, 2000, trang 155).

Trang 68 và 69, có lẽ nên thống nhất phân chia các bảng liệt kê ra 3 cột Tên-Tên Hiệu và Ý Nghĩa (thay vì Hiên nhà).

Trang 83, thiết tưởng 2 từ nghệ danh không chỉ "là danh hiệu của giới nghệ sĩ trong ngành ca nhạc kịch", mà còn là của các họa sĩ, các điêu khắc gia, v. v..

Trang 87, có lẽ giới trẻ chỉ thích đua đòi, khoe khoang, "giật le" hơn là họ "tôn thờ văn hóa Tây Phương".

Trang 105, theo thiển ý, Pierre và Patrick vừa là tên chính vừa là tên thánh bổn mạng của hai vị giám mục ở San Jose.

Trang 106, vào thế kỉ 14,15 mà tác giả đã nói tới các vị thừa sai ở Việt Nam thì quá sớm. Trong Việt Nam Sử Lược, sử gia Trần Trọng Kim viết: "Cứ theo sách Khâm định Việt sử, thì năm Nguyên Hòa nguyên niên đời vua Trang Tông nhà Lê (1533) có người Tây tên là I-nê-khu đi đường bể vào giảng đạo Thiên chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh, thuộc huyện Nam Chân (tức Nam Trực) và ở làng Trà Lũ, thuộc huyện Giao Thủy" ( Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, 1999, trang 366,367).

Chúng tôi mang họ Trần, cho nên đã cảm thấy "buồn năm phút" khi tác giả đã quên ghi họ Trần vào Danh Sách Tên Họ Việt Nam ở trang 123! Chúng tôi cũng không hiểu tại sao ông lại dẫn lời "Giáo sư Vũ Hiệp cho rằng họ đông người nhất là họ Nguyễn, sau đó lần lượt tới họ Lê, Phạm, Vũ, Ngô" (Trang 124). Đang khi đó ở trang 126, tác giả lại đưa ra thống kê danh sách 34,857 cử tri xã Phú Nhuận, Quận Tân Bình, Tỉnh Gia Định (năm 1972) thì họ Nguyễn chiếm 32%, họ Trần 11%, họ Lê 10%, họ Phạm 7%.

Trang 131, không hiểu tại sao tác giả viết "Thanh Thành Công được vua Thái Tổ nhà Minh ban cho tên là Chu. Do đó ông này đổi tên họ thành Chu Nguyên Chương". Trong cuốn Trung Hoa Sử Cương của Đào Duy Anh, Xuân Thu xuất bản, trang 142 thì lại nói Châu Nguyên Chương chính là Minh Thái tổ, đã đánh bại vua Thuận đế nhà Nguyên mà lập nên nhà Minh.

Ở trang 163, tác giả căn cứ vào tài liệu của Nguyệt san Làng Văn, Canada, kể việc "con trai thứ của Lý Anh Tông (1138-1175) là Lý Long Tường đã cùng đoàn tùy tùng khoảng 40 người trốn sang Đại Hàn." Thế nhưng, Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ, trong bài Nguyên Tổ Hai Dòng Họ Lý Tại Đại Hàn đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong số 560, đã trích Tập san Sử Địa của Nhật Bản, số 2 năm 1941, kể việc con thứ 6 của vua Lý Anh Tông giữ chức đô đốc hải quân, vì sợ Trần Thủ Độ hãm hại nên đã đem "tướng sĩ dưới quyền, tông tộc, cùng hạm đội ra đi, sau đó trôi dạt vào Cao Ly ". Nguyên cả một "hạm đội" vượt biên thì không thể chỉ có 40 người được. Trong bài báo nói trên, bác sĩ Trần Đại Sĩ đã đọc sách sử, đã đích thân sang Đại Hàn (cả Nam lẫn Bắc) để tìm các chi hậu duệ của Kiến Bình vương Lý Long Tường. Tổng thống Lí Thừa Vãn của Nam Hàn là hậu duệ đời thứ 25 của Kiến Bình vương Lí Long Tường Việt Nam. Ngày 17 tháng 9 năm 1957, khi viếng thăm Việt Nam Cộng Hòa, chính tổng thống họ Lí đã công nhận tổ tiên của ông là người Việt Nam. Gần 800 năm về trước, trên đường vượt biên, hạm đội của Kiến Bình vương gặp bão, đã phải vào tạm trú tại đảo Đài Loan. Một người con của Kiến Bình vương là thế tử Long Hiền cùng hơn 200 người ở lại đây. Vì thế, Bác sĩ Trần Đại Sĩ hồ nghi Tổng thống Lí Đăng Huy của Đài Loan (người dân bản địa Đài Loan) biết đâu lại không phải là hậu duệ của thế tử Long Hiền Việt Nam! Cũng trong bài báo nói trên, bác sĩ Trần Đại Sĩ đã "Kinh ngạc, bàng hoàng, đờ đẫn cả người ra", vì tại Nam Hàn, ông còn khám phá ra thêm một dòng họ Lý Việt Nam nữa, đó là dòng họ Kiến Hải vương Lí Dương Côn! (Xin đọc thêm bài Trang Sử Bị Bỏ Quên của Trần Đình Sơn trên báo Người Việt ra ngày 2 tháng 2 năm 2002, cũng thuật chuyện hoàng tử Lí Long Tường đưa 3 chiếc thuyền buồm lớn vượt biên đi tị nạn tại Cao Ly năm 1226).

Trang 203, theo tác giả, "trong tiếng Hán thời Tam Đại, Thị để chỉ đàn ông và Tính để chỉ đàn bà". Những tên gọi như Trần Thị phu nhân, Vương Thị phu nhân có nghĩa là bà vợ của ông họ Trần, của ông họ Vương. Chữ Thị ở đây có nghĩa là họ. Thế nhưng, sau đó, tại sao tác giả lại nói: "Đối với Việt Nam, tên người phụ nữ trước kia luôn đêm chữ Thị vì các cụ đọc sách Tàu, thấy nghĩa chữ Thị để chỉ đàn bà, nên đã dùng chữ này làm tên đệm cho nữ giới để phân biệt nam nữ".

Trang 206, tác giả viết: "...gia đình của ban hợp ca Thăng Long, nổi tiếng vào những thập niên 60, 70. Chỉ tên con trai được đệm chữ Đình, tên con gái đệm chữ Thị. Thân phụ ca sĩ Mai Hương là cụ Phạm Đình Sỹ, anh cả, sau đó, đến cụ Phạm Đình Chương, tức Hoài Bắc, rồi cụ Phạm Đình Viêm, tức Hoài Trung. Còn hai chị em gia đình này là các cụ bà Phạm Thị Thái Hằng, vợ của nhạc sĩ Phạm Duy, cụ bà Phạm Thị Thái Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh". Thế nhưng nhạc sĩ Phạm Duy, trong Hồi Ký Thời Cách Mạng - Kháng Chiến, ở đoạn viết về tuổi Hai Mươi Ba từ trang 171 tới 183, đã kể ngày toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946, "ông bà Mai Lộc Phạm Đình Phụng dắt hai người con trai và ba người con gái tản cư ra Sơn Tây". Tại đây, không may người con gái lớn của ông bà bị tử thương do máy bay. Sau khi người con trai lớn gia nhập đoàn văn nghệ kháng chiến, "...ông bà quyết định dắt một người con trai và hai người con gái đi về vùng suôi và dừng chân ở Chợ Đại". Tại Chợ Đại, ông bà mở quán Thăng Long, "có ba người con để giúp đỡ...Người con gái lớn tên là Phạm Thị Thái, vào chạc 20 tuổi... Sau Phạm Thị Thái là người con trai 18 tuổi của ông bà tên Phạm Đình Chương... Rồi tới người con gái út, tên Phạm Băng Thanh, mới 13 tuổi...". Không thấy cụ Phạm Đình Sỹ trong thành phần gia đình nghệ sĩ này và có lẽ thứ tự phải là Hoài Trung Phạm Đình Viêm, Thái Hằng Phạm Thị Thái, Hoài Bắc Phạm Đình Chương, rồi Thái Thanh Phạm Băng Thanh.

Trang 225, tác giả viết: "Trái lại, theo tinh thần Việt, vai trò phụ nữ không bị coi thường, tên phụ nữ vẫn được nhắc nhở. Ta vẫn thường nghe thị Kính, thị Mầu là hai nhân vật trong truyện Quan Âm Thị Kính". Chúng tôi rất đồng ý với tác giả về việc truyền thống Việt Nam ta vốn rất coi trọng vai trò người phụ nữ. Song đó lại là vấn đề khác. Ở đây, có lẽ gọi trống tên thật là Thị Kính, Thị Mầu vì còn biết gọi là gì trong khi cả hai chưa có chồng? Người phụ nữ Việt Nam khi có chồng thường được gọi bằng tên của người chồng, nhưng trong giấy tờ hộ tịch vẫn giữ nguyên tên tuổi cũ, không giống tục lệ Tây phương. Do đó những nơi chỉ biết người phụ nữ ấy qua giấy tờ sẽ gọi chị bằng tên thật, thí dụ trong nơi làm việc chẳng hạn.

Trang 247, hoàng tử Bảo Long không phải là vua Bảo Đại mà là con của nhà vua.

Trang 356, tới đây, ai cũng mong muốn tác giả có vài lời kết thúc, để cho trước sau được "vuông tròn"!

Đó là một số điểm chúng tôi còn nghi ngờ hoặc đề nghị sửa đổi, xin được nêu lên với thiện ý mong cho lần tái bản cuốn sách rất giá trị này được hoàn hảo hơn. Chúng tôi cũng xin nhắc lại một lần nữa, đây là cuốn sách đặc khảo một chủ đề chuyên biệt. Chúng tôi không thể đóng góp gì với tác giả về lãnh vực chuyên môn của ông. Những điểm chúng tôi nêu lên chỉ là những điểm bên lề, không làm mất giá trị nội dung chuyên khảo của tác giả.

Gấp cuốn Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam lại, chúng tôi hồi tưởng đúng 30 năm về trước (1973), tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Nguyễn Long Thao đã trình bầy thành công luận văn cao học của ông với đề tài Nghiên Cứu Một Ngôi Đình Miền Nam: Phú Nhuận Đình, trước Ban giám khảo gồm có các Giáo sư Thanh Lãng, Vũ Quốc Thông và Nghiêm Thẩm. Kèm theo luận văn chính trên đây, ông cũng phải đệ trình 2 đề tài phụ: một cho Giáo sư Vũ Quốc Thông là Tục Lệ Cưới Hỏi Của Người Việt Nam, một cho Giáo sư Thanh Lãng là Cách Đặt Tên Của Người Việt Nam. Sau đó ông được mời giảng dậy tại Đại học Cần Thơ và Đại học Tiền Giang (Mỹ Tho).

Là học trò xuất sắc của Giáo sư Bửu Lịch nên Giáo sư sẵn lòng bảo trợ cho ông chọn một đề tài về Xã hội học, nhưng Nguyễn Long Thao đã quyết chọn nghiên cứu Văn minh Văn hoá Việt Nam. Không có lí do giải thích nào khác ngoài lòng yêu mến quê hương đất nước, lòng say mê khảo cứu Văn minh Văn hóa dân tộc. Sau ngày "sập trời", ông lâm cảnh lao đao lận đận chung với mọi người Miền Nam yêu tự do. Cũng vì yêu tự do, gia đình ông đã phải trả giá đắt cho tự do. Cuối cùng, gia đình ông đã tới được bến bờ tự do và định cư tại San Jose, California. Tại đây, ông trở lại Đại học và dậy môn Toán cho một trường Trung học. Tuy ở nước Mĩ, sống xa quê hương đất nước, nhưng đại dương mênh mông không thể ngăn cản ông nghĩ về đất nước và yêu mến đồng bào. Ông sẵn lòng bỏ ra nhiều thì giờ để phụ trách Mục Tin Tức Việt Nam và Tin Tức Thế Giới cho VietCatholic.Net mục đích chính là vì đồng bào, vì đồng đạo ở trong nước. Với phương tiện hiện đại là các mạng lưới internets và nhờ hệ thống thư viện lí tưởng ở Hoa Kì, Nguyễn Long Thao đã tiếp tục khảo cứu thêm để bổ túc cho đề tài Cách Đặt Tên Của Người Việt Nam mà ông đã đệ trình cho Giáo sư Thanh Lãng hồi năm 1973. Hôm nay, ông đã hoàn thành tác phẩm. Trước đây, đã từng có những bài báo khảo cứu về cách đặt tên của người Việt Nam. Nhưng chỉ với công trình của Nguyễn Long Thao, đề tài mới được đào sâu, đi xa như thế, và lần đầu tiên mới nghe tên môn Tính danh học Việt Nam. Nếu sau này, tình hình ở quê nhà Việt Nam được cải thiện tốt đẹp hơn, chắc chắn chương trình giảng dậy ở Đại học sẽ có môn Tính danh học như ở Hoa kì, ở Đức, ở Bỉ, ở Đài Loan, v.v.. Khi đó, cuốn Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam của Nguyễn Long Thao sẽ trở thành "thủ bản", vì ông đã đi bước tiên phong, đã vạch hẳn một con đường cho môn học mới mẻ này.

Trên báo chí, thường có những bài chọc quê màn "viết lách rồi mặc áo thụng mà vái nhau". Chúng tôi không thuộc giới viết lách, sinh kế không dính dáng gì tới sách vở chữ nghĩa. Chúng tôi chỉ là những người đọc sách "tài tử" và không cảm thấy bị "phê" chút nào với cái vụ "mặc áo thụng mà vái nhau". Nhân tác giả Nguyễn Long Thao là bạn "nối khố" ra sách và tặng sách, chúng tôi vừa vui mừng vừa cảm động, cho nên đã đọc một hơi dài và cảm thấy không thể không đáp lại tình bạn bằng cách ghi hết lên giấy, theo khả năng của chúng tôi, tất cả những gì đáng khen ngợi và những gì còn cần phải coi lại hoặc phải sửa chữa cho lần tái bản được hoàn hảo thêm. Sở dĩ chúng tôi không sợ bị gán cho là "mặc áo thụng vái nhau" vì tin rằng bất cứ ai đọc bài viết trên đây cũng phải công nhận chúng tôi đã khen ngợi chính xác và chúng tôi cũng đã không hề khoan nhượng khi nêu lên những điểm "còn tồn tại" trong cuốn sách. Chỉ có điều là, đối với các bậc cao minh, khi đọc Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam, chắc chắn các vị sẽ còn có nhiều điểm hơn để khen ngợi cũng như còn có nhiều điểm hơn để "xây dựng" thêm mà thôi.

Bạch Diện

Thứ bảy, ngày 2 tháng 8 năm 2003