5/2/2012: Nhật Báo L’Osservatore Romano

Thiên Chúa không bao giờ nản chí trong việc tìm đến với con người; cho dù Người thường gặp phải một thái độ hiểu nhầm và thờ ơ, nếu không nói là "bướng bỉnh chống đối". Đức Thánh Cha nói như vậy trong buổi triều kiến chung ngày thứ tư, 2 tháng 5, tại quảng trường Thánh Phêrô. Ngài nói về nhân chứng và lời cầu nguyện của Thánh Têphanô, một trong bẩy thầy phó tế được các Tông Đồ lựa chọn để thi hành dịch vụ bác ái cho người nghèo.

Đề cập đến lời tuyên bố của vị tử đạo đầu tiên của Kitô giáo trước thượng hội đồng Do Thái, Đức Thánh Cha nhấn mạnh là ngài "giải thích toàn bộ trình thuật Phúc Âm, hành trình chứa đựng trong Kinh Thánh đưa dẫn đến 'chỗ' của sự hiện diện quyết định của Thiên Chúa, đó là Chúa Giêsu Kitô, và đặc biệt trong cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Người." Thánh Têphanô cũng giải thích trong bối cảnh này, vì ngài là một môn đệ của Chúa Giêsu, đến độ lựa chọn việc tử dạo, quyết định này trở nên "sự viên mãn của đời sống của ngài và sứ điệp của Đức Kitô."

Vì vậy theo ý kiến vị tử đạo tiên khởi, "đền thánh mới nơi Thiên Chúa ngự là Chúa Con, đấng đã mang lấy nhục thể, là nhân bản của Chúa Kitô, Đấng đã sống lại, tụ tập dân Người và kết hiệp họ trong bí tích Mình Máu Thánh Người." Trong Người "Thiên Chúa và con người, Thiên Chúa và tất cả thế gian thực sự được kết hiệp." Thực vậy, Chúa Giêsu "đã mang lấy tất cả gánh nặng của tội lỗi con người vào trong tình yêu của Thiên Chúa và 'thiêu hủy' hết trong tình yêu này."

Đến gần thập giá như thế có nghĩa là "bước vào sự hoán cải này" như chính thánh Têphanô đã làm, để trở nên "một với Đức Kitô" qua việc tử đạo. Nhân chứng của ngài cho các tín hữu thấy là qua mối tương quan với chính Thiên Chúa, vị thánh này đã tìm được "sức mạnh để đối chất những kẻ đàn áp mình, đến mức tự hiến thân." Về phương diện này, Đức Thánh Cha đề nghị là các kinh nguyện của chúng ta phải được "nuôi dưỡng bằng việc lắng nghe Lời Chúa, trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người."

Trong những gian truân của thánh Têphanô, viễn tượng của mối tương quan yêu thương giữa Thiên Chúa và con người, trong đó hình ảnh và sứ mệnh của Chúa Kitô được tiên báo và nổi bật. Đức Thánh Cha Benedict giải thích: Đâu là đền thờ, trong đó sự hiện diện của Chúa Cha trở nên hết sức mật thiết đến độ nhập thể để đem chúng ta đến với Thiên Chúa, để mở cửa thiên đàng cho chúng ta?” Vì vậy kinh nguyện của chúng ta phải là một sự chiêm ngắm Chúa Giêsu như cánh tay mặt của Thiên Chúa, như là Chúa của chúng ta, của tôi, trong đời sống hàng ngày." Vì chỉ có trong Người, "chúng ta cũng có thể nói với Thiên Chúa, tiếp xúc thật sự với Thiên Chúa với lòng tin cậy và phó thác của những đức con nói với người cha yêu thương chúng vô bờ."