MÙA HÈ YÊU THƯƠNG 2011: Thăm các Trại Phong

Hà Nội - Xuân Mai - Quả Cảm, 30.6.2011. Ngày ngày con nhện vẫn mải miết giăng tơ làm tổ, ong mật vẫn ngược xuôi với hành trình tạo mât, những cánh bướm thong thả vẫn bay lượn trên các khóm hoa. Mỗi loài đều tìm mục đích sống riêng cho đời mình. Cuộc đời con người cũng là những cuộc hành trình, đó là hành trình dài của một khát vọng hạnh phúc. Trong hành trình xa xôi ấy, mỗi người tự góp cho mình những hạnh phúc nho nhỏ góp nên một hạnh phúc lớn hơn. Chúng tôi những cánh Bồ Câu Trắng của Hàng Bột, Hà Nội đã nhận ra hạnh phúc của đời mình qua số phận của biết bao con người khác, qua những hành động yêu thương mà chúng tôi trao đến mọi người trong hành trình “MÙA HÈ YÊU THƯƠNG 2011”.

Một năm học đã qua, chúng tôi mỉm cười bỏ lại sau lưng những lo toan, vất vả của đời sống sinh viên, bước vào chuyến đi “Mùa hè yêu thương 2011” với tâm hồn thoải mái, vui tươi và đầy nhiệt huyết. Điểm đến của cuộc hành trình hôm nay là hai trại Phong: Xuân Mai (Hà Tây) và Qủa Cảm (Bắc Ninh).

Một chiếc xe khách nhỏ nhắn đón chúng tôi trước cổng nhà thờ Hàng Bột vào lúc 6g30. Nhanh chân, nhanh tay, chúng tôi chuyển đồ đạc lên xe: mì tôm, đồ ăn cho bữa trưa, nước uống… và không quên mang theo trái tim yêu thương nồng ấm của mình lên xe. Cuộc hành trình hôm nay có sự hiện diện của 3 Souer và 24 bạn đệ tử Phaolô. Và một nhân vật không thể vắng mặt trong mỗi chuyến đi đó là anh Xuân Hòa - nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mà mọi người cứ nhầm là “Cha Tuyên Uý” của chúng tôi. Thêm vào đó là một thành viên mới lần đầu tiên tham gia cùng chúng tôi đó là cô Nhàn một ân nhân của cộng đoàn, cô là giáo viên dạy Toán. Vậy là tổng cộng hành trình của chúng tôi là 29 thành viên. Xe lăn bánh bon bon trên đường quốc lộ, tiến thẳng tới trại phong Xuân Mai. Trời hôm nay thật mát mẻ thoáng đãng. Cuộc hành trình bắt đầu bằng lời kinh cất lên cầu xin bình an của Thiên Chúa và sự đồng hành của Mẹ Maria. Xe cứ thế thẳng tiến với niềm vui của chúng tôi qua những tiếng hát vui nhộn, tiếng cười đùa thoải mái.

Đúng 7g45 xe chúng tôi đã dừng ở trước cổng khu Điều trị phong Xuân Mai, tuy gặp một chút trục trặc nhỏ nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến được chỗ ở của họ. Đón chúng tôi là một bác sĩ của khu điều trị đồng thời cũng là lãnh đạo ở đây. Sau những khó khăn nho nhỏ ban đầu chúng tôi tạo được thiện cảm với ban giám đốc và thuyết phục ban giám đốc để có thể đến thăm từng bệnh nhân trong các căn phòng. Tại khu điều trị này có 96 bệnh nhân đang điều trị. Cả đoàn chúng tôi chia làm 4 nhóm đi tới thăm 4 khu khác nhau của các cụ. Đón chào chúng tôi là những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của các cụ. Phần quà nho nhỏ của mồi cụ chỉ là ½ trùng mì tôm xong niềm vui của các cụ thể hiện rõ trên từng khuôn mặt. Các cụ vui vẻ trả lời chúng tôi về hoàn cảnh và thời gian vào đây. Sau một vòng phát quà chúng tôi 2 người một nhóm đi đến từng phòng để dọn dẹp và làm vệ sinh giúp các cụ. Vừa làm việc vừa nghe các cụ tâm sự. Tôi còn nhớ câu chuyện của cụ Mi thuộc xứ Hoàng Nguyên- Phú Xuyên- Hà Tây, cụ tâm sự: “Vào đây đã 50 năm rồi nhưng thỉnh thoảng con cháu mới vào thăm, cụ còn nói bây giờ già rồi tiền bạc chẳng thiết nữa chỉ cần tình cảm thôi”. Tôi nhìn lên tường thấy 1 cây Thánh giá, một chuỗi Mân côi, tôi chợt nghĩ dù trong hoàn cảnh nào các cụ vẫn không quên tin cậy vào tình thương của Chúa. Mặc dù các cụ trò chuyện rất vui vẻ nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn tồn tại một nỗi cô đơn của tuổi già và sự khao khát mong mỏi về con cháu. Một nhóm khác đi lên thăm hai cụ đã liệt giường, cụ ông thật vui vẻ cụ còn hát cho chúng tôi nghe, lúc này chúng tôi thấy các cụ không còn là những bệnh nhân nữa, các cụ đã vượt lên số phận để sống lạc quan và tin tưởng. Vậy là những suy nghĩ về niềm vui đươc trao đến chút yêu thương cho các cụ giờ lại trở thành những những cảm nhận về yêu thương và hạnh phúc.

Chúng tôi rời khỏi khu điều trị vào lúc 10h để tiếp tục cuộc hành trình, xe lại tiếp tục tiến thẳng về đích thứ 2 là trại phong Qủa Cảm thuộc tỉnh Bắc Ninh. Dường như không khí trên xe lúc này chơt yên lặng hơn mỗi người ai cũng để trong mình một góc nhỏ về số phận và câu chuyện của các cụ. Để xua tan không gian yên ả đó những câu hát vui vẻ lại vang lên. Bài dân ca, điệu hò Ba Miền cho chúng tôi những nụ cười vui tươi:

“Ai về là về Thanh Hóa (A li hò lờ)
Ước mơ lớn của người Thanh Hóa (A li hò lờ)
Lá rau má to bằng lá sen (Hò lơ hó lơ…)


Cứ thế đặc sản của từng vùng được nêu ra. Tôi không nhớ hết chỉ ấn tượng mãi đặc sản của Bắc Ninh “Hát dân ca trên nền nhạc Rock” và không quên nhắc đến ước mơ của người Hàng Bột là chính những người trẻ chúng tôi: “Kẹo Sôcôla to bằng viên gạch…!”

Những câu hát vui đùa đã đưa khoảng cách địa lý trở nên gần hơn. Và khoảng 11g15 chúng tôi đã có mặt ở trại phong Qủa Cảm. Chúng tôi ăn trưa và nghỉ ngơi tại đây. Lúc sau chúng tôi đến thăm ngôi nguyện đường cũ đã bị tốc mái, thầm đọc kinh cầu nguyện cho đức tin của những con người nơi đây. Ra khỏi nhà nguyện chúng tôi bắt đầu đến thăm các bệnh nhân từng người một trò chuyện và chup ảnh cùng các cụ. Ở đây chúng tôi bắt gặp cả những em nhỏ (con cái của bệnh nhân) với nụ cười hồn nhiên và ánh mắt trong sáng. Các cụ vui vẻ đón chúng tôi còn mời chúng tôi ăn trái Vải nữa. Có đi thăm chúng tôi mới nhận thấy được sự quan tâm của Giáo Hội đối với các bệnh nhân, từng khu nhà được xây nên cho các bệnh nhân, nơi đây còn lưu lại biết bao dấu ấn của tình thương. Mới đây nhất, Đức TGM Leopoldo Girelli, vị Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam đã đặt chân đến trại Phong Quả Cảm thăm viếng, an ủi các bệnh nhân vào ngày 07.6.2011. Và thật bất ngờ khi đến đây chúng tôi cũng gặp hai Thầy của Chủng viện thánh Giuse Hà Nội, đang thực tập trong mùa hè và ở cùng họ để chăm sóc, sửa nhà và dạy học cho các em thiếu nhi.

Đúng 13g30 tất cả các cụ đã có mặt đầy đủ tại Nhà Văn Hóa. Một căn nhà nhỏ nhắn cho chúng tôi cảm giác như đang đứng trong chính ngôi nhà của mình vây. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí của một gia đình với đầy đủ sự hiện diện của con cháu từ khắp nơi về thăm.

Chúng tôi được gặp Souer Xuân, một người đã gắn bó cả cuộc đời với nơi đây, nơi Souer chúng tôi cảm nhân sự hy sinh và tình yêu thương đồng loại, cuộc đời Souer là một chuỗi dài những phục vụ thầm lặng. Sau lời giới thiệu mở màn, lời phát biểu của qúy Souer đồng hành, của cô Nhàn, chị em chúng tôi góp vui văn nghệ qua bài ca “Tình Gia Đình” cùng những khúc ca tạ ơn tình yêu Thiên Chúa. Không chỉ chúng tôi làm văn nghệ mà qua đó chúng tôi còn được giao lưu với những giọng ca đằm thắm nhưng chứa đầy tình cảm của Anh Chất và Anh Sơn là nhưng người hiện đang điều trị tại đây. Thêm vào đó là tiết mục văn nghệ của hai Thầy cũng thay cho lời chào chúc để ngày mai các Thầy trở lại Hà Nội nhận sứ vụ mới. Buổi gặp mặt đang diễn ra vui vẻ thì xe ôtô chở Mì tôm đến, chúng tôi nhanh chóng dàn thành 2 hàng chuyển Mì tôm vào. Các cụ vui vẻ nhìn những thùng Mì tôm được đưa vào ai ai cũng gọi nhà nhiếp ảnh gia trẻ với một biệt danh rất đỗi thân thương và trìu mến “Hòa Mì Tôm”. Không khí lại rộn lên những tiếng cười, cụ Thuần 68 tuổi góp vui văn nghệ bằng 3 bài thơ ngẫu hứng để tặng đoàn chúng tôi: 1 cho qúy Soeur và Đệ tử, 1 cho các Thầy nhân ngày chia tay, và 1 cho anh Hòa và gia đình.

Vì thời gian không cho phép nên chúng tôi đành kết thúc buổi gặp gỡ tại đây và chia thành từng nhóm nhỏ đi theo các cụ với những thùng Mì trên tay mang về đến từng phòng cho các cụ. Chúng tôi vui vẻ dọn dẹp vệ sinh phòng cho các cụ, còn nấu cơm giúp các cụ nữa. Cụ mời chúng tôi ngồi ăn vải, lại còn cho thêm một tải về làm quà và cả một quả mít đang phơi ngoài sân. Nhận lấy món quà của các cụ mà lòng chúng tôi hạnh phúc dạt dào về tình cảm các cụ giành cho chúng tôi.

Đi theo chúng tôi còn mấy em bé nhỏ xíu nói cười vui vẻ ca hát tung tăng. Tôi nhớ mãi em Sang (3 tuổi), em mất mẹ khi vừa lọt lòng, giờ đang sống với ông bà. Em chạy tung tăng khắp nơi một lúc sau trở về trên tay cầm một miếng cơm cháy giòn tan đưa cho chúng tôi, đôi mắt sáng lên một niềm vui.

Chúng tôi lên xe trở về khi trời đã xế chiều, mang theo những món quà thân thương: quả vải, quả mít, những ngọn rau càng cua xanh non… và một điều mà không ai trong chúng tôi có thể quên đó là những tình cảm yêu mến, những sự vui vẻ của con người nơi đây. “Hè năm sau các cô lại lên nhé”, một cụ bà ôm lấy chúng tôi mà nhắn nhủ.

Xe chúng tôi trở về Hà Nội, 1 ngày dài- 1 thời gian không nhiều nhưng đủ để cho chúng tôi cảm nhận phần nào ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa của con đường phục vụ, mà chúng tôi đang dấn thân. Mỗi người ai cũng dành cho mình một khoảng lặng cho những suy nghĩ đó.

Như thành một thông lệ tốt cho việc thăm viếng người bệnh phong của nhà Dòng Phaolô Hàng Bột, chúng tôi được kết hợp với một nhóm gia đình thiện nguyện tại Hà Nội và được tài trợ một nửa chi phí từ các giáo dân thuộc vùng Bắc Đức do cha Phaolô Phạm Văn Tuấn chăm sóc mục vụ. Kẻ góp công, người góp của đã mang lại một chút niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống cho người nhận lẫn cả người cho.

Vì thế, chấm dứt ngày sống tôi thầm thì câu hát: “Một chút trong đời, chỉ một chút xíu thôi, nhiều chút chút bé nhỏ làm cho đời thêm mới. Một chút trong đời chỉ một chút thật tuyệt vời, chắt chiu từng chút ấy cho đời này thêm sáng tươi.”

Bồ Câu Trắng, Hàng Bột-Hà Nội