Ðiểm sách: nhân đọc cuốn SƠ THẢO TÍNH DANH HỌC VIỆT NAM

Nguyễn Long Thao vừa ra sách SƠ THẢO TÍNH DANH HOC VIỆT NAM. Nghe âm hao như Sơ Thảo Ngữ Pháp VN của đại danh sư Lê Văn Lý. Sách dầy 364 trang. Thằng Mõ xuất bản. Sự thực thì Thằng Mõ hoàn thành và tung sách ra chứ tác giả không ra mắt sách. Hỏi sao không ra mắt? Ông từ tốn: 'Đâu có đáng gì'!

Được tặng sách, tôi đọc một hơi dài. Thấy sách nặng kí quá, hiếm hoi quá. Ai dám bảo là ' Đâu có đáng gì '.Có lẽ nhận xét đầu tiên của người đọc là tác giả đã áp dụng phương pháp nghiên cứu trường ốc một đề tài đặc khảo một cách hết sức nghiêm ngặt. Vừa mở sách đã thấy ngay Mục Lục dàn dựng cân đối, hợp lí. Cách hành văn lưu loát, trong sáng. Mỗi đầu một Chương Mục đều có vài ý dẫn nhập làm cho người đọc dễ dàng theo dõi. Nếu thư mục là một trong những thước đo giá trị công trình nghiên cứu và cách trích dẫn tài liệu đánh giá thái độ trí thức của tác giả thì trong Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam, Nguyễn Long Thao đã sử dụng thư mục tới 94 tài liệu, cộng thêm 8 mạng lưới internets và đã trích dẫn các tài liệu theo phương pháp một cách nghiêm chỉnh.

Trước khi vào nội dung chính, bằng một Dẫn Nhập công phu, tác giả đã 'chào sân' với màn giới thiệu tổng quát nền Danh Xưng Học, đặc biệt là ngành Tính Danh Học thế giới, những công trình nghiên cứu có liên quan từ Âu Mĩ tới Á châu, nhất là của Trung Hoa và Việt Nam. Phần này có giá trị vẽ phác những nét lớn về một môn học chưa được phổ biến rộng rãi, nó rất chuyên biệt nhưng không phải là mới mẻ đối với giới nghiên cứu văn minh văn hoá.

Nội dung chính cuốn sách chia ra 6 Chương: Chương I, trình bầy các danh xưng đặc biệt của người Việt Nam, gồm có danh xưng bặc biệt của các vua chúa và của thường dân. Chương này giúp cho người đọc hiểu rõ và phân biệt được thế nào là đế hiệu, niên hiệu, tôn hiệu, thụy hiệu, đế hiệu của các vua chúa và các loại tên tục, tên tước, tên tự, tên hiệu, nghệ danh, thương hiệu, bí danh, tên thụy, tên tôn giáo của thường dân.

Đa số người Việt Nam có đủ 3 thứ tên: tên họ, tên đệm và tên chính. Tác giả lần lượt trình bầy 3 thứ tên ấy trong các Chương II, Chương III và Chương IV. Cả 3 Chương này được phân bố giống nhau: đầu tiên là phần nghiên cứu tên họ, tên đệm và tên chính của người Việt Nam và người Trung Hoa, sau đó là phần nghiên cứu tên họ, tên đệm và tên chính của người Âu Mĩ. Cuối cùng, tác giả so sánh để nêu lên những điểm tương đồng và những điểm dị biệt giữa hai hệ thống Đông và Tây.

Nhà thơ thế kỉ 19 Trần Tế Xương "xuất khẩu thành thi", tài hoa là thế, nhưng suốt đời long đong, phải ôm hận "Đau quá đòn hằn, rát hơn lửa bỏng" chỉ vì "Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy". Trường quy tức là luật lệ khảo thí nói chung, song chính yếu vẫn là lệ phạm húy. Tác giả Nguyễn Long Thao đã dành hẳn Chương V để trình bầy về phép kị húy tại Trung Hoa và Việt Nam vì nó có ảnh hưởng sâu xa đối với xã hội, đối với ngôn ngữ và văn tự Việt Nam thuở trước.

Có tên thì xưng hô ra sao, đó là mục đích của Chương VI: Cách Xưng Hô Tên Người. Tương tự như bố cục của các Chương trên, tác giả tìm hiểu cách xưng hô tên người và các biệt hiệu của người Việt Nam trước rồi tới của người Tây phương, sau đó là so sánh những điểm tương đồng và dị biệt trong cách xưng hô của người Việt Nam với người Tây phương.

Không phải cái gì hiếm cũng qúy. Nhưng đây là một cuốn sách vừa hiếm vừa qúy. Hiếm qúy vì bây giờ là thời đại của khoa học kĩ thuật. Con người ngày nay chạy theo những giá trị cụ thể thực dụng. Những chuyện văn minh văn hóa, văn chương chữ nghĩa nghe lạ tai, xa vời. "Lập thân tối hạ thị văn chương" ! Nhìn danh mục sách vở của một tiệm sách Việt Nam hải ngoại, thấy hầu hết là những tên sách văn hoá của các nhà nghiên cứu của mấy chục năm về trước ở trong nước được in lại, chỉ lác đác một ít công trình mới hoàn thành trong những năm gần đây. Kì dư là một loạt sách khoác áo "văn hóa", viết với lòng thù hận, với chủ đích đánh phá tôn giáo của người khác một cách rất mất văn hóa và một loạt sách khoác áo "sử", áo "hồi kí", viết với một kết luận đã có sẵn từ trước khi cầm bút, bởi vì các vị ấy muốn "đem tâm tình viết lịch sử", không cần biết rằng lịch sử thì khách quan, nó không có tình cảm. Giữa đám vàng thau lẫn lộn ấy, cuốn Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam nổi lên như một công trình nghiên cứu văn hoá thuần túy rất hiếm hoi, rất đáng qúy trọng.

Viết Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam, tác giả không chọn lối viết mô tả, lối viết kể chuyện, nhưng là lối viết điều tra, tìm hiểu cho tới ngọn nguồn. Ông luôn luôn đặt câu hỏi tại sao, vì lí do gì và cống hiến cho người đọc những giải đáp thỏa đáng.Thêm vào đó, tác giả còn giới thiệu được những quy tắc, những phương pháp, những lệ luật của môn Tính danh học. Chính nhờ những quy tắc, những phương pháp này, chúng ta chẳng những có thể nhận ra và phân biệt được các loại tên như đế hiệu, niên hiệu, tôn hiệu, thụy hiệu, tên tự, bút hiệu, thương hiệu, nghệ danh, tên họ, tên đệm, tên chính,v.v., mà còn có thể tự đặt ra được các loại tên ấy nữa. Đặc biệt là lối viết đối chiếu, đối chiếu Tính danh học Việt Nam với Tính danh học Trung Hoa, đối chiếu Tính danh học Việt Nam và Trung Hoa với Tính danh học Âu Mĩ. Nhờ thế, độc giả nhận ra được những điểm tương đồng và những điểm dị biệt giữa các nền Tính danh học.

Thực ra, chủ đề nghiên cứu là Tính danh học Việt Nam, nhưng để có thể làm công việc đối chiếu hai hệ thống đặt tên Đông và Tây, tác giả phải nghiên cứu kĩ lưỡng cả hệ thống đặt tên Âu Mĩ. Với 24 trang về cách đặt tên họ (Trang 171-195), 9 trang về tên đệm (Trang 214-223), 28 trang về tên chính (Trang 255-283) và 15 trang về cách xưng hô tên người Tây phương và người Mĩ (Trang 336-351), tổng cộng 76 trang. Đó cũng là một cống hiến qúy báu, có giá trị mở mang sự hiểu biết thực tiễn về cách đặt tên của các nước, nơi hàng triệu người Việt hải ngoại đang cư ngụ.

Đọc Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam, riêng chúng tôi đã cảm thấy một phần hãnh diện khi biết Việt Nam là nước thứ hai sau Trung Hoa có loại tên họ, khoảng đầu công nguyên; mãi tới thế kỉ thứ 10, hệ thống tên họ mới hình thành ở Âu châu; riêng Nhật Bản xưa kia chỉ có 2 họ Kabane và Uji, toàn dân chỉ có tên họ từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Do Thái và các dân tộc Phi châu có tên họ vào đầu thế kỉ 20, Thổ Nhĩ Kì có tên họ vào năm 1935 (trang 134).

Đối với Trung Hoa, tác giả công nhận cách đặt tên của ta đã chịu ảnh hưởng Tàu rất nhiều. Do hoàn cảnh lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc và do vị trí địa dư nước ta nằm sát cạnh Trung Hoa, cho nên giữa hai nước có liên hệ văn hoá giao thoa chòng chéo hết sức sâu đậm. Về tên họ, tác giả cho rằng "họ ta giống họ Tàu" (Trang 140). Về tên đệm, tác giả nhận xét "hầu hết là các từ Hán Việt" (Trang 199). Về tên chính, tác giả cũng quả quyết "Đại đa số tên chính của người Việt Nam đều lấy từ gốc Hán Việt" (Trang 228). Tuy thế, ở các trang 136, 137 và 138, tác giả đã trưng dẫn một số các họ là do chính các vua Việt Nam đặt cho. Và ở trang 228, tác giả công nhận tên Việt Nam đặt theo các từ Hán Việt nghe "văn chương, hoa mỹ", song không thiếu những tên chính là thuần Nôm, chẳng hạn như các tên : "Bông, Rồi, Vui, Cười, Mận, Mít, Lây, Há, Đực, Tí, Cò, v.v.". Riêng về tên đệm, tác giả nhận thấy người Việt Nam không bao giờ dùng chữ Thị làm tên đệm cho phái nam và không bao giờ dùng chữ Văn làm tên đệm cho phái nữ như trường hợp nàng Trác Văn Quân của Trung Hoa (203,204).

Về ý nghĩa thâm trầm sâu sắc trong cách đặt tên của người Việt Nam đã được chứng minh ở nhiều nơi, chẳng hạn như Chu Văn An lấy hiệu là Tiều Ẩn, danh y Lê Hữu Trác lấy hiệu là Hải Thượng Lãn Ông v.v.(trang 72,73); hay là như Trần Trọng Kim lấy bút hiệu là Lệ Thần, Lê Dư là Sở Cuồng, Phạm Quỳnh là Thiếu Hoa Đường, v.v.(Trang 76,77). Đó là những tên lấy từ các điển tích văn chương chữ nghĩa, chỉ những người có trình độ học vấn khá cao mới hiểu được ý tứ thâm sâu của các tên như thế.

Người Việt Nam ta tin theo nhiều tôn giáo khác nhau. Thế nhưng một khi đã tin theo một tôn giáo thì ít có ai chịu tìm hiểu học hỏi thêm về các tôn giáo khác. Một tín đồ Phật giáo có thể sẽ hỏi tại sao lại gọi là Petrus Trương Vĩnh Ký, hay Paulus Huỳnh Tịnh Của chẳng hạn; còn một tín hữu Công giáo sẽ rất "lơ mơ" về những từ như pháp danh, pháp hiệu; những chức vị như Đại Lão Hòa Thượng, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức,v.v.; và tại sao gọi ngài Thích Đôn Hậu là Đại Lão Hòa Thượng Trừng Nguyên Đôn Hậu? Tác giả Nguyễn Long Thao đã trình bầy vấn đề này trong Mục II, Tiết K (Trang 96-110). Đây là một sự hiểu biết rất thực tiễn và hữu ích.Đó là một số những điểm lí thú dễ nhận thấy khi đọc Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam. Chắc chắn độc giả sẽ có thể tìm thấy nhiều ưu điểm khác nữa trong cuốn sách.

Trên đây, chúng tôi đã đưa ra nhận xét Sơ Thảo Tính Danh Học Việt Nam là một cuốn sách hiếm và qúy, nó vừa có sức hấp dẫn vừa gợi óc tò mò, đã bắt đầu đọc thì sẽ phải đọc tiếp. Sách bàn về cái tên. Ai chẳng có tên? Cho nên chủ đề xem ra rất đơn giản, rất phổ thông. Đúng vậy, mà không phải vậy. Bởi vì từ chủ đề rất là "thường thường" ấy, tác giả đã đưa người đọc đi từ khám phá này tới khám phá khác. Tất cả được đúc kết thành một sự hiểu biết rất khoa học, rất mới mẻ và rất hữu ích. Lần đầu tiên mới nghe tới môn Tính danh học Việt Nam và nội dung cuốn sách đã chứng minh hoàn toàn có thể có môn Tính danh học Việt Nam mà công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Long Thao là bước khởi đầu, là bước sơ thảo. Hơn nữa, từ việc khảo cứu cái tên của người Việt Nam, tác giả còn nhận thấy môn Tính danh học Việt Nam "sẽ dọi ánh sáng vào nhiều vấn đề văn hóa Việt Nam như tín ngưỡng dân gian, triết lý dân tộc, tâm lý xã hội. Sở dĩ Tính danh học có thể làm được việc trên vì tên người Việt Nam được quan niệm là một báu vật linh thiêng, được dân gian gói ghém vào đó những gì gọi là tinh túy nhất của tư tưởng dân tộc." (Trang 17). (còn tiếp)