Kathmandu – Các phụ nữ Ấn giáo đánh dấu lễ Teej, bằng cách kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của đất nước hãy duy trì sự tách biệt giữa nhà nước và tôn giáo, và bênh vực quyền lợi của các nhóm thiểu số tôn giáo.

Sự kiện này được tổ chức để tôn thờ thần Shiva. Nhiều thành viên của các nhóm tôn giáo khác đã tham gia vào sự kiện, trong đó có người Hồi giáo và Kitô hữu.

Bà Binda Pudel, một chuyên gia văn hóa Ấn giáo, nói: “Lễ hội Teej không chỉ được đánh dấu như lễ hội Ấn giáo mà thôi”. Bà giải thích: “Nó là chung cho mọi tôn giáo. Mỗi tôn giáo được tự do để mừng lễ hội của mình trong một quốc gia thế tục. Phụ nữ Ấn giáo chúng ta nên hát lời ca ngợi chủ nghĩa thế tục của Nepal, và tôn trọng các tôn giáo khác, hơn là chỉ tôn trọng Ấn giáo”.

Khi Nepal được công bố là một nhà nước thế tục trong năm 2007, các nhóm thiểu số tôn giáo được trao một cơ hội để cử hành phụng vụ của mình một cách công khai. Kể từ đó, một truyền thống đã phát triển, theo đó các nhà lãnh đạo và tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau sẽ được mời tham gia và chia sẻ trong các lễ mừng của mình.

Các lễ mừng nổi tiếng là lễ Giáng sinh cho Kitô hữu, lễ Dashain cho người Ấn giáo, lễ Eid al Fitr cho người Hồi giáo, và lễ Phật Đản cho các Phật tử.

Tuy nhiên, với các tu án chính cho bộ luật hình sự của đất nước hiện nay trước Quốc hội, các sự kiện như vậy sẽ không còn có thể dễ dàng nữa. Động cơ đằng sau các thay đổi được đề xuất là nhằm "tránh xung đột tôn giáo". Trong thực tế, các thay đổi sẽ trao cho Ấn giáo qui chế cao hơn và hạn chế tự do tôn giáo, trong đó có quyền cải đạo từ tôn giáo này sang tôn giáo khác.

Theo Sima Khatun, một lãnh đạo phụ nữ Hồi giáo, người ta tin vào sự hòa hợp và chung sống hòa bình giữa các tôn giáo khác nhau. Các chính trị gia chỉ khai thác sự khác biệt để khuấy động sự đối đầu. Điều này đang lây lan một ý tưởng sai lầm về Nepal và tín đồ Ấn giáo. Bà giải thích: "Phụ nữ Ấn giáo mời bà dự lễ Teej, và như một dấu hiệu của tình bạn, họ đã tham gia lễ kết thúc tháng chay Ramadan của Hồi giáo".

Bà Mandira Sharma, một nhà hoạt động phụ nữ Ấn giáo, cũng chỉ trích các thay đổi được đề nghị của bộ luật hình sự. Bà nói: “Mặc dù nhà nước được cho là nhà nước thế tục, vẫn có nhiều chính trị gia cánh hữu ủng hộ một nhà nước bảo thủ và đa tôn giáo. Họ là những người thúc đẩy một bộ luật hình sự mới, chứ không phải là người Ấn giáo bình thường”.

Một lãnh đạo phụ nữ Ấn giáo quan trọng khác, bà Damodar Sharma, nói: "Không ai ủng hộ việc cải đạo bắt buộc cả. Mọi công dân có quyền lựa chọn tín ngưỡng của mình". (AsiaNews 1-9-2011)