Kết thúc chuyến tông du 6 ngày tới Mễ Tây Cơ và Cuba, lúc 16h30, Đức Thánh Cha đã từ giã Havana để trở về Rôma.

Máy bay chở Đức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường Ciampino lúc 10 giờ 15 phút sáng ngày thứ Năm, 29 tháng Ba, sau 10 giờ bay.

Vào buổi sáng thứ Tư, lúc 9 giờ sáng trước hàng trăm ngàn người đứng chật Quảng trường Cách Mạng ở thủ đô Havana, Đức Thánh Cha đã hùng hồn bảo vệ Giáo Hội và kêu gọi tự do tôn giáo.

Ngài nói:

Giáo Hội tồn tại là để chia sẻ cho những người khác những gì Giáo Hội sở hữu, đó không gì khác hơn là Chúa Kitô, là niềm hy vọng vinh quang của chúng ta (x. Col 1:27). Để thực hiện nhiệm vụ này, Giáo Hội cần phải có tự do tôn giáo cơ bản, trong đó bao gồm khả thể công bố và cử hành đức tin của mình cả ở nơi công cộng, mang đến cho người khác thông điệp của hòa giải, tình yêu và sự bình an mà Chúa Giêsu mang đến cho thế giới. Thật là vui mừng là ở Cuba các bước khởi đầu đã được thực hiện để giúp cho Giáo Hội thực hiện sứ vụ thiết yếu của mình là thể hiện đức tin một cách cởi mở và công khai. Tuy nhiên, điều này phải được tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa, và tôi muốn khích lệ các giới chức thẩm quyền của quốc gia này hãy tăng cường những gì đã đạt được và tiến bước theo con đường phục vụ thực sự cho thiện ích chân thật của toàn thể xã hội Cuba.

Quyền tự do tôn giáo, cả trong chiều kích cá nhân và công cộng, biểu hiện sự hiệp nhất của con người nhân bản, vừa là một công dân và đồng thời là một tín hữu. Nó cũng nhìn nhận về mặt pháp lý một thực tế là các tín hữu có nhiều đóng góp xây dựng xã hội. Tăng cường tự do tôn giáo củng cố những mối giây liên kết xã hội, nuôi dưỡng niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hòa bình và phát triển hài hòa, trong khi cùng lúc thiết lập nền móng vững chắc để đảm bảo quyền lợi của các thế hệ tương lai.

Khi Giáo Hội đề cao nhân quyền này, Giáo Hội không yêu cầu bất kỳ ưu đãi đặc biệt nào cho mình. Giáo Hội chỉ muốn được trung thành với lệnh truyền của Đấng thiêng liêng sáng lập ra mình, với ý thức rằng, nơi đâu Chúa Kitô hiện diện, nơi đó chúng ta trở nên nhân bản hơn và tình nhân loại của chúng ta trở nên chân thực. Đây là lý do tại sao Giáo Hội tìm kiếm cơ hội để đưa ra chứng tá qua lời rao truyền và giảng dạy của mình, cả trong các lớp giáo lý và trong các trường học và các trường đại học. Thật là vui mừng để hy vọng rằng thời điểm này sẽ sớm xảy ra ngay cả ở đây khi Giáo Hội có thể mang đến cho các lĩnh vực kiến thức những lợi ích của sứ mạng mà Chúa đã ủy thác cho Giáo Hội và Giáo Hội không bao giờ dám xao nhãng.

Buổi lễ tiễn biệt Đức Thánh Cha tại sân bay quốc tế José Martí đã diễn ra lúc 16h30. Trời mưa rất lớn nên buổi lễ được dự định diễn ra ngoài trời đã phải cử hành trong phòng khánh tiết của sân bay.

Trong diễn từ của ngài, Đức Thánh Cha đã cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của nhà nước và dân chúng Cuba.

Đức Thánh Cha nói:

Kính thưa ngài Chủ tịch,

Kính thưa các hiền huynh Hồng y và Giám mục,

Thưa quý chức,

Thưa quý vị,

Cùng các bạn thân mến,

Xin tạ ơn Chúa đã cho phép tôi được đến thăm đảo quốc xinh đẹp này, nơi đã đễ lại một dấu ấn thâm sâu trong trái tim người tiền nhiệm yêu dấu của tôi, là Chân Phước Gioan Phaolô II, khi Ngài đến vùng đất này như một sứ giả của sự thật và hy vọng. Tôi cũng rất muốn đến giữa các bạn như một người hành hương bác ái, để tạ ơn Đức Trinh Nữ Maria về sự hiện diện của bức tượng đáng kính của Mẹ tại thánh địa El Cobre, nơi suốt bốn thế kỷ từ đó đến giờ Mẹ đã đi sát cuộc hành trình của Giáo Hội nơi xứ sở này để khích lệ người dân Cuba, để nhờ tay Chúa Kitô, họ có thể khám phá ra ý nghĩa thực sự của những điều họ mong muốn và nguyện vọng được tìm thấy trong con tim nhân loại và đạt được sức mạnh cần thiết cho công cuộc xây dựng một xã hội trong tình huynh đệ thân ái, trong đó không ai phải cảm giác bị loại trừ. "Chúa Kitô, đấng đã sống lại từ cõi chết, tỏa sáng trong thế gian này, và Ngài đã toả sáng rực rỡ nhất ở những nơi, nói theo ngôn ngữ con người, mọi thứ đều ảm đạm và tuyệt vọng, Ngài đã chiến thắng sự chết. Ngài vẫn sống và niềm tin nơi Ngài, giống như một tia sáng nhỏ, cắt chọc thủng tất cả những gì là đen tối và đe doạ con người "(Đêm Canh Thức Cầu Nguyện với các thanh niên, Freiburg, 24 tháng 9 năm 2011).

Tôi cảm ơn Ngài Chủ tịch và các giới chức khác về sự quan tâm và hợp tác rộng rãi mà họ đã thể hiện trong việc chuẩn bị cho cuộc hành trình này. Tôi cũng biết ơn sâu sắc những thành viên của Hội Đồng Giám Mục Công giáo Cuba đã không bỏ qua nỗ lực hy sinh nào cho vấn đề này, và tất cả những ai đã giúp đỡ bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt là lời cầu nguyện của họ.

Tôi cất giữ trong trái tim của tôi tất cả mọi người dân Cuba, từng người và mọi người. Anh chị em đã vây quanh tôi bằng lời cầu nguyện và lòng ưu ái của mình, đã cho tôi thấy lòng hiếu khách thân tình và chia sẻ với tôi những khát vọng sâu xa và chính đáng của anh chị em.

Tôi đến đây với tư cách một chứng tá cho Chúa Giêsu Kitô, đấng mà tôi tin rằng, bất cứ nơi nào có sự hiện diện của Ngài, nơi ấy sự chán nản phải nhường chỗ cho hy vọng, sự tốt lành sẽ xua tan những bất cập và một sức mạnh sẽ mở ra một chân trời cho những lợi ích và khả năng bất ngờ. Nhân danh Chúa Kitô, và với tư cách là người kế vị Thánh Phêrô Tông Đồ, tôi ước muốn được công bố thông điệp của Ngài về ơn cứu rỗi và được củng cố lòng nhiệt thành cũng như những mối quan tâm về mục vụ của các Giám Mục Cuba, các linh mục, tu sĩ và tất cả những ai đang nhiệt tình chuẩn bị cho sự cho sứ vụ linh mục và cuộc đời tận hiến của họ. Xin cho hành trình này cũng như một xung lực mới cho tất cả những người cộng tác với lòng kiên trì , hy sinh sinh bản thân mình trong công tác rao giảng Tin Mừng, đặc biệt là các tín hữu giáo dân. Bằng cách tăng cường sự tận hiến của họ với Thiên Chúa trong gia đình cũng như tại nơi làm việc, Xin cho họ không bao giờ mệt mỏi trong việc đóng góp cho những điều thiện hảo và tiến trình không tách rời của đất nước họ.

Con đường mà Chúa Kitô đã vạch ra cho nhân loại, cho mỗi cá nhân riêng lẻ cũng như cho cả một dân tộc, không phải là một nguồn ràng buộc, nhưng là tiền đề chính và chủ yếu cho sự phát triển đích thực của họ. Ánh sáng của Chúa đã tỏa sáng trong những ngày này, Xin cho ánh sáng ấy không bao giờ lịm tắt trong lòng những người đã đón nhận nọ Xin cho ánh sáng ấy để có thể giúp tất cả mọi người thúc đẩy sự hòa hợp xã hội và đơm bông kết trái trong những tâm hồn Cuba thánh thiện, những giá trị cao quý nhất, là cơ sở để xây dựng nền tảng của một xã hội với tầm nhìn rộng rãi, đổi mới và hòa giải. Xin đừng để ai cảm thấy họ bị loại trừ trong công tác hào hứng này vì những giới hạn của quyền tự do cơ bản, hoặc vì sự biếng lười, hoặc thiếu chất liệu, một tình trạng trở nên tồi tệ hơn vì những biện pháp kinh tế hạn chế, áp đặt từ bên ngoài đất nước, gây ra những gánh nặng không công bằng.

Cuộc hành hương của tôi hiện đang chấm dứt, nhưng tôi sẽ tiếp tục tha thiết cầu nguyện cho anh chị em luôn tiến về phía trước và Cuba sẽ là ngôi nhà của tất cả và cho tất cả mọi người dân Cuba, nơi công lý và tự do cùng tồn tại trong một bầu khí anh em thanh thản. Sự tôn trọng và cổ xúy cho tự do ở trong trái tim của mỗi người là điều rất cần thiết để đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu căn bản của nhân phẩm của người đó, và theo cách này, để xây dựng một xã hội mà trong đó tất cả đều là những diễn viên không thể thiếu cho tương lai cuộc sống của bản thân, của gia đình và đất nước của họ.

Thời khắc hiện tại đang khẩn thiết đòi hỏi rằng, để cho sự đồng tồn tại trên phương diện cá nhân, quốc gia và quốc tế, chúng ta phải mạnh dạn chối bỏ những vị trí bất động và quan điểm đơn phương nào có xu hướng làm cho sự hiểu biết trở thành khó khăn hơn, và những nỗ lực hợp tác nào không có hiệu quả. Sự khác biệt và khó khăn có thể sẽ được giải quyết bằng sự kiếm tìm không mệt mỏi những gì liên kết tất cả mọi người, qua những cuộc đối thoại kiên nhẫn và chân thành, qua việc sẵn sàng lắng nghe và chấp nhận những mục tiêu nào sẽ đem đến hy vọng mới.

Hỡi Cuba, hãy nhìn lại đức tin của những bậc cao niên của anh chị em, để có thể rút ra từ đó một sức mạnh để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, hãy vững tin vào lời hứa của Chúa, và mở rộng trái tim mình để Tin Mừng của Ngài thật sự đổi mới cuộc sống cá nhân và xã hội của mình.

Trong lúc gỏi lời tạm biệt chân thành đến anh chị em, tôi cầu xin Đức Mẹ Bác Ái El Cobre bảo vệ tất cả người dân Cuba dưới tà áo Mẹ, để gìn giữ lấy họ đang khi phải chịu những thử thách và để đón nhận từ Thiên Chúa toàn năng ân sủng mà họ mong muốn nhất. Hasta siempre, Cuba, một vùng đất tươi đẹp vì có sự hiện diện từ ái của Đức Maria. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tương lai của anh chị em.

Chương trình Tuần Thánh tại Vatican:

Phòng Nghi Lễ Phủ Giáo Hoàng cho biết về chương trình Tuần Thánh tại Vatican như sau:

Sáng Chúa Nhật Lễ Lá 6 tháng Tư, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 9h30 sáng. Đây cũng là ngày giới trẻ tại giáo phận Rôma.

Lúc 9h30 sáng Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Buổi chiều cùng ngày tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô lúc 17h30, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly và rửa chân cho 12 linh mục của giáo phận Rôma.

Lúc 17h ngày thứ Sáu Tuần Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

Lúc 21h15 cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng thánh giá trọng thể tại Đấu trường La Mã Côlôsêô.

Lúc 21h ngày Thứ Bảy Tuần Thánh Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Lúc 10h15 sáng Chúa Nhật tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ Phục Sinh và công bố thông điệp Phục Sinh "Urbi et Orbi" gởi dân thành Rôma và toàn thế giới.

Đức Giáo Hoàng đã gặp gỡ với cựu chủ tịch Fidel Castro

Fidel Castro đã yêu cầu một cuộc gặp gỡ “khiêm tốn và đơn giản” với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào ngày thứ Tư.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra sau khi Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ tại Quảng trường Cách mạng Havana lúc 9h sáng.

Fidel Castro được tường trình là đã hỏi thăm Đức Thánh Cha làm sao có thể đảm đương công việc của vị mục tử toàn thể Hội Thánh ở tuổi 84. Đức Thánh Cha cho biết nhờ ơn Chúa giúp, ngài vẫn có thể cáng đáng công việc của mình.

Đức Giáo Hoàng yêu cầu Cuba công bố Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày nghỉ lễ

Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu chủ tịch Cuba ông Raul Castro tuyên bố Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày nghỉ quốc gia tại Cuba.

Trong ngày thứ hai của chuyến tông du của ngài, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã gặp gỡ với Chủ tịch Raul Castro tại Cung Cách mạng Havana vào lúc 17h30 hôm thứ Ba 27 tháng Ba.

Giám đốc phòng Báo Chí Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, cho biết trong số những vấn đề được đưa ra thảo luận Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời yêu cầu nói trên.

Khi Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm đất nước Cuba vào năm 1998, ngài đã yêu cầu ngày 25 tháng 12 phải được coi là quốc lễ. Sau đó, Fidel Castro, đã tuyên bố Giáng sinh một ngày lễ quốc gia, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha.

Thống kê 1990 ghi nhận người Công Giáo chỉ chiếm 10% dân số. Con số hiện nay là 60%. Đức Hồng Y Jaime Ortega của tổng giáo phận thủ đô Havana cũng đã thành công trong việc kêu gọi cộng sản trả tự do cho một số tù chính trị. Mặc dù vậy, các nhà đối lập tại Cuba vẫn liên tục bị sách nhiễu.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ thứ 27

Ngày Quốc Tế giới trẻ tới đây sẽ được cử hành ở cấp giáo phận vào ngày Chúa nhật Lễ Lá 1 tháng 4. Hôm 27 tháng 3 Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha.

Sứ điệp có đoạn như sau:

Các bạn trẻ thân mến,

Tôi vui mừng vì lại được ngỏ lời với các bạn, nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 27. Kỷ niệm về cuộc gặp gỡ tại Madrid, hồi tháng 8 năm ngoái, vẫn còn ghi đậm trong tâm hồn tôi. Đó là một thời điểm ân phúc đặc biệt, trong đó Chúa đã chúc lành cho các bạn trẻ hiện diện, đến từ các nơi trên toàn thế giới. Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì bao nhiêu thành quả mà Ngài đã làm nảy sinh trong những ngày ấy, và trong tương lai những thành quả ấy sẽ tăng thêm nhiều cho các bạn trẻ và các cộng đoàn của họ. Hiện nay chúng ta đã hướng về cuộc hẹn sắp tới tại Rio de Janeiro vào năm 2013, với chủ đề “Các con hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ”.

Năm nay, chủ đề Ngày Quốc Tế giới trẻ rút từ lời nhắn nhủ trong Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Philiphê: “Anh chị em hãy luôn vui mừng trong Chúa!”. Thực vậy, niềm vui là một yếu tố chủ yếu trong kinh nghiệm Kitô giáo. Trong mỗi Ngày Quốc Tế giới trẻ chúng ta đều cảm nghiệm niềm vui nồng nhiệt, niềm vui hiệp thông, niềm vui được làm Kitô hữu, niềm vui đức tin. Đó là một trong những đặc tính của các cuộc gặp gỡ ấy. Và chúng ta thấy sức mạnh thu hút lớn lao của niềm vui: trong một thế giới thường mang đậm buồn sầu và lo lắng, niềm vui thực là một chứng tá quan trọng về vẻ đẹp và sự đáng tín nhiệm của đức tin Kitô.

Tuần Thánh và Lễ Phục sinh tại Giêrusalem

Khi Giêrusalem tiến dần đến nửa đêm, Đền Thờ Thánh Mộ trở nên sống động với sự hiện diện của các tu sĩ và anh chị em tín hữu. Có rất nhiều nghi lễ liên quan đến cộng đồng người Công Giáo nghi lễ Latin ở Giêrusalem trong suốt mùa Chay. Khi gần đến lễ Phục Sinh, Mộ Thánh đóng vai trò trung tâm trong thời điểm này vì toàn bộ hành trình Mùa Chay chỉ đạt đến mức viên mãn nơi Lễ Phục Sinh.

Hết cuộc rước này lại tiếp theo cuộc rước khác, xung quanh ngôi mộ trống khi các tín hữu tụ tập ở đây trong buổi canh thức ban đêm do các tu sĩ Phanxicô hướng dẫn.

Trong suốt Mùa Chay, mỗi đêm thứ Bảy và Chúa Nhật, các ngọn lửa chiếu sáng các buổi cầu nguyện tại nhà nguyện Hiện Ra. Sau các bài hát, các bài thánh ca và bài đọc, đoàn rước hướng về phía mộ Chúa hát vang bài Chúc Tụng Nhân Danh Chúa mà đến xen kẽ với một điệp ca công bố Tin Mừng Phục sinh kèm theo những âm thanh của đàn organ.

Sau cuộc rước, trở lại trong nhà nguyện, họ cử hành biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với bà Maria Mađalêna. Đoạn Phúc Âm công bố chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết lại được công bố.

Ngay trước khi buổi canh thức, anh chị em tín hữu Giáo Hội Armenia Tông Truyền và người Công Giáo Coptic đã bước vào nhà nguyện Hiện Ra để cử hành các nghi thức xông hương. Với vai trò trung tâm của Kitô giáo, Mộ Thánh là nơi cử hành các nghi lễ của toàn bộ thế giới Kitô giáo có đại diện tại Thánh Địa.

Không giống như những gì đã xảy ra trong hai năm qua, trong năm nay, năm 2012, lễ Phục sinh của Công Giáo và Chính Thống không trùng vào cùng một ngày. Cộng đồng Chính Thống theo lịch Julian và đôi khi trùng với lịch Gregorian do người Công Giáo sử dụng. Tuy thế, trong giáo phận của Tòa Thượng Phụ Latinh, một số giáo xứ Do Thái, Jordan và Palestine đã chọn năm nay 2012 để theo lịch Julian. Như thế, họ cử hành lễ Phục Sinh không phải là vào ngày 08 Tháng 4, nhưng vào ngày 15 Tháng Tư. Đây là một sự lựa chọn đại kết của nhiều gia đình hỗn hợp trong đó có các thành viên là tín hữu Công Giáo và một số thành viên khác theo Chính Thống Giáo.