Lúc 10h15 sáng Chúa Nhật tại trước tiền đình đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ Phục Sinh. Cùng đồng tế với ngài có đông đảo các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục trong giáo triều Rôma.

Hiện diện trong thánh lễ bên cạnh hàng trăm ngàn anh chị em tín hữu đứng chật quảng trường Thánh Phêrô lấn sang Đại Lộ Hòa Giải, có sự hiện diện của các vị đại sứ trong ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Giải thích ý nghĩa trọng đại của biến cố Phục sinh, Đức Thánh Cha nói:

Sau thánh lễ Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã xuất hiện tại bao lơn chính giữa mặt tiền đền thờ thánh Phêrô để đọc sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành toàn xá cho thành Roma cùng toàn thế giới. Buổi đọc sứ điệp đã được 162 đài truyền hình của 63 quốc gia chiếu trực tiếp.

Trên thềm Đền thờ có một đội quân của vệ binh Thụy Sĩ và ban nhạc của Hiến binh Vatican, cùng với một ban quân nhạc danh dự liên binh chủng của Italia.

Đức Thánh Cha đã xuất hiện trên bao lơn chính của Đền thờ thánh Phêrô trước tiếng vỗ tay reo hò vui mừng của các tín hữu, đồng thời hai ban quân nhạc lần lượt trổi quốc thiều Vatican và Italia.

Trong sứ điệp Phục sinh, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em tại Rôma và trên toàn khắp thế giới thân mến

"Christus Surrexit, spes mea" - "Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã sống lại" (Lời Ca Tiếp Liên trong Phụng Vụ Lễ Phục Sinh).

Cầu xin cho tiếng reo vui hân hoan của Giáo Hội đến được tất cả anh chị em với những lời mà bài thánh ca cổ kính đã đặt trên môi của Maria Mađalêna, là người đầu tiên đã gặp Chúa Giêsu Sống Lại vào sáng Phục Sinh. Cô chạy đi loan báo không kịp thở cho các môn đệ khác: "Tôi đã thấy Chúa" (Ga 20:18). Chúng ta cũng đã trải qua hành trình sa mạc Mùa Chay và những ngày đau thương của cuộc Thương Khó, hôm nay chúng ta cũng cất cao tiếng reo vui mừng chiến thắng: "Ngài đã sống lại! Ngài đã sống lại thật! "

Mỗi Kitô hữu sống lại kinh nghiệm của Maria Mađalêna. Một kinh nghiệm liên quan đến một cuộc gặp gỡ thay đổi hẳn cuộc đời của chúng ta, đó là cuộc gặp gỡ với một Con Người duy nhất đã cho chúng ta cảm nghiệm được tất cả sự tốt lành của Thiên Chúa và sự thật, Người giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi không phải một cách hời hợt, thoáng qua, nhưng giải phóng triệt để chúng ta, chữa lành chúng ta hoàn toàn và khôi phục phẩm giá của chúng ta. Đó là lý do tại sao Maria Mađalêna gọi Chúa Giêsu là "hy vọng của tôi": Ngài là Đấng làm cho cô được tái sinh, là Đấng ban cho cô một tương lai mới, một cuộc sống tốt lành và tự do khỏi mọi xiềng xích tội lỗi. "Chúa Kitô, hy vọng của tôi" có nghĩa là tất cả khao khát của tôi cho điều thiện hảo tìm thấy ở nơi Ngài một khả năng đạt đến viên mãn thực sự, với Ngài tôi có thể hy vọng cho một cuộc sống tốt đẹp, viên mãn và vĩnh cửu, vì Thiên Chúa đã xích lại gần chúng ta, thậm chí chia sẻ thân phận con người của chúng ta .

Tuy nhiên, Maria Mađalêna cũng như các môn đệ khác, phải nhìn thấy Chúa Giêsu bị khước từ bởi các nhà lãnh đạo dân chúng, bị bắt, đánh đòn, bị kết án tử và đóng đinh. Thật là không thể chịu đựng được khi phải chứng kiến sự tốt lành nơi một con người bị đưa ra làm trò lăng mạ, phải nhìn thấy sự thật bị chế nhạo bởi sự dối trá, và lòng thương xót bị lạm dụng bởi sự trả thù. Với cái chết của Chúa Giêsu, niềm hy vọng của tất cả những ai đã đặt niềm tin nơi Ngài dường như bị tan biến. Nhưng đức tin ấy không bao giờ thất bại hoàn toàn: đặc biệt là ở trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, ánh lửa đức tin của Mẹ bừng lên ngay cả trong thâm u của đêm đen. Trong thế giới này, không có niềm hy vọng nào có thể tránh không phải đối diện với sự khắc nghiệt của cái ác. Hy vọng không chỉ bị lung lạc bởi bức tường của cái chết mà thôi, nhưng còn bị dằn vặt tàn bạo hơn nhiều bởi những lời nhạo báng do ghen tị và kiêu ngạo, dối trá và bạo lực. Chúa Giêsu đi ngang qua cuộc đời trần thế muôn mặt này để mở một con đường dẫn đến vương quốc của sự sống. Ở một thời điểm nào đó, Chúa Giêsu dường như kẻ chiến bại: bóng tối xâm chiếm mặt đất, Thiên Chúa hoàn toàn im lặng, và hy vọng dường như chỉ còn là một từ ngữ trống rỗng.

Và đây, vào buổi bình minh của ngày thứ nhất sau ngày Sa-bát, ngôi mộ được tìm thấy trống rỗng. Sau đó, chính Chúa Giêsu tỏ mình ra cho Maria Mađalêna, và những người phụ nữ khác, rồi tới các môn đệ của Ngài. Đức tin lại được tái sinh, sống động và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, bây giờ đức tin ấy là bất khả chiến bại vì đức tin ấy được thui rèn bởi một kinh nghiệm đảo lộn hồn xác: "Cái chết tương tranh với cuộc sống: cuộc chiến kết thúc lạ kỳ! Nhà vô địch của cuộc sống đã bị giết chết, giờ đây sống lại để trị vì hiển vinh". Những dấu hiệu của sự phục sinh làm chứng cho sự chiến thắng của cuộc sống trên sự chết, tình yêu trên hận thù, lòng thương xót trên sự trả thù trả oán: "Tôi đã thấy vinh quang của Chúa Kitô khi Ngài sống lại ra khỏi ngôi mồ mà người sống đã lấp lại. Các thiên thần xác nhận cùng với tấm vải liệm và những băng vải".

Anh chị em thân mến!

Chỉ khi Chúa Giêsu sống lại, chỉ khi đó mới có một cái gì đó thật sự là mới mẻ đã xảy ra, một cái gì đó thay đổi tình trạng của nhân loại và thế giới. Khi đó, Chúa Giêsu là Đấng mà chúng ta có thể đặt niềm tin tuyệt đối. Chúng ta không những có thể đặt niềm tin của chúng ta nơi thông điệp của Ngài, nhưng cả chính nơi Chúa Giêsu, vì Đấng Phục Sinh không thuộc về quá khứ, nhưng hiện diện sống động ngày hôm nay. Chúa Kitô là niềm hy vọng và niềm an ủi một cách đặc biệt cho những cộng đồng Kitô hữu đau khổ tột cùng vì đức tin khi đứng trước những phân biệt đối xử và ngược đãi. Người hiện diện như là một lực hy vọng thông qua Giáo Hội của Người, một Giáo Hội gần gũi với tất cả các tình huống đau khổ và bất công của con người.

Xin Chúa Kitô Phục sinh ban hy vọng cho Trung Đông và cho tất cả các dân tộc, xin cho các nhóm văn hóa và tôn giáo trong khu vực đó biết làm việc cùng nhau để thúc đẩy thiện ích chung và tôn trọng nhân quyền. Đặc biệt là ở Syria, cầu xin cho sớm có một kết thúc cho tình trạng đổ máu và có được một dấn thân tức khắc trên con đường đối thoại, tôn trọng và hòa giải, như cộng đồng quốc tế đã kêu gọi. Xin cho nhiều người tị nạn từ quốc gia đó, là những người đang cần hỗ trợ nhân đạo có thể tìm thấy sự chấp nhận và tình liên đới có khả năng làm giảm nhẹ những đau khổ khủng khiếp của họ. Xin cho chiến thắng Phục sinh khích lệ người dân Iraq không bỏ qua bất kỳ nỗ lực nào trong việc theo đuổi con đường hướng đến sự ổn định và phát triển. Tại Thánh Địa, xin cho người Israel và Palestine can đảm tái khởi động một tiến trình hòa bình mới mẻ.

Xin Chúa, Đấng chiến thắng sự dữ và cái chết, duy trì các cộng đồng Kitô hữu của lục địa châu Phi, xin Ngài ban cho họ hy vọng trước những khó khăn mà họ đang phải đương đầu, và làm cho họ trở nên những người kiến tạo hòa bình và là các tác nhân phát triển trong xã hội của mình.

Xin Chúa Giêsu Phục sinh an ủi những người đang đau khổ trong vùng Sừng Phi châu và tạo điều kiện cho hòa giải. Xin Ngài phù giúp khu vực Đại Hồ, Sudan và Nam Sudan, và ban cho người dân trong vùng sức mạnh tha thứ. Tại Mali, nơi giờ đây đang đối diện với những diễn biến chính trị tế nhị, xin Đức Kitô vinh quang ban cho họ hòa bình và ổn định. Với Nigeria, nơi trong thời gian gần đây đã trải qua các cuộc tấn công khủng bố dã man, xin niềm vui Lễ Phục Sinh ban sức mạnh cần thiết để tái khởi động việc xây dựng một xã hội hòa bình và tôn trọng tự do tôn giáo của công dân.

Chúc Mừng Phục Sinh cho tất cả!

Tiếp theo đó là nghi thức ban phép lành URBI ET ORBI cho Roma và toàn thế giới, kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới.

Mở đầu nghi thức, Đức Hồng Y trưởng đẳng phó tế, tuyên bố chủ ý của Đức Thánh Cha ban ơn toàn xá cho những người nói trên, miễn là họ giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Đức Thánh Cha đã long trọng đọc lời nguyện xin Thiên Chúa nhân lành, vì lời cầu bầu của Mẹ Maria, của các thánh tông đồ Phêrô, Phaolô và toàn thể các thánh, mà xá giải mọi tội lỗi và hình phạt bởi tội lỗi cho các tín hữu.

Ngài đọc như sau:

Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.
Nhờ lời cầu bầu và công nghiệp của Đức Trinh nữ Maria, của tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô cùng toàn thể các thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen.
Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa thánh thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen.

Sau đó, Đức Thánh Cha ban phép lành kèm ơn toàn xá.