TÂM SỰ GIÁNG SINH

Từ Ngôi Lời Đã Mặc Xác Phàm…

Giáng Sinh năm nay trời có vẻ lạnh hơn cho dù lập đông vừa mới bắt đầu. Tuy vậy, nhờ khô ráo, tiết đông xem chừng lại đẹp đẽ lạ thường trong mầu nắng nhàn nhạt, nhất là khi da trời xanh thẳm không một gợn mây, mường tượng một trời Đà Lạt trong ký ức những mùa Noel xưa.

Một lần nữa, Giáng Sinh lại trở về trong bối cảnh một thế giới tràn đầy biến động, những cuộc cách mạng bùng dậy như vết dầu loang tại một số quốc gia đã tưởng như an phận dưới chế độ độc tài, tham quyền cố vị của giới cầm quyền. Thế giới vẫn còn trong cơn bấp bênh về kinh tế, thậm chí ngay tại nơi “thiên đàng hạ giới” này, người ta đang nói đến con số gia tăng những người thu nhập kém, và cái quãng cách giầu nghèo đang ngoác rộng thêm ra, khiến đã dấy lên cao trào chiếm lĩnh phố này, thị trấn kia...

Dầu sao chăng nữa, cái bất ổn chính trị và cái thế chênh vênh về mặt kinh tế tài chánh vẫn không thể nào khỏa lấp được cái long đong buồn thảm của một thế hệ loài người đang bế tắc về mặt luân lý và chao đảo về mặt đạo đức. Riêng các tín hữu tại Âu Châu thì như đang “mệt mỏi vì niềm tin Kitô giáo.” (xem ĐTC Biển Đức XVI: “We must renew our way of being Christians,” trong catholicculture.org, 12/23/11) Đã hết từ lâu rồi cái thời đại người ta qúy chuộng những gì cao siêu, thuộc về tâm linh huyền nhiệm, với ước vọng “được lên thiên đàng,” để rồi ruồng rẫy thân xác, coi đó là cội nguồn của mọi tật xấu và mọi tội lỗi, đồng thời coi khinh cõi trần gian khổ ải, bởi vì lời Chúa đã quá rõ: “được lời lãi cả và thế gian này mà mất linh hồn thì còn có ích chi?” (x. Matthêu 16:26) Vâng, thời đại trốn chạy thế gian đó đã qua rồi. Hôm nay đây, người ta đã vẫy tay giã từ thiên đàng, như thể nói rằng: “Quý vị nào muốn lên thiên đàng thì tôi đây sẵn sàng nhường bước cho.” Người ta chỉ còn tin vào trần thế, tự hào với những phát minh khoa học và kỹ thuật tân kỳ, và muốn lập cư nơi trần gian này. Quả thật, “Lậy Ngài, chúng con ở đây, hay quá” (x. Matthêu 17:4). Thế là người ta trần tục hóa tất cả, hạ giá và coi khinh những gì linh thánh, coi như chuyện dị đoan, tin nhảm. Chết là hết, chẳng có thế giới bên kia gì đâu! Mà nếu có đề cập đến, thì chỉ để nói cho vui thế thôi, nếu không được dán nhãn là con ngáo ộp. Với thân xác này, cư ngụ ở cõi đời này, người ta chạy theo vật chất, giầu sang và tiền của vì đó là chìa khoá mở tung tất cả. Người ta không còn chỉ ca tụng thân xác, nuông chiều và dung dưỡng xác thịt, mà còn tôn thờ nó, thần tượng hoá nó, coi nó là tất cả, là giá trị cao nhất. Người ta ngưỡng vọng các minh tinh điện ảnh, các tài tử thời danh; người ta đua nhau chăm sóc làn da, sửa sang hình hài. Hoa hậu bỗng nhiên trở thành giấc mơ khôn nguôi của lớp thiếu nữ trẻ vừa lớn, và cũng là nỗi khắc khoải triền miên của các mệnh phụ.

Khi thân xác đã đẹp rồi thì cái đẹp tất phải được khoe ra, phô trương cho mọi người chiêm ngưỡng. Có cái đẹp qua ăn diện chững chạc, lịch thiệp; nhưng cũng có cái đẹp vượt khỏi những che đậy thường tình. Từ cái đẹp khỏa thân đi đến những kỹ nghệ khai thác nhà nghề, con đường không quá xa, nhất là khi lợi danh và tiền bạc trở thành mục tiêu nhắm đến. Thế là người ta tìm đến với nhau vì sắc đẹp, vì hấp lực không cưỡng nổi của mái tóc, làn môi, hay của những đường cong tuyệt mỹ. Lúc nào cũng thế, dấu tích nguyên tội từ từ đưa người ta đi xa, thật xa, đến những chân trời vô định.

Oái ăm một nỗi, chiếc quả lắc đồng hồ đang đong đưa từ thái cực mãi xa kia, cũng lại đang trên đường trở về thái cực bên này. Tôn thờ xác thân thế đấy, yêu chiều xác thịt thế vậy, ấy thế mà con người lại đang tâm chà đạp con người hết mức, coi người khác, nhất là phụ nữ, chỉ là phương tiện, hay đồ chơi, hoặc là đối tượng để hưởng thụ mua vui. Cái dã tâm của con người cách đây vài trăm năm là buôn bán bọn nô lệ vai u thịt bắp để làm tôi mọi cho giới chủ nhân ông, cho những hạng điền chủ, và những bọn cường hào. Cái man rợ của loài người hôm nay là buôn bán, trao đổi con người làm nô lệ tình dục, chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu và đòi hỏi lăng loàn của xác thịt, trong đó có những nhu cầu rất xanh xao bệnh hoạn, rất lệch hướng.

Đâu là chỗ chiếc quả lắc đồng hồ kia phải ngừng lại? Câu trả lời rõ ràng, chính xác: Chúa Cứu Thế Giêsu. Hãy nhìn cuộc đời Ngài, khởi sự từ phút đầu thai trong cung lòng vô nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria, cho đến khi Ngài giang rộng đôi tay trên thập tự giá, đem cái chết tức tưởi làm giá cứu chuộc muôn người. Phải, mầu nhiệm cao sâu khôn tả là mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể: Đấng vô hình đã mặc xác phàm; Đấng vô thủy vô chung trở thành bé nhỏ, yếu đuối, trong hình hài thơ nhi run rét; Đấng vĩnh cửu siêu linh bước vào thời gian, tự giam mình trong dòng lịch sử trần thế hữu hạn

Trong tận cùng nỗi thao thức khôn nguôi của kiếp người, thực ra, ta không cần đến một vị thiên chủ nào đó, nói chung chung, không định tính. Con người “cần đến một vị Thiên Chúa sống động và chân thực, có thể mở ra chân trời tương lai của con người hướng ngỏ về một niềm hy vọng vững chắc, một niềm hy vọng đong đầy vĩnh cửu, cho phép ta can đảm đối diện với hiện tại muôn mặt.” (ĐTC Biển Đức XVI: Diễn từ gửi đến các sinh viên đại học, zenit.org, ngày 12/15/11) “Trong máng cỏ Bê Lem, nỗi cô đơn của loài người đã được chinh phục; hiện hữu con người không còn tùy thuộc quyền lực vô ngã của thiên nhiên và lịch sử nữa; căn nhà của ta đã được xây dựng trên nền đá chắc: ta có thể dự trù kế hoạch cho lịch sử, lịch sử loài người, không hề như một hoang tưởng, mà là một sự thực đanh thép: Thiên Chúa của Đức Kitô đang hiện diện và đồng hành với ta.” (cùng bài đã dẫn)

Vâng, Thiên Chúa không còn xa vời nữa, Ngài đã trở thành xác phàm (Gioan 1:14), sống bình dị vô danh ở giữa loài người, trong xóm nhỏ Nazaret điêu tàn. Mầu nhiệm nhập thể là chính là biến cố trọng đại, vô tiền khoáng hậu, là lý do chính đáng nhất khiến trần gian như bùng vỡ trong niềm hân hoan bất tận của ngày Giáng Sinh. Giáng Sinh trở thành một biến cố phi thường (xem Dr. Jeff Mirus: Jesus Christ: The Singularity of Christmas, trong catholicculture.org, ngày 12/19/11)

“Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.” Đây là lời kinh Tin Kính Việt ngữ mà ta thuộc lòng. Nhưng vừa mới đây thôi, bản dịch Anh ngữ rốt cuộc đã khám phá ra cái chút ít vụng về của bản dịch cũ, và đã chuyển nhóm chữ “born of the Virgin Mary—sinh bởi Trinh Nữ Maria” thành nhóm chữ thật sát với bản La ngữ: “incarnate of the Virgin Mary--nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria.” Quả đúng vậy, Nhập Thể là thời khắc đầu thai, chứ không phải lúc sinh ra. Việc Sinh Hạ Đồng Trinh của Chúa Giêsu chính là hậu quả của việc Ngài Nhập Thể.

…Đến Thần Học Xác Thân

“Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.” Và rồi, “Ngôi Lời đã mặc xác phàm, và đang ngự giữa chúng ta.” Với thân xác con người, Chúa Giêsu, vừa là Thiên Chúa thật, cũng lại vừa là một con người thật. Thân xác, do mối liên hệ “nhị tính liên hợp” của hồn và xác, đã trở thành một trong hai phần cốt lõi làm nên con người, đến độ, ta không thể nói “tôi có thân xác,” mà phải nói “tôi là thân xác tôi.”

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như được thần hứng, đã thiết lập một nền thần học chưa bao giờ có: thần học về thân xác, gọi ngắn gọn là Thần Học Xác Thân (THXT). Theo Ngài, thân xác con người chính là tuyệt phẩm của Đệ Nhất Nghệ Sĩ, đó là Thiên Chúa. Chính thân xác—và chỉ thân xác mà thôi--mới có thể biến cái vô hình thành hữu hình, y hệt như trong nghệ thuật hội hoạ và điêu khắc, sử dụng mầu sắc, đường nét, hình ảnh, hoặc trong âm nhạc thì sử dụng âm sắc và thanh âm. Thân xác con người như là đang kể lể cho ta một câu chuyện, một câu chuyện tình. Thế nhưng, câu chuyện này sẽ mất hết ý nghĩa nếu thân xác chỉ được nhìn dưới khía cạnh sinh học thuần túy. Thật vậy, thân xác ta đâu phải chỉ là tập hợp của những nguyên tử. Và dục tính con người, được diễn tả qua thân xác, đâu phải là kết quả sau cùng của một thứ tiến hoá ngẫu nhiên. Thực ra, đó là kế hoạch đầy yêu thương của Thiên Chúa, đấng Tạo Hoá, đang muốn kể cho ta nghe một câu chuyện. Câu chuyện mà mọi loài thụ tạo đều đang lên tiếng kể lể: đó là câu chuyện về tình yêu trao-ban-sự-sống của Thiên Chúa. Mọi loài thụ tạo mà Thiên Chúa tạo dựng đều nói lên chính công trình sinh sản. Thử nhìn vào một bông hoa thì sẽ thấy: mỗi loài hoa đều là kết tinh của câu chuyện “love is in the air--tình yêu trong không khí.” Chúng ta đang liên tục hít thở những phấn hoa, mà phấn hoa là gì nếu không phải là vật thể cho thấy nỗ lực tự sản tự sinh của muôn loài cỏ cây thảo mộc? Cũng y như thế, nhìn vào cuốn sách của thiên nhiên, đâu đâu ta cũng nhìn thấy những dấu ấn của mầu nhiệm tình yêu vợ chồng. Y như thể muôn loài đang cất lên tiếng hát một khúc tình ca. Đồi núi kia đang trổi lên những giai điệu trữ tình. Nhưng chính con người mới là đỉnh cao của khúc tình ca ấy, bởi vì Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ. Con người chính là triều thiên của công trình Thiên Chúa tạo dựng muôn loài.

Một khi đã nhìn nhận rằng thân xác ta đang cất tiếng kể lể chuyện tình của Thiên Chúa, thì tất cả những gì mà Hội Thánh dậy về luân lý tính dục sẽ trở thành có ý nghĩa. Bạn đang dùng thân xác mình để kể chuyện tình của Thiên Chúa hay một câu chuyện gì khác? Tất cả chúng ta đều được mời gọi thuật lại chuyện tình của Thiên Chúa. Một cách nào đó, Thiên Chúa muốn kết hôn với ta. Ngài là Tình Yêu, Tình-Yêu-Trao-Ban-Sự-Sống. Chuyện tình của Thiên Chúa khắc ghi trên thân xác ta. Thân xác con người cưu mang trong nó tính cách thần học, và vì thế, ta có thần học về thân xác. (xem thêm: Christopher West, Our Bodies Are Theological, trong zenit.org, 11/29 –11/30/2011)

Thiên Chúa đã mặc xác phàm để cứu rỗi loài người, dẫn đưa ta về với Ngài. Con người được Thiên Chúa cứu độ trong toàn thể hữu thể của nó, cả hồn lẫn xác. “Tôi tin xác loài người sẽ sống lại.” Khi chối từ linh hồn để chỉ sống trong xác thể thì con người trở thành vong thân và từ khước ơn cứu độ của Thiên Chúa. Con người được cứu độ qua cuộc sống tại thế, với những giá trị khách quan của nó. Nhưng trần thế này không tồn tại miên viễn, nó “sẽ phải qua đi” (x. Luca 21:33). Chính trần thế cũng phải được cứu độ. Và vì thế, “tôi tin sự sống đời sau.”

Xin thờ kính Ngôi Lời Thiên Chúa giáng sinh. Ngài đến cứu độ trần gian, và cứu rỗi muôn người!

Giáng Sinh 2011

Nguyễn Kim Ngân