Nhân vụ cựu linh mục John Geoghan, người đã gây bao nhiêu sóng gió tai tiếng lạm dụng tính dục tại tổng giáo phận Boston, Hoa Kỳ, vừa bị giết chết trong tù, VietCatholic xin đăng lại theo yêu cầu của một số anh chị em giáo dân bài giảng của cha Roger Landry về thái độ của người Công Giáo trước vụ tai tiếng lạm dụng tính dục.

Tác giả: Cha Roger Landry, chánh xứ Espirito Santo, Fall River, Massachusetts, Hoa Kỳ.

Nguyên bản: One Priest's Answer to the Scandal

Ngài đã ban cho họ quyền trừ quỷ. Ngài đã ban cho họ quyền năng cứu chữa kẻ đau yếu. Họ đã tận mắt chứng kiến vô số phép lạ Ngài làm. Chính họ cũng nhân danh Ngài mà làm nhiều phép lạ khác. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều đó, một người trong số họ đã là một tên phản bội.

Những tít lớn trong tuần qua đã không đặt trọng tâm vào cuộc diễn hành Ái Quốc đến Super Bowl, hay ai sẽ QB, Drew hay Tom, hay ngay cả bài diễn văn của tổng thống liên bang và lời bình luận của ông cho rằng đang có rất nhiều những hoạt động của nhóm khủng bố al-Qaida tại Hoa Kỳ như "bom hẹn giờ". Tất cả những chuyện này đều không phải là chuyện hàng đầu. Những tít trên trang nhất đã tập trung vào những tin tức rất đáng buồn rằng có lẽ có đến 70 linh mục tại Tổng Giáo Phận Boston đã lạm dụng tính dục những người trẻ mà họ đã được thánh hiến để phục vụ.

Ðó là một vụ tai tiếng trầm trọng, một vụ mà những kẻ vốn dĩ không ưa gì Giáo Hội vì huấn giáo về luân lý và tín lý của Giáo Hội đang dùng như một vấn nạn để tấn công toàn thể Giáo Hội, để cố chứng minh rằng họ đã luôn luôn đúng.

Nhiều người đã gặp gỡ tôi và nói về chuyện này. Nhiều người khác cũng muốn làm vậy nhưng dằn lại vì theo tôi nghĩ là do lòng tôn trọng hay do không muốn đem đến những gì mà họ nghĩ là những tin đau buồn, nhưng tôi có thể thấy tỏ tường là chuyện này ám ảnh tâm trí họ. Và vì thế, hôm nay đây, tôi muốn trực diện với vấn nạn này. Anh chị em có quyền bận tâm về chuyện đó. Chúng ta không thể giả vờ như không có chuyện gì xảy ra. Và tôi muốn bàn thảo về phản ứng của chúng ta như những tín hữu Công Giáo trước vụ tai tiếng quá bi đát này.

Ðiều đầu tiên là chúng ta cần hiểu về điều này trong nhãn quan đức tin vào Chúa. Trước khi Ngài chọn ra các môn đệ đầu tiên, Ðức Giêsu đã lên núi cầu nguyện suốt đêm. Vào lúc đó, Ngài đã có rất nhiều người theo Ngài. Ngài thưa cùng Cha trong lời cầu nguyện về những người mà Ngài sẽ chọn làm 12 Tông Ðồ, nhóm 12 mà Ngài chính mình hình thành đầy tin tưởng, nhóm 12 mà Ngài sẽ sai đi rao giảng Tin Mừng nhân danh Ngài.

Ngài đã ban cho họ quyền trừ quỷ. Ngài đã ban cho họ quyền năng cứu chữa kẻ đau yếu. Họ đã tận mắt chứng kiến vô số phép lạ Ngài làm. Chính họ cũng nhân danh Ngài mà làm nhiều phép lạ khác.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều đó, một người trong số họ đã là một tên phản bội. Kẻ đã đi theo Chúa, đã được Chúa rửa chân, đã thấy Ngài đi trên mặt nước, làm cho kẻ chết sống lại, tha thứ cho kẻ tội lỗi, đã phản bội Chúa. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng hắn đã để Satan len vào lòng và bán Chúa lấy 30 đồng bạc, khi giao nộp Ngài trong một cử chỉ yêu thương giả dối. "Giuđa,", Ðức Giêsu nói với hắn trong vườn Giệtsimani, "Anh phản bội Con Người bằng một cái hôn sao?". Ðức Giêsu đã không chọn Giuđa để hắn phản bội Ngài. Ngài chọn hắn như tất cả những người khác. Nhưng Giuđa luôn luôn phóng khoáng, và hắn dùng tự do của mình để cho phép Satan len vào hồn, và hắn kết thúc bằng cách phản bội Thiên Chúa và để Ngài bị đóng đinh và hành hình.

Hãy nhớ đến Nhóm 11

Vì thế ngay trong nhóm 12 mà chính Ðức Giêsu đã tự mình lựa chọn, một kẻ đã là một tên phản bội đê hèn. Thỉnh thoảng, những kẻ được Thiên Chúa lựa chọn lại quay ra phản bội Ngài. Ðây là một sự kiện mà chúng ta phải đối mặt. Ðây là một sự kiện mà Giáo Hội tiên khởi đã phải đối phó. Nếu vụ tai tiếng gây ra bởi Giuđa là tất cả những điều mà các thành viên của Giáo Hội tiên khởi chú tâm vào, Giáo Hội có lẽ đã kết thúc trước cả khi kịp lớn mạnh. Thay vào đó, Giáo Hội đã nhận ra rằng anh chị em đừng phán đoán điều gì qua những ai không sống như phải sống. Thay vì chú tâm vào những kẻ phản bội, họ đã chú ý đến những vị khác trong nhóm 11, đến những việc họ làm, những gì họ rao giảng, đến những phép lạ, tình yêu dành cho Chúa Kitô, và vì thế mà chúng ta hiện diện nơi đây ngày hôm nay.

Các phương tiện truyền thông hầu như chẳng bao giờ chú ý đến "Nhóm 11" thánh thiện, những vị đã được Ðức Giêsu lựa chọn và giữ lòng trung tín với Ngài, những vị sống một sự thánh thiện lặng lẽ. Nhưng chúng ta, Giáo Hội, phải đặt vụ tai tiếng bi đát này trong phối cảnh chân thật và đầy đủ của nó.

Tai tiếng, thật chẳng may, không phải là điều gì mới đối với Giáo Hội. Ðã có những thời kỳ trong lịch sử Giáo Hội khi Giáo Hội còn suy thoái thê thảm hơn ngày nay. Lịch sử của Giáo Hội giống như một đường cosine, với những thăng trầm trong các thế kỷ. Ở những thời điểm khi mà Giáo Hội xuống đến mức thấp, Thiên Chúa đem đến nhiều vị thánh lừng danh để mang Giáo Hội quay về với sứ vụ thật sự của mình. Hầu như là trong những thời kỳ đen tối như thế, Ánh Sáng Chúa Kitô lại chiếu tỏa rực rỡ hơn. Tôi muốn chú trọng đến một vài vị thánh mà Chúa đã đem đến trong những thời kỳ khó khăn này, bởi vì sự khôn ngoan của các ngày có thể thực sự hướng dẫn chúng ta trong thời buổi khó khăn này.

Phản ứng của chúng ta nên như thế nào đây? Hai vị thánh cao cả đã sống trong những thời kỳ khó khăn có thể dẫn dắt chúng ta trong thời buổi thử thách của chính chúng ta.

Có lần kia, thánh Phanxicô đệ Salê được mời phát biểu về những tai tiếng do một số linh mục gây ra trong những năm 1500 và 1600. Những điều ngài nói ra rất quan trọng đối với chúng ta ngày nay cũng như những người đã lắng nghe ngài lúc đó.

Ngài phát biểu rằng, "Những ai phạm những tai tiếng như thế này thì có tội sát nhân về mặt thiêng liêng". Họ hủy hoại đức tin vào Thiên Chúa qua những gương mù khốn nạn của họ. Nhưng sau đó ngài cảnh cáo những người lắng nghe ngài, "Tuy nhiên, tôi đến đây giữa anh chị em để ngăn ngừa những điều tệ hại hơn nữa cho anh chị em. Trong khi những kẻ gây ra tai tiếng là những kẻ sát nhân về tinh thần, những ai lợi dụng tai tiếng này - những ai để các vụ tai tiếng này hủy đi đức tin của họ - thì phạm tội tự sát về tinh thần".

Ngài nói, họ phạm tội cắt đứt đời sống của họ với Ðức Kitô, từ bỏ nguồn mạch của sự sống trong các Phép Bí Tích, đặc biệt trong Bí Tích Thánh Thể. Ngài đã đi đến giữa những người tại Thụy Sĩ khuyên bảo họ đừng tự sát tinh thần vì những vụ tai tiếng này. Tôi cũng ở đây hôm nay để nói cùng một điều đó với anh chị em.

Thánh Phanxicô đã phải chạm trán với những gì?

Một vị thánh cao cả nữa có thể giúp chúng ta xa hơn. Thánh Phanxicô thành Assisi đã sống trong những năm 1200 là một thời kỳ vô luân khủng khiếp tại trung bộ Ý Ðại Lợi. Các linh mục làm ra những gương rất xấu xa. Tình trạng vô luân của giáo dân còn bi đát hơn thế nữa. Chính thánh Phanxicô thời thanh niên cũng gây ra nhiều vụ tai tiếng vì lối sống phóng đãng của ngài.

Nhưng cuối cùng, ngài đã hoán cải trở lại với Chúa, thành lập dòng Phanxicô, cộng tác với Thiên Chúa xây dựng lại Giáo Hội và đã trở nên một trong số những vị thánh cao cả của mọi thời đại. Có lần, một trong số những anh em Phan Sinh hỏi ngài một câu hỏi. Anh này rất nhạy cảm với những vụ tai tiếng.

"Anh Phanxicô, anh sẽ làm gì khi biết vị linh mục đang cử hành thánh lễ đã có ba bà vợ bé?" Phanxicô, không mảy may xúc động, trả lời "Khi đến lúc lên rước lễ, tôi sẽ tiến lên nhận Mình Thánh Chúa từ những bàn tay đã được xức dầu của vị linh mục".

Thánh Phanxicô muốn nhắm đến cái gì đây? Ngài muốn đề cập đến một sự thật tuyệt diệu của đức tin và một hồng ân cao cả của Thiên Chúa. Dù người linh mục đó tội lỗi đến đâu, miễn là người ấy có ý muốn thực hiện điều mà Giáo Hội làm - trong Thánh Lễ, chẳng hạn, hóa bánh và rượu nên thành Mình và Máu Chúa Kitô, hay trong tòa giải tội, khi tha thứ những tội lỗi của hối nhân bất chấp người linh mục ấy tội lỗi cá nhân thế nào - Chính Ðức Kitô tác động thông qua thừa tác vụ đó trong các phép bí tích.

Dù là Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử hành thánh lễ hay một linh mục phạm tội ác, đang trong hàng ngũ các tử tù, cử hành thánh lễ, thì chính Ðức Kitô tác động và ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài. Do đó, điều mà thánh Phanxicô đề cập để trả lời câu hỏi của người anh em theo đó ngài sẽ nhận Mình Thánh từ tay người linh mục được xức dầu chính là ý muốn nói rằng ngài sẽ không để sự độc ác hay vô luân của người linh mục kia dẫn mình đến chỗ tự sát tinh thần.

Ðức Kitô có thể vẫn tiếp tục hoạt động và vẫn hoạt động ngay cả qua người linh mục tội lỗi nhất. Và tạ ơn Chúa! Nếu chúng ta luôn phải tùy thuộc vào sự thánh thiện cá nhân của các linh mục, chúng ta sẽ gặp rắc rối.

Ðáp trả của Giáo Hội

Và vì thế, tôi lại đặt ra một câu hỏi: "Phản ứng của Giáo Hội nên như thế nào trước những vụ việc này?". Các phương tiện truyền thông đã nói nhiều. Phải chăng Giáo Hội phải làm tốt hơn việc tuyển chọn để không ai có khuynh hướng ấu dâm có thể được phong chức? Tuyệt đối đúng là như thế. Nhưng điều đó là chưa đủ.

Có phải Giáo Hội phải làm tốt hơn việc giải quyết các vụ việc khi được báo cáo? Giáo Hội đã thay đổi lề lối giải quyết những vụ việc này, và ngày nay các phương thức giải quyết là tốt hơn rất nhiều so với thập niên 1980, nhưng các lề lối này luôn có thể làm hoàn hảo hơn. Nhưng ngay cả điều đó cũng không thể coi là đủ.

Có phải chúng ta cần giúp đỡ nhiều hơn cho nạn nhân các vụ lạm dụng này? Vâng, chúng ta phải làm thế, vì công lý và yêu thương! Nhưng ngay cả điều này cũng không đủ.

Ðức Hồng Y Law đã được các khoa trưởng các trường Y Khoa tại Boston giúp trong việc hình thành một trung tâm ngăn ngừa lạm dụng trẻ em, là điều mà tất cả chúng ta đều ủng hộ. Nhưng ngay cả điều này cũng không không phải là một đáp trả đầy đủ.

Ðáp trả duy nhất thích đáng cho chuyện xấu hổ này, đáp trả công giáo đầy đủ cho tai tiếng này - như Thánh Phanxicô thành Assisi đã nhận ra trong những năm 1200, và như vô số các thánh khác đã ý thức trong mọi thế kỷ - là sự thánh thiện!

Mỗi khủng hoảng mà Giáo Hội phải đối diện, mỗi khủng hoảng mà thế giới này phải đương đầu đều là sự khủng hoảng các thánh. Sự thánh thiện là quan yếu bởi vì đó là khuôn mặt của Giáo Hội. Luôn có những người mà linh mục thường gặp, anh chị em cũng biết một vài người như thế, những kẻ đưa ra những lời thoái thác cho việc không thực hành đức tin, những kẻ đang tự sát dần về mặt thiêng liêng. Có thể là vì một bà sơ nào đó dữ dằn với họ hồi họ lên 9. Hay bởi vì họ không hiểu giáo huấn của Giáo Hội về một vấn nạn cụ thể - như thể bất cứ chuyện gì cũng có thể ru ngủ lương tâm họ để khỏi làm điều lý ra họ biết họ phải làm.

Không chút hoài nghi là ngày nay có những người - và anh chị em có lẽ cũng biết họ, những người luôn nói: "Tại sao tôi phải thực hành đức tin, tại sao tôi phải đi nhà thờ khi mà Giáo Hội không thể là chân thực khi mà có những người do Chúa chọn mà lại có có thể đi làm những chuyện động trời như chúng ta đã được đọc?". Vụ tai tiếng này là cái móc thật lớn mà nhiều người bám víu vào để biện minh cho việc không thực hành niềm tin. Ðó chính là lý do tại sao sự thánh thiện là rất quan trọng. Họ cần tìm nơi tất cả mọi người chúng ta một lý do cho đức tin, một lý do để hy vọng, một lý do để đáp trả với yêu thương tình yêu của Chúa. Những mối phúc thật mà chúng ta nghe trong Tin Mừng ngày hôm nay là công thức cho sự nên thánh. Chúng ta cần phải sống những mối phúc này nhiều hơn nữa.

Phải chăng các linh mục phải trở nên thánh thiện hơn? Phải chăng các nam nữ tu sĩ phải nên thánh thiện hơn và nên chứng tá mạnh mẽ hơn cho Thiên Chúa và cho thiên đàng? Tuyệt đối đúng như thế. Nhưng tất cả mọi người trong Giáo Hội phải nên thánh, kể cả anh chị em giáo dân! Tất cả chúng ta đều có ơn gọi nên thánh và cuộc khủng hoảng này đánh thức chúng ta.

Thời điểm cho các linh mục

Là một linh mục trong thời điểm này thật là khó khăn. Là một người Công Giáo trong thời này cũng thật là khó khăn. Nhưng cũng thật là một thời điểm đầy ý nghĩa để là một linh mục, để là một người Công Giáo. Ðức Giêsu nói trong tám mối phúc thật chúng ta nghe hôm nay, "Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao."

Thời này là một thời điềm đầy ý nghĩa để là một người Kitô Giáo, bởi vì đây là thời mà Thiên Chúa thực sự cần chúng ta để tỏ lộ ra dung mạo thực sự của Ngài. Trong những thời kỳ trước đây tại Mỹ, Giáo Hội được kính trọng. Các linh mục cũng đã được kính trọng. Không còn như thế nữa.

Một trong những nhà giảng thuyết lừng danh trong lịch sử nước Mỹ, Ðức Giám Mục Fulton J. Sheen, thường nói ngài thích sống trong những lúc khi Giáo Hội phải chịu thử thách hơn là lúc Giáo Hội đã nở rộ, khi Giáo Hội đang phải phấn đấu, khi Giáo Hội phải đi ngược lại trào lưu thế tục.

Ðây là thời điểm cho những người nam nữ thực sự hãy đứng lên và hãy trở nên đáng trông cậy. Khi nói về nhiều người có thể xu thời khi Giáo Hội được nể trọng, Ðức Cha Fulton nói, "Ngay cả những xác chết cũng có thể trôi xuôi dòng, nhưng nó đòi hỏi phải là những người nam, người nữ chân chính để đi ngược trào lưu". Ðúng biết chừng nào! Phải là những người nam, người nữ chân chính để đứng thẳng dậy và đi ngược trào lưu chống lại Giáo Hội. Phải là những người nam, người nữ chân chính mới nhận ra được khi bơi ngược dòng của những chỉ trích, anh chị em được an toàn nhất khi bám sát vào Tảng Ðá trên đó Ðức Kitô đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Ðây là một trong những thời điểm khó khăn. Ðây là một thời đầy cao cả để nên người Kitô Giáo.

Ðây là thời mà tất cả chúng ta cần tập trung nhiều hơn nữa vào sự thánh thiện. Chúng ta được mời gọi để nên thánh và xã hội cần nhìn thấy diện mạo đẹp đẽ và sáng láng của Giáo Hội biết là chừng nào. Anh chị em là một phần của lời giải đáp, một phần thiết yếu của đáp số. Và khi anh chị em tiến lên trong ngày hôm nay để nhận lấy Mình Thánh Chúa từ bàn tay đã được xức dầu của người linh mục này, hãy xin Chúa đổ đầy trong anh chị em niềm ao ước thật sự muốn nên thánh, một niềm ao ước muốn tỏ lộ ra trước mặt người đời tôn nhan rạng ngời của Ngài.

Một thời điểm cho những linh mục cao cả

Một trong những lý do mà tôi hiện diện nơi đây ngày hôm nay trước mặt anh chị em như là một linh mục, là khi tôi còn trẻ tôi chán một số ông cha mà tôi biết lắm. Tôi thường quan sát họ cử hành Thánh Lễ mà hầu như chẳng có niềm tôn kính nào khi đặt Mình Thánh Chúa trên chén thánh, như thể họ đang cầm một thứ gì chẳng có giá trị bao nhiêu chứ không phải là Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ cho mọi người và cho tôi.

Tôi nhớ thường nói với Chúa, lặp đi lặp lại niềm ao ước của tôi được trở nên một linh mục, "Lạy Chúa, xin cho con trở nên một linh mục, để con đối xử với Ngài cách xứng đáng!". Ðiều đó mang lại cho tôi một ngọn lửa mãnh liệt để phục vụ Chúa. Cầu xin cho vụ tai tiếng này có thể cũng đem đến cùng một ngọn lửa sốt mến trong anh chị em.

Vụ tai tiếng này có thể là điều dẫn anh chị em xuống con đường tự sát thiêng liêng, hay nó có thể khuấy động trong anh chị em để cuối cùng nói lên rằng, "Con muốn nên thánh, để Giáo Hội có thể tỏ lộ ra trước thế giới dung nhan thật sự của Ngài, Lạy Chúa, để những người khác có thể tìm thấy nơi Ngài tình yêu và sự giải thoát mà con đã thấy".

Ðức Giêsu ở giữa chúng ta cho đến tận cùng thế giới, như lời Ngài đã hứa. Ngài vẫn trong chiếc thuyền của Phêrô và giữ không cho thuyền chìm. Cũng như vượt lên sự phản bội của Giuđa, Ngài đã đạt đến vinh quang tột bực trong lịch sử thế giới, đã đem đến ơn cứu độ của chúng ta qua cuộc vượt qua, sự chết và sự sống lại của Ngài, thì qua vụ tai tiếng này Ngài cũng có thể đem đến, và muốn đem đến, một sự tái sinh mới của sự thánh thiện, một Tông Ðồ Công Vụ mới của thế kỷ 21, với mỗi người trong chúng ta - và kể cả anh chị em - những người đang đóng một vai trò thiết yếu.

Bây giờ là thời điểm cho những người nam nữ chân chính của Giáo Hội hãy đứng dậy. Ðây là thời điểm cho các thánh. Anh chị em đáp trả như thế nào?