Hà Lan (trước đây thường gọi là Hòa Lan, phiên âm tiếng Holland). Nay tên chính thức là Netherlands (cùng đồng nghĩa là đất thấp). Gọi là Đất Thấp vì có tới 24% diện tích đất dưới mặt biển. Do đó hệ thống đê đập rất là kiên cố và quan trọng trong việc bảo vệ quốc gia.

Thủ đô là Amsterdam với dân số gần 800 ngàn người, nhưng trụ sở hành chính quốc gia đặt ở Hague. Nữ hoàng Queen Beatrix là người đứng đầu quốc gia. Các thành phố lớn khác gồm có Groningen, Haarlem, Maastricht, Rotterdam, và Utrecht.

Ngày nay Netherland là một quốc gia tân tiến kĩ nghệ và là nơi sản xuất đố ăn lớn nhất thế giới. Hòa làn là hội viên sang lập NATO và EU thị trường chung Âu châu, và tham gia vào việc đề xuất đồng Euro năm 1999.

Trong chuyến đi lần này trong 2 tuần lễ làm tuyên uý cho chiếc tầu du lịch Ms Rotterdam có chừng 1600 hành khác và 800 nhân viên phục vụ trên tầu, mà công việc chính là cử hành thánh lễ mỗi ngày cho người Công giáo, ban các phép bí tích khi cần thiết và nếu có ai có nhu cầu huấn đức thiêng liêng thì linh mục tuyên úy cũng có trách nhiệm, không những chỉ cho người Công giáo mà còn cho cả các người thuộc các thành phần Kitô giáo khác như Tin Lành và Chính thống giáo. Trường hợp không có vị tuyên uý Tin Lành thì ngày Chúa Nhật linh mục tuyên uý Công giáo cũng cử hành nghi lễ đọc Thánh Kinh và giảng lời Chúa cho các người Thiên Chúa giáo khác – nghi lễ Liên tôn “inter-denominal”.

Ngoài thời gian đi trên tầu du lịch (thường du hành vào ban đêm) còn ban ngày tầu thường cập bến tại các hải cảng quan trọng. Chúng tôi khởi hành từ thành phố Roterdam thuộc Hà Lan và trên lịch trình du lịch sẽ đậu lại tại các cảng quan trọng một hay 2 ngày. Chúng tôi sẽ thăm viếng thủ đô Copahagen (Đan Mạch); Warnemunde (Đức quốc) đề thăm Berlin; thăm Tallinn (Estonia mới tách ra khỏi Nga sô); St. Petersburg (Nga sô); Helsinski (Phần Lan); Stockholm (Thụy Điển); và cuối cùng về lại thành phố Rotterdam.

Trước khi lên tầu du lịch, chúng tôi có dịp thăm viếng Hà Lan mấy ngày và được đức ông Trần văn Hòa là cựu tuyên uý cho người Công giáo Việt nam tại Hà Lan dẫn đi thăm viếng một số nơi và thăm một số các gia đình Công giáo. Chúng tôi đã được tiếp đãi rất nồng hậu và có dịp tìm hiểu về sinh hoạt của Cộng đoàn và vác gia đình Công giáo Việt Nam qua quá trình định cư và lập nghiệp của họ ở đây. Được chia sẻ những thách đố và những thành công của họ, nhất là những thao thức làm thế nào duy trì truyền thống văn hóa và đức tin của mình… Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm qúy hóa từ nghiệm hội nhập mà chính phủ Hà Lan đã áp dụng cho người di cư và di dân.

Nhìn một cách tổng quát chính sách định cư của Hà Lan là xé mỏng phân tán người tị nạn ngay từ buổi đầu, nhưng lại có một chương trình định cư rất là chi tiết và có hoạch định rõ ràng. Ai tới đây cũng sẽ được thu xếp cho ở tại một nơi tập trung như ở khách sạn trong vòng ít nhất là 6 tháng để học tiếng Hà Lan, rồi sau đó tuỳ nhu cầu hoàn cảnh cho sẽ phân phối về mổi quận hạt để định cư. Các quận hạt sẽ bảo trợ và cung cấp nhà ở và các phương tiện cần thiết khác. Hướng dẫn nghề nghiệp và tìm việc cho các gia đình… Nếu như công ăn việc làm không tự tức được thì cho tới nay chính quyền địa phương vẫn tiếp tục hỗ trợ và mọi phương diện ngay cả y tế. Xét như vậy thì về phương diện an sinh xã hội người tị nạn được bảo đảm 100%, trong quận hạt mà đã được bảo trợ từ nguyên thủy, không có ai bị thiếu thốn cả; nhưng tự ý muốn di dời đi nơi khác thì sẽ mất những quyền lợi như vậy. Do đó chỉ có những gia đình làm ăn khá giả mới có thể di chuyển nơi ăn chốn ở của mình được.

Một trong những điều khám phá thích thú nhất là một số chừng 300 gia đình ở đây là rất thành công khi ra nghề tự do đi làm “xe bán chả giò” mà giờ đây đã trở thành món ăn quen thuộc của người bản xứ. Xe bán chả giò ở khắp nơi (sau này có them và món xào nấu khác, nhưng việc chính vẫn là chả giò. Bán 1 Euro một chả giò, thu tiến cắc, nhưng thu liên tục cũng chặt bị! Tôi cũng hân hạnh được gặp gia đình mà anh em nói đùa gọi là ông “Vua Chả Giò” anh chị Xung. Anh đã có sang kiến làm ra một máy làm chả giò tự động, mỗi ngày sản xuất ra được tới 25.000 chả giò và anh đề mối lại cho các anh chị em khác khỏi phải gói chả giò vất vả mỗi ngày.

Trước khi lên tầu du lịch tôi có đến thăm thành phố Rotterdam với dân số chừng 750 ngàn người, nằm phía tây Hà Lan tại cửa sông Nieuwe Maas ở North Sea. Đây là một trong những hải cảng lớn và tân tiến nhất thế giới. Còn thương mại thì là cảng quan trọng và lớn chỉ đứng sau New York. Vào thập niên 1960 xây thêm một cảng đối diện tân tiến gọi là Europoort, mục đích là chế và chứa dầu. Có nhiều cây cầu bắc nhịp giữa phía đông tây sông Maas và cây cầu Erasmus Bridge xây năm 1996 đưọc coi là đẹp và duyên dáng nhất.

Hiện tình Công giáo tại Hà Lan:

Hà Lan có 16 triệu dân với khoảng 1,8 triệu người di cư phân nửa là người Hồi giáo. Chỉ nội tại Amsterdam có tới 20 đền thờ hồi giáo. 41% tổng số dân tuyên bố mình không tin vào tôn giáo nào. Tín hữu công giáo chiếm 31% và tín hữu tin lành chiếm 20%. Theo truyền thống tín hữu tin lành sống tại miền bắc và tín hữu công giáo sống tại miền nam. Hồi giáo 5,5%, tôn giáo khác 2,5%. Khoảng 40% người Hà Lan không cảm thấy thuộc vào tôn giáo nào.

Giáo hội Công giáo Hà Lan được coi là Giáo hội cấp tiến và tự do lỏng lẻo! Có lần Vatican đã phải cảnh cáo về trào lưu giáo lý mới tại đây và những sai lầm trong sách Giáo lý.

Tình trạng sống đạo giảm sút và sự kiện thiếu ơn gọi khiến cho Giáo Hội công giáo đã phải bán đi hàng trăm nhà thờ. Tín hữu không sống đạo nên cũng không đóng góp đủ để Giáo Hội có thể trang trải các chi phí cần thiết.

Các nhà thờ này thường được xây rất chắc chắn nên khi được bán đi người ta chỉ sửa sang lại bên trong và biến thành các chung cư, hay viện bảo tàng hoặc hàng quán. Điển hình như nhà thờ Neuwe Kerk tại Amsterdam, nơi xưa kia các vua Hà Lan được phong vương, nay là viện bảo tàng.

Tuy vậy Đức Cha Josef Punt, Giám Mục Haarlem Amsterdam không hẳn là quá bi quan. Mới đây trong một bài phỏng vấn, Ngài cho biết:

Tình hình hiện nay cũng có dấu hiệu thay đổi theo hướng tích cực, vì đại chủng viện có 45 chủng sinh theo học. Hiện nay trên toàn nước mỗi năm có 15 tân linh mục được thụ phong và mức độ này tương đối ổn định. Trong giáo phận này hàng năm cũng có mấy trăm người lớn xin nhập đạo và được rửa tội. Theo Đức Cha, đây cũng có thể là hiệu qủa sự trống rỗng tâm linh của người dân. Nhưng Giáo Hội ở trong tình trạng truyền giáo: phải bắt đầu lại từ đầu. Giáo phận cũng đang thành lập các trung tâm truyền giáo trong các tu viện nằm bên ngoài thành phố để đáp ứng nhu cầu của những người muốn tái khám phá ra đức tin Kitô”.

Đức Hồng Y Adrianus Simonis, nguyên Tổng Giám Mục Utrecht, năm nay 78 tuổi, là một cây cổ thụ của Giáo Hội công giáo Hà Lan và là người được tín hữu và dân chúng rất thương mến, mới đây trong bài phỏng vấn vào năm 2009, đã cho biết như sau:

“Con số lớn 58% trên tổng số 16 triệu dân Hà Lan không còn biết ý nghĩa chính xác của lễ Giáng Sinh là gì nữa vẫn còn đó. Và có người khi nhìn vào Hà Lan thì lo âu vì thấy có nhiều đền thờ hồi giáo. Tôi có thể hiểu được ưu tư của họ. Nhưng vấn đề đích thật trong đất nước này đã bắt đầu từ trước khi có phong trào di cư của các sắc dân khác vào Hà Lan: đó là chúng tôi đã đánh mất đi căn cước Kitô của mình. Nếu căn cước Kitô đã mạnh mẽ, chúng tôi sẽ không sợ hãi người hồi giáo. Vâng, tại Hà Lancó vấn đề của một khuynh hướng hồi giáo qúa khích, nhưng đa số các người di cư hồi không theo khuynh hướng qúa khích này.

Điều khiến cho tôi lo âu nơi các thế hệ trẻ không phải là phong trào qúa khích, mà là sự lan tràn của khuynh hướng tục hóa. Tôi sợ rằng các thế hệ trẻ sau cùng sẽ theo tôn giáo đang thực sự thống trị xã hội Tây Phương: đó là khuynh hướng duy tương đối”.


Đức hồng y nhận định thêm rằng: “Bây giờ Giáo Hội Hà Lan thực sự là Giáo Hội truyền giáo. Đã có hai thế hệ bị mất đi. Nghĩa là bây giờ phải bắt đầu lại từ đầu. Và bắt đầu trở lại từ đầu trong một nền văn hóa thờ ơ với Kitô giáo và giữa các phương tiện truyền thông xã hội không thân thiện với Kitô giáo… Nhưng hy vọng rằng lịch sử lại bắt đầu trở lại. Và để bắt đầu trở lại, thì chỉ cần gương mặt của một Kitô hữu dấn than”.

Giới thiệu vài nét chính về Hà Lan:

Quốc gia nhỏ bé này nằm ờ phía Tây Bắc Âu châu, bắc giáp Biển Bắc, giáp Bỉ và Đức quốc. Diện tích là 41 ngàn cây số vuông. Khoảng một nửa nước Hà Lan có độ cao ít hơn 1 mét trên mặt biển, một vài vùng còn thấp hơn cả mực nước biển. Hà Lan có ranh giới về phía tây và phía bắc là biển Bắc, về phía đông là Đức và về phía nam là Bỉ. Với khoảng 480 người dân trên một cây số vuông, Hà Lan là một trong những nước có mật độ dân cư lớn nhất thế giới.

Tiếng Hà Lan là tiếng chính thức trên toàn quốc gia; bên cạnh đó là nhiều tiếng Đức địa phương. Tiếng Friesen là ngôn ngữ chính thức trong tỉnh Friesland. Tiếng Anh cũng được sử dụng rộng rãi tại Hà Lan, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu. Ước tính có khoảng 80% người dân Hà Lan sử dụng tốt tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày. Các trường đại học và đại học chuyên nghiệp cũng có các khóa học quốc tế được giảng dạy bằng tiếng Anh.

Người di dân đến từ khắp thế giới như người Marroc, người Thổ và người Surinam là những dân thuộc địa cũ của Hà Lan. nhưng cũng có số người khác từ Indonesia, vùng biển Caribbean, Nam Mỹ, châu Phi, Ba Lan, và mới đây người Việt Nam.

Về lịch sử:

Hà Lan thì trong quá khứ đã bao thế kỷ dưới quyền cai trị của người Roma, người Franks, Burgunds, Habsburgs và người Tây van nha. Mãi đến năm 1648 mới trở thành quốc gia độc lập. Rồi vào thế kỉ 17 Hà Lan bước vào “thời vàng son” của mình. Cộng hòa Hà Lan trở nên phồn thịnh và là một lực lượng thuộc địa khá mạnh lúc bấy giờ và phần lớn nhờ vào công ty Dutch East India Company (VOC).

Trong thời gian này nhiều thuộc địa và địa điểm buôn bán được thiết lập trên toàn thế giới. Nieuw Amsterdam (Amsterdam mới) được thành lập, thành phố mà sau này được đổi tên thành New York. Tại châu Á người Hà Lan thiết lập thuộc địa Nederlands-Indië, nước Indonesia ngày nay, độc lập vào tháng 12 năm 1949. Trong vùng đông bắc Nam Mỹ (Suriname) và vùng biển Caribbean cũng thành hình thuộc địa Hà Lan (Aruba, Curaçao, Bonaire, Saba, Sint Eustatius và Saint Martin ); các đảo này là phần đất tự trị của vương quốc Hà Lan. Vì thế mà vương quốc Hà Lan bao gồm chính thức là 3 phần: Hà Lan, Aruba và quần đảo Antille thuộc Hà Lan.

Nước Hà Lan chính thức trung lập trong Đệ nhất thế chiến và đã có thể thành công trong việc không tham gia vào cuộc chiến.

Trong Đệ nhị thế chiến, Hitler đã ra lệnh xâm chiếm Hà Lan. Vào đêm 14 tháng 5 năm 1940 Đức bỏ bom Rotterdam. Trung tâm thành phố bị phá hủy hầu hết vì bom, và Đức quốc xã xâm lăng Hà Lan cho tới năm 1945.

Về chính trị

Từ sau khi cuộc chiếm đóng của Pháp chấm dứt vào năm 1815, nước Hà Lan có một nền quân chủ nghị viện, đứng đầu là hoàng gia Hà Lan Oranien-Nassau. Hà Lan được coi là một trong những nước tự do nhất thế giới (về báo chí, mại dâm, sử dụng ma túy..) xuất phát từ đề cao chủ nghĩa cá nhân, nhân quyền.

Nữ hoàng vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là thành phần của chính phủ bên cạnh Thủ tướng và các Bộ trưởng. Nguyên thủ quốc gia từ 1980 là Hoàng hậu Beatrix. Nữ hoàng có trách nhiệm đọc các bài phát biểu hàng năm, khai mạc quốc hội và thông qua kế hoạch năm của chính phủ vào ngày Thứ Ba tuần thứ ba của Tháng Chín. Nữ Hoàng có vai trò quan trọng trong việc lập chính phủ mới sau khi bầu nghị viện.

Trong thời gian vừa qua mô hình chính trị đa văn hóa rộng lượng của Hà Lan đã trải qua nhiều thử thách. Các vấn đề của đường lối chính trị này biểu hiện đặc biệt ở vụ giết người của phái dân túy (populist) Pim Fortuin. Thêm vào đó, chính sách chính trị tự do tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhiều người di dân vào Hà Lan, ngay cả những người theo đạo Hồi quá khích.

Vào ngày 2 tháng 11 năm 2004 nhà đạo diễn phim phê bình đạo Hồi Theo van Gogh bị giết chết tại Amsterdam. Tiếp theo sau đó là nhiều vụ đốt cháy nhà thờ đạo Hồi và tấn công nhà thờ Thiên Chúa giáo của người theo đạo Hồi. Các vụ việc đã khởi đầu cho nhiều thảo luận mãnh liệt về hội nhập người nước ngoài và về việc chung sống của những văn hóa và tôn giáo khác nhau. Từ đấy phần lớn người dân yêu cầu một chính sách không khoan nhượng đối với những người di dân có hành động bạo lực và thay đổi các luật lệ di dân được cảm nhận là quá tự do.

Bắt đầu từ ngày 15 tháng 3 năm 2006 những người muốn di dân vào Hà Lan phải trải qua một thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm bao gồm nhiều câu hỏi về kiến thức ngôn ngữ, văn hóa và vài đề tài khác. Thêm vào đó hiện nay đang thảo luận về một đạo luật cấm sử dụng những thứ tiếng khác ngoài tiếng Hà Lan nơi công cộng.

Chính sách xã hội của Hà Lan được coi là quá cấp tiến và tự do: Trong những thập niên vừa qua, nước Hà Lan được biết đến đặc biệt là vì những quy định pháp luật tự do về những chất ngây nghiện "mềm", về mại dâm (là một nghề được luật pháp công nhận và người mại dâm vì thế có bảo hiểm xã hội), về việc phá thai cũng như về việc giúp người chết không đau đớn (euthanasia). Hà Lan cũng là quốc gia đầu tiên tạo khả năng cho hôn nhân của những người đồng tính luyến ái.

Về nhân quyền, Bộ Ngoại giao Hà Lan đã quyết định thành lập Vụ Nhân quyền và gìn giữ hoà bình, chỉ định Đại sứ nhân quyền (Ambasador for Human Rights).

Hà Lan đặc biệt ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực xây dựng luật pháp quốc tế (Toà án hình sự), an ninh, xây dựng châu Âu, nhân quyền, xoá đói giảm nghèo, chú trọng lĩnh vực năng lượng, môi trường, biến đổi khí hậu.

Hợp tác phát triển là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hà Lan. Chính sách viện trợ phát triển của Hà Lan do Chính phủ thông qua và giao cho Bộ Hợp tác phát triển thuộc Bộ Ngoại giao quản lý và điều phối việc cấp các khoản viện trợ. Hà Lan là một trong những nước có tỉ lệ viện trợ ODA cao nhất trên thế giới (0,8% GDP hàng năm), tương đương hơn 4 tỉ USD/năm, chủ yếu cho những nước chậm phát triển nhất ở châu Phi, Nam Á, Mỹ Latinh… và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xoá đói, giảm nghèo, quản lý nước, thuỷ lợi, giáo dục… Mức độ viện trợ của Hà Lan cho các nước tuỳ thuộc trình độ phát triển của các nước này và quan hệ chính trị nói chung.

Về Kinh tế

Về chính sách kinh tế của Hà Lan được coi là có chất lượng tốt; Trình độ quản lý đạt yêu cầu, nhất là trình độ quản lý các quỹ công.

Tài nguyên thiên nhiên gồm có: dầu khí, xăng, phân, đá, muối, cát. Sản xuất nông nghiệp gồm có lúa mì, khoai tây, đường, hoa quả, rau, các gia cầm chăn nuôi, nhất là bò và sữa. Kỹ nghệ công nghiệp là trồng trọt, đồ thép, sản phẩm chế biến, máy móc và sản phẩm điện, hóa chất, xăng dầu, xây cất, điện tử vi tính và sản phẩm cá.

Từ những năm 1980 chính phủ đã rút lại các can thiệp về kinh tế của nhà nước. Công nghiệp hóa và công nghiệp thực phẩm, lọc dầu và sản xuất thiết bị điện thống lĩnh trong lãnh vực sản xuất. Trước các nước láng giềng một thời gian dài, đất nước này đã có một ngân sách quốc gia cân đối và đấu tranh chống trì trệ trong thị trường lao động có hiệu quả.

Được công nghệ hóa cao và hiện đại, nền nông nghiệp đặc biệt có năng suất rất cao: bên cạnh việc trồng ngũ cốc, rau cải, cây ăn trái và hoa – việc trồng hoa uất kim cương (hoa tu líp) đã có ảnh hưởng đến cả lịch sử của đất nước – là nuôi bò sữa trên quy mô lớn, là cơ sở cho phó mát, một sản phẩm xuất khẩu quan trọng. Nền nông nghiệp Hà Lan tạo việc làm cho gần 4% người lao động nhưng lại góp phần quan trọng trong xuất khẩu. Sau Mỹ và Pháp, Hà Lan là nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn thứ ba trên thế giới.

Từ thế kỷ 16, Hà Lan đã theo kinh tế thị trường, tự do hóa nền kinh tế - thương mại, có đội thương thuyền mạnh nhất thế giới, xâm chiếm Mỹ (còn nhiều địa danh do người Hà Lan đặt tên như phố Wall, khu Harlem, New York vốn tên là New Amsterdam...), châu Phi, Indonesia... Thế kỷ 17, Hà Lan là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, thị trường chứng khoán đầu tiên trên thế giới. Công ty Đông Ấn Hà Lan được coi là tập đoàn xuyên quốc gia đầu tiên trên thế giới. Do vậy, thế kỷ 17 được coi là “thế kỷ Hà Lan”, sau đó bị Anh, Đức, Mỹ vượt lên.

Điểm nổi bật của nền kinh tế Hà Lan là có nền công nghiệp phát triển và ổn định, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát ở mức thấp và là cửa ngõ thông thương quan trọng ở châu Âu. Các ngành công nghiệp mũi nhọn của Hà Lan là chế biến thực phẩm, hoá chất, khai thác dầu khí và sản xuất máy móc thiết bị điện tử.

Là nước hẹp, người đông, không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, Hà Lan chỉ có khí đốt (trữ lượng khoảng 2.680 tỷ m3), một khối lượng không lớn dầu lửa ở biển Bắc dùng để phát triển các ngành dịch vụ hàng hải, cảng, vận tải sông, công nghiệp chế biến, hoá dầu… Hà Lan cũng đã tận dụng đất đai mầu mỡ để phát triển nông nghiệp và ngành công nghiệp thực phẩm.

Những lĩnh vực có thế mạnh: xây dựng, hoá chất, khai thác dầu khí, công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị điện tử, vi điện tử, chế biến nông sản, thực phẩm, đánh cá.

Hà Lan chú trọng phát triển bền vững (GDP tăng 1 – 2 %/năm), cân bằng sinh thái, môi trường, chất lượng cuộc sống, xây dựng các thiết chế học tập suốt đời, tuổi thọ trung bình 80 tuổi, chỉ số phát triển con người HDI 95,8 % (cao thứ 6 thế giới)...

Nhiều họa sĩ nổi tiếng thế giới là người Hà Lan. Một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất là Hieronymus Bosch. Thời kỳ nở rộ của nền cộng hòa trong thế kỷ 17, cái được gọi là "Kỷ nguyên Vàng", đã mang lại nhiều nghệ sĩ lớn như wie Rembrandt van Rijn, Johannes Vermeer, Frans Hals, Carel Fabritius, Gerard Dou, Paulus Potter, Jacob Izaaksoon van Ruisdael hay Jan Steen. Họa sĩ nổi tiếng của những thời kỳ sau đó là Vincent van Gogh và Piet Mondriaan. M. C. Escher là một nhà nghệ sĩ tạo hình được nhiều người biết đến.

Trong Kỷ nguyên Vàng (De Gouden Eeuw) của Hà Lan, văn học cũng nở rộ bên cạnh hội họa mà trong số những người được biết đền nhiều nhất phải kể đến Joost van den Vondel và P. C. Hooft. Trong thời gian chiếm đóng của Đức (1940-1945) Anne Frank đã viết quyển nhật ký nổi tiếng trên thế giới của bà tại Amsterdam. Các tác giả quan trọng của thế kỷ 20 là Harry Mulisch, Jan Wolkers và Simon Vestdijk.

Các thắng cảnh của Hà Lan gồm có:

Triển lãm hoa và vườn hoa Floriade

Keukenhof

Vườn quốc gia De Hoge Veluwe và Veluwezoon tại Veluwe

Khu vực bảo vệ tự nhiên Texel

Reuwijkse Plassen tại Gouda

Schiermonnikoog