“Điều quan trọng là đừng đánh mất những kỷ niệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta”

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ mười lăm về Cầu Nguyện của ĐTC Bênêdictô XVI ban hành tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Thứ Tư ngày 12 tháng 10, năm 2011. ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về Cầu Nguyện. Lần này ngài nói về Thánh Vịnh 126.

* * *

Anh chị em thân mến,

Trong những bài giáo lý trước, chúng ta đã suy niệm về một số các Thánh Vịnh than thở và tin tưởng. Hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy niệm về một Thánh Vịnh đặc biệt vui mừng, một kinh nguyện hát lên với niềm vui để chúc tụng những sự kỳ diệu của Thiên Chúa, là Thánh Vịnh 126 hay Thánh Vịnh 125 theo cách đếm La-Hy – tán dương những điều trọng đại mà Chúa đã làm cùng với dân Ngài và còn tiếp tục làm cùng với mọi tín hữu.

Thay mặt cho tất cả dân Israel, tác giả Thánh Vịnh mở đầu lời cầu nguyện của ông bằng cách nhắc lại những kinh nghiệm cảm động về ơn cứu độ:

"Khi Chúa phục hồi số phận Xion,

ta tưởng như là một giấc mơ.

Và miệng vang vang rộn tiếng cười,

lưỡi lứu lon những tiếng vui mừng."
(cc. 1-2a).

Thánh Vịnh nói về "gia nghiệp được phục hồi", được trở về tình trạng nguyên thủy của nó, trong tất cả sự tốt đẹp trước kia của nó. Như thế nó mở đầu bằng một tình trạng đau khổ cùng sự thiếu thốn mà Thiên Chúa đáp lời bằng cách đem lại ơn cứu độ và làm cho người cầu nguyện được trở lại tình trạng trước kia của ông; thực ra, là một tình trạng được phong phú hoá và thậm chí được thay đổi tốt hơn. Đó là điều xảy ra cho ông Gióp, khi Chúa phục hồi tất cả những gì ông đã mất, tăng gấp đôi và còn ban cho ông một phúc lành lớn hơn (X. Gióp 42:10-13), và đó cũng là những gì dân Israel kinh nghiệm khi trở về quê hương sau cuộc Lưu Đầy ở Babylon.

Thánh Vịnh này phải được giải thích trong tương quan với việc chấm dứt cuộc phát lưu ở đất khách quê người: thuật ngữ "phục hồi số phận Xion" được đọc và hiểu theo truyền thống như "dẫn tù nhân của Xion trở về." Thực ra, trở về từ lưu đầy là mô hình của mọi can thiệp cứu độ của Thiên Chúa, vì sự sụp đổ của Giêrusalem và cuộc lưu đày sang Babylon là một kinh nghiệm tang thương cho Dân Được Tuyển Chọn, không những chỉ về diện chính trị và xã hội, mà còn và đặc biệt về diện tôn giáo và tâm linh. Việc mất đất, việc chấm dứt nền quân chủ của nhà Đavít, và việc phá huỷ Đền Thờ được coi như một sự phủ nhận những lời hứa của Thiên Chúa, và Dân Giao Ước, bị phân tán giữa các dân ngoại, đớn đau thắc mắc về một Thiên Chúa là Đấng dường như đã bỏ rơi họ.

Cho nên, việc chấm dứt cuộc phát lưu và hồi hương được cảm nghiệm như một sự trở lại tuyệt vời với đức tin, với niềm tín thác, với sự hiệp thông cùng Chúa; nó là một " cuộc phục hồi số phận", cũng bao gồm cả việc hoán cải tâm hồn, tha thứ, tìm lại tình bằng hữu với Thiên Chúa, ý thức về lòng thương xót của Ngài và tái lập khả năng ca ngợi Ngài (x. Gr 29:12-14, 30:18-20, 33:6-11; Ed 39:25-29). Đó là một kinh nghiệm tràn đầy niềm vui, nụ cười và những tiếng la hò mừng rỡ, quá đẹp đến nỗi "tưởng như một giấc mơ." Những sự can thiệp của Thiên Chúa thường có những hình thức bất ngờ, vượt quá những gì con người có thể tưởng tượng được; do đó sự kinh ngạc và niềm vui được diễn tả trong lời Thánh Vịnh này là: "Chúa đã làm nhiều điều vĩ đại." Đây là những gì chư dân nói lên, và cũng là những gì dân Israel công bố:

"Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán:

‘Chúa đã làm cho họ nhiều điều vĩ đại.’

Chúa đã làm cho ta biết bao điều trọng đại:

ta thấy mình chan chứa niềm vui"
(cc. 2b-3).

Thiên Chúa có làm phép lạ trong lịch sử nhân loại. Trong việc thực hiện ơn cứu độ, Ngài tỏ lộ cho mọi người biết rằng Ngài là Chúa đầy quyền năng và thương xót, nơi trú ẩn của những người bị áp bức. Ngài đã không quên tiếng than khóc của những người nghèo khổ (x. Tv 9:10,13), Đấng yêu chuộng công lý cùng sự ngay thẳng và tình yêu của Ngài tràn ngập trái đất (x. Tv 33:5). Vì thế, đứng trước cuộc giải phóng của dân Israel, muôn dân phải công nhận những điều cao cả và tuyệt vời mà Thiên Chúa đã làm cho dân Ngài và chúc mừng Chúa trong thực trạng của Ngài như Đấng Cứu Độ. Dân Israel vang vọng lại lời công bố của muôn dân, bằng cách dùng nó và lập lại nó, nhưng như nhân vật chính, như người trực tiếp đón nhận hành động của Thiên Chúa: "Chúa đã làm cho chúng ta những điều trọng đại", "cho chúng ta", hay chính xác hơn, "cùng với chúng ta", trong tiếng Do Thái là 'immanu, như thế xác định mối liên hệ đặc biệt mà Thiên Chúa đã có với Dân Riêng của Ngài, và sự liên hệ này được tìm thấy trong danh hiệu Immanuel, "Thiên Chúa ở cùng chúng ta", là tên dđược đặt cho Chúa Giêsu, là tột đỉnh và sự biểu hiện trọn vẹn của liên hệ này (x. Mt 1:23).

Anh chị em thân mến, trong những kinh nguyện của chúng ta, chúng ta nên nhìn vào các biến cố của cuộc đời mình, xem Chúa đã bảo vệ, hướng dẫn cùng giúp đỡ chúng ta thường xuyên cách nào, và ngợi khen Ngài vì tất cả những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến những điều tốt lành mà Chúa ban cho mình. Chúng ta luôn để ý đến những trở ngại và những khó khăn, mà hầu như không muốn nhận thức rằng có những điều tốt đẹp đến từ Chúa. Việc chú ý này, sẽ trở thành lòng biết ơn, là điều rất quan trọng đối với chúng ta; nó tạo ra trong chúng ta một ký ức về những điều tốt lành và cũng giúp chúng ta trong những giờ phút đen tối. Thiên Chúa làm những điều trọng đại, và những ai cảm nghiệm được điều này – để tâm đến sự tốt lành của Chúa bằng sự chú ý của tâm hồn - được đầy tràn niềm vui. Phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh được kết thúc ở cung điệu vui mừng này. Được cứu độ và hồi hương từ lưu đầy cũng giống như được hồi sinh: cuộc giải phóng mở ra những nụ cười, nhưng kỳ vọng về một thành quả vẫn còn phải mong ước và cầu xin. Đây là phần thứ nhì của Thánh Vịnh này, được đọc tiếp như sau:

"Lạy Chúa, xin tái lập số phận của chúng con,

như những dòng suối trong sa mạc.

Ai gieo trong nước mắt sẽ gặt trong niềm vui.

Người than khóc mang hạt giống đi gieo,

nhưng bù lại, sẽ vui mừng

khi thu về những bó lúa tốt tươi"
(cc. 4-6).

Nếu ở phần đầu của kinh nguyện này, tác giả Thánh Vịnh đã cử hành niềm vui vì được Chúa đã phục hồi số phận, thì giờ đây ông lại cầu xin như một điều gì vẫn chưa được thể hiện. Nếu chúng ta áp dụng Thánh Vịnh này vào việc hồi hương từ lưu đầy, điều dường như mâu thuẫn này có thể được giải thích qua kinh nghiệm lịch sử mà dân Israel đã trải qua, một cuộc hồi hương khó khăn và chỉ một phần, là điều làm cho người cầu nguyện cầu khẩn một sự trợ giúp nhiều hơn của Thiên Chúa để đưa cuộc phục hồi dân tộc đến hoàn thành.

Nhưng Thánh Vịnh này vượt trên những bình diện thuần túy lịch sử mở ra những bình diện lớn hơn, bình diện thần học. Kinh nghiệm được giải thoát khỏi Babylon là điều an ủi dù vẫn chưa hoàn tất, "đã" xảy ra, nhưng "chưa" đánh dấu sự viên mãn cuối cùng. Vì vậy, trong khi cử hành niềm vui nhận được ơn cứu độ, lời cầu nguyện mở ra kỳ vọng về việc được thực hiện trọn vẹn. Vì thế Thánh Vịnh này sử dụng những hình ảnh đặc biệt, với sự phức tạp của chúng để nói về thực tại bí ẩn của ơn cứu độ, trong đó có xen lẫn hồng ân đã nhận được với việc vẫn đợi chờ, sự sống với sự chết, niềm vui với những giấc mơ đầy nước mắt đau thương.

Hình ảnh đầu tiên được đề cập đến những dòng suối khô cạn của hoang địa Negev, khi được nước mưa ào ạt đổ tràn, phục hồi sức sống cho vùng đất khô cằn và làm cho nó nở hoa. Như vậy, lời cầu xin của tác giả Thánh Vịnh là xin phục hồi số phận của dân và xin cho việc trở về từ lưu đầy được giống như những dóng nước ấy, tràn đầy cùng không thể ngăn cản được, và có khả năng biến sa mạc thành cánh đồng rộng lớn đầy cỏ xanh và nở hoa.

Hình ảnh thứ nhì được di chuyển từ những ngọn đồi khô cằn sỏi đá của vùng Negev đến những cánh đồng mà nông dân trồng trọt để có thực phẩm. Để nói về ơn cứu độ, chúng ta nhắc đến kinh nghiệm được lập lại mỗi năm trong thế giới nông nghiệp: thời gian khó khăn và mệt nhọc khi gieo giống và tiếp theo là niềm vui không thể đè nén được khi mùa gặt. Đó là việc gieo trồng trong nước mắt, bởi vì người ta gieo những gì chưa có thể trở thành bánh, để mặc nó trong thời gian chờ đợi đầy bất trắc: các công việc của nông dân, cầy quốc, gieo hạt giống, nhưng, như dụ ngôn người gieo giống minh họa, họ không biết hạt giống này sẽ rơi vào đâu, nó có bị chim trời có ăn mất không, nó có mọc rễ không, nếu có thì nó có thành những dé lúa không (x. Mt 13:3-9, Mc 4:2-9, Lc 8:4-8).

Gieo hạt giống là một hành động của đức tin và đức cậy, cần đến sự chăm chỉ của con người, nhưng sau đó người ta phải chờ đợi một cách bất lực, ý thức rằng có nhiều yếu tố sẽ định đoạt sự thành công của vụ mùa, và nguy cơ thất bại luôn rình rập. Tuy nhiên, hết năm này qua năm khác, người nông dân lặp lại động tác này và gieo hạt giống. Khi những hạt này trở thành những dé lúa, và cánh đồng đầy hoa lợi, đây là niềm vui của người được đứng trước một điều kỳ diệu phi thường.

Chúa Giêsu biết rõ kinh nghiệm này và Người nói về nó với những kẻ thuộc về Người: “Người nói: ‘Vậy Nước Thiên Chúa cũng giống như một người kia gieo hạt giống xuống đất. Và người ấy ngủ hay thức, đêm hay ngày, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, người ấy không biết bằng cách nào.’" (Mc 4:26-27). Đó là mầu nhiệm tiềm ẩn của cuộc đời, đó là "những điều trọng đại" tuyệt vời của ơn cứu độ mà Chúa làm trong lịch sử con người và là bí mật mà con người không biết.

Sự can thiệp của Thiên Chúa, khi được biểu lộ trong sự trọn vẹn của nó, cho thấy một chiều kích tràn đầy, như những dòng suối trong vùng Negev và như những cánh đồng lúa mì, điều sau này cũng gợi lên đặc tính chênh lệch trong những điều điển hình về Thiên Chúa: sự chênh lệch giữa việc trồng cấy mệt mỏi và 'niềm vui khôn tả’ khi thu hoạch, giữa sự lo lắng chờ đợi và việc nhìn ngắm cách bình an kho lẫm tràn đầy, giữa những hạt giống được gieo trên những gò đất nhỏ và những bó lúa vàng rất lớn dưới ánh mặt trời. Vào mùa gặt, mọi sự đều biến đổi, lời than khóc biến đi nhường chỗ cho những tiếng reo hò hân hoan.

Đó là những điều mà tác giả Thánh Vịnh nhắc đến khi nói về ơn cứu độ, về việc giải phóng và phục hồi số phận, về việc trở về từ lưu đầy. Thực ra, Thánh Vịnh của chúng ta nói rằng, việc phát lưu sang Babylon, cũng như mọi hoàn cảnh đau thương và khủng hoảng khác, với thực trạng đau khổ đầy tối tăm, với những ghi ngờ và vẻ xa cách của Thiên Chúa, cũng giống như thời gian gieo hạt giống. Trong Mầu Nhiệm của Đức Kitô, trong ánh sáng của Tân Ước, sứ điệp này trở nên dứt khoát và rõ ràng hơn: người tín hữu đi qua bóng tối này giống như một hạt lúa mì rơi xuống đất bị chết đi, nhưng để nảy sinh nhiều hoa trái (x. Ga 12: 24 ), hoặc dùng một hình ảnh khác thân thương với Chúa Giêsu, thì người ấy giống như một người phụ nữ đau đớn khi sinh con để đạt được niềm vui khi sinh ra một sự sống mới (x. Ga 16:21).

Anh chị em thân mến, Thánh Vịnh này dạy chúng ta rằng, trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta phải luôn tiếp tục mở lòng ra để hy vọng, và vững vàng trong đức tin vào Thiên Chúa của mình. Lịch sử cá nhân của chúng ta, dù thường bị đánh dấu bởi đau khổ, thiếu chắc chắn, và những giây phút khủng hoảng, là một lịch sử cứu độ và "phục hồi số phận." Trong Chúa Giêsu, cuộc lưu đầy của chính chúng ta được kết thúc, và mọi dòng nước mắt đều được lau khô trong mầu nhiệm Thập Giá của Người, [mầu nhiệm] sự chết biến đổi thành sự sống, như hạt lúa mì nằm trong lòng đất để trở thành những dé lúa. Ngay cả đối với chúng ta, khám phá này của Chúa Giêsu Kitô là niềm vui lớn lao đối với câu trả lời "có" của Thiên Chúa, với việc phục hồi số phận của chúng ta. Tuy nhiên, như những người hồi hương từ Babylon với đầy niềm vui đã tìm thấy một vùng đất khô cằn, bị tàn phá, cùng sự khó khăn trong việc gieo giống và than khóc, họ đã phải chấp nhận việc không biết chắc rằng cuối cùng họ sẽ thực sự được mùa hay không, chúng ta cũng thế, sau khám phá vĩ đại của Đức Chúa Giêsu Kitô, sự sống, sự thật và đường của chúng ta, chúng ta bước vào mảnh đất đức tin trong "vùng đất đức tin", chúng ta cũng thường thấy rằng cuộc đời đầy tăm tối, khô cằn, khó khăn, như gieo trong nước mắt, nhưng chúng ta tin chắc rằng cuối cùng ánh sáng của Đức Kitô thực sự ban cho chúng ta một mùa gặt vĩ đại.

Và chúng ta phải biết điều này là đừng quên rằng có ánh sáng ngay cả trong đêm tối, rằng Thiên Chúa đã ở giữa cuộc đời chúng ta, và chúng ta có thể gieo giống với niềm tin chắc chắn rằng câu trả lời "có" của Thiên Chúa còn mạnh hơn tất cả chúng ta. Điều quan trọng là đừng đánh mất những kỷ niệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta, đừng đánh mất niềm vui sâu thẳm này là Thiên Chúa đã bước vào cuộc đời mình, và như thế giải thoát chúng ta: Đó là cách tỏ lòng biết ơn đối với khám phá của Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến với chúng ta. Và lòng biết ơn này được biến đổi thành hy vọng. Đó là một vì sao hy vọng đem lại cho chúng ta niềm xác tín, là ánh sáng, bởi vì đớn đau trong việc gieo giống là khởi đầu của sự sống mới, của niềm vui lớn lao và cuối cùng của Thiên Chúa.