Lời Giải Đáp Cho Sự Sống Đời Đời

Trong kinh Tin Kính có đoạn chúng ta tuyên xưng: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”. Hôm nay, chúng ta phải lặp lại một lần nữa công thức đó: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta. Người đã sống lại, lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha”. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, không phải để vinh quang trần thế, bởi lẽ Ngài đã tự hủy mình ra không, mặc lấy thân xác con người, hư hèn, tội lỗi và nhất là mang án chết vào mình.

Suốt một tuần Thương Khó và đặc biệt là Tam Nhật Vượt Qua. Giáo Hội cùng cử hành những nghi lễ Con Chúa chịu đau khổ, chịu chết. Đó đâu phải là vinh quang dành cho một vị Thiên Chúa. Ngài đã mặc lấy mọi sự thống khổ của nhân loại, và nhất là Ngài đã chấp nhận đến tận cùng với sự chết. Sự chết vốn là án phạt của con người. Vậy nếu hôm nay Đức Kitô từ trong cõi chết sống lại, chiến thắng tử thần, chiến thắng sự dữ, chiến thắng thế gian thì không phải là Ngài đã lập được một công trạng gì mới. Bởi lẽ, Thiên Chúa toàn năng và vinh quang vĩnh cửu, chẳng cần thêm gì cho Chúa. Nếu hôm nay, niềm vinh quang được giãi tỏa, sức sống mới được trao ban, thì một lần nữa khẳng định cho chúng ta là “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”. Chính vì vậy, chúng ta có thể nói mà không phải xin phép Chúa, rằng chúng ta vui hơn Chúa! Chúng ta vui hơn Chúa, bởi vì sự sống lại của Chúa chính là để cho chúng ta được hạnh phúc đời đời. Chúa sống lại trước mắt mọi người, cũng như Chúa ăn uống trước mắt các tông đồ là để làm chứng cho các ông biết, đây là sự sống lại, không phải là ma để các ông phải sợ hãi. Vậy, việc Chúa từ trong mồ bật dậy, cũng là để cho chúng ta thấy thời điểm đã đến, Chúa phất cao ngọn cờ chiến thắng. Ngọn cờ chiến thắng này, không phải là trên nhân loại nhưng là trên thế gian, trên ma quỉ, trên sự dữ, trên tử thần. Ngọn cờ chiến thắng này, để người Kitô hữu ngẩng cao đầu với niềm hy vọng vào sự sống mới. Họ biết rằng, bao lâu còn sống trong thân xác này, những đau khổ, những vất vả, những gánh nặng chất chồng. Nhưng từ nay, nhìn vào Đức Kitô từ trong cõi chết sống lại, họ được một niềm hy vọng, luôn luôn mời gọi ở phía trước, luôn luôn chờ đón trên cao. Người Ki tô hữu bước xa mà không sợ vất vả, người Kitô hữu nhìn cao mà không sợ hẫng hụt. Từ nay, ý nghĩa của đau khổ và kể cả ý nghĩa của sự chết, có lời giải đáp rõ ràng trong Đức Kitô Giêsu Phục Sinh.

Khi thánh Phêrô nói với chúng ta rằng: “Hãy luôn luôn sn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”(1Pr 3,15). Nhiều người không biết trả lời thế nào. Nhưng hôm nay, câu trả lời rõ ràng đến từ Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. Chúng ta chỉ cần lớn tiếng tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”. Một lời tuyên xưng đó đã cho thấy người Kitô hữu thực sự khác biệt so với những người không có đức tin trong sự sống đời đời. Chính xác loài người ngày sau sống lại. Bằng chứng đâu? Người ta sẽ chất vấn lại chúng ta về đức tin đó. Và chúng ta hãy chỉ lên cây Thập Giá. Đây! Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tuyên bố “Ngày thứ ba sẽ sống lại”, và điều đó đã được ứng nghiệm. Hãy lớn tiêng nói với thế giới rằng: Chúng tôi không tôn thờ một người đã chết, chúng tôi không tôn thờ một con người bị tử tội. Vì đằng sau Thập Giá là tình yêu, đằng sau cái chết là sự phục sinh. Vì vậy, người Kitô hữu tuyên xưng vào một Đấng bị đóng đinh để thấy một tình yêu cao cả nhất, hiến mạng vì người mình yêu. Tôn thờ một Đấng đã chết trên Thập Giá để qua đó nhìn thấy ánh vinh quang của Đấng Phục Sinh rạng rỡ từ sau cái chết. Câu trả lời của chúng ta rõ ràng như thế là nhờ ngày hôm nay, ngày Phục Sinh vinh quang của Đức Kitô. Người ta đã không thể loại trừ gia phả Đức Giêsu Kitô như các thánh sử đã ghi; người ta không thể phủ nhận một Giêsu Nazareth con ông Giuse và bà Maria ở giữa chúng ta; người ta đã không thể xóa nhòa niên hiệu lịch sử đời Phongxio Philato, quan tổng trấn thay mặt đế quốc Roma làm quan tòa toàn quyền trên nước bị trị Do Thái. Nếu tất cả những dữ kiện đó không thể phủ nhận thì việc Đức Giêsu Kitô từ trong cõi chết sống lại cũng hiển nhiên như đã từng đi vào lịch sử của loài người. Điều này không phải chúng ta áp chế cho tất cả mọi người đều phải tin, cũng không phải chúng ta lớn tiếng đòi hỏi lịch sử phải ghi dấu và buộc các quốc gia phải lưu trữ trong kho biên niên sử của nước mình. Nhưng niềm tin và chứng từ của cuộc sống đã cho chúng ta một sự thật đó, để những ai nhắm mắt từ chối sự thật thì như là người đã chối từ không nhìn thấy ánh mặt trời trên trái đất này. Một sự thật hiển nhiên như thế, một mặt trời công chính như thế cho người Kitô hữu hôm nay bước đi trong hiên ngang và trong niềm vui, hạnh phúc.

Thánh Phaolo đã dám đưa ra một biện luận rất rõ ràng việc Chúa Phục Sinh, đó là: “Nếu Đức Giêsu Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi là vô ích và đức tin của anh chị em là mơ hồ”(1Cr 15,14). Người đời coi mọi nhân đức Kitô giáo là phương thế ủy mị, coi những hy sinh của Kitô giáo bị đánh giá là dại dột và niềm tin vào Con Người đã chết được coi là điên rồ. Cho đến khi “từ trong cõi chết sống lại” thì mọi giá trị của chân lý được khẳng định. Những gì mà người Kitô hữu hôm nay bị coi là dại dột thì trở nên khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa, và những gì thế gian coi là khôn ngoan thì trở nên dại dột trước mặt Thiên Chúa. Tại sao lại có sự đảo lộn và nghịch lý như vậy? Là bởi vì con người đã đảo lộn ngay từ khi nguyên tổ phạm tội. Người ta hướng về cái chết chứ không hướng về sự sống. Người ta hành trình đi từ trời cao xuống vực thẳm. Còn hôm nay, Đức Kitô lại đi từ trong cõi chết, thậm chí xuống cả ngục tổ tông để đi lên và người đem các thánh theo. Người đem tất cả những ai tin vào Ngài, như trong Tin Mừng Gioan ghi lại: “Khi nào Ta bị treo lên cao, Ta cũng sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” (Ga 12,32). Ngày hôm nay chính lời khẳng định đó được chứng thực. Đức Giêsu xuống tận ngục tổ tông đưa các thánh lên, niềm hy vọng đưa chúng ta lên cao để người Kitô hữu nhìn lên Đức Kitô mà thấy sự sống đích thật của mình. Một lời giải đáp cho tất cả mọi vấn nạn. Một lời soi sáng cho tất cả ý nghĩa của đau khổ, của sự chết, và ý nghĩa sự sống của con người trên thế giới này.

Con người ta đã không thể tự hiểu được chính mình với những câu hỏi “Tôi từ đâu đến?” và “Tôi sẽ đi về đâu?”, hay “Cuộc sống của tôi hiện tại ra sao?”, rồi “Tôi sẽ được bù đắp thế nào?”, hoặc “Đâu là nguyên do của đau khổ?” và “Tôi sẽ giải đáp những đau khổ này bởi đâu?”… Không thiếu những tôn giáo như Phật giáo, Lão giáo đã cố gắng tìm mọi cách để lý giải, để đưa con người thoát khỏi bể khổ. Nhưng tất cả những lời giải đáp đó chỉ là những phương thế. Người ta gọi như đó là một giải pháp tình thế, còn khi chúng ta nhìn vào Đức Giêsu Kitô từ trong cõi chết sống lại, chúng ta mới nhìn thấy tất cả toàn cảnh, ý nghĩa của cuộc đời. Con người sẽ được giải thoát, con người sẽ đi vào cõi vĩnh cửu, con người sẽ được đi trong ánh sáng chân lý như Đức Giêsu đã tuyên bố “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Đức Giêsu là đường. Một con đường chân chính mà Ngài đưa chúng ta bước trên con đường chính lộ; Đức Giêsu là sự thật để giải thoát chúng ta khỏi những vấn nạn mà khoa học, triết học ngàn đời cũng không trả lời được; Đức Giêsu là sự sống để trả lời cho chúng ta rằng dù Đức Giêsu Kitô có đi vào cõi chết, nhưng Ca tiếp liên lễ Phục Sinh đặt trên miệng Maria Madalen lời này: “Tôi đã thấy mồ Đức Kitô đang sống và vinh quang của Đấng Phục Sinh”. Đó là sự sống đích thật của mỗi người chúng ta.

Chúa nay sống lại vinh quang.
Niềm vui chất ngất hân hoan mọi đời.
Chúa Con xuống thế làm người.
Người làm con Chúa, diệu vời hoan ca.
Halleluia, Halleluia!


LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc