Nhân chuyến viếng thăm Đức vào cuối tuần này, Đức Bênêđíctô XVI đã viếng Erfurt nơi Luthêrô tu học từ năm 1501 tới năm 1511, bắt đầu với tư cách sinh viên, sau đó với tư cách đan sĩ. Dù Luthêrô không mấy thích Erfurt, gọi đại học của nó là “tiệm bia và nhà chứa”, nhưng điều này vẫn không đánh đổ được giá trị biểu tượng của Erfurt đối với giáo hội Luthêrô, và ý nghĩa đại kết của chuyến viếng thăm này. Thực ra, theo Đài Vatican, Erfurt từng là địa danh có liên hệ tới những con người lừng lẫy từ Goethe tới Schiller, từ Bach tới Liszt, từ hoàng đế Nga tới Napoleon, người từng tổ chức cuộc họp cá công hoàng tại đây.

Theo John Allen Jnr của Tờ The National Catholic Register số ngày 2 tháng 9 năm 2011, có người đồ đoán rằng nhân cơ hội này, Đức Bênêđíctô XVI có thể ban cho hệ phái Luthêrô một qui chế đặc biệt cũng như cho phép hai giáo hội Công Giáo và Luthêrô được rước lễ tại các thánh lễ của nhau. Đồ đoán này bị linh mục Hans Langendoerfer, Dòng Tên, thư ký Hội Đồng Giám Mục Đức, cho là hy vọng quá trớn. Chính Đức Bênêđictô XVI, trong cuộc gặp gỡ liên tôn tại Erfurt ngày 23 tháng 9, cũng đã lớn tiếng cho rằng: hoài mong ấy chỉ là “lối đọc sai lầm có tính chính trị về đức tin và đại kết”.

Tuy nhiên, linh mục Langenderfer cho hay: mục tiêu của chuyến viếng thăm Erfurt là để tái lên khuôn cái nhìn của Công Giáo về Luthêrô và các môn đệ ngày nay của ông. Cha cho hay: “Tại Erfurt, Đức Bênêđíctô XVI sẽ nhằm đẩy lui xa hơn nữa ý niệm cho rằng người Thệ Phản trước hết là những người bất đồng. Cái nhìn rộng rãi này đối với lịch sử Kitô Giáo sẽ mang lại nhiều hậu quả phong phú khi ta đang tới gần lễ kỷ niệm của Phong Trào Thệ Phản”.

Có cơ sở

Những hy vọng lạc quan nói trên không hẳn không có cơ sở. Tiến Sĩ Jack Kilcrease thuộc giáo hội Luthêrô từng cho rằng Đức Bênêđíctô XVI là giáo hoàng đầu tiên được mệnh danh là giáo hoàng Luthêrô (Xem “Joseph Ratzinger Doesn’t Get the Ausburg Confession”, đăng trong Theologia Crucis, ngày 20 tháng 9 năm 2010). Trong bài của mình, John Allen Jnr cũng thuật lại sự kiện vào năm 1966, lúc còn là một giáo sư và chuyên viên trẻ tại Công Đồng Vatican II, Ratzinger từng viết một nhận định phê phán âm hưởng quá lạc quan của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, cho rằng hiến chế này chịu ảnh hưởng của Teilhard de Chardin và chủ nghĩa nhân bản Pháp, một chủ nghĩa “khiến người ta phải đặt câu hỏi tại sao con người hữu lý và hoàn toàn tự do được mô tả tại các điều đầu tiên bỗng nhiên lại bị đè nặng bởi câu truyện của Chúa Kitô”. Ngài cho rằng các ý niệm “Dân Chúa” và “thế giới” đã được khoác một hình ảnh tích cực thiếu phê phán, chỉ phản ảnh một sự ngây thơ đối với hậu quả của tội lỗi, một điều vốn bị Luthêrô cực lực lên án. Đối với các hậu duệ của Luthêrô, Ratzinger được coi là người đã cứu tuyên bố chung về ơn công chính hóa giữa họ và Giáo Hội Công Giáo năm 1999. Chính Munib Younan, Chủ Tịch Liên Minh Luthêrô Thế Giới, đại diện cho 70 triệu tín hữu, cũng đã hy vọng Vatican một ngày kia sẽ cho phép tín hữu mình được rước lễ trong giáo hội Luthêrô.

Theo hãng tin Zenit (5/5/2005), một nhà lãnh đạo Luthêrô hàng đầu của Đức cho hay Đức Hồng Y Ratzinger là một trong số ít người thực sự hiểu Martin Luther. Sigrid Spath thuật lại cuộc gặp gỡ công khai năm 1998 giữa Đức HY Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và Wolfgang Huber, nguyên Giám Mục Phái Luthêrô Tin Lành của Bá Linh và lúc đó là chủ tịch Hội Đồng Luthêrô Tin Lành Đức. Trong cuộc gặp gỡ này, Đức HY Ratzinger cho mọi người hay ngài đã đọc toàn bộ các công trình của Luthêrô viết trước thời Thệ Phản, tức lúc ông còn là người Công Giáo, và ngài khích lệ những người Thệ Phản có mặt hôm đó nên đọc các công trình này. Cuộc gặp gỡ kéo dài nhiều giờ và “Giám mục Huber rất có ấn tượng trước các phát biểu của vị Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin và nhận định rằng Ratzinger là một trong số ít người thực sự biết Luthêrô”

Allen Jnr cho rằng tín hữu Luthêrô đối với Đức Bênêđíctô cũng giống như tín hữu Chính Thống đối với Đức Gioan Phaolô II, những người anh em ly khai được ngài biết hơn cả và tự nhiên cảm thấy gần gũi. Trong tư tưởng của ngài, Luthêrô chiếm một chỗ đứng khá lớn; sau Thánh Augustinô, có lẽ không có nhà soạn tác Kitô Giáo trước thời hiện đại nào ảnh hưởng nhiều tới tư duy thần học của ngài bằng Luthêrô. Đức Bênêđíctô XVI cũng công khai ca ngợi nhiều thần học gia và học giả Thánh Kinh Luthêrô của thế kỷ 20 như Wolfhart Pannenberg, Wilfrid Joest, và Martin Hengel.

Có đến hai ông Luthêrô

Ấy thế nhưng đối với triển vọng hòa dịu mau chóng giữa Công Giáo và phái Luthêrô, Allen Jnr cho rằng Đức Bênêđíctô XVI từng tỏ thái độ hoài nghi từ lâu. Trước nhất, phán đoán của ngài về chính Luthêrô khá đa dạng. Trong cuốn sách viết năm 1987, tựa là Giáo Hội, Đại Kết và Chính Trị (Church, Ecumenism and Politics), Đức HY Ratzinger viết rằng thực sự có đến 2 Luthêrô. Đầu tiên ta có Luthêrô của sách giáo lý, của các thánh ca vĩ đại và là nhà cải cách phụng vụ. Ngài cho rằng Luthêrô đã dự ứng trước phần lớn điều sẽ xuất hiện sau này trong Đạo Công Giáo trước thời Vatican II dưới danh xưng trở về nguồn (ressourcement). Bên cạnh đó, ta có Luthêrô tranh luận từng loại giáo hội ra khỏi chân trời với quan điểm cực đoan về ơn cứu rỗi cá nhân.

Thứ hai, trong nhiều năm qua, Đức Bênêđíctô XVI vốn hàm hồ đối với điều có thể gọi là “đại kết bàn giấy”, trong đó phải kể đến các tuyên bố chung do các cuộc đối thoại chính thức giữa các tuyên tín khác nhau tạo ra. Theo ngài, những văn kiện ấy thường chỉ thăm dò điều bất khả bằng cách cố gắng dùng luận lý giảng hòa các chủ trương đối nghịch nhau trong quá khứ. Ba thập niên trước đây, Đức HY Ratzinger từng viết rằng không nên tìm kiếm hợp nhất kiểu đó, mà nên cùng nhau đưa ra “những bước mới”.

Thứ ba, trong năm thế kỷ kể từ cuộc Cải Cách Thệ Phản, nước dưới cầu đã tạo ra nhiều trở ngại cho việc hợp nhất, nhất là với các giáo hội Thệ Phản chính dòng. Những khai triển này bao gồm các thay đổi trong giáo huấn luân lý, trong cấu trúc giáo hội cũng như trong các thừa tác vụ, mà điển hình khó khăn hơn cả là phong chức phụ nữ.

Theo Allen, tất cả các lực lượng trên, tức lòng qúi mến của Đức Bênêđíctô đối với Luthêrô và tư duy ông ta, cộng với sự hàm hồ của ngài đối với các thỏa thuận đại kết chính thức và các thực tại hiện nay trong Phong Trào Thệ Phản Tây Phương, đã được phản ảnh rõ rệt trong phản ứng của ngài đối với Tuyên Bố Chung về Công Chính Hóa năm 1999.

Sau cả một thập niên đối thoại giữa các thần học gia Công Giáo và Luthêrô, hai bên mới đạt được một thỏa thuận căn bản về cái hiểu chung đối với sự công chính hóa. Trong cuộc họp báo ngày 25 tháng 6 năm 1998, Đức Hồng Y Edward Cassidy, người Úc, lúc ấy đứng đầu Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, cho rằng sự nhất trí ở bình diện cao này cho phép hai bên tuyên bố rằng “các kết án lẫn nhau trong thế kỷ 16 ngày nay không còn giá trị gì đối với đôi bên nữa”. Ngài tin rằng hai bên đã đạt được một điều gì đó rất siêu việt, khiến ngài thú thực rằng khi bị phán xét nếu Chúa hỏi: con đã làm được gì ở trên đời, ngài sẽ trả lời không do dự: con đã ký Bản Tuyên Bố Chung Về Công Chính Hóa!

Trả lời Tuyên Bố Chung

Nhưng niềm vui của ngài hình như quá sớm. Vì chỉ ít ngày sau, Bộ Giáo Lý Đức Tin cho công bố “bản trả lời” tuyên bố chung, khiến người ta có cảm tưởng sự nhất trí kia chỉ là giả tạo. Xét về mặt thủ tục, nhiều người còn cho là quái gở khi Vatican lên tiếng “trả lời” một bản tuyên bố mà chính mình ký vào. Vì nếu thấy bản văn có vấn đề, thì tại sao lại ký vào? Còn nếu muốn thu hồi một thoả thuận trước khi mực của nó chưa khô, thì tại sao lại khổ công tạo ra nó? Có người chỉ còn biết qui tội cho việc thiếu thông đạt giữa các bộ sở của Tòa Thánh hồi ấy.

Bản trả lời mang tên Đức HY Ratzinger và rất có thể phản ảnh tư duy của ngài nhấn mạnh tới những điểm khác nhau rất chủ yếu vẫn còn hiện diện giữa hai nền thần học Công Giáo và Luthêrô

1) Cái hiểu của phái Luthêrô về công chính hóa, trong đó con người nhân bản vừa là người công chính vừa là kẻ tội lỗi (simul iustus et peccator) là không nhất quán với đức tin Công Giáo, một đức tin cho rằng phép rửa đã xóa hết vết nhơ của tội.

2) Người Công Giáo tin cả ơn cứu rỗi nhờ đức tin lẫn sự phán xét dựa vào việc làm, và rõ ràng người Luthêrô không chia sẻ niềm tin này.

3) Cái hiểu của người Luthêrô về sự cứu rỗi khó có thể giảng hòa với bí tích Thống Hối của Công Giáo.

4) Việc người Luthêrô nhấn mạnh rằng sự công chính hóa là viên đá góc của toàn bộ đức tin Kitô Giáo đã bị thổi phồng thái quá; học lý công chính hóa phải được lồng vào toàn bộ mạc khải có tính hữu cơ.

Cũng theo bản trả lời này, người ta không biết rõ những người ký vào bản tuyên bố chung có đại diện cho hệ phái của họ hay không.

Quan trọng nhất là Công Đồng Trent vẫn còn hiệu lực. Bản trả lời khẳng định rằng: “Bình diện của thoả thuận là một bình diện cao, nhưng nó vẫn chưa cho phép ta quả quyết rằng mọi dị biệt hiện đang phân rẽ tín hữu Công Giáo và tín hữu Luthêrô trong học lý liên quan tới công chính hóa chỉ là vấn đề thuộc phạm vi nhấn mạnh hay ngôn từ… Trái lại, các phân rẽ này phải được vượt qua trước khi ta có thể quả quyết một cách tổng quát rằng các điểm đó không còn bị Công Đồng Trent lên án nữa”.

Nhiều người Luthêrô hết sức phẫn nộ, cho rằng Tòa Thánh đã phản bội cả các thần học gia Luthêrô lẫn các thần học gia Công Giáo và chắc chắn phải mấy thập niên nữa mới tái lập được lòng tin. Trên báo chí Đức, Đức HY Ratzinger mau chóng bị tô vẽ là kẻ xấu xa, phá hoại thỏa hiệp. Đến độ, ngày 14 tháng 7 năm 1998, ngài phải gửi một lá thư cho tờ Frankfurter Allgemeine gọi phúc trình tố cáo ngài phá hoại thỏa hiệp là dối trá trắng trợn, bởi làm thế là tự bác bỏ mình.

Allen Jnr cho rằng có lẽ để chứng minh điều này, ngài phải đích thân can thiệp giúp cho cuộc đối thoại tiếp tục trở lại. Ngày 3 tháng 11 năm 1998, ngài âm thầm mời một nhóm làm việc nhỏ tụ tập tại nhà anh của ngài là Đức Ông Georg, gồm ngài, Giám Mục Luthêrô Johannes Hanselmann, thần học gia Công Giáo Heinz Schuette, và thân học gia Luthêrô Joachim Track. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Track cho hay: chính Đức HY Ratzinger đã cứu thỏa hiệp bằng cách đưa ra 3 nhượng bộ chủ yếu:

Thứ nhất, Ratzinger đồng ý rằng mục tiêu của diễn trình đại kết là hợp nhất trong đa dạng, chứ không phải tái nhập có tính cơ cấu. Điều này làm an tâm người Luthêrô Đức vì họ rất sợ phải tùng phục Rôma.

Thứ hai, Ratzinger nhìn nhận thẩm quyền của Liên Minh Luthêrô Thế Giới trong việc đạt thỏa hiệp với Vatican.

Thứ ba, Ratzinger đồng ý rằng dù Kitô hữu buộc phải làm việc tốt, nhưng sự công chính hóa và việc phán xét vẫn là các hành động nhưng không của Thiên Chúa.

Trên căn bản này, nhóm làm việc đã tu chính Bản Tuyên Bố Chung để thoả mãn lo lắng của cả đôi bên. Một năm sau, Đức HY Cassidy đã tổ chức cuộc họp báo thứ hai để công bố thỏa hiệp được cả Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican chấp thuận. Trong cuộc họp báo này, ba văn kiện đã được công bố cùng một lúc: chính Bản Tuyên Bố Chung, một “xác định chung chính thức” cho thấy đôi bên hiểu ra sao về Bản Tuyên Bố Chung, và một “phụ chương” trong đó, các điểm đã nêu ra ở bản trả lời cũng như các quan tâm thêm của phía Luthêrô được chú giải.

Một số điểm chính trong “phụ chương”: (a) phép rửa thực sự giải thoát con người khỏi quyền lực tội lỗi, “nhưng ta sẽ sai lầm nếu bảo rằng ta không có tội”; (b) Việc làm của ơn thánh Chúa không loại bỏ hành động nhân bản; (c) trong ngày phán xét sau cùng, người công chính cũng sẽ bị phán xét vì các việc mình làm; (d) học lý công chính hóa là thước đo hay đá thử đức tin Kitô Giáo. Không giáo huấn nào được mâu thuẫn với tiêu chuẩn này.

Tuyên Bố Chung được nồng nhiệt tiếp đón. Nhưng theo Allen Jnr, việc hình thành ra nó cho thấy Ratzinger vừa là người phê phán vừa là người cứu nó. Điều ấy đủ cho thấy cả niềm hy vọng lẫn sự hoài nghi mà vị Giáo Hoàng người Đức đầu tiên đã mang theo mình khi trở lại thăm quê hương lần này.

Phục hồi Luthêrô

Năm 2008, đã có tin đồn là Đức Bênêđíctô XVI sẽ phục hồi Luthêrô, người sáng lập ra Thệ Phản. Hãng Reuter ngày 11 tháng 3 năm ấy cho chạy hàng tít: Việc “phục hồi” Martin Luther có thể còn phải chờ (Martin Luther’s “rehabilitation” may have to wait). Bài này cho hay ngày 2 tháng 3, hãng thông tấn ApCom của Ý cho chạy một bản tin về vụ các học trò tiến sĩ của Đức Bênêđíctô, trong cuộc gặp mặt vào tháng 8, sẽ thảo luận vấn đề Luthêrô “muốn phân rẽ… hay chỉ muốn cải tổ Giáo Hội”. Hai ngày sau, nhật báo La Stampa ở Turin cho đăng bài “Ratzinger cải tổ Luther. ‘Ông ta có nhiều ý niệm Công Giáo. Vị giáo hoàng thần học gia cho triệu các học trò của mình để bàn luận về nhà ly giáo này’”. Bài báo có trích dẫn câu phát biểu của Đức HY Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, cho rằng việc chọn đề tài thảo luận cố ý “hỗ trợ bầu khí của cuộc gặp gỡ với người Thệ Phản”.

Hôm sau, tờ Times ở London tường trình rằng “Đức GH Bênêđíctô XVI sắp sửa phục hồi Martin Luther, vì cho rằng ông không có ý định chia rẽ Kitô Giáo, mà chỉ thanh lọc giáo hội khỏi các thực hành hủ hóa”.

Tường trình trên đã phát sinh ra rất nhiều bình luận trên khắp các trang mạng thế giới khiến cả tờ Financial Times cũng có bài xã luận tựa là “Ân xá Giáo Hoàng: thay đổi có tính trang trí không thể dấu được chủ nghĩa giáo điều của Bênêđíctô”.

Dư luận ấy khiến phát ngôn viên Tòa Thánh là Cha Federico Lombardi, ngày 8 tháng 3, phải lên tiếng với hãng tin Ansa của Ý rằng xã luận của Financial Times là “hoàn toàn không có cơ sở vì không hề có dự kiến phục hồi Luther”.

Cuộc viếng thăm Erfurt ngày 23 tháng 9 vừa qua đã củng cố lời tuyên bố của phát ngôn viên Tòa Thánh. Tại đây, Đức Bênêđíctô cho hay: “Lầm lẫn của thời kỳ Thệ Phản là phần lớn ta chỉ thấy điều phân rẽ ta mà không nắm được một cách thiết yếu điều ta có chung liên quan tới kho tàng vĩ đại của Thánh Kinh và các tuyên tín của Kitô Giáo sơ khai”. Ngài nói tiếp: “Bước tiến đại kết vĩ đại trong mấy thập niên qua là ta đã tiến tới chỗ ý thức được tất cả những cơ sở chung ấy”.

Nhưng không vì thế mà Đức Giáo Hoàng không cho các đại biểu của 24 triệu tín hữu Luthêrô Đức thấy: dự án đại kết hiện đang phải đương đầu với 2 vấn đề chính: một là sự xụp đổ của các hệ phái Thệ Phản chính dòng truyền thống, là các hệ phái chỉ có được “một hình thức Kitô Giáo với rất ít chiều sâu định chế, ít lý tính và còn ít nội dung tín lý hơn nữa, và ít ổn định”. Hai là việc thế tục hóa thế giới hiện đại. Ngài bảo: “Thiên Chúa mỗi ngày một bị đẩy ra ngoài xã hội xa hơn, và lịch sử mạc khải mà Thánh Kinh thuật lại cho ta xem ra đang bị khóa cứng vào một quá khứ mỗi ngày một tít tắp hơn”.

Giọng điệu của Đức Bênêđíctô vào buổi chiều cùng ngày, trước 300 đại biểu Liên Tôn, trong đó có nhiều nhóm Thệ Phản, tại một buổi phụng vụ đại kết, có lạc quan hơn. Ngài nói rằng: “Ta cần thấy cả hai sự việc: tội của con người nhân bản từng bác bỏ Thiên Chúa và thu mình vào chính mình, và các chiến thắng của Thiên Chúa, Đấng đã duy trì Giáo Hội bất kể sự yếu đuối của nàng; Người không ngừng lôi kéo con người nam nữ lại gần Người và do đó lại gần nhau hơn. Chính vì thế, trong một buổi gặp gỡ đại kết, ta không nên chỉ ân hận về các chia rẽ và phân ly của ta, mà cần phải cảm tạ Thiên Chúa về tất cả các yếu tố hợp nhất mà Người đã duy trì cho ta và ban cho ta như mới. Và lòng biết ơn này, cùng một lúc, phải là một quyết tâm, trong những lúc thử thách và gian nan, không để mất sự hợp nhất Người đã ban cho”.

Chỉ có điều, sự hợp nhất, theo Đức Bênêđíctô, không giống như nhiều người mong ngóng, không thể dùng mặc cả, thương lượng mà có được. Ngài nói: “Đức tin không phải là điều ta có thể dùng lý trí mà tạo nên hay dùng thương lượng giữa chúng ta mà có”. Sự thành công trong công trình đại kết chỉ đến qua việc “mỗi ngày một tiến sâu hơn vào đức tin trong tư tưởng và trong cuộc sống ta”.

Theo Đài Vatican, nhân dịp này, ngài cũng nói thêm: “Nói chung, khi một quốc trưởng thăm một quốc gia thân hữu, thì trước đó thường có những cuộc tiếp xúc giữa các bên để sắp xếp một vài thoả hiệp song phương: bằng cách cân nhắc lợi hại của việc tương nhượng khiến cho thoả hiệp có được kết quả xem ra có lợi cho cả đôi bên, giúp cho thoả hiệp có thể ký kết được. Nhưng đức tin của Kitô hữu không dựa vào việc cân nhắc lợi hại. Một đức tin do mình làm ra là điều vô giá trị. Đức tin không phải là điều ta tạo ra bằng trí hiểu hay do thương lượng mà có. Nó là nền tảng cho đời ta. Hợp nhất không phát triển nhờ cân nhắc lợi hại mà chỉ nhờ tiến mỗi ngày một sâu hơn vào đức tin trong tư duy và trong đời sống ta. Trong 50 năm qua, và nhất là sau cuộc tông du của Đức Gioan Phaolô II cách đây 30 năm, chúng ta đã gần lại nhau hơn và điều này chỉ có thể làm ta biết ơn”.

Kỳ sau: “Luther và sự hợp nhất các giáo hội: cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Joseph Ratzinger” (Tập San Communio số 3 năm 1984).