“Con vui thú với thánh chỉ Ngài, con sẽ chẳng quên lời Ngài”

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ mười bảy về Cầu Nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI, được ban hành tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Thứ Tư ngày 9 tháng 11, năm 2011. Hôm nay, ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về Cầu Nguyện. Lần này ngài nói về Thánh Vịnh 119.




Anh chị em thân mến,

Trong những bài giáo lý trước chúng ta đã suy niệm về một số Thánh Vịnh là những thí dụ điển hình cho các loại cầu nguyện: than thở, tin tưởng và ngợi khen. Trong bài giáo lý hôm nay, tôi muốn tập trung vào Thánh Vịnh 119 theo truyền thống Do Thái, hay Thánh Vịnh 118 theo truyền thống La-Hy: một Thánh Vịnh rất đặc biệt và độc đáo. Trước hết là chiều dài của nó: gồm 176 câu được chia thành 22 đoạn thơ bát cú. Rồi đến nét đặc biệt là được cấu trúc theo “thể thơ chữ đầu mẫu tự,” có nghĩa là, theo mẫu tự Do Thái, trong đó có 22 chữ cái. Mỗi đoạn thơ tương ứng với một chữ cái của mẫu tự, và với chữ cái này từ đầu tiên của đoạn thơ bát cú bắt đầu. Đây là một cách cấu trúc văn chương rất khó và độc đáo, trong đó tác giả Thánh Vịnh đã phải vận dụng tất cả các tài năng của mình.

Nhưng điều quan trọng hơn đối với chúng ta là chủ đề chính của Thánh Vịnh: đó là một bài ca hùng tráng và trang nghiêm về Ngũ Kinh (Torah) của Chúa, tức là Lề Luật của Ngài, một thuật ngữ mà, nếu chúng ta hiểu cách rộng rãi và đầy đủ nhất, thì có nghĩa là giáo huấn, giáo dục, chỉ thị hướng dẫn cuộc đời, Ngũ Kinh là một mặc khải; nó là Lời Thiên Chúa chất vấn con người và tạo nên trong người ấy một đáp trả vâng phục tin tưởng và tình yêu quảng đại.

Và tình yêu đối với Lời Chúa đã tràn ngập Thánh Vịnh này, là Thánh Vịnh tán dương vẻ đẹp, quyền năng cứu độ cùng khả năng đem lại niềm vui và sự sống của Lời Chúa. Bởi vì Lề Luật của Thiên Chúa không phải là ách nô lệ nặng nề, nhưng là một món quà nhưng không của ân sủng dẫn đến hạnh phúc. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Con vui thú với thánh chỉ Ngài, con sẽ chẳng quên lời Ngài” (câu 16), và sau đó: “Xin dẫn con đi theo đường giới luật Chúa, vì đó là đường con vui thích” (câu 35); và lần nữa: “Luật pháp của Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao, là điều suốt ngày suy gẫm!” (câu 97). Luật của Chúa, Lời của Ngài, là trung tâm của cuộc sống con người, họ tìm thấy sự an ủi trong ấy, họ biến Lời Chúa thành đối tượng để suy niệm và giữ trong lòng mình: “Con ấp ủ Lời Chúa hứa trong lòng, để không bao giờ phạm tội chống lại Ngài” (câu 11), và đó là bí quyết hạnh phúc của tác giả Thánh Vịnh; ông lại tiếp: “Quân vô đạo đặt điều bôi nhọ con, nhưng huấn lệnh Ngài con hết lòng bảo giữ” (câu 69).

Lòng trung thành của tác giả Thánh Vịnh được phát sinh từ việc lắng nghe Lời Chúa, từ việc giữ Lời ấy trong lòng, suy niệm và yêu thương Lời Chúa, như Đức Mẹ Maria, là Đấng “giữ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng” những lời mà Thiên Chúa đã nói với Mẹ và những biến cố tuyệt vời mà trong đó Thiên Chúa mặc khải, và yêu cầu sự ưng thuận bằng đức tin của Mẹ (x. Lc 2,19.51). Và nếu Thánh Vịnh của chúng ta bắt đầu từ câu thứ nhất bằng việc công bố “phúc thay cho” “những người noi theo luật pháp của Chúa” (câu 1b), và “những người tuân giữ giáo huấn của Ngài” (c. 2a), lại một lần nữa Đức Trinh Nữ Maria đã làm trọn hình dung hoàn hảo của người tín hữu được mô tả bởi tác giả Thánh Vịnh. Và thật ra, Mẹ là Đấng thật sự “diễm phúc”, bà Elizabeth công bố rằng bởi vì “Mẹ tin vào những gì Chúa đã phán” (Lc 1:45). Chính cho Mẹ và niềm tin của Mẹ mà Chúa Giêsu đã làm chứng khi có người phụ nữ la lên “Phúc thay lòng đã cưu mang Ngài,” Người trả lời: “những ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa còn có phúc hơn” (Lc 11:27-28). Tất nhiên, Đức Mẹ Maria được chúc phúc vì cung lòng Mẹ đã cưu mang Đấng Cứu Thế, nhưng trên hết vì Mẹ đã đón nhận Lời loan báo của Thiên Chúa, vì đã lắng nghe và yêu thương gìn giữ Lời Ngài.

Cho nên Thánh Vịnh 119 được đan kết hoàn toàn chung quanh Lời ban sự sống và hạnh phúc này. Nếu chủ đề chính của nó là “Lời” và “Lề Luật” của Chúa, thì ngoài những thuật ngữ này còn xuất hiện trong hầu như tất cả các câu những từ đồng nghĩa như “điều răn”, “thánh chỉ”, “mệnh lệnh”, “giáo huấn”, “lời hứa”, “phán quyết”; và rồi còn nhiều động từ liên quan đến chúng như quan sát, bảo tồn, hiểu biết, biết, yêu mến, suy niệm, để sống. Toàn bộ mẫu tự được trải ra qua 22 đoạn của Thánh Vịnh này, cũng như toàn thể ngữ vựng về mối liên hệ giữa tín hữu và việc tin tưởng vào Thiên Chúa; trong đó chúng ta tìm thấy lời chúc tụng, tạ ơn, tin tưởng, và cũng tìm thấy lời cầu khẩn và than van, nhưng luôn thấm nhuần niềm xác tín về ân sủng của Thiên Chúa và quyền năng của Lời Chúa. Ngay cả hầu hết những đoạn được đánh dấu bởi sự đau đớn và cảm giác tối tăm về hy vọng cũng vẫn mở ra cho hy vọng và thấm nhuần đức tin. “Linh hồn con hạ thấp xuống bụi tro; xin hồi phục con như lời Ngài đã phán” (câu 25), tác giả Thánh Vịnh cầu nguyện cách tin tưởng: “Dù có như bầu da nằm trong khói bếp, con cũng chẳng hề quên thánh chỉ của Ngài” (câu 83) là tiếng kêu của người tín hữu. Lòng trung tín của họ mặc dù phải trải qua thử thách, vẫn tìm thấy sức mạnh trong Lời Chúa: “Con sẽ đối đáp với những kẻ nhục mạ con, vì con tin cậy ở Lời Ngài” (câu 42), họ xác tín tuyệt đối; và ngay cả khi phải đương đầu với viễn cảnh khổ đau của cái chết, giới luật của Chúa vẫn là điểm quy chiếu và hy vọng chiến thắng của họ: “Một chút nữa là chúng diệt con trên mặt đất, nhưng huấn lệnh Ngài con đã không từ bỏ” (câu 87).

Luật của Thiên Chúa, đối tượng của tình yêu nồng nàn của tác giả Thánh Vịnh và của mọi tín hữu, là nguồn mạch sự sống. Lòng mong muốn hiểu biết nó, tuân giữ nó, định hướng toàn thể con người về nó là đặc tính rõ ràng của người công chính luôn trung thành với Chúa, “suy niệm nó ngày đêm”, như đã viết trong Thánh Vịnh 1 (câu 2); nó là một Lề Luật, Lề Luật của Thiên Chúa, để được giữ “trong lòng”, như bản văn nổi tiếng Shema trong Đệ Nhị Luật nói:

“Nghe đây,hỡi Israel ... Hãy ghi lòng tạc dạ những lời mà tôi truyền cho anh em hôm nay; hãy cẩn thận dạy dỗ con cháu anh em các điều ấy, và phải nói về chúng khi anh em ngồi trong nhà hay đi ngoài đường, và khi anh em nằm xuống hay đứng lên (Đnl 6:4;6-7).

Như là trung tâm của đời sống, Lề Luật của Thiên Chúa đòi hỏi trái tim phải lắng nghe, một sự lắng nghe được thể hiện trong vâng phục, không phải vâng phục như nô lệ nhưng như con thảo, tin tưởng và ý thức. Lắng nghe Lời Chúa là một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa sự sống, một cuộc gặp gỡ phải được biến thành các lựa chọn cụ thể cùng trở nên một con đường và sự nối tiếp. Khi được hỏi phải làm gì để có sự sống đời đời, Chúa Giêsu chỉ đến con đường tuân hành Lề Luật, nhưng Người làm thế bằng cách cho biết phải sao để hoàn thành nó: “Con còn thiếu một điều; hãy về, bán tất cả những gì con có và cho người nghèo, con sẽ được một kho tàng trên trời; rồi đến mà theo Thầy” (Mc 10,21). Việc làm tròn Lề Luật là theo Chúa Giêsu, là đi trên con đường của Chúa Giêsu, là đồng hành với Chúa Giêsu.

Cho nên Thánh Vịnh 119 đưa chúng ta đến một cuộc gặp gỡ với Chúa và hướng chúng ta về phía Tin Mừng. Trong đó có một câu mà giờ đây tôi muốn anh chị em ngừng lại để suy nghĩ, đó là câu 57: “Phần của con là Chúa, con hứa giữ Lời Ngài.” Trong các Thánh Vịnh khác cũng thế, Tác giả Thánh Vịnh nói rằng Chúa là “phần”, gia nghiệp của ông, Thánh Vịnh 16 nói rằng “Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của con, là chén phần phúc dành cho con” (c. 5a); Người trung tín công bố trong Thánh Vịnh 73: “Thiên Chúa là đá tảng của lòng con và là phần phúc của con muôn đời” (câu 23 b), và một lần nữa, trong Thánh Vịnh 142 Tác giả Thánh Vịnh kêu lên cùng Chúa: “Chúa là nơi trú ẩn của con, Chúa là phần của con trong đất người sống” (câu 6b).

Thuật ngữ “phần” gợi lại biến cố phân chia Đất Hứa cho các chi tộc Israel, khi người Lêvi không được trao cho bất kỳ phần nào của lãnh thổ, bởi vì “phần” của họ là Chính Chúa. Hai văn bản của Ngũ Kinh nói rõ về điều này, và dùng thuật ngữ nói trên, Sách Dân Số công bố: “Chúa nói với Aaron: ‘Ngươi sẽ không có gia nghiệp trong đất của dân Israel; và ngươi sẽ không có phần giữa chúng; Ta sẽ là phần của ngươi, và là gia nghiệp của ngươi ở giữa dân Israel’” (Ds 18:20), và Sách Đệ Nhị Luật nhắc lại, “Vì lý do đó mà người Lêvi không được chia phần gia nghiệp cùng với anh em mình; chính Chúa là cơ nghiệp của họ như Chúa Thiên Chúa của họ đã phán với họ” (Đnl. 10:9, x. Đnl 18:2; Gs 13:33 Ed 44:28).

Các tư tế, là những người thuộc chi tộc Levi, không được phép sở hữu đất đai trong Đất mà Thiên Chúa đã ban cho dân Ngài làm gia nghiệp, như thế thực hiện lời hứa với ông Abraham (xem St 12:1-7). Việc sở hữu đất, một yếu tố cơ bản của sự ổn định và khả năng sống còn, là một dấu chỉ của phúc lành, bởi vì nó ám chỉ việc có thể cất nhà, nuôi dạy con cái, canh tác đất đai và sống nhờ những hoa quả của đất. Người Lêvi, là trung gian của phúc lành thánh thiện của Thiên Chúa, không có quyền sở hữu, như những người Do Thái khác, vì sở hữu là dấu chỉ bề ngoài của phúc lành và nguồn mạch nâng đỡ đời sống này. Đã hoàn toàn dâng hiến cho Chúa, họ phải sống nhờ một mình Ngài, phó thác cho tình yêu quan phòng của Ngài và lòng quảng đại của anh em, mà không có gia nghiệp vì Thiên Chúa là gia nghiệp của họ, Thiên Chúa là đất của họ, làm cho họ được sống trong sung mãn.

Và giờ đây, người cầu nguyện Thánh Vịnh 119 áp dụng thực tại này cho chính mình: “Phần của con là Chúa.” Tình yêu của người ấy đối với Chúa và Lời Chúa dẫn người ấy đến sự lựa chọn triệt để là chọn Chúa như mong ước duy nhất của mình, và giữ Lời Ngài như là một món quà quý giá, quý hơn mọi gia nghiệp, hơn mọi sở hữu ở đời. Thực ra, câu của chúng ta có thể được dịch hai cách, nên cũng có thể được dịch như sau: “Phần của con, Lạy Chúa, con đã nói, là giữ Lời Ngài.” Hai cách dịch không mâu thuẫn mà còn bổ túc cho nhau: Tác giả Thánh Vịnh xác quyết rằng phần của mình là Chúa, mà việc giữ Lời Chúa cũng là gia nghiệp của mình, như ông sẽ nói sau đó trong câu 111: “Thánh chỉ Ngài là gia nghiệp con muôn đời, chúng là hoan lạc của lòng con.” Đây là hạnh phúc của tác giả Thánh Vịnh: đối với ông, cũng như với những người Lêvi, Lời Chúa đã được ban cho như phần gia nghiệp của ông.

Anh chị em thân mến, những câu này cũng rất quan trọng đối với tất cả chúng ta trong thời đại này. Trước hết và trên hết là đối với các linh mục, là những người đã được gọi để chỉ sống nhờ Chúa và Lời của Ngài, không có một đảm bảo nào khác, có Ngài như mong muốn duy nhất và nguồn sống thật duy nhất. Trong ánh sáng này mà chúng ta có thể hiểu được sự tự do lựa chọn sống đời độc thân vì Nước Trời, là điều đáng được tái khám phá trong vẻ đẹp và sức mạnh của nó. Tuy nhiên, những câu này cũng rất quan trọng cho mọi tín hữu, Dân Thiên Chúa là những người chỉ thuộc về một mình Ngài, “một vương quốc tư tế” dành cho Chúa (x. 1 Pr 2:9; Kh 1:6; 5:10), được mời gọi đến sự triệt để của Tin Mừng, trở thành nhân chứng cho cuộc sống mang lại bởi Đức Kitô, “Vị Thượng Tế” mới và dứt khoát hiến Mình làm hy lễ để cứu độ thế gian (x. Dt 2:17, 4:14-16; 5:5-10; 9,11 tt). Chúa và Lời Ngài: là “đất” mà ở đó chúng ta sống trong sự hiệp thông và trong niềm vui.

Vì thế, chúng ta hãy để cho Chúa đặt trong quả tim chúng ta lòng yêu mến Lời Ngài, và nguyện xin Ngài ban cho chúng ta luôn luôn có Ngài và Thánh ý Ngài ở trung tâm cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin cho Lời Chúa chiếu sáng lời cầu nguyện của chúng ta và toàn thể cuộc đời chúng ta, để nó trở thành đèn soi bước chân chúng ta và ánh sáng soi đường chúng ta, như Thánh Vịnh 119 nói (x. câu 105), để con đường của chúng ta được an toàn, trong đất của loài người. Và nguyện xin Mẹ Maria, Đấng đã đón nhận và sinh ra Ngôi Lời, thành Đấng hướng dẫn và an ủi chúng ta, thành ngôi sao chỉ cho chúng ta con đường hạnh phúc.

Rồi chúng ta cũng thế, trong lời cầu nguyện của mình, như tác giả Thánh Vịnh 16, có thể vui mừng vì những món quà bất ngờ của Chúa và vì gia tài nhưng không rơi vào tay chúng ta:

Chúa là phần gia nghiệp và là chén của con;

chính Ngài nắm giữ phần của con.

Giây đo đất cho con đã rơi vào một nơi tuyệt mỹ;

gia tài ấy thật tốt đẹp cho con.

(Tv 16:5-6).