HÀ NỘI - Sáng ngày 19 tháng 4 năm 2011, 115 linh mục và nhiều thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận Hà Nội đã hiệp thông trong Thánh lễ làm phép dầu tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội. Chủ tế Thánh lễ là Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn- Vị chủ chăn của Tổng Giáo phận. Cùng đồng tế với Ngài còn có Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân- Giám mục Giáo phận Lạng Sơn, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến- Phó Chủ tịch Ủy ban Bác ái Xã hội và Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh- Giám mục Phụ tá TGP Hà Nội. Đặc biệt, Thánh lễ làm phép dầu năm nay có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli- Ngài đại diện Đức Thánh Cha Biển Đức XVI không thường trú tại Việt Nam. Sự hiện diện của ngài trong Thánh lễ này đã nói lên sự hiệp thông tuyệt vời tại Giáo Hội địa phương với Đấng kế vị Thánh Phêrô.

Xem hình ảnh

"ĐÂY CHÍNH LÀ NGƯỜI" là lời giới thiệu vị đại diện Tòa Thánh (Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli) của Đức Tổng Giám Mục Phêrô với cộng đoàn phụng vụ. Khởi đầu diễn văn chào mừng, Đức Tổng Giám Mục Phêrô nói: Hôm nay, tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, tất cả các thành phần dân Chúa trong giáo phận cùng quý Đức Cha đến từ các Giáo phận bạn, chúng con vui mừng đón tiếp và chào mừng vị đại diện Đức Thánh Cha Biển Đức XVI giữa lòng Giáo phận thân yêu. Kính xin ngài coi nơi đây như nhà của mình.

Chúng con trân trọng biết ơn Đức Tổng Giám Mục vì ngài đã chấp nhận sứ vụ mà Tòa Thánh giao phó để đến với chúng con. Chúng con luôn hiệp thông và cầu nguyện cho sứ vụ cao cả của ngài được tốt đẹp đối với Hội Thánh địa phương cũng như đối với quê hương thân yêu của chúng con. Trong bầu khí linh thiêng của Thánh lễ làm phép và hiến thánh Dầu Thánh, chúng con kính xin ngài đệ trình lên Đức Giáo Hoàng- Vị cha chung của Giáo Hội Hoàn Vũ lòng biết ơn, tâm tình yêu mến, trung thành và hiếu thảo của tất cả chúng con. Cuối cùng, chúng con nguyện chúc sức khỏe đến Đức Tổng Giám Mục kính yêu.

Đáp lời Đức Tổng Giám Mục Phêrô, Ngài đại diện Tòa Thánh nói: Trong bầu khí Phụng vụ đặc biệt này, tôi xin kính chuyển đến Đức Tổng Giám Mục, quý Đức Cha và anh chị em lời chào thăm thân ái và phép lành của Đức Thánh Cha, Đấng có lòng ngưỡng mộ, trìu mến và sâu xa đối với Giáo Hội tại Việt Nam. Về phương diện lịch sử, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong đất nước này đã đóng góp và tiếp tục đóng góp cho di sản nhân loại tôn giáo những giá trị đạo đức cũng như chia sẻ những băn khoăn đúng đắn về tương lai của Giáo Hội cũng như trách nhiệm cho công ích. Chúng ta cảm ơn Chúa vì sự gia tăng về con số linh mục, chủng sinh và các tu sĩ tại Việt Nam, cũng như sự trưởng thành của giáo dân trong đời sống cộng đoàn. Nhân danh Đức Thánh Cha, tôi muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa và lòng cảm ơn đối với tất cả anh chị em vì đức tin sống động và mạnh mẽ tại đất nước này, luôn trung thành với Giáo Hội và Đức Thánh Cha. Tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho sứ vụ của tôi để tôi có thể đóng góp phần nào vào đất nước và Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Hướng về linh mục đoàn, ngài ngỏ lời: Trong ngày lễ làm phép dầu, ngày lễ bày tỏ sự hiệp thông, mối liên kết chặt chẽ của các linh mục với Đức Giám Mục của mình. Linh mục là những người cộng tác với Đức Giám Mục trong nhiệm vụ phục vụ Giáo Hội địa phương. Anh em linh mục trong Tổng Giáo phận Hà Nội thân mến, mỗi anh em có nhiệm vụ khác nhau nhưng Chúa gọi và đòi hỏi mỗi người có một tâm hồn, một trái tim trong sạch lớn lao để phục vụ Chúa và tha nhân. Điều đó đòi hỏi linh mục không sống cho chính mình nhưng sống cho người khác, như Chúa Giêsu- Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ...

THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU gồm ba ý nghĩa nổi bật để chúng ta tham dự: Thứ nhất là làm phép Dầu Bệnh Nhân, Dầu Dự Tòng và Hiến Thánh Dầu Thánh để dùng trong các nghi thức phụng vụ. Thứ hai là hàng linh mục lặp lại lời đã hứa khi lãnh nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh. Thứ ba là bày tỏ sự hiệp thông của linh mục đoàn chung quanh Đức Giám Mục của mình. Hơn hết, tất cả chúng ta đã được tham dự vào chức linh mục cộng đồng nên ngày lễ này cũng có ý nghĩa sâu xa đối với mỗi người. Vì vậy, chúng ta cùng hiệp dâng Thánh lễ để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho Hội Thánh toàn cầu và hàng giáo sĩ, Đức Tổng Giám Mục đã nói trước khi bước vào Thánh lễ.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Phêrô nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của Đức Kitô trong cuộc đời của người kitô hữu. Ngài nói: "Lễ Dầu, làm phép dầu, Dầu Thánh, Dầu Hiến Thánh ... nhắc chúng ta hướng về Đức Kitô vì Kitô là "Đấng được xức dầu" và chúng ta là kitô hữu, là người có Đức Kitô , là người được xức dầu. Bài đọc 1, trích sách tiên tri Isaia cho chúng ta thấy trước một vì ngôn sứ sẽ được Thiên Chúa xức dầu, dầu đó là Thánh Thần, để được sai đi rao giảng Tin Mừng : " Thần Khí của Đức Chúa Yavê ở trên tôi, vì Yavê đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đi đem tin mừng ...". Vì vậy, nghi thức làm phép dầu hôm nay rất ý nghĩa nếu chúng ta tham dự sốt sắng. Chính ý nghĩa đó nó ăn sâu và ảnh hưởng trong bản chất Kitô hữu khi chúng ta biết chính Đức Giêsu là người được xức dầu. Đức TGM nêu bật ý nghĩa của Dầu Thánh trong đời sống của người kitô hữu như sau: "Dầu thánh được xức cho những người chịu bí tích Rửa tội và Thêm sức để họ được tràn đầy Chúa Thánh Thần mà lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến cũng như để được nhiệt tình loan báo Tin Mừng, làm chứng nhân của Chúa, để có đủ sức mạnh chống trả lại các chước cám dỗ và hăng hái xây dựng cộng lý hòa bình trong xã hội : đó là những chức năng của anh chị em mà chúng ta gọi là chức linh mục cộng đồng. Trong dịp này, khi làm phép dầu dự tòng, chúng ta cầu nguyện cách riêng cho tất cả anh chị em dự tòng sẽ được chịu phép rửa tội trong giáo phận chúng ta cũng như trên khắp thế giới để họ được mạnh mẽ sống Tin Mừng. Chúng ta cũng nhớ cách riêng đến các anh chị em bệnh nhân, những người đau khổ vì nhiều lý do khác nhau, được nâng đỡ, an ủi trong cơn thử thách của họ".

Kế đến, ngài bày tỏ ý nghĩa hiệp thông sâu xa của linh mục đoàn với Giám Mục của mình, không thể có sự tách biệt giữa Giám Mục và linh mục. Sự hiệp thông đó bày tỏ rõ nét qua việc Thánh lễ Truyền Dầu mời gọi linh mục đoàn về tham dự đầy đủ vì trong Giáo Hội địa phương chỉ được cử hành một nơi duy nhất mà thôi. "Giám mục được xức Dầu Thánh trên đầu để nhận Thần Khí, thủ lãnh cho sứ vụ lãnh đạo Dân Chúa, thể hiện chức tư tế viên mãn. Linh mục được xức dầu trong lòng bàn tay để xứng đáng dâng của lễ thánh là Đức Kitô Giêsu lên Đức Chúa Cha và như cánh tay nồi dài của giám mục để thể hiện sự thông phần vào chức tư tế viên mãn của giám mục. Tính hiệp thông đó, hơn bao giờ hết, được thể hiện trong Thánh lễ đồng tế này, đó là ý nghĩa mà phụng vụ mời gọi hàng linh mục hiện diện đông đủ. Và sự hiệp thông đó lại được củng cố bằng việc các linh mục lập lại lời hứa khi chịu chức linh mục", Đức TGM nhấn mạnh.

Cuối bài giảng, Đức TGM ngỏ lời cám ơn tới anh em linh mục đã cộng tác với Ngài trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng. "Tôi cũng muốn nhân dịp này nói lên lòng biết ơn sâu xa của tôi đối với anh em linh mục, những người đã nhiệt tình cộng tác giúp đỡ tôi để chu toàn nhiệm vụ và chính anh em đã trải qua nhiều hy sinh, thường là trong âm thầm, để củng cố đức tin và mở mang Nước Chúa trong yêu thương và phục vụ. Chúng ta hãy theo vị Mục tử duy nhất là Đức Kitô, Đấng kêu gọi chúng ta noi gương Người mà sống "hiền lành và khiêm nhường", Ngài nói.

Sau bài giảng, các linh mục tiến ra trước mặt Đức Tổng Giám Mục và nhắc lại lời tuyên hứa khi chịu chức linh mục, đó là lòng trung kiên với bậc sống độc thân, tinh thần tùng phục Đức Tổng Giám mục – bề trên của Tổng Giáo phận, về lòng quảng đại chu toàn chức vụ tư tế, giảng dạy, và chủ chăn của mình. Nghi thức này một lần nữa nhắc nhở các linh mục luôn ý thức về những bổn phận phải thi hành trong cuộc sống bản thân cũng như các công tác mục vụ, trong khi cố gắng từ bỏ chính mình để gắn bó với Chúa Kitô, nỗ lực nên đồng hình đồng dạng với Người mỗi ngày mỗi hơn và do đó cũng mang lại nhiều lợi ích hơn cho các linh hồn.

Tiếp tục Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục lần lượt chủ sự nghi thức làm phép dầu. Ba bình dầu được trịnh trọng rước tới bàn thờ. Ngài đọc lời nguyện và làm phép những bình dầu sẽ được dùng trong khi cử hành các Bí tích: dầu Thánh Hiến (S.C), dầu Dự Tòng (O.S), và dầu Bệnh Nhân (O.I). Từ đây, những bình dầu này không còn là dầu thường như trước nữa, nhưng đã trở nên Dầu Thánh, Dầu ấp ủ Chúa Thánh Thần và các ơn phong phú của Ngài.

Sau phép lành cuối lễ, Dầu đã được làm phép được rước về nơi trang trọng và mỗi linh mục đến nhận để đem về giáo xứ và cộng đoàn của mình để sử dụng khi cử hành các bí tích.