Myanmar: Để chấm dứt cuộc chiến đấu, cần có giáo dục và tự do tôn giáo

Một Tổng Giám mục yêu cầu Chính phủ gia tăng nhiều cải cách

ROMA - Ở Myanmar, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo của Tổng Giáo phận Rangoon, Charles Bo, tuyên bố rằng các thay đổi được chính quyền đưa ra trong vài tháng qua là "rất quan trọng", nhưng Ngài nói thêm rằng chính phủ của tổng thống Thein Sein phải làm nhiều hơn nữa, để thuyết phục người dân Myanmar và dư luận quốc tế rằng "các cải cách dân chủ" là có thật và bền vững, theo hãng tin Eglises d’Asie (Các Giáo Hội châu Á) của Hội Thừa sai Paris (MEP).

Tổng Giám mục Charles, cũng là Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Myanmar, muốn nhìn thấy ưu tiên ngay tức thì là sự chấm dứt cuộc chiến, đặc biệt là tại Bang Kachin, và các ưu tiên dài hạn là sự giáo dục và một sự tự do tôn giáo đích thực.

Trước ngày bà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Rangoon (sau khi đến Nyapyidaw chiều ngày 30-11, nữ Ngoại trưởng làm việc tại thủ đô chính trị của Myanmar ngày 1-12, và ngày 2-12, bà đi Rangoon để gặp bà Aung San Suu Kyi), Đức Tổng Giám Mục Charles Bo tin rằng sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ tại Myanmar là đủ chứng minh mức độ các thay đổi đã xảy ra trong nước. Ngài nói thêm rằng con đường để đi tới một chế độ thật sự dân chủ vẫn còn "là quan trọng”.

Đức Tổng Giám mục trả lời phỏng vấn của hãng tin UCA News: "Để chứng minh sự chân thành của mình trên con đường cải cách dân chủ, chính phủ phải giải phóng các tù nhân chính trị, vẫn còn ngồi tù". Tại Myanmar, mọi người chờ đợi là các cuộc trả tự do sẽ được thực hiện, trước khi cuộc bầu cử quốc hội một phần sẽ dự kiến diễn ra vào đầu năm tới. Ngoài ra, Giáo Hội mong muốn tiếp cận với các khu vực xung đột trong nước, để cung cấp hàng cứu trợ cho các nạn nhân của cuộc chiến. Đức Tổng Giám Mục Charles Bo nói đến bang Kachin, nơi các cuộc giao tranh giữa Quân đội và Đội quân Độc lập Kachin (KIA) đã làm cho hàng chục ngàn người phải dời chỗ ở, do cuộc đụng độ diễn ra hồi tháng Sáu. Báo cáo từ các Tổ chức phi chính phủ quốc tế gọi đây là "tội ác chiến tranh", do quân đội gây ra chống người dân Kachin.

Tuy nhiên, Tổng Giám mục đã không bình luận về các thỏa thuận gần đây, đã được ký kết vào ngày 19-11, giữa chính quyền Nyapyidaw và một số nhóm dân tộc có vũ trang. Chính phủ dường như đã từ bỏ một trong các điều kiện tiên quyết mới được đưa ra gần đây, để mở đàm phán với quân nổi dậy sắc tộc, cụ thể là đổi tên "nhóm nổi loạn" thành "dân quân biên giới". Ngoài ra, chính quyền còn đề nghị thành lập một "hội nghị quốc gia", để tìm kiếm giải pháp chính trị cho các chia rẽ sắc tộc.

Phát biểu với hãng tin Fides, Đức Tổng Giám Mục Charles Bo không những nhấn mạnh rằng Giáo Hội nhớ đến vết thương cho dân tộc, do sự tồn tại của cuộc xung đột sắc tộc, mà còn nhận thức "các liên lạc chính trị" nối kết chính quyền Nyapyidaw và các nhóm vũ trang nổi dậy. Tổng Giám mục khẳng định: “Một kế hoạch hòa giải dân tộc, công nhận các quyền và nhu cầu của các cộng đồng sắc tộc khác nhau ở Myanmar, là cần thiết”.

Còn về các ưu tiên dài hạn, Đức Tổng Giám Mục Tổng giáo phận Rangoon nói rằng, nếu hòa bình là một điều kiện cho sự phát triển của đất nước, cần có nỗ lực lớn được tiến hành trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ngài cảnh báo: “Nếu chúng ta không tiến gần được các tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này, chúng tôi sẽ không đạt được gì cả". Ngài nhấn mạnh tình trạng tồi tệ của hệ thống giáo dục quốc dân sau nhiều thập kỷ đầu tư quá kém.

Đức Tổng Giám Mục Charles Bo cũng đã bày tỏ hy vọng rằng chính phủ "nên mời gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo cùng làm việc với nhau để phát triển đất nước". Ngài khẳng định: "Chúng ta phải rút ra các bài học từ quá khứ, và nhìn về tương lai: Hôm nay, Nhà nước phải cung cấp các quyền lợi, sự bảo vệ và cơ hội như nhau cho tất cả các tôn giáo. Chúng tôi đã phải chịu đựng quá lâu. Nhiều người chúng tôi đã mất mạng sống của mình. Chúng tôi mong muốn góp phần phát triển quốc gia, bằng cách đưa ra chứng tá đức tin Kitô giáo của chúng tôi". Ngài cho biết Giáo hội Công giáo chỉ chiếm hơn 1% dân số.

Tại Myanmar, nơi mà Phật giáo Tiểu thừa chiếm đa số (89% dân số), các Giáo hội Kitô giáo chiếm khoảng 4% dân số, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trong đó có người Karen, người Kachin và người Chin. Trong chính sách chống lại các vụ sắc tộc nổi dậy vũ trang, chính quyền Myanmar đã không ngần ngại khai thác tôn giáo cho mục đích chính trị, dẫn đến xung đột giữa Kitô hữu và Phật tử, để giúp làm suy yếu một số cuộc nổi loạn vũ trang. (ZENIT.org 1-12-2011)

Nguyễn Trọng Đa