SUY TƯ TRONG MÙA CHAY.

Trong mùa chay, Giáo Hội đưa ra ba việc chính mà chúng ta, những người tin Chúa cần lưu ý để thực hiện. Theo Phúc Âm Thánh Mathêu (Mt 6, 1-6.) được đọc trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, ngày bắt đầu mùa chay, thì ba việc ấy là: Làm phúc, Cầu Nguyện và Ăn Chay.

Làm phúc " thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".

Cầu nguyện," thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".

Ăn chay," thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta... khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".

Chúa lên án bọn giả hình. Chúng ta cũng lên án bọn giả hình. Nhưng cứ hồi tâm mà xét mình thì chúng ta cũng đang hành động như những kẻ giả hình.

Giả hình vì chúng ta không làm những việc đạo đức ấy hoàn toàn vì Chúa mà vì chúng ta, vì danh dự, vì tăm tiếng của mình và như Chúa nói kẻ giả hình đã được người đời khen ngợi rồi và không có công trạng gì trước mặt Chúa.

Đã biết danh gía ở đời chỉ là hão huyền nhưng sao người đời cứ mãi mê với cái phù du ấy? Đó là cái lắt léo của cuộc đời được sự đạo diễn tài tình lừa phỉnh của ma quỷ với sự cộng tác nhiệt tình của " cái tôi" đáng ghét. Ai cũng kinh tởm ma quỷ nhưng ma quỷ không hiện nguyên dạng với hình hài gớm ghiếc, dữ tợn, răng nanh, đuôi dài..để chúng ta tránh xa, nhưng nó phù phép che đậy với nhiều hình thức: cái tôi danh gía, quyền lực, tự ái, ghen tỵ... Nhiều khi chúng ta cứ tưởng làm việc ấy vì Chúa, nhưng nghĩ kỹ lại thì chúng ta làm vì chúng ta. Chúng ta đã vô tình lợi dụng Chúa mà thôi.Chúa bị chúng ta đánh lừa vì Chúa luôn yêu thương, sẵn sàng và kiên nhẫn đợi chờ chúng ta nhận ra lỗi lầm mà ăn năn trở lại .

Có những lễ hội tôn giáo mà trong đó người ta chúc tụng nhau, tán thưởng nhau, ghi công nhau, cám ơn nhau nhưng không thấy hình bóng Chúa Giêsu ở đâu cả. Thế mà những người vất vả tổ chức cuộc lễ cứ luôn miệng nói chúng ta hy sinh vì Chúa, làm việc này vì Chúa.Giống như gia đình giàu có kia tổ chức mừng thượng thọ ông bố, trong khi ông bố thì bị nhốt ở trong phòng riêng vì lý do thể diện với khách mời, và các con ông đều thành đạt cả, đứa thì ông này, đứa thì bà nọ, họ săn đón chào mừng khách quý của họ. Tất cả chủ, khách đều vui say nhảy nhót. Đến khuya mọi người mới biết là ông cụ đã chết trong phòng do bị nhồi máu cơ tim. Cuộc vui biến thành đám tang. Mọi người nguyền rủa những đứa con bất hiếu.

Có khi nào chúng ta cũng đã vô tình hành xử như những người con trong gia đình này đối với bố của họ không? Chúa có chiếm một vị trí quan trọng nào trong tâm hồn mình, trong nhà mình, trong hội đoàn mình không ? Chớ gì mùa chay sẽ giúp tôi nhìn lại cách sống của mình để có thể yêu mến Chúa nhiều hơn.

Nguyên nhân nào làm cho con người thích khoe khoang về mình, làm phúc cũng khoe, cầu nguyện cũng khoe và ăn chay cũng khoe? Lẽ thường tình, con người thích được ca tụng, thích được tiếng tốt cho nên cần phải khoe khoang. Tôi nhớ có một ông thích nói trước đám đông, ông nhất đình không chịu nhường cái mirco phone cho người khác đến nỗi người ta phải tắt máy đi. Chúng ta cười ông này, nhưng xét cho cùng, có lúc chúng ta cũng hành xử tương tự. Sự khoe khoang, giả dối, hợm hĩnh ấy làm tiêu tan bao công sức của chúng ta và cũng là nguyên nhân của bao nhiêu bất đồng, bao nhiêu hệ lụy nảy sinh trong các sinh hoạt nơi các giáo xứ, nơi các hội đoàn, phong trào ..

Theo các nhà tâm lý, người ta mải mê đi tìm cái mà mình thiếu. Kẻ thiếu tiền của thì tìm mọi cách để kiếm tiền, kẻ thiếu vắng danh vọng thì đi tìm danh vọng. Không phải tất cả mọi người, nhưng cũng có người đi tìm dang vọng bằng cách dấn thân làm một công việc gì đó có tích cách xã hội, hay tôn giáo để khỏa lấp cái khát vọng tâm linh của mình. Cái khát vọng tâm linh ấy là được người ta kính nể, được trọng vọng, được khen ngợi. Trong trường hợp này, thì mục đích cao đẹp của công tác xã hội, mục đích làm sáng danh Chúa chỉ là bình phong để lấp đầy cái chỗ trống vắng trong tâm hồn họ mà thôi. Mong rằng chúng ta sẽ không rơi vào trường hợp này khi tham gia công tác tông đồ.

Nếu hăng say dấn thân làm việc này việc nọ nơi nhà thờ, nơi các hội đoàn mà chỉ vì tiếng khen thì chắc là ít người tham gia lắm. Nhưng nếu khi tham gia chỉ vì lòng yêu mến Chúa, chỉ vì tinh thần phục vụ thuần túy thì e cũng không có nhiều người . Len lỏi giữa hai gianh giới đó lá cái tôi ẩn nấp dười nhiều hình thức. Làm việc thì cũng cần được đánh giá ở mức độ nào đó. Mà muốn được đánh gía là tốt thì cần phải nhiều người biết . Ma quỷ thường che dấu sự khoe khoang của chúng ta bằng cái vỏ khiêm nhường . Cái tôi là hiện thân của ma quỷ. Cái tôi thường đưa ra trăm ngàn lý do để chúng ta đánh bóng nó mà cứ như là chúng ta đang rất khiêm nhường .

Nếu tôi ở trong ban Phụng Vụ, hôm nay là đến lượt tôi đọc Phụng Vụ Lời Chúa. Tôi đã chuẩn bị đâu vào đó rồi kể cả việc lo quần áo tươm tất nữa. Thế mà vì một lý do nào đó tôi được yêu cầu nhường cho người khác. Tôi có vui vẻ chấp nhận không ? Vui vẻ nhiều hay ít, bực mình ít hay nhiều là do cái tôi trong mình nhỏ hay to? Nếu tôi thực sự không một chút bực mình mà vui vẻ chấp nhận ngay thì may ra tôi mới có lòng khiêm nhường.

Có thể lúc đó tôi sẽ lý luận như thề này."Tôi không cần phải đọc Phụng Vụ Lời Chúa ngày hôm nay, chẳng đọc cũng không sao, nhưng làm việc như thế là thiếu tổ chức, là các anh chị tự tiện quá . Tôi nói đây là vì lợi ích chung cho mọi người chứ chẳng phải vì tôi đâu...". Tôi hoàn toàn có lý, nhưng tự trong đáy tâm hồn của tôi, có phải tôi bực mình lắm không? Có phải tôi cảm thấy bị tổn thương không? Có phải tôi muốn bỏ ra về không ? Chẳng ai biết tôi bằng chính tôi. Khiêm nhường là ở chỗ chấp nhận thua thiệt vì mến yêu Chúa.

Tôi có nghĩ rằng nếu thiếu vắng tôi, hay thiếu phần đóng góp của tôi thì ban phụng vụ này, hội đoàn này, phong trào này sẽ sinh hoạt khác như hiện nay không? Nếu tôi cho rằng tôi đã giúp cho những hội đoàn này, phong trào này khá hơn là tôi đã không khiêm nhường đủ, tôi đã bắt đầu khoe khoang về thành tích của tôi rồi.

Tôi có bao giờ nghĩ mình là nhân vật quan trọng trong các hội đoàn tôi đang sinh hoạt không? Nếu tôi nghĩ là mình giữ vai trò quan trọng nào đó, nếu mà thiếu tôi thì hội đoàn này sẽ đi xuống... thì tôi đã lầm lẫn rồi. Không có tôi mọi việc vẫn tiến hành tốt đẹp như hiện nay. Nếu tôi không khiêm nhường đủ thì có thể tôi lại trở thành rào cản cho sự phát triển chung đấy.

Chúa dạy chúng ta khiêm nhường trong lòng, nhưng chúng ta lại thích khiêm nhường bên ngoài . Khiêm nhường bên ngoài là sự lừa dối chính mình, nó đánh bóng cá nhân và đang mong chờ được khen ngợi vì anh/chị ấy khiêm nhường quá!

Nơi các hội đoàn, phong trào luôn có sự kêu gọi hiệp nhất yêu thương. Mỗi người hãy mang ngọn lửa yêu thương nhỏ bé đến các nơi mình đang sinh hoạt và với lòng khiêm nhường, mơ uớc làm tông đồ của Chúa, Chúa sẽ làm cho những ngọn lửa yêu thương ấy bùng lên lan tỏa trên khắp thế giới vì chính Chúa là Cha Yêu Thương.

Để làm được những điều mơ ước trên đây, điều tối cần là chúng ta biết quên mình. Khi còn cái tôi, còn cái mình đầy tự mãn thì chúng ta cứ mãi luẩn quẩn trong vở kịch lừa dối mà không thực sự theo Chúa được. Chỉ khi nào tôi thực sự biết bỏ mình, biết chấp nhận thập giá mỗi ngày, nghĩa là tôi cam tâm chịu thiệt thòi, chịu nép vế, chịu là người sau chót...thì tôi mới có thể theo Chúa được. "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta". (Luca 9,22-25).

Lạy Chúa, Chúa biết chúng con yếu đuối và nhiều thiếu xót. Xin Chúa thêm sức mạnh và bổ khuyết những bất toàn nơi chúng con để chúng con được kiên trì sống trong khiêm nhường, phó thác nơi Chúa và dám dấn thân cộng tác với anh chị em trong việc thánh hóa bản thân và phúc âm hóa môi trường chúng con đang sống. Chúng con tin tưởng ơn của Chúa sẽ đủ cho chúng con.

Giuse Thẩm Nguyễn