Ngài suy tư về niềm vui được nhận biết Thiên Chúa Hằng Hữu đã đi vào lịch sử của chúng ta

VATICAN, (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói "điều ngạc nhiên là thấy đời sống có vẻ ngắn ngủi và phù du," nhưng ngài khẳng định là điều đem lại ý nghĩa cho đời sống hàng ngày của chúng ta "được vẽ trên gương mặt của một Hài Nhi sanh ra tại Bê Lem 2.000 năm về trước, và ngày nay là Đấng Hằng Sống, và đã sống lại vĩnh viễn từ cõi chết."

Đức Thánh Cha suy tư như vậy vào ngày Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nói: "Từ ngay bên trong bản thể của nhân loại, bị tan nát vì biết bao nhiêu bất công, sự dữ và bạo tàn, đã nẩy sinh trong một cách bất ngờ mầu nhiệm mới mẻ, hân hoan và giải phóng của Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Người dẫn đưa chúng ta đến việc chiêm niệm sự thiện hảo và yêu thương của Thiên Chúa qua mầu nhiệm nhập thể và giáng sinh của Người." Thiên Chúa Hằng Hữu đã đi vào lịch sử nhân loại và hiện diện mãi mãi một cách duy nhất trong con người của Giêsu, Người Con nhập thể, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, đã xuống thế để cải tạo nhân loại hoàn toàn và để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, và nâng chúng ta lên mức độ có phẩm giá của những người con cái Thiên Chúa."

Trong thánh lễ ngày 1 tháng 1, cũng là ngày đánh dấu Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 45, Đức Thánh Cha đề cao những điểm chính của sứ điệp của ngài cho ngày này.

Ngài nói là hòa bình "trong ý nghĩa trọn vẹn và cao quý nhất, là tổng thể và tổng hợp của tất cả mọi ơn lành."

Đề cập đến chủ đề của sứ điệp, Đức Thánh Cha tiếp: "Giáo dục giới trẻ về công lý và hoà bình là trách nhiệm của tất cả mọi thế hệ, và tạ ơn Thiên Chúa, sau thảm kịch của hai thế chiến, gia đình nhân loại đã ý thức nhiều hơn."

Ngài nói Giáo Hội trong các thời kỳ gần đây đã đề ra lời yêu cầu "đáp ứng với một thách đố quyết liệt là chính việc giáo dục."

Đức Thánh Cha hỏi: "Tại sao đây lại là một thách đố? Ít ra cũng có hai lý do: thứ nhất, vì trong thời đại hiện nay, có một não trạng rất mạnh mẽ về vấn đề kỹ thuật tân tiến, ước muốn giáo dục đàng hoàng thay vì chỉ dậy dỗ không thể nào coi thường, đây là một sự lựa chọn; thứ hai, vì nền văn hóa của thuyết tương đối đã đưa ra một câu hỏi căn bản: việc giáo dục có còn có ý nghĩa không? Và rồi, giáo dục về cái gì?"

Đức Thánh Cha hôm nay khẳng định: "nhận lãnh trách nhiệm giáo dục giới trẻ về chân lý, về các giá trị và nhân đức nền tảng, là nhìn về tương lai với niềm hy vọng."

Đức Thánh Cha Benedict XVI mời gọi một nền giáo dục lương tâm, và nói phải khởi sự ngay từ gia đình. "Điều thiết yếu là để giúp cho các ấu nhi, trẻ em, và trẻ vị thành niên phát triển một cá tính kết hợp được một nhận thức sâu xa về công lý và sự tôn trọng tha nhân, với khả năng đối phó với các tranh chấp không kiêu ngạo, với sức mạnh nội tâm để làm nhân chứng cho sự lành, ngay cả khi phải hy sinh, tha thứ và hòa giải. Có như thế, giời trẻ này mới có thể trở thành những người hòa nhã và là những người xây dựng hòa bình."