HUẾ - Khóa Ca Trưởng Cấp 1, đợt I, lần 2 từ ngày 11-17/2011 tại Tổng giáo Phận Huế năm nay có một sinh hoạt thay đổi hẳn bầu khí bình thường, đó là buổi chia sẻ với một số tác giả văn thơ Công giáo nhân lễ Trao giải cuộc thi viết Nhánh Huệ Nước Trời. Cuộc thi này tổ chức trao giải tại ba địa điểm khác nhau theo ba Giáo tỉnh. Và ngày 15/07/2011 đã diễn ra buổi trao giải dành cho các tác giả thuộc Giáo tỉnh Huế.

Xem hình ảnh

Mở đầu chương trình, Cha Đaminh Minh Anh, Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo phận Huế, cũng là thành viên trong Ban Giám Khảo cuộc thi tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần tham dự gồm có: Đức Tổng Giám Mục Stêphanô, mặc dù Ngài vừa mới đi công tác mục vụ về, sức khỏe không được tốt nhưng với tất cả tình yêu mến và tinh thần cổ võ cho cuộc thi, Ngài đã đến hiện diện trong buổi lễ trao giải. Kế đến là Đức Cha phụ Tá Phanxicô Xavie, Cha Đaminh Minh Anh, Ban Giám Khảo, Nhạc sư Giuse Phạm Đức Huyến cùng Ban Giảng Huấn Khóa Ca Trưởng TGP Huế. Về phía ban Tổ chức cuộc thi gồm: Cha Trăng Thập Tự, nhà thơ Pm Cao Huy Hoàng, anh Pio X Lê Hồng bảo, chủ nhiệm Vườn Ôliu, Anh Nguyễn Thanh Xuân. Tác giả bài xướng: Anh Dzuy Sơn Tuyền. Bên cạnh đó, còn có đại diện CLB Đồng Xanh Thơ Quy Nhơn: anh Nguyễn Văn Tường. Đại diện CLB Chút Tâm Tình Đà Nẳng: Anh Nguyễn văn Sướng. Đại diện CLB Đồng Xanh Thơ Nha Trang: anh Lê Hồng Bảo. Đại diện các cây bút Công giáo Giáo phận Ban Mê Thuột: anh Trần Ngọc Hạnh. Đại diện các cây bút Công giáo Giáo phận Kon Tum: anh Lê Minh Sơn, cùng 14 thí sinh đạt giải thuộc TGP Huế và các thí sinh dự thi thuộc TGP Huế, 370 học viên khóa Ca Trưởng, 70 thiếu nhi đạt giải Văn Thơ Linh Mục Đặng Đức Tuấn, của Giáo phận Quy Nhơn.

Năm ngoái, Sen Giữa Lầy là cuộc thi tôn vinh Mẹ Maria và cổ võ đức khiết tịnh. Năm nay, cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời tiếp tục cổ võ đức khiết tịnh đồng thời tôn vinh Thánh Cả Giuse, được hai trang mạng liên kết tổ chức là Mạng Lưới Dũng Lạc và Hướng Về Đại Hội Dân Chúa.

Cuộc thi “Nhánh Huệ Nước Trời” được khởi đầu từ giữa tháng 09/2010 và kết thúc nhận bài vào ngày 19/03/2011. Cuộc thi đã quy tụ được 155 tác giả tham dự, với 248 bài họa thơ Đường, 174 bài thuộc các thể thơ khác, 10 kịch bản và 91 tác phẩm truyện rất ngắn hoặc đoản văn.

Cuộc thi đã đem lại những tín hiệu đặc biệt đáng mừng :

- Số lượng tác phẩm văn xuôi (101) tăng hơn 5 lần so với lần trước (19).
- Số chủng sinh (17) và nam nữ tu sĩ (10) tham gia khá đông.
- Số sinh viên tham gia đạt 12%, với 06 sinh viên khoa sáng tác và 13 sinh viên các khoa khác.
- Đặc biệt có một tác giả “nhí” đạt giải triển vọng thơ Đường mới 16 tuổi, học lớp 9, cho thấy thơ Đường vẫn còn thu hút cả với người trẻ.

Một nét đặc biệt trong sinh hoạt văn thơ Công giáo trong năm qua là sự gia tăng các Câu Lạc Bộ. Vào thời điểm trao giải Sen Giữa Lầy, trong 26 Giáo phận chỉ mới có 3 Câu Lạc Bộ sáng tác thơ văn Công giáo tại ba Giáo tỉnh. Tại giáo tỉnh Hà Nội có CLB Thơ Tâm Nguyện Hải Phòng. Tại Giáo tỉnh Huế có CLB Đồng Xanh Thơ Quy Nhơn. Tại giáo tỉnh Sài Gòn có CLB Đồng Xanh Thơ Sài gòn. Chỉ sau một năm đã có thêm 3 CLB mới, trong đó tại Giáo tỉnh Huế đã có thêm CLB Chút Tâm Tình Đà Nẵng và CLB Đồng Xanh Thơ Nha Trang.

Tiếp tục chương trình, Cha Trăng Thập Tự, thay mặt Ban Tổ chức có lời phát biểu chào mừng “Buổi trao giải cho các tác giả thuộc Giáo tỉnh Huế hôm nay, là một xác nhận cụ thể về sự nâng đỡ của Qúy Đức Cha và cũng là một cơ hội quý báu, để chúng con đệ đạt lên Đức Tổng Giám Mục và Qúy Đức trong Giáo tỉnh, một nguyện vọng nhỏ: Ước mong Đức Tổng và Qúy Đức Cha, cho tổ chức một giải văn thơ cho các bạn trẻ trong Giáo tỉnh, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Hàn Mạc Tử, ngày 22/09/2012 tới đây. Chúng con đệ đạt nguyện vọng này, không riêng cho Giáo tỉnh Huế mà cho cả ba Giáo tỉnh”.

Tiếp lời Cha Trăng Thập Tự, anh Nguyễn Thanh Xuân giới thiệu hướng sinh hoạt của Câu lạc bộ thơ văn Công giáo (xin xem bài phát biểu đính kèm tiếp sau).

Và có lẽ phần mọi người hồi hộp, chờ đợi nhất chính là lúc công bố và giới thiệu các tác giả đạt giải thuộc Giáo tỉnh Huế. Nhà thơ Pm Cao Huy Hoàng và anh Pio X Lê Hồng Bảo, chủ nhiệm hai chuyên san Đồng Xanh thơ và Vườn Ôliu của Mạng Lưới Dũng Lạc lần lượt giới thiệu tên các tác giả đạt giải gồm có:

I. Xướng họa thơ Đường Luật :

Giải nhì: tác giả Vân Du- Gp Huế với tác phẩm Thánh Cả. Giải triển vọng: tác giả Giuse Nguyễn Văn Sướng- Gp Đà Nẵng với tác phẩm Bông Huệ Thánh, tác giả Sao Đêm -Gp Huế với tác phẩm Bạch Huệ, Nguyễn Vũ Hồng Kha, tác giả trẻ tuổi nhất- Gp Quy Nhơn với tác phẩm Hương Cha.

II. CÁC THỂ THƠ KHÁC:

Giải nhất: tác giả Cao Nguyên- Gp Kontum với tác phẩm Giuse, Cành Huệ Trắng. Các giải triển vọng: Giuse Nguyễn Văn Sướng- Gp Đà Nẵng với tác phẩm Tiếng Lòng Ông Thợ Mộc, Vân Du- Gp Huế với tác phẩm Thánh Cả Giuse, Nguyên Thiện- Gp Đà Nẵng với tác phẩm Huệ Trắng Lừng Hương, Nam Giao- Úc Châu với tác phẩm Người Công Chính, Phạm Đình Duy- Gp Nha Trang với tác phẩm Người Cha Không Lên Tiếng.

III. KỊCH BẢN:

Giải nhì: tác giả Giuse Nguyễn Văn Sướng- Gp Đà Nẵng với tác phẩm Đoan Hứa Khiết Tịnh. Giải triển vọng: Tippy- Gp Huế với tác phẩm Một Gia Đình.

IV. TRUYỆN RẤT NGẮN VÀ ĐOẢN VĂN:

Giải ba: tác giả Lê Thành Đích- Gp Nha Trang với tác phẩm Nhập Vai Thánh Giuse. Các giải triển vọng: Dương Duy Tân- Gp Nha Trang với tác phẩm Nhìn Lên Ngài- Sự Trở Lại, Phạm Thành- Gp Đà Nẵng với tác phẩm Người Đàn Ông Tuyệt Vời, Nguyễn Khắc Thư- Gp Nha Trang với tác phẩm Giấc Mộng Lành, Nguyễn Hoàng Hải- Gp Nha Trang với tác phẩm Anh Rể, Lm Nguyễn Thành Tiên- Gp Nha Trang với tác phẩm Đối Thoại Với Thánh Giuse, Đinh Thị Thu Hằng- Gp Nha Trang với tác phẩm Cha và Con.

Các tác giả đạt giải cũng như Ban Tổ chức cuộc thi hết sức xúc động trước sự hiện diện của Đức Tổng, Đức Cha Phụ Tá, quý Cha và các vị quan khách danh dự khác...

Tiếp đến, anh Nguyễn Văn Sướng, đại diện các tác giả đạt giải phát biểu cảm tưởng. Sau đó, Đức Cha Phụ Tá, thay lời Đức Tổng ban huấn từ với “Ước mong trong tương lai có nhiều tổ chức cuộc thi viết để lớp trẻ tiếp tục kế thừa và phát huy làng thơ văn Công giáo ngày một tốt đẹp hơn...”

Một số tác phẩm văn học có nội dung và hình thức khá xứng đáng với ý nguyện Tôn Vinh Thánh Cả Giuse và Cổ võ Đức Khiết Tịnh, đã được Ban Tổ chức tuyển chọn in thành tập sách “Thánh Cả Giuse, Nhánh Huệ Nước Trời” và được trao tặng đến mọi người trong buổi lễ trao giải. Tuy không đến được với buổi lễ trao giải nhưng nhạc sĩ Phạm Trung ( đã từng Phụ Giáo trong khóa Ca Trưởng Cấp 1, lần 1, từ 10-16/01/2011) và nhà thơ khiếm thị Vũ Thủy, thuộc mái ấm Thiên Ân đã trao gửi đến mọi người đĩa nhạc CD “Cô gái mù và ly cà phê trắng”, với ước mong xin quý vị rộng tay giúp các em mù trong “Mái Ấm Thiên Ân”.

Kết thúc buổi lễ trao giải, Cha Trăng Thập Tự đại diện cho Ban tổ chức nói lời cám ơn (Xin xem bài đính kèm).

Mọi người ra về với một tâm hồn đoan hứa cùng Thánh Cả Giuse Cổ võ Đức Khiết trong cuộc sống hôm nay.

LỜI CÁM ƠN CỦA ĐẠI DIỆN BAN TỔ CHỨC CUỘC THI NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI, CHA TRĂNG THẬP TỰ.

Trọng kính Qúy Đức Cha, Qúy Cha và tất cả Anh Chị Em,

Kết thúc lễ trao giải là lúc để chúng con chân thành thốt lên tâm tình biết ơn Thiên Chúa và Hội Thánh. Chúng con biết ơn Đức Tổng dù sức khỏe không cho phép vẫn hiện diện với chúng con, chúng con biết ơn Đức Cha Phụ tá đã yêu thương nâng đỡ chúng con, biết ơn Cha Giám đốc TTMV và Cha Trưởng Ban Thánh Nhạc Tổng giáo phận Huế, cùng các cộng sự viên của hai Cha, đã nhiệt tình và vất vả hy sinh, để tổ chức cuộc lễ cho chúng con. Chúng con xin chân thành cám ơn quý Cha và quý khách đã bỏ thời giờ đến hiệp thông với chúng con. Xin cám ơn quý đại diện các giáo phận, các tác giả cũng như các tác giả khác, đã vượt đường xa đến tham dự buổi gặp gỡ và lễ trao giải.

Với tư cách trưởng đoàn Giáo phận Quy Nhơn, con còn phải có một lời cám ơn riêng trước tình thương mà Đức Tổng, Đức Cha Phụ tá, Cha Giám đốc TTMV và Cha Trưởng Ban Thánh Nhạc dành cho các mầm non văn thơ của Giáo phận chúng con.

Để tỏ lòng biết ơn, tất cả anh chị em bạn thơ và bạn văn chúng con, lớn cũng như nhỏ, nguyện hứa sống tinh thâng Hội Thánh mà hai cuộc thi Sen Giữa Lầy và Nhánh Huệ Nước Trời gợi hứng cho chúng con.

Hai cuộc thi đều bắt đầu từ việc xướng họa thơ Đường, việc xướng họa dạy ta một cách sống rất đẹp trong Hội Thánh và cho Hội Thánh. Với Đức Kittô là Đầu, chúng ta sống tâm tình phu xướng phụ tùy. Còn giữa mọi anh chị em trong Hội Thánh, chúng ta sống cái tương kính của việc xướng họa. Không “thách họa” để chơi nhau chí tử như nhiều trường hợp ở đời nhưng “mời họa” với tấm lòng ưu ái và trân trọng, vừa tôn trọng cái khác biệt vừa phát huy nét độc sáng, tạo nên cảnh vừa hài hòa vừa phong phú. Luật khắc lục không cho phép ta lười lĩnh dẫm chân lên nhau nhưng phải không ngừng sáng tạo.

Đi xa hơn kinh nghiệm xướng họa, diễn tiến cuộc thi cũng gợi hứng về tinh thần Hội Thánh. Chúng con không thực hiện sáng kiến mình cách riêng lẻ nhưng đã đặt nó dưới sự chuẩn thuận của vị Giám mục có trách nhiệm và xin sự hỗ trợ của nhiều Giám mục khác. Diễn tiến ấy dạy chúng con bài học tìm kiếm sự hài hòa giữa đoàn sủng và cơ cấu, phát huy sáng kiến của mình nhưng luôn bước đi trong sự hiệp thông và vâng phục các Chủ chăn và trong niềm đồng cảm mạnh mẽ với Hội Thánh.

Với tinh thần ấy, một lần nữa, chúng con chân thành cảm tạ và xin kính mời tất cả chúng cùng kết thúc buổi lễ trao giải này với lời kinh Hoà Bình của thánh Phanxicô.

100 NĂM NGÀY SINH HÀN MẠC TỬ
100 NHÀ THƠ CÔNG GIÁO MỚI
BÀI PHÁT BIỂU CỦA BAN TỔ CHỨC CUỘC THI NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI TRONG BUỔI TRAO GIẢI
DÀNH CHO CÁC TÁC GIẢ THUỘC GIÁO TỈNH HUẾ TẠI TRUNG TÂM MỤC VỤ TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

Kính thưa Qúy Đức Cha, Qúy Cha và tất cả anh chị em,

Kết thúc cuộc thi viết Nhánh Huệ Nước Trời, Ban Tổ Chức nhận ra rằng cuộc thi có duyên nợ với Hàn Mạc Tử, nhà thơ tài hoa của văn học Việt Năn nói chung và của giới Công giáo nói riếng. Cuộc thi khởi đầu năm 2010, trùng với kỷ niệm 70 năm Hàn Mạc Tử qua đời, 11/11/2010, và kết thúc năm 2011 khi chúng ta chuẩn bị mừng 100 năm sinh nhật của anh, 22/09/2012.

Chúng con muốn đề cập tới Hàn Mạc Tử trong buổi trao giải dành cho các tác giả thuộc giáo miền Trung này vì anh vốn gắn liền với miền Trung. Anh sinh tại Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình ngày 22/09/1912. Năm 12 tuổi, học tiểu học tại Quãng Ngãi, 14 tuổi học tại Quy Nhơn, 16 tuổi học tại Huế- rồi 18 tuổi làm công chức tại Quy Nhơn và sau một thời gian làm báo ở Sài Gòn, khi biết mình mắc bạo bệnh, anh quay về Quy Nhơn tìm phương chữa trị. Cuối cùng, anh từ giã cõi đời tại bệng viện phong Quy Hòa, Quy Nhơn, ngày 11/11/1940.

Trong năm 2000, giới Công giáo Việt Nam đã có một số sinh hoạt kỷ niệm 70 năm anh qua đời. Hai cụ Phạm Đình Khiêm và Võ Long Tê cho xuất bản quyển Như Hương Trầm Bay Lên, công bố một tài liệu nhiều chục năm qua vẫn ở trong vòng thầm lặng. Tài liệu cho thấy nhà thơ trẻ tuổi này là một Kitô hữu rất thánh thiện. Cùng lúc với tập tài liệu ấy về sự thánh thiện của Hàn Mạc Tử, linh mục Trăng Thập Tự viết một tập mỏng, Hàn Mạc Tử- người Kitô hữu trẻ trên đường vào nội tâm, dựa vào giáo thuyết dòng Cát Minh để trình bày bước nhảy vọt trên hành trình tâm linh của Hàn Mạc Tử, trả lời cho câu hỏi bí ẩn:tại sao trước khi biết mình mắc bệnh phong, Hàn Mạc Tử làm thơ hay và sau khi biết, anh lại làm thơ cực hay? Tại sao trước đó hầu như anh chỉ làm thơ đời mà sau đó anh lại làm thơ đạo là chính?

Bài viết đã được tác giả chia sẻ trong ngày sinh hoạt tưởng niệm 70 năm Hàn Mạc Tử, tại khu điều trị phong Quy Hòa. Đây là một ngày sinh hoạt đặc biệt, từ sáng tới chiều ngày 06/11/2010, quy tụ gần 130 người, chủ yếu là sinh viên Công giáo, buổi sáng nghe thuyết trình, thảo luận, dâng lễ; buổi chiều dành cho thơ nhạc Hàn Mạc Tử và viếng mộ nhà thơ tại Ghềnh Ráng.

Việc tưởng niệm Hàn Mạc Tử còn được thực hiện tại Xã Đoài chính ngày 11/11/2010 với những bài nói chuyện của Linh mục Trăng Thập Tự dành cho cộng đồng linh mục, cho các chủng sinh và cho các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá. Sau đó một tuần, có thánh lễ cầu nguyện và đêm thơ Hàn Mạc Tử tại hội trường An Phong DCCT Sài Gòn.

Nối dài những tưởng niệm ấy, Ban Tổ chức cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời muốn nhân cơ hội này công bốmột cố gắng đang được thực hiện hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử. Đó là bộ sưu tập mang tên “100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử - 100 nhà thơ Công giáo mới”. Như lời Chúa Kitô, từ một hạt giống mục nát đã nẩy nở hàng trăm. Công việc sẽ do chuyên san Đồng Xanh Thơ của Mạng Lưới Dũng Lạc và CLB Đồng Xanh Thơ Quy Nhơn hợp tác thực hiện.

Trong dịp trao giải Nhánh Huệ Nước Trời tại Sài Gòn, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa HĐGMVN, đã ngỏ ý mong Ban Tổ chức cuộc thi chúng con tiến hành tổ chức một cuộc thi viết kỷ niệm 100 năm Hàn Mạc Tử. Thế nhưng vì phải dành nội lực cho việc thực hiện bộ sưu tập, thay vì tự mình tổ chức, chúng con sẽ đạo đạt nguyện vọng lên Hàng Giáo Phẩm xin tổ chức giải thưởng ấy ở quy mô các Giáo tỉnh, mỗi Giáo tỉnh có một Ban Tổ chức riêng. Như thế sẽ dễ bề thúc đẩy hoạt động của các CLB văn thơ các giáo phận.

Bộ sưu tập sẽ gồm 4 quyển. Quyển đầu dành 2/3 số trang cho Hàn Mạc Tử và 1/3 còn lại cho mười tác giả khác. Ba quyển sau, mỗi quyển giới thiệu 30 tác giả. Mỗi tác giả sẽ có từ 5 đến 15 bài thơ, ảnh chân dung, tiểu sử và bài cảm nghiệm đức tin. Ban sưu tập không làm công việc bình thơ. Thay vào đó, mỗi tác giả sẽ tự chia sẻ về cảm nghiệm đức tin của mình, để giúp độc giả dễ cảm nhận thông điệp Kitô giáo của tác giả.

Cho đến nay, chúng con đã chọn được tác phẩm và thu thập các thông tin cá nhân nói trên của 30 tác giả. 50 tác giả khác đã được chọn bài xong và đang thu thập thông tin cần thiết.

Chắc hẳn chìm ẩn trong lòng các giáo xứ và các Dòng tu còn có nhiều nhà thơ đáng chú ý. Chúng con ước mong được quý Ban mục vụ Văn hóa các giáo phận cũng như các Dòng tu tiếp tay giúp cho công cuộc sưu tập sớm hoàn thành. Với sự giúp đỡ của nhiều người, chúng con hy vọng sẽ có được tác phẩm của trên 130 tác giả. Chúng con sẽ chọn 100 tác giả đầu tiên có đủ thông tin cá nhân để giới thiệu trong dịp này. Chúng con cũng ước mong có thể dành ưu tiên cho 10 tác giả dưới 28 tuổi, tuổi của Hàn Mạc Tử. Ước mong quý vị hữu trách nhiệt tình cổ võ giúp chúng con để bộ sưu tập sớm được hoàn thành và phong phú giá trị.

Tm Ban Tổ Chức
Tađêô Nguyễn Thanh Xuân
Chủ nhiệm CLB Đồng Xanh Thơ Quy Nhơn