Đồng tác giả Donald Wuerl, Charles Colson và Meir Y. SOLOVEICHIK

(Đức Hồny Y Wuerl là Tổng Giám Mục Washington, D.C. Ông Colson là vị sáng lập ra cơ quan Prison Fellowship và trung tâm Colson Center for Christian Worldview. Rabbi Soloveichik là giám đốc kinh thánh của trung tâm Straus Center và giảng dậy môn Tư Tưởng Tây Phương tại Đại Học Yeshiva University đồng thời là phụ tá rabbi của cộng đồng Do Thái Kehilath Jeshurun ở Manhattan.)


Những gì làm cho một người Công giáo, một người Tin lành và một người Do Thái có sự đồng ý với nhau thì chắc chắn phải đưa đến một kết luận nặng ký. Chúng tôi hy vọng đó cũng là trường hợp của chúng tôi ở đây, vì những gì đã dẫn chúng tôi xích lại gần nhau thì rất quan trọng: đó mối đe dọa gây ra bởi chính sách của chính phủ liên quan đến một quyền tự do cơ bản của con người, quyền tự do tôn giáo.

Tháng trước, Bộ Y tế và Nhân sự liên bang đã thông báo rằng Đạo Luật Cải Tổ Y Tế đòi hỏi những người sử dụng lao động phải trả tiền bảo hiểm cho các lọai thuốc triệt sản, ngừa thai và gây ra phá thai. Điều làm cho thông báo ấy trở thành một mối quan ngại là Bộ Y tế đã từ chối không miễn trừ cho các tổ chức tôn giáo đang phục vụ những người không thuộc tôn giáo của họ, chẳng hạn như bệnh viện và trường học.

Những tin tức và bình luận về câu chuyện này hầu như chỉ đóng khung vào cuộc xung đột giữa chính phủ liên bang và các giám mục Công giáo. Chỉ nhắm vào một chữ "ngừa thai" mà thôi, nhiều nhà bình luận đã thỏa thích đưa ra những kết quả thăm dò về việc sử dụng các biện pháp tránh thai của người Công Giáo, và đi tới kết luận rằng dù bộ luật có xâm phạm tự do tôn giáo thì sự xâm phạm ấy chỉ liên quan đến một chủ trương cá biệt của một số người ít ỏi.

Không có gì xa sự thật đến như thế. Giảng dạy của Giáo hội Công giáo về vấn đề ngừa thai (chưa đề cập đến phá thai và phẫu thuật triệt sản) thì đã rất rõ ràng, nhất quán và công khai. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế Kathleen Sebelius sẽ buộc các tổ chức Công giáo phải, hoặc là vi phạm giáo huấn luân lý của Giáo hội Công giáo, hoặc là ngưng các dịch vụ y tế giáo dục và xã hội mà họ đang cung cấp cho những người nghèo. Đây là điều không thể chấp nhận được.

Và trong khi hầu hết các giáo phái Tin lành có một cái nhìn rộng rải hơn (permissive) về ngừa thai, họ vẫn chia sẻ một xác tín của người Công giáo là cất đi mạng sống của một con người trong tử cung, dù là dùng phẫu thuật hoặc dùng thuốc, thì vi phạm quyền cơ bản của con người là quyền được sống. Những tổ chức bất vụ lợi của Tin Lành như cơ quan Prison Fellowship sẽ phải lựa chọn hoặc là vi phạm lương tâm của họ hoặc là nộp tiền phạt mà cuối cùng sẽ phá hủy khả năng của họ để giúp những người mà họ cam kết giúp đỡ.

Nhưng còn tồi tệ hơn tác động về tài chính, quyết định của bà Sebelius là một hành vi vi phạm đến niềm tin. Khái niệm của bà về một "sự cân bằng thích hợp" giữa tự do tôn giáo và "khả năng truy cập ngày càng tăng" của các "dịch vụ phòng ngừa quan trọng" đã đi ngược với Tu Chính Án thứ Nhất.

Năm 1790, có một cuộc trao đổi thư từ giữa tổng thống George Washington và ông Moses Seixas, giáo trưởng của cộng đòan Do Thái giáo tại Newport, RI. Ông Seixas đã ca ngợi quốc gia vừa mới thành lập là Hoa Kỳ về sự "dung dưỡng tất cả các sự tự do của lương tâm, và các quyền công dân." Những người đã từng bị tước đọat "quyền vô giá của một người công dân tự do" thì sẽ hiểu biết rất rõ ràng và sẽ trân quí sự tự do tôn giáo và sự tự do lương tâm.

Đáp lại, Washington đã viết rằng người dân Mỹ có "quyền để hoan nghênh chính mình" vì đã nêu gương cho "một chính sách mở rộng và tự do" trong đó có tự do lương tâm. Ông nói thêm rằng nền tảng sức mạnh của xã hội Mỹ là dựa vào khả năng của các cộng đòan đức tin có thể tìm kiếm lợi ích cho tất cả người Mỹ.

Chúng ta đang thấy nhiều bằng chứng của sức mạnh đó (mà Washington đã nói ở trên) ở xung quanh chúng ta: Nếu một người mẹ có con mọn cần phải đi tới phòng cấp cứu, thì nhiều khả năng nơi đó là một bệnh viện Công giáo. Nếu một cựu tù nhân cần được giúp đỡ để hòa nhập với cuộc sống bên ngoài nhà tù, thì nhiều khả năng sự trợ giúp đó sẽ đến từ một cơ quan Kitô giáo như cơ quan Prison Fellowship.

Tuy nhiên, thay vì khuyến khích các cộng đồng đức tin tiếp tục công việc tốt đẹp của họ cho lợi ích của tất cả mọi người, chính quyền Obama đã buộc họ phải có lựa chọn: phục vụ Thiên Chúa và láng giềng tùy theo, hoặc là tuân theo các mệnh lệnh của tôn giáo, hoặc là uốn gối vâng phục mệnh lệnh của nhà nước.

Đối với người Do Thái, lá thư của George Washington đã luôn luôn được ấp ủ cách trân trọng. Nó thể hiện lời hứa của nước Mỹ không chỉ cho họ, nhưng mở rộng cho tất cả mọi người công dân. Đó là lý do tại sao nhiều người trong cộng đồng Do Thái đang sửng sốt khi thấy sự tự do tôn giáo mà Washington đã ca ngợi từ những thế kỷ trước, ngày nay đang bị hủy diệt bởi người kế nhiệm. Washington đã viết: "Mong rằng những hậu duệ của Áp-ra-ham đang sống trong vùng đất này... sẽ tiếp tục đóng góp và vui hưởng thiện ích của các cư dân khác."

Tại thời điểm quan trọng này, mọi người Mỹ có đức tin, những người có ý thức bảo vệ quyền tự do của họ, phải, dựa vào Tu Chính Án thứ Nhất, "kiến nghị lên chính phủ để đòi hỏi sửa đổi những nỗi bất bình." Đó là lý do tại sao trong hai năm qua hơn 500.000 người đã ký bản "Tuyên bố Manhattan" trong đó có việc bảo vệ tự do tôn giáo. Giống như chúng ta, họ tin rằng không thể có một trường hợp nào mà một người có đức tin phải vi phạm lương tâm và loại bỏ niềm tin tôn giáo để tuân theo một luật pháp bất công nghiêm trọng.

Đó là điều mà người Công Giáo này, người Tin Lành này và người Do Thái này đã thỏa thuận với nhau một cách hoàn hảo.