"Đức tin không thể nào bị bóp nghẹt bởi bất cứ quyền lực nào". Đó là lời tuyên bố của phó tổng thống Hoa Kỳ George Bush trong buổi tiễn biệt Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 19/9/1987 nhân dịp Ngài viếng thăm Hoa Kỳ. Trong bài diễn văn từ giã Đức Thánh Cha, phó tổng thống Hoa Kỳ nói rằng : Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục làm việc tại Liên Xô sau hơn 60 năm họ cố gắng tuyên truyền chủ thuyết vô thần.

Ông George Bush kể lại cho Đức Thánh Cha nghe như sau : "Trong nghi lễ an táng tổng bí thư Breznev tại Mascơva, một lễ nghi với nhiều lính tráng và hoa tím, nhưng không có đức tin và Lời Chúa, tôi theo dõi bà quả phụ đang tiến đến quan tài để nói lời từ biệt... Và kìa, có Chúa làm chứng cho tôi, giữa sự lạnh lùng của một chế độ độc tài bà Breznev chăm chú nhìn người chồng, rồi cúi nhẹ xuống và làm dấu thánh giá trên ngực của người chết... "

Ông Bush cũng kể lại rằng ông đã gặp Mao Trạch Đông trước khi ông này qua đời. Chủ tịch họ Mao đã tâm sự với ông như sau :"Tôi sắp sửa về Trời, tôi đã nhận được lời mời gọi của Chúa".

Đưa ra hai sự kiện trên đây, ông Bush kết luận : Không có quyền lực nào, không có luật pháp nào có thể quét sạch những gì đã ăn rễ sâu trong lòng người...

Lời phát biểu trên đây của ông George Bush có lẽ phải làm cho chúng ta phấn khởi. Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong cuộc sống của chúng ta. Chính những nơi mà chúng ta tưởng Ngài đã bị gạt bỏ hoàn toàn, chính những lúc mà chúng ta tưởng như Ngài không có mặt. Ngài vẫn tiếp tục hoạt động. Chúng ta tiếp nhận sự sống từ chính Chúa, như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời. Thiếu ánh sáng mặt trời thì không thể có sự sống trên trái đất. Cũng vậy, không có Chúa thì không thể có sự sống. Thiên Chúa thông ban sự sống cho chúng ta, bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương tất cả mọi người, ngay cả những kẻ chối bỏ hoặc thù ghét Ngài.

Hai hình ảnh mà Chúa Giêsu đưa ra trong bài Tin Mừng (Ga 10, 1-10) Chúa nhật IV Phục sinh nói lên sứ mạng cao cả của Người đến yêu thương và chăm sóc cho nhân loại. Để hiểu đoạn văn này rõ ràng hơn, chúng ta cần đọc thêm các câu tiếp theo ở Ga 10, 11-18. Ở câu 1-5, Đức Giêsu kể dụ ngôn người mục tử ; ở câu 7-16 Người giải thích ý nghĩa.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh "mục tử" để nói về vai trò của Người nơi dân Do thái. Bởi vì, hình ảnh đàn chiên, mục tử là những hình ảnh rất quen thuộc và nhiều ý nghĩa với họ, là dân có nguồn gốc du mục. Họ đã nhìn thấy nơi những thực tại quen thuộc ấy một biểu tượng giá trị cho đời sống tâm linh : Mục tử là hình ảnh mô tả đúng tình yêu của Giavê Thiên Chúa dành cho họ và đàn chiên là hình ảnh rõ nét mối tương quan của họ đối với Ngài.

Chúa Giêsu còn khẳng định :"Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào". Người tự ví mình là cửa chuồng chiên, ai qua cửa mà vào thì được cứu rỗi. Những hình ảnh ẩn dụ này nhằm mạc khải sứ mạng của Người là đến để ban tặng sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc viên mãn cho nhân loại, đang lầm lũi bước đi trong bóng tối của tội lỗi và sự chết. Như vậy, ai muốn vào Nước Trời, muốn lãnh nhận ơn cứu độ bắt buộc phải đi qua Người ; muốn đến với Chúa Cha phải qua Chúa Giêsu như Người đã từng nói :"Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy." Chỉ có Chúa Giêsu, mục tử đích thực mới đưa nhân loại vào Nước Trời.

Từ dân Israel khi xưa cho đến xã hội hôm nay, luôn có những người tin theo Chúa Giêsu và những người không tin theo Người. Tin theo Chúa Giêsu là biết sống và thực thi lời Người : Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Chiên đi theo mục tử vì quen tiếng của mục tử. Kitô hữu đi theo Chúa Giêsu vì quen tiếng của Người, hiểu lời Người.

Chúa Giêsu chính là Mục Tử nhân lành đến dẫn đưa chiên của Người là chúng ta đi vào đồng cỏ xanh tươi là Nước Trời. Mục Tử Giêsu vẫn đang chăm sóc, nuôi dưỡng chiên của Người bằng chính máu thịt mình. Do đó tin và gắn bó với Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể, sống thực thi lời Người là những phương thế hữu hiệu và luôn có giá trị để đón nhận sự sống, hạnh phúc mà Người mang lại.

Xin Chúa cho mọi người luôn hăng say học hỏi và nhiệt thành sống lời Chúa để có thể đón nhận và trao ban tình yêu, sự sống của Chúa cho chính mình và cho tha nhân.