Sau khi ban hành pháp lệnh cưỡng ép bảo hiểm 'ngừa và phá thai' và gặp sự phản kháng mãnh liệt từ các giám mục Công giáo Hoa kỳ; trước một viễn ảnh mà nhiều bình luận gia mô tả là đã điên rồ tự mình đâm đầu vào một vực thẳm tranh cử, tổng thống Obama ngày hôm nay tìm cách gài số de.

Không còn cái tự cao tự đại của ngày 20 tháng 1, chỉ 2 ngày trước dịp kỷ niệm Roe v. Wade, lúc ông loan báo pháp lệnh với một luận điệu bất cần mà Đức Giám Mục David A. Zubik của Pittsburgh đã mô tả như ngụ ý rằng “To hell with your religious beliefs" ("Đếch cần với niềm tin của chúng mày"); ngày hôm nay Obama đã đóng vai một người thành tâm sám hối với lời tuyên bố đầy 'nhân nghĩa' dọn sẵn:

"Công việc đầu tiên của tôi ở Chicago là làm việc với những giáo xứ Công giáo trong các khu phố nghèo, và tiền lương của tôi được trả nhờ ở một cơ quan của Giáo Hội Công Giáo...Và tôi thấy rằng những giáo hội địa phương thường làm việc cho cộng đồng tốt hơn là những chương trình của chính phủ, vì vậy mà tôi biết tầm quan trọng của các cộng đòan đức tin và những tác động tốt đẹp trên các cộng đồng của họ."

"Tôi cũng biết rằng một số tổ chức tôn giáo - đặc biệt là những tổ chức liên hệ với Giáo Hội Công Giáo - có trở ngại về tôn giáo trong việc cung cấp trực tiếp lọai bảo hiểm bao gồm các dịch vụ tránh thai cho các nhân viên của họ".

Obama thông báo rằng pháp lệnh sẽ được chỉnh lại cho những trường hợp có sự phản đối từ các tổ chức bất vụ lợi và tôn giáo.

"Qua những điều chỉnh này, giới phụ nữ vẫn có quyền truy cập các dịch vụ phòng ngừa miễn phí bao gồm các dịch vụ tránh thai dù cho họ làm việc ở nơi đâu", Obama nói. "Đó là nguyên tắc cốt lõi vẫn được giữ."

"Nhưng nếu một chủ nhân (người sử dụng lao động của người phụ nữ) là một tổ chức từ thiện hoặc bệnh viện có sự ngăn trở vì lý do tôn giáo để cung cấp các dịch vụ tránh thai thì các công ty bảo hiểm - không phải bệnh viện, không phải tổ chức từ thiện - sẽ được yêu cầu để tiếp cận và cung cấp dịch vụ tránh thai miễn phí, không phải trả tiền phụ thêm (co-pays), mà không bị rắc rối."

Với sự phân biệt đó, những tổ chức (từ thiện, tôn giáo) trên không phải cung cấp, không phải trả tiền hoặc giới thiệu nhân viên đến các lọai bảo hiểm đó. Phận sự này là của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Obama và bà bộ trưởng Y tế Kathleen Sebelius cho biết rằng họ luôn có kế hoạch làm việc với các tổ chức tôn giáo để chỉnh đốn lại pháp lệnh. Tuy nhiên, họ phải làm gấp hơn sau khi nghe những phản đối kịch liệt từ phía Giáo Hội Công Giáo và những người khác.

"Chúng ta không thể bỏ ra cả năm để làm một việc này" Obama cho biết khi trả lời báo chí.

Nhưng liệu những biện pháp mới này có giúp Obama thóat ra khỏi con đường cụt mà chính ông tự đưa xác vào không?

Ngay trước và sau cuộc họp báo, nhiều nhân vật được Obama tham vấn đã lên tiếng chỉ trích khắc nghiệt.

"Đây là một 'thỏa hiệp giả' được thiết kế để bảo vệ cơ hội tái cử của Tổng thống, chứ không phải để bảo vệ quyền lương tâm," theo lời của bà Hannah Smith, chuyên gia tư vấn pháp lý của Quỹ Becket cho Tự do Tôn giáo.

Quỹ Becket lập luận rằng "những tổ chức tôn giáo sẽ không hài lòng vì vẫn bị buộc phải trả tiền cho các công ty bảo hiểm để cung cấp miễn phí những biện pháp tránh thai." (Các hãng bảo hiểm sẽ nâng giá bảo hiểm cao lên đễ bù vào khỏan chi phí này)

Quỹ Becket vừa nạp đơn kiện chính phủ thay mặt cho các tổ chức tôn giáo, trong đó có mạng lưới truyền thông Công Giáo EWTN.

Ông Michael Warsaw, chủ tịch và Giám đốc điều hành của EWTN, nói rằng ông "khá hoài nghi rằng các thay đổi sẽ giải quyết những mối quan tâm cơ bản về tự do tôn giáo."

Ông giải thích rằng những thay đổi "có thể không thực sự áp dụng" cho các tổ chức như EWTN bởi vì họ tự bảo hiểm lấy.

Vì vậy, Warsaw cho biết, họ "sẽ vẫn bị buộc phải trả tiền cho các dịch vụ này, và như vậy vẫn vi phạm niềm tin tôn giáo của chúng tôi."

Ông Bill Donohue, chủ tịch Liên đoàn Công giáo, lập luận rằng "mánh khóe mới nhất của Obama chỉ làm xúc phạm thêm đến một vết thương có sẵn".

"Nếu một chương trình bảo hiểm của Công Giáo mà phải bao gồm các dịch vụ vô đạo đức, thì kế hoạch đó là một sự xúc phạm, đơn giản và nôm na là như vậy" ông nói.

Ông Tony Perkins, chủ tịch của Hội đồng Nghiên cứu gia đình, cũng đồng ý như vậy, ông nói rằng chính sách mới "không làm gì để thay đổi cái cơ bản của pháp lệnh là chống tôn giáo, chống lương tâm và chống sự sống."

"Thỏa hiệp" chỉ là một "mảnh giấy vụn đầy mánh lới quảng cáo" sẽ không bảo vệ các chủ nhân tôn giáo bị buộc phải trả tiền cho sản phẩm mà họ tin là vô đạo đức.

Perkins lập luận rằng không có một biện pháp tránh thai nào thực sự là miễn phí cả "bởi vì các công ty bảo hiểm sẽ tăng chi phí bảo hiểm và hành chính tới các hãng mua bảo hiểm".

Ông kêu gọi cần có một luật mới để đảm bảo vệ quyền lương tâm thật sự cho mọi người Mỹ.

Cuộc tranh cãi cũng đã gây chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ, trong những ngày gần đây nhiều dân biểu nghị sĩ đã ra mặt chỉ trích việc xử lý của Obama về vấn đề này. Thượng nghị sĩ Joe Manchin (D. bang Virginia), đã đồng bảo trợ một bộ luật để đảo ngược pháp lệnh, trong một bức thư gửi cho Obama tuần trước, ông gọi pháp lệnh là "phản lại người Mỹ" ("un-American").

Còn cựu Thống đốc bang Virginia Timothy M. Kaine, một trong những đồng minh chính trị thân cận nhất của ông Obama, thì cho biết ông Obama phải tìm cho ra một con đường trung đạo.

Thượng Nghị Sĩ Robert Casey của Pennsylvania và Joe Manchin của West Virginia và niên trưởng phe Dân Chủ ở Hạ Viện (House Democratic Caucus Chairman) là dân biểu John Larson của Connecticut đã cùng lên tiếng đòi phải thay đổi chánh sách.

Nhiều chuyên gia về tôn giáo cho biết những biện pháp vá víu ngày hôm nay là không đủ. "Đó chỉ là một trò đánh bóng bộ vỏ bề ngòai", theo lời ông Robert Destro, giáo sư luật tại trường Đại học Catholic University.

Linh mục Frank Pavone, Giám đốc của hội các linh mục phò sự sống, cho biết ngài không hài lòng. "Một giải pháp cho vấn đề này có thể không chỉ bao gồm các người sử dụng lao động của các tôn giáo," Cha Pavone nói. "Tự do tôn giáo bao gồm quyền tự do lương tâm, không chỉ thuộc về các giáo hội mà thôi, nhưng thuộc về mọi người Mỹ. Mà còn có rất nhiều lý do ngòai tôn giáo để phản đối chính sách này."

Bà Marie Hilliard, giám đốc đạo đức sinh học và chính sách công tại Trung tâm National Catholic Bioethics Center, là một y tá (registered nurse) và cũng là một luật sư luật đạo, lưu ý rằng chính quyền đã không thay đổi định nghĩa của những người được miễn trừ. Thay vào đó, Obama đã đưa ra một quy định đặc biệt cho "các nhóm tôn giáo không được miễn."

Nó vẫn chỉ là một định nghĩa hẹp hòi cho các nhà thờ sử dụng và phục vụ giáo dân của họ, không một trường học, bệnh viện, cơ sở xã hội hoặc các mục vụ khác được công nhận trên mã số thuế là một tổ chức tôn giáo được miễn trừ. Cho đến khi việc này được thay đổi, bà Hilliard cho biết, chính phủ vẫn có thể "chọn lựa những 'trái đào', là các nhóm mà chính phủ cho là xứng đáng được miễn trừ."

Trên mặt trận chính trĩ, chỉ trong vòng vài phút sau khi có thông báo, tòa Bạch Cung bắt đầu tung ra các tin tức về sự ủng hộ của một số tổ chức Công giáo, như là Hiệp hội Y tế Công Giáo (CHA) và hội Catholics United.

Cơ sở Planned Parenthood dĩ nhiên hoan nghênh nhiệt liệt.

Nhưng trong bản tin phát cho báo chí vào thứ Sáu, Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa (RNC ) nói rằng Obama đang "cưỡi trên lưng cọp" ("ride the fence") trong vụ việc này. "Đây là một trò chơi nguy hiểm khi đối phó với một quyền cơ bản của Hoa Kỳ đã được bảo vệ bởi Hiến pháp như tự do tôn giáo,".

Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ chưa có bình luận gì về những biến chuyển mới, tuy nhiên ông Anthony Picarello, luật sư của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã đưa ra lời bình luận sơ khởi rằng tòa Bạch Cung vẫn chỉ "có nói mà không có làm" ("all talk, no action")