THỨ NĂM TUẦN THÁNH : THÁNH LỄ TIỆC LY
YÊU CHO ĐẾN CÙNG
Ga 13, 1-15

Thánh lễ chiều nay sẽ tưởng niệm lại việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, chức tư tế và điều răn của Chúa về tình bác ái huynh đệ.Rõ ràng trong thánh lễ này, chúng ta nhận ra tình thương cao vời của Chúa đối với nhân loại, đối với con người, đối với mỗi người. Để diễn tả tình thương vô biên Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta Thịt và Máu của Người để nuôi sống chúng ta.

Chúa Giêsu đã ăn Lễ Vượt Qua lần cuối cùng với các môn đệ nơi nhà Tiệc Ly, trong bữa ăn này, Ngài làm một cử chỉ rất đặc biệt, cử chỉ của người tôi tớ, người nô lệ, Ngài đứng dậy cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Đây là hành động của một Thiên Chúa rất mực khiêm nhường: cúi xuống rửa chân nói lên tình thương vô biên của Chúa. Rửa chân cho các môn đệ xong, Ngài lại tiếp tục bữa ăn và rồi Ngài đã cầm bánh và rượu lập nên Bí Tích Thánh Thể. Bánh đã trở nên Mình Chúa và rượu đã trở nên Máu Chúa. Đây là Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Tình yêu.Bí Tích nuôi sống con người phần hồn phần xác. Quả thực, khi sống nơi trần gian, đến giờ chấp nhận ý định của Thiên Chúa Cha cứu độ con người, Chúa Giêsu trước khi về với Chúa Cha, Ngài không để lại cho nhân loại của cải, tiền bạc, Ngài không để lại gia tài kếch sù để con người chia chác cho nhau, nhưng Ngài đã để lại cho nhân loại của ăn không bao giờ hư mất, Ngài đã nuôi sống con người bằng chính thịt máu của Ngài. Ngài đã đem lại cho con người sự sống mới, sự sống vĩnh cửu, sự sống đời đời. Chúa lập Bí Tích Thánh Thể để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa Cha, giữa chúng ta với Ngài. Ngài cầm lấy bánh, tạ ơn Chúa Cha, trao cho các môn đệ mà nói :” Này là Mình Ta “. Bánh ấy đã trở nên chính thịt của Ngài. Thánh Thể là một lễ tế. Thánh Thể là một cuộc giao hòa. Nên, khi cầm chén rượu nho, tạ ơn Chúa Cha, trao cho các môn đệ và nói :” Này là chén Máu Ta, Máu giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được khỏi tội “. Rượu nho đã trở nên chính Máu của Chúa. Thật diệu kỳ, thật mầu nhiệm !

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã phong chức thánh cho các môn đệ để các môn đệ tiếp tục sứ mạng cứu thế của Chúa ở trần gian này. Ngài thiết lập chức linh mục thừa tác để các môn đệ cử hành thánh lễ và truyền phép. Chúa Giêsu quả thực đã quá yêu thương nhân loại, yêu thương con người. Ngài yêu thương con người, nên để lại cho nhân loại kho tàng quí giá là các Giám mục, các Linh mục để các Ngài thay mặt Chúa ban phát Bí tích cho con người. Do đó, người ta có thề tự hiểu, nếu không có các giám mục, các Linh mục sẽ không có thánh lễ và như thế, đâu có Bí tích Thánh Thể.

Chúa Giêsu còn để lại cho chúng ta một giới răn mới, giới luật yêu thương:” Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con “ hoặc :” Cứ dấu này người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau “. Giới luật mới của Chúa Giêsu hoàn toàn trái ngược với luật của các luật sĩ, thượng tế và biệt phái, nhóm này quan niệm :” Ai thương mình thì thương, còn ai ghét mình thì mình ghét “. Chúa dạy con người : “ yêu thương cả kẻ thù “. Đây là luật bác ái, luật tình yêu. Chúa Giêsu đã sống, đã thực hành giới luật ấy một cách tuyệt đối :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

Như vậy, Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly, bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, đã làm ba cử chỉ đẹp nhất, cao quí nhất là rửa chân cho các môn đệ, lập Bí tích Thánh Thể và ban giới luật mới, giới luật yêu thương. Thật lạ lùng, thật linh thánh và kỳ diệu, Chúa Giêsu đã để lại cho nhân loại kho tàng quí giá không người trần gian nào có thể có được, có thể để lại như Ngài…

Lạy Chúa, trong bữa Tiệc Ly trọng đại, trước ngày tự hiến thân chịu khổ hình, Đức Giêsu đã trối cho Hội Thánh một hy lễ mới muôn đời tồn tại làm bằng chứng tình thương của Người. Chiều nay, chúng con đến tham dự yến tiệc cực thánh, như lời Người truyền dạy, xin Chúa cho tất cả chúng con được tràn đầy tình yêu và sức sống viên mãn của Người “. ( Lời nguyện Nhập lễ Thánh Lễ Tiệc Ly ).


THỨ SÁU TUẦN THÁNH : VINH QUANG THẬP GIÁ
Ga 18,1-19.42

Thứ Sáu Tuần Thánh đối với chúng ta là một ngày thánh thiêng, một ngày chay trọng thể, để kính nhớ cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta chay kiêng cho tới tối Vọng Phục sinh và sau đó chúng ta vui mừng, mừng Chúa sống lại.
Thứ Sáu Tuần Thánh, Hội Thánh đề cao vinh quang thập giá hơn là những đau khổ, những tủi nhục, những tang thương của sự thương khó. Hội Thánh kính nhớ cuộc thương khó của Chúa Giêsu và sự sống lại của Ngài. “ Đức Kitô phải chịu thương khó đã để vào trong vinh quang “ ( Lc 24, 26 ). Thập giá và vinh quang đan quyện lấy nhau. Chúng ta chỉ có thể đón nhận mầu nhiệm Thập Giá và Vinh quang sống lại khải hoàn qua đức tin của chúng ta.

Hôm nay, thật sự ngày Thứ Sáu Tuần Thánh không còn là một ngày ảm đạm sầu đau, nhưng ngày Chúa chịu chết lại là một ngày thật tốt đẹp, ngày cao cả bởi vì Chúa Giêsu đã hoàn tất công trình cứu độ của Ngài :” Khi nào Ta được giương lên cao, đã sẽ kéo mọi người lên cùng Ta “. Đây là cao điểm cuộc đời hiến dâng của Chúa cứu thế. Chúa Giêsu chết trên giá, cái chết của Ngài không phải là sự tang tóc theo kiểu suy nghĩ của người đời, Ngài chết theo ý Chúa Cha, Ngài chết để cứu độ con người, cứu chuộc loài người. Cái chết của Ngài có mục đích, có ý nghĩa thẳm sâu. Chúa chết vì yêu thương con người bởi nơi Thập giá chứa chan ơn cứu chuộc. Chúa chết thay cho tất cả mọi người, Ngài vô tội nhưng đã gánh tội lỗi cho chúng ta để cứu rỗi chúng ta. Ngài biết chúng ta cần Ngài, nhưng Ngài yêu thương chúng ta trước, cứu chuộc chúng ta trước khi chúng ta biết mình được hạnh phúc ấy.

Đồi Canvê là nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Tuy nhiên, chẳng khi nào chung ta hiểu thấu ý nghĩa cao sâu của việc Chúa hy sinh chết trên Thập giá, chẳng bao giờ chúng ta hiểu thấu tình thương vô biên của Chúa đối với chúng ta. Cuộc hành trình đức tin vẫn kéo dài. Cuộc lữ hành trần thế vẫn có những thử thách, những mong manh, những đau khổ, con người vẫn có nhièu lỗi phạm, chúng ta vẫn phản nghịch cùng Chúa và vẫn thích làm theo ý chúng ta. Chúa không muốn để chúng ta phải chết tuy chúng ta thật đáng tội chết. Chúa đã chết cho chúng ta được sống và sống dồi dào, sống tự do như Ngài đã nói :” Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào “ ( Ga 10, 10 ).

Do đó, chúng ta phải bỏ con người cũ để mặc lấy Đức Kitô. Từ bỏ tội lỗi, từ bỏ đời sống xấu xa để chúng ta được đẹp lòng Chúa. Chúng ta cũng phải thương yêu người đồng loại và đem Chúa cho họ.

Thứ Sáu Thánh, chúng ta hãy nhìn lên Thập giá Chúa Giêsu :” Đây là cây thánh giá. Nơi đã treo Đấng cứu độ trần gian “. Chúng ta hãy tự suy nghĩ và hồi tâm bởi đâu Chúa chịu chết như vậy ? Phải chăng do tội lỗi con người, do tội lỗi chúng ta mà Chúa chịu đau khổ và chịu chết thảm sầu trên thánh giá ? Chúng ta hãy thực lòng ăn năn thống hối để xin Chúa thứ tha và chúc lành.

Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con vô ngần, Chúa đã vui lòng cho con một Chúa đổ máu đào trên thập giá để hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua, đem lại ơn cứu độ cho loài người. Giờ đây, xin Chúa nhớ lại tình thương ấy mà thánh hóa và che chở đoàn con luôn mãi “. Amen. ( Lời nguyện đầu ngày Thứ Sáu Thánh “.


THỨ BẢY VỌNG PHỤC SINH: CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT

VỌNG PHỤC SINH, LỄ ĐÊM, năm C
Lc 24, 1-12

Một biến cố đã làm đảo lộn tất cả. Bởi vì, ngay các tông đồ, các người phụ nữ trước đó vẫn chưa tin Chúa sống lại. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng luôn tôn trọng sự tự do của con người. Ngài cho họ quyền nghi ngờ và phủ nhận Ngài. Tuy nhiên, trong những ngày lo âu, sợ sệt và hết sức hoang mang hồi hộp, một biến cố hay nói một cách siêu nhiên, mầu nhiệm Đức Giêsu đã ra khỏi mồ, đã chiến thắng sự chết, đã phục sinh làm đảo lộn mọi người : thế giới, các tông đồ, những người phụ nữ và làm đảo lộn tất cả…

Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng của Thánh Gioan đã gợi lại cho thế giới, cho tất cả nhân loại và cho chúng ta một mầu nhiệm, chứ không tường thuật một câu chuyện. Các Thánh sử đã không mô tả việc Chúa Giêsu chỗi dậy và ra khỏi mồ thế nào. Các Ngài nói về một mầu nhiệm ( un mystère ). Điều này giúp chúng ta tin tưởng mãnh liệt vào việc Chúa sống lại,và đảm bảo cho nhân loại, cho chúng ta về chứng từ không thể sai lầm của các Tin Mừng. Giáo Hội đêm nay qua Phụng vụ gợi lại mầu nhiệm Phục sinh khi công bố Tin Mừng Phục sinh bên cây nến cháy sáng lung linh tượng trưng cho Đức Giêsu sống lại khải hoàn :” Ôi đêm thật hạnh phúc, chỉ mình ngươi đã được biết giờ này …”. Đức Giêsu đã phục sinh thật. Sống lại có nghĩa là không chết nữa. Sự sống lại của Đức Giêsu hoàn toàn khác với sự hồi sinh của con bà góa thành Naim, hay của Lazarô, bởi vì con bà góa thành Naim hay Lazarô được Chúa cho hồi sinh, sau đó sống thêm thời gian nữa ở trần gian và rồi cũng lại chết, không thể sống lại nữa. Đức Giêsu sống lại không bao giờ chết nữa, Ngài được đưa vào hưởng vinh quang với Thiên Chúa. Tin Mừng thánh Luca đêm nay cho hay :” …Họ còn đang phân vân, thì kìa hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ “ ( Lc 24, 3 ). Thánh Luca viết tiếp :” Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết “ ( Lc 24, 5 ). Đây là một bằng chứng từ trời cao do chính các thiên thần minh chứng cho các người phụ nữ.Rồi sự kiện mồ trống, những cuộc hiện ra với những người phụ nữ và sau đó chính Chúa trực tiếp hiện ra với nhóm mười hai. Các người phụ nữ từ tình trạng hoang mang, bất ngờ đã nhận ra Chúa phục sinh. Các bà đã hối hả loan báo cho các tông đồ. Việc các tông đồ cho rằng các phụ nữ là những người vớ vẩn, việc họ nói là chuyện đàn bà đến việc chính các Ngài đã tin và tuyên xưng nơi Chúa phục sinh là một mầu nhiệm đức tin thẳm sâu.

Thực tế, lời loan báo Tin Mừng của các tông đồ : Đức Giêsu đã phục sinh và đang hiện diện. Đây là cốt lỗi của Kéryma tiên khởi của các tông đồ. Các tông đồ khi đã xác tín và cảm nghiệm sâu xa về Chúa phục sinh.Các Ngài đã hiên ngang, bất khuất sống niềm tin ấy và nhiệt tâm bất khuất loan truyền Tin Mừng phục sinh cho mọi người bất chấp gian nan, ngay cả phải hy sinh chính mạng sống của mình.Tuy nhiên để tin như thế, các tông đồ cũng đã phải trải qua một thời gian giao động, hoang mang, xáo trộn, thất vọng, nghi nan và đơn giản là không tin.Cuối cùng chính các chứng từ và trực tiếp các tông đồ đã nhìn thấy Đấng phục sinh, nên họ đã tin và nhứt nhứt đã tin vào Chúa phục sinh để để rồi sống mầu nhiệm phục sinh một cách trọn vẹn.Các tông đồ đã tin, đã làm chứng và đã chết vì lời các Ngài rao giảng.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết:” Bàn tay cứu độ của Chúa nâng đỡ chúng ta, và như thế, ngay từ bây giờ, chúng ta có thể hát vang bài ca của những người được cứu thoát, bài ca mới của những người đã sống lại: alléluia! Amen “.

Vâng sứ điệp Phục Sinh loan báo Đức Giêsu sống lại. Ngài vẫn sống và đang hoạt động trong cuộc đời chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con mau mắn nhận ra Chúa như Phêrô khi nghe thánh Gioan nói :” Thầy đó “, Phêrô đã vội vã đi trên mặt biển mà đến với Chúa.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tin Mừng Phục Sinh nói cho chúng ta những gì ?
2.Hai người đàn ông mặc áo trắng là ai ?
3.Các tông đồ có tin Đức Giêsu Phục Sinh ngay không ?
4.Đức tin của các tông đồ phải trải qua những giai đoạn nào ?
5.Tại saoĐức Giêsu Phục Sinh lại gọi là một mầu nhiệm ?