Có cậu bé, cứ mỗi buổi chiều chạy ra đầu làng đá banh cùng chúng bạn, vẫn đều đặn ghé chân qua trước cửa ngôi giáo đường, cất tiếng gọi với vào bên trong : « Giêsu ơi, John đến đây ! ».

Cứ như thế, suốt một thời trai trẻ, không bao giờ cậu quên.

Và rồi, ngày qua tháng tới, cậu bé năm xưa lúc này đã là một ông lão già nua. Ông không còn đủ sức để chạy đến trước ngôi giáo đường gọi Giêsu như thủơ nhỏ nữa. Tuy nhiên, trên cái divăng cũ kỹ, mỗi chiều về, đôi môi ông vẫn mấp máy lời gọi khẽ : « Giêsu ơi, John đây ! ». Và rồi, cũng chính cái giờ khắc ấy, bước chân Giêsu đã đến với ông bằng tiếng gọi ngọt ngào : « John ơi, Giêsu đây !».

Thật đẹp vô cùng lời gọi đơn sơ, nghe như quá đỗi tầm thường. Ta chẳng tìm thấy được nơi đó vóc dáng của một nền thần học cao siêu, nổi tiếng. Nhưng nó quá đẹp bởi nó mang chở trọn vẹn một tấm lòng. Tiếng gọi ấy biểu tỏ một mối tương quan không thể tách lìa, một lời với gọi yêu thương không bao giờ nhàm chán của đứa con nhỏ với cha mình. Và cũng bởi vì thế, nó luôn nhận được lời âu yếm ngọt ngào từ Cha.

Đó chẳng phải là điều mà Thiên Chúa mong muốn khi thiết lập mối tương quan với con người sao ? Chính Đức Giêsu cũng đã từng chỉ vẽ cho các môn đệ của Ngài tiếng gọi thân thương như thế khi cầu nguyện với Cha : « Abba, Cha ơi ! ». Một lời gọi đơn sơ không cầu kỳ, của đứa con hạnh phúc khi có Chúa là Cha.

Trở lại La Paireille chiều nay cho những ngày hồi tâm, tôi cũng chẳng mang gì hơn ngoài tiếng gọi giản đơn ấy : « Abba, Cha ơi !». Sau một năm vật lộn với quá nhiều biến cố, giờ đây hơn lúc nào hết, tôi hiểu thấu rằng trái tim Thiên Chúa đã luôn cận kề bên tôi như thế nào. Người đã cùng đi với tôi qua những nỗi đau và cùng bước với tôi qua những bước thăng trầm. Người là vị Cha già luôn luôn dõi mắt nhìn đến tôi khi tôi chạy nhảy vui đùa, ca hát trên những chặng đường cuộc đời. Người nghe thấy tiếng tôi gọi bất kỳ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Thế nhưng, đôi lúc Người cứ lặng thinh cứ như không nghe thấy làm tôi cứ ngỡ Người vắng mặt. Hoặc có khi Người lại ẩn mình dười những tán cây cao nào đó bên đường đời, làm cho tôi cứ mãi hoài tìm kiếm mà chẳng gặp.

Thiên Chúa của tôi cũng giản đơn bình dị như bao người cha khác trên cuộc đời này, vậy mà tôi đã từng mãi mê tìm Người trong vóc dáng của người Cha đạo mạo, cao sang. Tôi đã từng tô vẽ nơi mình hình ảnh Người như vị Vua của những đạo quân oai phong lẫm liệt, nhưng lại quên mất rằng Người cũng còn là Đức Vua của cô công chúa nhỏ giữa đời thường.

Lúc này đây, tôi vui sướng tìm gặp lại hình ảnh Thiên Chúa : người Cha già thân thương của tôi nơi chính tâm ngôi nhà tâm hồn mình. Với tất cả niềm hạnh phúc lớn lao, tôi ước muốn cất lên tiếng gọi Người trìu mến « Cha ơi ».

Như đứa con nhỏ, tôi xin đặt đôi bàn tay bé xíu nơi Cha, để cho Cha dẫn dắt. Tôi sẽ lại vẫn vô tư ca hát trên con đường cuộc đời, sẽ lại chạy nhảy chơi đùa vì biết rằng Cha luôn bên tôi. Rằng mắt Cha vẫn dõi theo tôi, dù đôi khi tôi có chạy xa Người vạn dặm, và lắm lúc có phải hét to tìm kiếm « Cha ơi, Cha đâu rồi ? » khi ngoảnh nhìn đầu lại không thấy Cha bên mình.

Tôi sẽ lại vẫn ngủ yên trong chiếc nôi của Cha, dù biết rằng sẽ còn nữa những lần phải khóc thét lên khi giật mình thức giấc trong đêm tối. Có thể Cha muốn để cho tôi học biết một mình đối diện với đêm đen, để tôi nên cứng cáp hơn, mạnh mẽ hơn. Nhưng sau đó, thể nào rồi Người cũng đến đưa tay cho tôi nắm lấy, và lại vỗ về trấn an đưa tôi vào giấc ngủ say. Bởi tôi biết rằng, Cha sẽ chẳng bao giờ để cho đứa con nhỏ khóc quá lâu đến khàn mất cả giọng đâu.

Hạnh phúc tìm lại được Thiên Chúa của chính mình, như người buôn tìm được viên ngọc quý trong cánh ruộng, tôi ước muốn được bán đi tất cả những đau buồn nhọc mệt một năm qua, để mong mua lấy kho tàng lớn lao là tình yêu Thiên Chúa. Những gì tôi đã bước đi hôm qua trong nước mắt, hôm nay trở thành quà tặng của một niềm vui bất tận. Những gì tôi đã phải chịu mất đi hôm qua, hôm nay lại được Thiên Chúa đong đầy cho một đời sống tâm linh dồi dào hơn, trưởng thành hơn.

Từ đây, tôi sẽ không ngừng cất lên tiếng gọi « Abba, Cha ơi » trong câu kinh từng ngày của dời sống tôi.

Retrait à la Paireille le 7/2011