Việc Tôn Sùng Ðức Mẹ Trong Lịch Sử Giáo Hội (4)

Nhà thần học của giáo hội Tin Lành Lutheran, Wolfhart Pannenberg, có lần đã viết rằng Kitô học (Christology) là việc giải thích sự trọng đại của một dữ kiện lịch sử, trong khi Thánh Mẫu học (Mariology) thì cố gắng nhân hóa những phản ứng đặc sắc trong đức tin về dữ kiện đó. Pannenberg kết luận rằng, trong lịch sử Kitô giáo, Ðức Maria, xét như một biểu tượng, thì quan trọng hơn nhiều, so với việc nhìn vào Mẹ như một nhân vật lịch sử.

Tìm hiểu vai trò của Ðức Maria trong lịch sử Kitô giáo là làm một cuộc du hành qua nhiều thời đại, không phải chỉ trong sự phát triển thần học, nhưng cả về những khao khát tiềm ẩn và biểu trưng nữa. Thật là cả mê hoặc lẫn linh ứng - nếu không muốn nói là rất nghịch lý - khi thấy rằng Kinh Thánh Kitô giáo, qúa nam tính trong sự nhấn mạnh đến Ðức Gia-Vê (Yahweh) và Con Trai của Ngài, nhưng lại đưa sự tôn kính của các tín hữu đến một nhân vật được nhìn nhận là bản chất của nữ tính.

Ðức Maria là một người nữ đã được xưng tụng qua nhiều tước hiệu: Trinh Nữ, Bạn Ðồng Trinh, Nữ Tì, Hiền Mẫu, Nữ Vương, Ðấng Cứu Giúp, Ðấng Trung Gian và Ðấng làm hoàn tất những tiên tri trong Cựu Ước. Những tước hiệu đó đã đưa đến những thái cực khác nhau: Một nữ trinh nhưng lại là một hiền mẫu, một nữ tì nhưng lại là một nữ vương, một đại diện đơn hèn của kẻ khó trong dân Do Thái nhưng lại là “một Bà y phục rực rỡ như mặt trời.” Những đối nghịch đó trở nên rõ ràng hơn khi người ta chấp nhận Ðức Maria đã cưu mang Thiên Tính trong Mẹ. Kinh Thánh đã không khai triển nghịch lý này, nhưng những suy tư Kitô giáo đã làm chuyện đó.

THỜI CÁC THÁNH PHỤ

Những căng thẳng và nghịch lý nói trên đã được tìm thấy qua lịch sử Kitô giáo, chúng đã được trưng bày cách rõ rệt qua hai quan niệm về Ðức Trinh Nữ trong thời các Thánh Phụ (những thế hệ lãnh đạo ngay sau thời các thánh Tông Đồ). Vào những thế kỷ thứ III và thứ IV, giáo hội Công Giáo đã có phong trào hướng về lối sống khổ tu (Asceticism). Trong khi đế quốc La Mã đang đi dần vào thời kỳ suy vong, hàng ngàn nam nữ tu sĩ đã đi vào sa mạc, sống một cuộc sống thật khổ hạnh để đền tội và ẩn tu. Ðối với những “lực sĩ của Chúa Kitô” này, con người của Maria, Ðức Trinh Nữ, đã được nâng lên thành nhân vật gương mẫu. Ðức Maria được ca tụng là một biểu tượng của đức khiêm nhường, ẩn dật, vâng phục và thanh khiết. Một khái luận nặc danh trong giáo hội Coptic, vào thế kỷ thứ IV, mô tả rằng Ðức Maria đã sống một đời sống trong cầu nguyện liên lỉ và chay tịnh, được các thiên thần chăm sóc, chỉ dẫn và hoàn toàn cách biệt với thế giới chung quanh Mẹ.

Thánh Jerome đã cực lực bênh đỡ sự đồng trinh của Ðức Mẹ, một phần do ảnh hưởng của lối sống khổ tu. Một vài ngụy thư (Apocrypha) mô tả Ðức Mẹ đã sống ẩn kín trong sự thánh thiện, một người giúp việc trong đền thờ, trước khi “đính hôn” (betrothed) với thánh Giuse. Ðiều đó trình bày một hình ảnh mạnh mẽ cho lối sống ẩn tu của nhiều tôi tớ ẩn dật của Chúa.

Ðức Maria, quan niệm như một tiêu biểu cho đời sống ẩn tu, đã khác hẳn với quan niệm thứ hai. Quan niệm này đã xưng tụng Ðức Mẹ qua tương quan mẫu tử trong sự nhập thể. Cũng trong hai thế kỷ nói trên, người ta đã phải chứng kiến cuộc “chiến tranh thần học” về những lãnh vực Thiên Chúa Ba Ngôi và bản tính của Ðức Kitô. Làm sao thiên tính và nhân tính của Chúa Kitô được bảo toàn mà không gây tổn hại lẫn nhau? Nếu Ðức Tin tông truyền tuyên xưng rằng Ðức Giêsu là một Ðấng đã nhận lãnh hai bản tính, nhân tính và thiên tính, thì chúng ta phải thêm rằng vì Ðức Maria là Mẹ của Ðức Giêsu cũng là Đấng Cứu Thế, Con Một của Thiên Chúa Cha, nên Mẹ cũng đã cưu mang Thiên Chúa trong lòng trước khi hạ sinh Ðức Giêsu. Ðó là điều mà Công Ðồng Êphêsô (Ephesus) tuyên xưng năm 431, đồng thời chính thức chấp nhận danh từ Theotokos (Ðấng Cưu Mang Thiên Chúa) là tước hiệu của Ðức Mẹ.

Trong khi Ðức Maria “thầm lặng” vẫn được các vị ẩn tu sùng kính qua các thế hệ, lý thuyết “Mẹ Thiên Chúa” đã đưa đến sự kích động mạnh mẽ cho việc tôn sùng Ðức Mẹ, trong một phương thức nghiêm trang và phấn khởi hơn nhiều. Sau thế kỷ thứ V, Ðức Maria bắt đầu được tôn kính trong một ý nghĩa mang nhiều tính cách oai nghiêm và vương gỉa. Người ta có thể nhận thấy điều này qua sự phát triển các nghệ thuật về Ðức Mẹ trong cả hai giáo hội Ðông Phương lẫn Tây Phương. Ðức Maria thường được họa đang ngồi oai nghiêm trên một chiếc ngai, hoặc đang đứng với con trẻ Giêsu, phô diễn toàn chính diện của bức họa. Quan niệm này đã được diễn tả qua các nghệ thuật Mosaic, Icon cũng như Fresco và minh họa trên ván, gỗ. Ngay cả những tác phẩm thời danh của Cimabue, Duccio và Giotto vào đầu thời Phục Hưng cũng vẫn còn mang nhiều âm hưởng của các nghệ thuật trong thời các Thánh Phụ.

THỜI TRUNG CỔ

Ðức Maria bắt đầu được gọi là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) trong giáo hội Tây Phương (Latin) sau thời thánh Ambrose (340-397). Danh hiệu này đã là chủ đề thường xuyên trong Thánh Mẫu học và các nghệ thuật về Ðức Mẹ trong thời Trung Cổ. Ðôi khi, trong khoảng thế kỷ thứ XII, các nhà thần học đã nói đến Ðức Mẹ được đội triều thiên Nữ Vương Thiên Ðàng. Một vài nhà nghiên cứu đã cho rằng tư tưởng này được bắt đầu vào thời của Ðức Viện Phụ Suger (1081-1151), người được gọi là cha đẻ của các nghệ thuật kiến trúc kiểu Gothic. Ðức Suger là viện phụ của đan viện thánh Denis, đã có thời làm quan nhiếp chánh (Regent) cho triều đình và đồng thời là cố vấn cho vua Pháp. Nhân dịp này, ngài đã trình bày quan niệm về Ðức Mẹ với vòng triều thiên và là Nữ Vương.

Trường hợp điển hình nhất của các nghệ thuật Gothic về “Ðức Mẹ Triều Thiên” đã được diễn tả trong việc tái xây cất vương cung thánh đường ở thành phố Charles, qua nghệ thuật kiến trúc, các tượng ảnh và các cửa kính màu (stained glass windows).

Lòng sùng kính Ðức Mẹ trong thời Trung Cổ đã không diễn tả cách giới hạn qua việc xây cất những vương cung thánh đường đồ sộ, nhưng còn là cảm tình sâu xa đã nối kết tất các tầng lớp dân chúng trong thời đó. Việc sùng kính này đã phát triển qua sự dồn ép của các động lực văn hóa: Lòng quảng đại của các tín hữu, tinh thần hiệp sĩ và các tư tưởng về tình yêu thanh cao.

Các thế kỷ thứ XII và XIII đã đưa thời đại của Ðức Maria lên cao độ nhất. Các vương cung thánh đường được xây cất để tôn kính Ðức Mẹ, nền thần học về Ðức Mẹ cũng được nghiên cứu sâu xa hơn. Các văn gia như thánh Bernard thành Clairveaux (1090-1153), các thi phẩm như “Thánh Vịnh Ðức Mẹ” (đã trở thành kinh mân côi sau này), và các tích về phép lạ của Ðức Mẹ. Các dòng tu như Phanxicô và Ða Minh đã đặc biệt tôn kính Ðức Mẹ là “Madonna” (Ðức Trinh Nữ Maria). Ðức Trinh Nữ là máng chuyển ơn Thánh và là Mẹ nhân loại trong ý nghĩa sâu xa và cảm tình thắm thiết nhất.

Việc sùng kính Ðức Mẹ trong thời trung cổ cũng nhấn mạnh cách đặc biệt đến các thực hữu của tình thương nhân ái của Mẹ. Người ta chỉ cần so sánh Ðức Trinh Nữ thanh khiết và uy nghi trong các nghệ thuật Italo-Byzantine với nghệ thuật fresco của Giotto để thấy sự khác biệt. Một đàng là khung cảnh huy hoàng và một nhãn giới xa xa của Mẹ Thiên Chúa; đàng khác là hình ảnh thế trần của Ðức Mẹ, hình ảnh một người nữ thực sự vừa mới sinh con, hoặc một người Mẹ đau khổ đang đứng cạnh xác con vừa bị tử hình trên thập giá.

Phong trào “nhân hóa” Ðức Mẹ vào cuối thời Trung Cổ đã được diễn đạt đầy đủ hơn qua các tác phẩm nghệ thuật “Trinh Nữ với Con Trẻ” trong thời Phục Hưng. Trong các họa phẩm đó, nữ tính của Ðức Mẹ và một con trẻ đáng yêu, lý tưởng, đã nổi bật nhất. Sự diễn đạt thâm sâu nhất của tâm tình này đã biểu lộ qua các họa phẩm của Fra Angelio, thế kỷ thứ XV và Raphael, thế kỷ XVI.

Các đền thánh và linh địa nơi Ðức Mẹ làm phép lạ đã được xây cất rất nhiều ở Âu Châu, gia tăng theo lòng mến mộ hành hương của các tín hữu. Các đền thánh hành hương nổi tiếng nhất phải kể đến Einsiedeln ở Thụy Sĩ, thế kỷ thứ IX; Ðức Bà Walsingham ở Anh, thế kỷ XI; Mariazell ở Áo, thế kỷ XII; Ðức Bà Czestochowa ở Ba Lan, thể kỷ XIV; và thánh gia của Ðức Trinh Nữ ở Loreto, Ý, thế kỷ XIV.

Các thánh tích cũng đã đóng vai trò quan trọng để minh chứng “sự thật” và là nguồn mạch của các sức mạnh thiêng liêng. Chẳng hạn như tóc của Ðức Mẹ ở Piazza, thơ Ðức Mẹ gửi cho dân chúng thành Messina, áo trong của Ðức Mẹ ở Charles v.v... Các từng lớp trí thức đã phản ứng mạnh mẽ chống lại những việc đạo đức có tính cách dị đoan. Ðiều này đã đánh dấu kết thúc thời Trung Cổ.

THỜI CẢI CÁCH

Các nhà cải cách Công Giáo, như Erasmus, đã phàn nàn về những hình thức đạo đức bề ngoài và họ đã giảng về việc cải thiện đời sống từ nội tâm, cũng như bắt chước nhân đức của các Thánh. Ðối với những nhà cải cách Tin Lành, mặc dù Martin Luther (Lu-Te) vẫn viết về việc tôn kính Ðức Mẹ, nhưng thực ra họ không còn một chút sùng kính nào cả, vì họ cho rằng việc tôn kính Ðức Mẹ đã làm giảm mất việc tôn thờ Thiên Chúa trong Ðức Kitô.

Giáo hội Công Giáo đã phản ứng bằng cách ra luật định giảm đi những hình thức tôn sùng qúa đáng đối với Ðức Mẹ, nhưng không bao giờ hủy bỏ việc tôn kính trong đời sống Công Giáo. Công Ðồng Trent (1545-1564) vẫn xác định sự hợp lệ của các thánh tích cũng như các hình ảnh nghệ thuật về Ðức Mẹ và các Thánh. Đến những thế kỷ XVII và XVIII, đặc biệt trong những quốc gia Công Giáo, việc tôn sùng Ðức Mẹ lại bột phát mạnh mẽ. Các lễ kính Ðức Mẹ đã được thêm vào lịch phụng vụ: Lễ Thánh Danh của Ðức Mẹ được thêm vào năm 1683; lễ Ðức Bà Thương Xót, 1690; Lễ Ðức Mẹ Mân Côi, 1716; Lễ Ðức Mẹ Núi Carmel, 1726; Lễ Bảy Sự Thương Khó của Ðức Mẹ, 1727.

Cũng trong khoảng thời gian này, đã có thêm rất nhiều hiệp hội, dòng tu được thành lập, đặc biệt hướng về việc tôn sùng Ðức Mẹ. Nổi bật nhất là dòng Tiểu Ðệ, Tiểu Muội của thánh Louis Grignion de Montfort (1673-1716). Bản kinh nhật tụng của thánh Montfort đã gây ảnh đưởng đạo đức sâu rộng trong các tầng lớp tín hữu, nhất là đã trở thành kim chỉ nam cho phong trào Lê-gi-ô (Legion of Mary), được thành lập trong thời Ðệ Nhất Thế Chiến. Dòng Chúa Cứu Thế của thánh Alphonsus Liguori (1696-1787) cũng đặc biệt hướng về Ðức Mẹ. Lòng sùng kính Ðức Mẹ lại một lần nữa lan rộng qua lãnh vực nghệ thuật. Người ta có thể thấy điều này rất rõ qua các họa phẩm của danh tài Bartolome Estaban Murillo, qua nền âm nhạc trong thời đại của “baroque,” nhạc của Domenico Scarlatti, khúc “Magnificat” lừng danh của Johann Sebastian Back, cũng như sự hình thành “Stabat Mater” của các nhạc sư Vivaldi, Haydn và Pergolesi.

Một họa phẩm của Murillo

THỜI CẬN VÀ HIỆN ÐẠI

Nhiều người đã nghĩ rằng cuộc cách mạng Pháp (1789), các sự phát triển khoa học, cuộc cách mạng kỹ nghệ và những luồng gió mới thổi qua Âu Châu, sẽ làm thay đổi lòng sùng kính Ðức Mẹ trong lòng các giáo hữu ở thế kỷ thứ XIX. Nhưng sự thật đã không xảy ra như vậy, ngược lại, việc tôn sùng Ðức Mẹ đã gia tăng không kém thời Trung Cổ. Chỉ khác là xưa kia việc sùng kính Ðức Mẹ đã phát xuất từ các giáo dân, nhưng nay chính các vị lãnh đạo tinh thần đã khởi xướng phong trào này. Khởi điểm của thời đại mới là sự xác định tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, do ÐGH Piô IX, năm 1854. Ðể đánh dấu kỷ nguyên mới này, đúng một trăm năm sau, ÐGH Piô XII đã tuyên bố năm Thánh Mẫu 1954, và chính ngài đã công bố tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngày 15 tháng 8, 1950.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Ðức Mẹ đã hiện ra nhiều lần với nhân loại. Những mạc khải cho thánh Catherine Labouré ở Paris trong khoảng 1830-1836 đã làm gia tăng những việc đạo đức, các “mề đay phép lạ” (Miraculous Medals) dâng kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Những lần Ðức Mẹ hiện ra với thánh Bernadette Soubirous ở Lộ Ðức (Lourdes) năm 1858, đã biến miền đất hẻo lánh trong vùng rừng núi Pyrennées thành một trong những trung tâm hành hương lớn nhất trên thế giới. Biết bao người hàng năm đã đến kính viếng và tỏ lòng tôn sùng Ðức Mẹ tại đây. Một trung tâm hành hương tương tự cũng được xây dựng ở Fatima, thuộc nước Bồ Ðào Nha (Portugal), nơi Ðức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn cừu, năm 1917. Ngoài ra còn có những nơi hành hương khác như Knock ở Aí Nhĩ Lan (Ireland), Beauraing ở Bỉ, và ngay cả La Vang ở Việt Nam.

Một lần nữa các Ðức Giáo Hoàng lại công bố những ngày lễ đặc biệt để tôn kính Ðức Mẹ. Thánh Giáo Hoàng Piô X công bố lễ kính Ðức Mẹ Lộ Ðức, năm 1904. Ðến năm 1931, ÐGH Piô XI chọn ngày 11 tháng 10 là ngày kính Mẫu Tâm. ÐGH Piô XII định ngày 31 tháng 10 để kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm, ngày 31 tháng 5 để kính Nữ Vương đồng thời công bố năm Thánh Mẫu 1954. Trong Công Ðồng Vatican II, ÐGH Phaolô VI đã công bố Ðức Maria là Mẹ Giáo Hội. Ðến năm 1987, Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lại công bố năm Thánh Mẫu lần nữa.

Tại Công Ðồng Vatican II, vấn đề đã được đặt ra là chú trọng đến việc nghiên cứu Thánh Mẫu học trong phạm vi thần học mà thôi, chứ không để ý nhiều đến những tâm tình sùng kính Ðức Mẹ. Một số nghị phụ đã mong ước Công Ðồng công bố một tài liệu riêng về Ðức Mẹ, nhưng nhiều vị khác lại không đồng ý, viện lẽ rằng việc nghiên cứu Thánh Mẫu học đã trở nên qúa khác biệt. Cuối cùng, tuyên ngôn về Ðức Mẹ đã được đặt chung trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium). Ðiều này đã được giải thích rằng đây là một nỗ lực nhằm nối kết Thánh Mẫu học với trọng tâm của thần học. Hành động của Công Ðồng Vatican II không nhằm “giảm bớt ảnh hưởng của Ðức Mẹ” như một vài nghị phụ đã nghĩ! Thật ra đó là một nỗ lực để hiểu Ðức Mẹ, không phải như một thực thể khác biệt, nhưng liên kết với toàn thể mầu nhiệm của giáo hội.

Ngày nay, hai dân tộc được để ý nhiều về các tâm tình sùng kính Ðức Mẹ là dân Mễ Tây Cơ (Mexican) với đền thánh Ðức Bà Guadalupe và dân Ba Lan (Polish) với đền Ðức Bà Czestochowa. Hầu hết các Kitô hữu ở Á Châu cũng có lòng sùng kính Ðức Mẹ cách đặc biệt. Thực ra, Ðức Trinh Nữ Maria vẫn là một biểu tượng mạnh mẽ của nguyện vọng xã hội. Ðức Bà Guadalupe và Czestochowa đều biểu dương vài trò truyền thống của Ðức Mẹ: Hiền Mẫu và đồng thời là Ðấng Bảo Vệ. Ðiều mà người ta cần ghi nhớ là một người mẹ, nếu cần, có thể trở nên dữ tợn hay liều lĩnh để bảo vệ con cái của bà. Ðức Mẹ sẽ dùng mọi phương thế cầu bầu cùng Chúa để bảo vệ các con của Mẹ.

Trong khi các quốc gia Tây Phương tự mang danh là những quốc gia “Kitô giáo,” nhưng phần đông đã đánh mất đi những tâm tình nóng sốt ban đầu đối với Ðức Mẹ, thì các nước thuộc Ðệ Tam Thế Giới và các dân tộc đang sống trong sự nghèo khổ lại sùng kính Ðức Mẹ biết bao. Biểu tượng của một Theotokos (Mẹ Thiên Chúa) thực sự đã trở nên một trong những biểu tượng nổi bật nhất trong lịch sử tôn giáo của con người.

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng