Lời giới thiệu: Thời Trung Cổ đã lùi xa nhưng cách nào đó vẫn còn rất gần với chúng ta. Một bằng chứng là, chẳng hạn, trong sáu kiểu thức thần học sứ mạng của tác giả kinh điển David J. Bosch, thì kiểu thức “Trung Cổ” vẫn được giới chuyên môn ghi nhận là còn đang thịnh hành. Tuyển dịch những trang này từ một trong những từ điển linh đạo nổi tiếng hiện nay, mục đích duy nhất của chúng tôi là ôn cố tri tân trong lãnh vực linh đạo. Lịch sử là thầy dạy tuyệt vời, có thể giúp soi sáng chúng ta điều chỉnh cả những bất cập lẫn những thái quá. Các tiêu đề trong bản tiếng Việt này là của người dịch.
- Cách Đọc Thánh Kinh
Vì Thánh Kinh được dùng rất nhiều trong giảng thuyết, giáo huấn và hướng dẫn đời sống thiêng liêng, nên cách mà người ta đọc và giải thích Thánh Kinh có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống thiêng liêng của dân chúng, nhất là đối với linh đạo của các tu sĩ nam nữ là những người dệt đời sống mình chủ yếu dựa trên thực hành lectio divina. Cách đọc Thánh Kinh cũng ảnh hưởng đến việc khảo cứu thần học và do đó ảnh hưởng đến linh đạo bởi vì Thánh Kinh thông tin cho thần học (từ thế kỷ 14 thì khuynh hướng này giảm dần).
Những người Trung Cổ đọc Thánh Kinh thường ít chú ý đến ý nghĩa lịch sử và văn chương, thay vào đó họ bám chặt vào các phương pháp chú giải thiêng liêng của các giáo phụ, thường hệ thống hóa thành ba “nghĩa” sau đây: (1) nghĩa hình tượng hay ngụ nghĩa, (2) biến nghĩa hay nghĩa luân lý, (3) nghĩa thần bí hay nghĩa cánh chung. Mặc dù các nhà chú giải như Andrew St. Victor và Thomas Aquinas nhấn mạnh rằng cần phải lấy nghĩa lịch sử và văn chương làm nền tảng vững chắc để diễn dịch và ứng dụng về mặt linh đạo, nhưng linh đạo Trung Cổ nói chung vẫn bám vào ba nghĩa kể trên.
- Cách Nhìn Thiên Chúa và Ân Sủng
Thần học ảnh hưởng đến cái nhìn tâm linh về Thiên Chúa qua việc nó khảo sát, chẳng hạn, mối quan hệ giữa công lý của một Thiên Chúa đáng khiếp sợ (nhiều người qui Nạn Dịch Hạch cho Ngài) và lòng từ bi của một Thiên Chúa nhân hậu và hay tha thứ. Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi toàn thể thụ tạo là điều được cảm nhận rộng rãi. Giáo thuyết về các dấu vết của Thiên Chúa Ba Ngôi nơi toàn thể thụ tạo và một cách đặc biệt nơi con người là những yếu tố chủ chốt trong một số linh đạo. Giáo thuyết của Augustin về việc thần hóa nhờ ân sủng, mặc dù thường bị phớt lờ, vẫn có được một số ảnh hưởng, nhất là khi về sau nó được kết hợp với chủ đề theosis (thần hóa) của Đông phương. Những học thuyết này cung cấp một cơ sở thần học để hiểu cách thế mà đời sống thiêng liêng của một con người tiến tới trên con đường kết hiệp thần nhiệm với Thiên Chúa.
Trong khi giáo huấn này của Augustin cho thấy những hiệu quả tích cực của ân sủng, thì quan niệm của ngài về bản tính con người bị tổn thương trầm trọng do tội nguyên tổ, được truyền lại qua hành vi giao hợp nam nữ, cùng với tư tưởng bi quan của ngài về con số người được tiền định (cho ơn cứu rỗi), đã xâm nhập mạnh mẽ vào thần học và linh đạo, gây ra sự nản lòng về thân phận con người. Anselm và Aquinas thật sự đã hiệu chỉnh đáng kể giáo thuyết ấy bằng cách định vị yếu tính của tội nguyên tổ nơi ý chí bị xáo trộn của con người chứ không phải nơi nhục dục bị xáo trộn. Tuy nhiên, tư tưởng của Augustin tiếp tục gieo ảnh hưởng, gợi lên mối băn khoăn thường xuyên về vấn đề tiền định, về ân sủng, ý chí tự do, và về tiêu chuẩn để con người đáng được ơn cứu độ.
- Cách Nhìn Con Người
Trong nhân học Kitô giáo, thuyết nhị nguyên của Tân phái Platon và chủ trương khinh thường các đam mê của phái Khắc Kỷ, được truyền vào Tây phương bởi các giáo phụ, đã gây ra nỗi sợ hãi và sự xem thường các khía cạnh tốt của các đam mê hay cảm xúc, xem thường thân xác, tính dục, và các hoạt động có tính tự phát của con người. Ảnh hưởng của Aristotle giúp Albert Cả và Thomas Aquinas có những cái nhìn tích cực và toàn vẹn về vai trò của những yếu tố này trong linh đạo. Tuy nhiên, giáo thuyết của các vị này lại không thắng thế. Linh đạo Trung Cổ vì thế tiếp tục đề cao việc dùng ý chí áp chế các cảm xúc, nhấn mạnh sự hành xác gay gắt, khuyến khích một nỗi sợ hãi đầy ám ảnh đối với tính dục và một thái độ e dè đối với hoạt động của con người, nhất là các hoạt động ở trong một thế giới được coi là nguy hiểm và đầy tội lỗi.
Liên quan đến hoạt động luân lý và thiêng liêng của con người, nếu Augustin và Aquinas cùng nhấn mạnh về sự tự do của Kitô hữu được hướng dẫn bởi Thánh Thần trong khuôn khổ Luật Mới, thì khuynh hướng mạnh hơn trong linh đạo lại hướng về một nền luân lý bám vào sự vâng phục đối với các luật lệ và các mệnh lệnh. Trái ngược với linh đạo Đông phương, vai trò của Chúa Thánh Thần thường bị quên lãng hay bị coi nhẹ. Thuyết duy danh vào giai đoạn sau của thời Trung Cổ đã củng cố một nền luân lý bổn phận qua việc dạy rằng sự đúng sai về mặt luân lý tùy thuộc ở một ý chí thần linh độc đoán hơn là tùy thuộc vào “lẽ phải” của Thiên Chúa phản ảnh nơi tự nhiên và nơi cứu cánh của các thụ tạo. Sự hướng dẫn hay trợ giúp thiêng liêng nói chung là theo mẫu thức này, cổ võ sự vâng phục đối với một người khác (nguồn gốc của từ “linh hướng”). Điều này tương phản với cái nhìn của Aquinas rằng một con người, vì được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được trợ giúp bởi Thánh Thần, cần tự quyết và tự biện phân như là cách để chuẩn bị cho những phán đoán khôn ngoan thận trọng của riêng mình.
- Xuất Thế, Nhập Thế
Chủ trương hướng nội (interiorism) của Augustin chiếm ưu thế và chi phối linh đạo Trung Cổ, trong đó phác họa một hành trình đi từ vẻ đẹp bên ngoài của thụ tạo đến thế giới bên trong tâm trí con người và từ đó hướng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Phụng vụ của các tu sĩ và kinh nghiệm chiêm niệm áp dụng con đường hướng nội này để tìm kiếm nếm cảm trước niềm vui thiên đàng. Linh đạo hướng nội này, đầy hoa quả trong nhiều phương diện, được phản ảnh trong những thế kỷ ban đầu không chỉ qua việc các tu sĩ rời bỏ thế gian, mà phần nào đó còn qua chủ trương khinh chê thế gian nữa (contemptus mundi). Rõ ràng là nó đã dẫn tới cái quan niệm phổ biến rằng linh đạo cấp cao nhất là linh đạo được sống bởi các tu sĩ. Còn linh đạo giáo dân thường bị coi chỉ là những mô phỏng cấp thấp của đời tu.
Trong khi Bonaventure tỏ ra là bậc thầy trong việc sử dụng con đường hướng nội nói trên của Augustin, thì Aquinas đặt ra các nền móng cho một linh đạo giáo dân đích thực bằng việc khơi lại chủ điểm của Irenaeus rằng Thiên Chúa được tôn vinh cách hoàn hảo nhất khi mỗi thụ tạo đạt tới cứu cánh mà Thiên Chúa nhắm khi Ngài tạo dựng. Đối với Aquinas, con người - do hữu thể của mình - chỉ trong hưởng kiến mới có thể đạt tới cứu cánh tuyệt đối cuối cùng cũng như niềm vui trọn vẹn của mình, dù vậy, họ cũng có thể tôn vinh Thiên Chúa qua việc đạt được những cứu cánh khác ngay trong thế giới này chứ không phải ngoài thế giới này. Việc khảo sát thêm nữa sẽ cho thấy các tầm nhìn của Aquinas ảnh hưởng mức nào đến các linh đạo ngoài khung cảnh tu trì, tức linh đạo của các giáo dân thuộc các phong trào hay các huynh đoàn được thấy nở rộ vào cuối thời Trung Cổ.
- Cách Nhìn Đức Giêsu Kitô
Những hình ảnh về Đức Giêsu Kitô và thái độ đối với Ngài hẳn nhiên ảnh hưởng đến linh đạo. Vào các thế kỷ ban đầu, hình ảnh Đức Kitô là Đấng Toàn Năng (Pantokrator) đôi khi được làm cho dịu đi qua các phác họa chân dung Ngài như vị Mục Tử Tốt Lành hay như Người Samari Nhân Hậu chữa trị người khách bộ hành bị cướp mất ân sủng và bị tổn thương trong bản tính. Thần học Trung Cổ nói chung thiên về một Kitô học “đi xuống” (Lời thần linh “hạ mình” xuống để trở thành con người), nhưng vào thế kỷ 12 thuyết “assumptus homo” (con người được đảm nhận) quảng diễn một Kitô học “đi lên” (con người này được “đưa lên” thành Thiên Chúa). Trong khi đó, cái nhìn của Augustin về Đức Kitô là Đầu của Thân Thể (là Giáo Hội) có một vai trò trong Giáo Hội học và trong lòng đạo đức bình dân. (Từ ngữ “Nhiệm Thể” không phải do Augustin đưa ra, mà đầu tiên vốn áp dụng cho Thánh Thể, rồi về sau mới được dùng để chỉ Giáo Hội.)
Cũng trong thế kỷ 12, Bernard và các tu sĩ Xitô ngày càng nhấn mạnh nhân tính của Đức Kitô trong khuôn khổ một linh đạo thiên về tình cảm. Khuynh hướng này được đào sâu hơn qua mẫu gương và giáo huấn của Phanxicô Assisi, của các tu sĩ Anh Em Hèn Mọn và các nữ tu Clara, những người ngày càng tập trung lòng mộ đạo vào cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô. Rồi tiếp theo đó là sự chú ý ngày càng tăng hướng vào các thương tích của Chúa; từ đó, với kinh nghiệm thiêng liêng của mình, một số nhà thần bí và tác giả của thế kỷ 13 đi đến phát triển sự tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu. Trong số các tác giả này có Gertrude, Mechtild Hackeborn, và Mechtild Magdeburg. Bonaventure và Thomas Aquinas cũng có những lời rất cảm kích về Trái Tim Chúa Giêsu. Nạn Dịch Hạch, cùng với những truân chuyên do chiến tranh dai dẳng, đưa đến sự nhấn mạnh có tính khải huyền về Đức Kitô như vị Thẩm Phán đáng sợ đang đến để tách chiên ra khỏi dê, như ta đọc thấy trong thi phẩm Dies irae (Ngày thịnh nộ). Các chủ đề cánh chung khác, vốn đã có từ trước, càng phát triển mạnh mẽ hơn vào cuối thời Trung Cổ.
- Cách Hiểu Về Thục Hồi
Những trình diễn (kịch nghệ) có tính thần học và dân gian về Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô đã tác động sâu sắc tới linh đạo. Các giáo thuyết từ trước đó về một Đức Kitô chiến đấu và vượt qua thần dữ, cùng với sự diễn dịch thời Trung Cổ về những đau đớn trong hỏa ngục, đã khắc họa nổi bật ma quỉ và những cám dỗ của ma quỉ trong một thứ linh đạo mang đậm tính chiến đấu. Thuyết về sự thục hồi dựa trên việc lập công đền tội tương xứng (satisfaction) của Anselm đã chuyển hướng quan tâm đến các mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa, cũng như quan tâm tới tình yêu và sự vâng phục của Đức Kitô như cái giá vô cùng xứng đáng để đền món nợ vô cùng lớn mà con người mắc nợ với Thiên Chúa do tội lỗi. Tuy nhiên về sau thần học và linh đạo đôi khi bóp méo thuyết này thành một thứ thuyết “satis-passion” (khổ nạn để làm thỏa lòng), như thể sự cứu độ nằm chính nơi những đau khổ của Đức Kitô. Cái nhìn này đẩy một số linh đạo vào chiều hướng không lành mạnh, với những thực hành sám hối quá chuyên chú vào việc trấn áp thân xác và việc bắt chước những đau đớn của Đức Kitô. Sự nhấn mạnh về việc đền bù, ngay cả khi được nhìn cách đúng đắn qua lòng yêu mến và sự vâng phục tích cực được diễn tả trong sự đền tội, vẫn dẫn tới những sự nhấn mạnh các việc đền tội, gồm cả việc đền bù những tội đã xưng thú, và làm cho người ta quan tâm nhiều hơn về luyện ngục và về các ân xá – đây là những quan tâm đặc biệt của linh đạo cuối thời Trung Cổ. Sự phục sinh của Đức Kitô, dù được các nhà thần học đề cập, vẫn không có được tác động trong linh đạo ở Tây phương như người ta thấy bên Đông phương.
- Đức Maria và Các Thánh
Khi Đức Kitô, cũng như Chúa Cha, được quan niệm là một quan tòa nghiêm khắc, thì sự sùng bái thời Trung Cổ xoay sang các thánh, đặc biệt là Đức Maria, được xem như những vị phù trợ gần gũi hơn và có lòng cảm thông hơn, hay ngay cả được xem như những trung gian giữa con người với Chúa Kitô và Chúa Cha. Sự tôn kính dành cho Đức Maria, các thiên thần và các thánh trong giai đoạn đầu của thời Trung Cổ đã phát triển thành sự cầu khẩn tích cực hướng về các ngài.
Những ngày lễ các thánh kèm theo kinh thần vụ riêng, những cuộc hành hương các đền Đức Mẹ và các thánh, những câu chuyện về các mạc khải và các ơn đặc biệt được Đức Mẹ và các thánh ban cho, những cuộc cung hiến các thánh đường và các dòng tu, kinh Mân Côi, các kinh cầu và các kinh nguyện khác, những trình diễn nghệ thuật, những truyền thuyết, thi ca và thánh ca tôn kính Đức Maria và các thánh, vv... tất cả cùng kết hợp để chuyển hướng linh đạo thời Trung Cổ từ việc qui hướng về Đức Kitô trở thành qui hướng thái quá về Đức Maria và các thánh, chẳng hạn, Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, các thánh Tông Đồ Phêrô và Giacôbê (những cuộc hành hương đến Rôma và Compostela), Thánh Maria Mađalêna, Thánh Martin, Thánh Tôma Becket, và nhiều vị thánh khác.
- Câu Chuyện Sùng Mộ Thánh Thể
Đối với các tu sĩ nam nữ, việc cử hành Thánh Lễ và việc hát Kinh Thần Vụ qui hướng linh đạo của họ vào Đức Kitô và công trình cứu độ của Ngài được hiện tại hóa trong Thánh Lễ. Nhưng đối với phần đông các tín hữu, do không biết tiếng La tinh, lại bị cách ly xa khỏi cung thánh trong các thánh đường rộng lớn, cùng với việc thiếu sự chỉ dạy... dẫn đến thực tế là họ không tham dự tích cực được vào những phụng vụ này. Những giải thích có tính phúng dụ về các nghi lễ, như của Amalarius, liên hệ mỗi cử chỉ phụng vụ với một yếu tố nào đó trong cuộc đời hay cuộc thương khó của Đức Kitô. Những dẫn giải ấy có thể giúp cho lòng mộ đạo bình dân, nhưng chúng cũng gây lệch lạc, không cho phép có một linh đạo Thánh Thể với nền tảng vững chắc.
Tình trạng suy giảm lòng trân trọng qui hướng về cử hành Thánh Lễ cũng là hậu quả của những tranh luận thần học về sự hiện diện của Mình và Máu Thánh Chúa Kitô trong hình bánh hình ruợu đã được truyền phép. Lòng sùng mộ ngày càng tập trung vào sự hiện diện này và vào các phép lạ gắn liền với sự hiện diện này. Nó được thấy nơi nỗi khao khát mãnh liệt được nhìn thấy hình bánh hình rượu được nâng cao lên trong Thánh Lễ (sau truyền phép), và nhất là nó được thấy nơi việc cử hành Lễ Mình Thánh Chúa, với những cuộc rước kiệu và ca hát của người tham dự. Một bằng chứng nữa về sự chuyển đổi trọng tâm, đó là ngày càng phổ biến việc lưu giữ Thánh Thể trong các Nhà Tạm được trau chuốt công phu hơn. Đôi khi các Nhà Tạm này được đặt trong những nhà nguyện đặc biệt. Những sự lưu giữ Thánh Thể như vậy trở thành trọng tâm của lòng sùng mộ Thánh Thể.
- Việc Xưng Tội và Những Thực Hành Phụng Vụ Khác
Lòng sùng mộ và linh đạo của các tín hữu được đẩy mạnh bởi những thực hành phụng vụ khác như việc kiệu rước trong phụng vụ, việc làm phép mọi thứ đồ vật, việc trừ tà, và những Ngày Cầu Mùa, vốn bao gồm những cuộc rước kiệu qua các cánh đồng kèm với việc hát các kinh cầu và các lời nguyện xin cho mùa màng được bội thu.
Trong các thể kỷ đầu việc xưng tội thường xuyên đã lan rộng từ các tu viện tới dân chúng qua sự truyền giảng của các tu sĩ dấn thân vào các việc tông đồ. Sự phát triển của thần học bí tích vào thế kỷ 12 bao gồm nhiều thảo luận về bí tích sám hối và dẫn đến việc xuất bản những sách sám hối hướng dẫn các cha giải tội. Qua việc qui định mỗi năm xưng tội ít là một lần với mục tử của mình, Công Đồng Latêranô IV (1215) càng thúc đẩy sự thực hành bí tích này. Sau công đồng này, các dòng hành khất hăng hái khích lệ dân chúng xưng tội thường xuyên hơn và thực hành nhiều việc đền tội hơn, hoặc trấn an họ hơn qua những cách thức dễ hơn để nhận lãnh các ân xá.
(Trích dịch từ Walter H Principe, C.S.B., Western Medieval Spirituality, trong “The New Dictionary of Catholic Spirituality,” do Michael Downey chủ biên, The Liturgical Press xuất bản, 1993)
- Cách Đọc Thánh Kinh
Vì Thánh Kinh được dùng rất nhiều trong giảng thuyết, giáo huấn và hướng dẫn đời sống thiêng liêng, nên cách mà người ta đọc và giải thích Thánh Kinh có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống thiêng liêng của dân chúng, nhất là đối với linh đạo của các tu sĩ nam nữ là những người dệt đời sống mình chủ yếu dựa trên thực hành lectio divina. Cách đọc Thánh Kinh cũng ảnh hưởng đến việc khảo cứu thần học và do đó ảnh hưởng đến linh đạo bởi vì Thánh Kinh thông tin cho thần học (từ thế kỷ 14 thì khuynh hướng này giảm dần).
Những người Trung Cổ đọc Thánh Kinh thường ít chú ý đến ý nghĩa lịch sử và văn chương, thay vào đó họ bám chặt vào các phương pháp chú giải thiêng liêng của các giáo phụ, thường hệ thống hóa thành ba “nghĩa” sau đây: (1) nghĩa hình tượng hay ngụ nghĩa, (2) biến nghĩa hay nghĩa luân lý, (3) nghĩa thần bí hay nghĩa cánh chung. Mặc dù các nhà chú giải như Andrew St. Victor và Thomas Aquinas nhấn mạnh rằng cần phải lấy nghĩa lịch sử và văn chương làm nền tảng vững chắc để diễn dịch và ứng dụng về mặt linh đạo, nhưng linh đạo Trung Cổ nói chung vẫn bám vào ba nghĩa kể trên.
- Cách Nhìn Thiên Chúa và Ân Sủng
Thần học ảnh hưởng đến cái nhìn tâm linh về Thiên Chúa qua việc nó khảo sát, chẳng hạn, mối quan hệ giữa công lý của một Thiên Chúa đáng khiếp sợ (nhiều người qui Nạn Dịch Hạch cho Ngài) và lòng từ bi của một Thiên Chúa nhân hậu và hay tha thứ. Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi toàn thể thụ tạo là điều được cảm nhận rộng rãi. Giáo thuyết về các dấu vết của Thiên Chúa Ba Ngôi nơi toàn thể thụ tạo và một cách đặc biệt nơi con người là những yếu tố chủ chốt trong một số linh đạo. Giáo thuyết của Augustin về việc thần hóa nhờ ân sủng, mặc dù thường bị phớt lờ, vẫn có được một số ảnh hưởng, nhất là khi về sau nó được kết hợp với chủ đề theosis (thần hóa) của Đông phương. Những học thuyết này cung cấp một cơ sở thần học để hiểu cách thế mà đời sống thiêng liêng của một con người tiến tới trên con đường kết hiệp thần nhiệm với Thiên Chúa.
Trong khi giáo huấn này của Augustin cho thấy những hiệu quả tích cực của ân sủng, thì quan niệm của ngài về bản tính con người bị tổn thương trầm trọng do tội nguyên tổ, được truyền lại qua hành vi giao hợp nam nữ, cùng với tư tưởng bi quan của ngài về con số người được tiền định (cho ơn cứu rỗi), đã xâm nhập mạnh mẽ vào thần học và linh đạo, gây ra sự nản lòng về thân phận con người. Anselm và Aquinas thật sự đã hiệu chỉnh đáng kể giáo thuyết ấy bằng cách định vị yếu tính của tội nguyên tổ nơi ý chí bị xáo trộn của con người chứ không phải nơi nhục dục bị xáo trộn. Tuy nhiên, tư tưởng của Augustin tiếp tục gieo ảnh hưởng, gợi lên mối băn khoăn thường xuyên về vấn đề tiền định, về ân sủng, ý chí tự do, và về tiêu chuẩn để con người đáng được ơn cứu độ.
- Cách Nhìn Con Người
Trong nhân học Kitô giáo, thuyết nhị nguyên của Tân phái Platon và chủ trương khinh thường các đam mê của phái Khắc Kỷ, được truyền vào Tây phương bởi các giáo phụ, đã gây ra nỗi sợ hãi và sự xem thường các khía cạnh tốt của các đam mê hay cảm xúc, xem thường thân xác, tính dục, và các hoạt động có tính tự phát của con người. Ảnh hưởng của Aristotle giúp Albert Cả và Thomas Aquinas có những cái nhìn tích cực và toàn vẹn về vai trò của những yếu tố này trong linh đạo. Tuy nhiên, giáo thuyết của các vị này lại không thắng thế. Linh đạo Trung Cổ vì thế tiếp tục đề cao việc dùng ý chí áp chế các cảm xúc, nhấn mạnh sự hành xác gay gắt, khuyến khích một nỗi sợ hãi đầy ám ảnh đối với tính dục và một thái độ e dè đối với hoạt động của con người, nhất là các hoạt động ở trong một thế giới được coi là nguy hiểm và đầy tội lỗi.
Liên quan đến hoạt động luân lý và thiêng liêng của con người, nếu Augustin và Aquinas cùng nhấn mạnh về sự tự do của Kitô hữu được hướng dẫn bởi Thánh Thần trong khuôn khổ Luật Mới, thì khuynh hướng mạnh hơn trong linh đạo lại hướng về một nền luân lý bám vào sự vâng phục đối với các luật lệ và các mệnh lệnh. Trái ngược với linh đạo Đông phương, vai trò của Chúa Thánh Thần thường bị quên lãng hay bị coi nhẹ. Thuyết duy danh vào giai đoạn sau của thời Trung Cổ đã củng cố một nền luân lý bổn phận qua việc dạy rằng sự đúng sai về mặt luân lý tùy thuộc ở một ý chí thần linh độc đoán hơn là tùy thuộc vào “lẽ phải” của Thiên Chúa phản ảnh nơi tự nhiên và nơi cứu cánh của các thụ tạo. Sự hướng dẫn hay trợ giúp thiêng liêng nói chung là theo mẫu thức này, cổ võ sự vâng phục đối với một người khác (nguồn gốc của từ “linh hướng”). Điều này tương phản với cái nhìn của Aquinas rằng một con người, vì được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được trợ giúp bởi Thánh Thần, cần tự quyết và tự biện phân như là cách để chuẩn bị cho những phán đoán khôn ngoan thận trọng của riêng mình.
- Xuất Thế, Nhập Thế
Chủ trương hướng nội (interiorism) của Augustin chiếm ưu thế và chi phối linh đạo Trung Cổ, trong đó phác họa một hành trình đi từ vẻ đẹp bên ngoài của thụ tạo đến thế giới bên trong tâm trí con người và từ đó hướng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Phụng vụ của các tu sĩ và kinh nghiệm chiêm niệm áp dụng con đường hướng nội này để tìm kiếm nếm cảm trước niềm vui thiên đàng. Linh đạo hướng nội này, đầy hoa quả trong nhiều phương diện, được phản ảnh trong những thế kỷ ban đầu không chỉ qua việc các tu sĩ rời bỏ thế gian, mà phần nào đó còn qua chủ trương khinh chê thế gian nữa (contemptus mundi). Rõ ràng là nó đã dẫn tới cái quan niệm phổ biến rằng linh đạo cấp cao nhất là linh đạo được sống bởi các tu sĩ. Còn linh đạo giáo dân thường bị coi chỉ là những mô phỏng cấp thấp của đời tu.
Trong khi Bonaventure tỏ ra là bậc thầy trong việc sử dụng con đường hướng nội nói trên của Augustin, thì Aquinas đặt ra các nền móng cho một linh đạo giáo dân đích thực bằng việc khơi lại chủ điểm của Irenaeus rằng Thiên Chúa được tôn vinh cách hoàn hảo nhất khi mỗi thụ tạo đạt tới cứu cánh mà Thiên Chúa nhắm khi Ngài tạo dựng. Đối với Aquinas, con người - do hữu thể của mình - chỉ trong hưởng kiến mới có thể đạt tới cứu cánh tuyệt đối cuối cùng cũng như niềm vui trọn vẹn của mình, dù vậy, họ cũng có thể tôn vinh Thiên Chúa qua việc đạt được những cứu cánh khác ngay trong thế giới này chứ không phải ngoài thế giới này. Việc khảo sát thêm nữa sẽ cho thấy các tầm nhìn của Aquinas ảnh hưởng mức nào đến các linh đạo ngoài khung cảnh tu trì, tức linh đạo của các giáo dân thuộc các phong trào hay các huynh đoàn được thấy nở rộ vào cuối thời Trung Cổ.
- Cách Nhìn Đức Giêsu Kitô
Những hình ảnh về Đức Giêsu Kitô và thái độ đối với Ngài hẳn nhiên ảnh hưởng đến linh đạo. Vào các thế kỷ ban đầu, hình ảnh Đức Kitô là Đấng Toàn Năng (Pantokrator) đôi khi được làm cho dịu đi qua các phác họa chân dung Ngài như vị Mục Tử Tốt Lành hay như Người Samari Nhân Hậu chữa trị người khách bộ hành bị cướp mất ân sủng và bị tổn thương trong bản tính. Thần học Trung Cổ nói chung thiên về một Kitô học “đi xuống” (Lời thần linh “hạ mình” xuống để trở thành con người), nhưng vào thế kỷ 12 thuyết “assumptus homo” (con người được đảm nhận) quảng diễn một Kitô học “đi lên” (con người này được “đưa lên” thành Thiên Chúa). Trong khi đó, cái nhìn của Augustin về Đức Kitô là Đầu của Thân Thể (là Giáo Hội) có một vai trò trong Giáo Hội học và trong lòng đạo đức bình dân. (Từ ngữ “Nhiệm Thể” không phải do Augustin đưa ra, mà đầu tiên vốn áp dụng cho Thánh Thể, rồi về sau mới được dùng để chỉ Giáo Hội.)
Cũng trong thế kỷ 12, Bernard và các tu sĩ Xitô ngày càng nhấn mạnh nhân tính của Đức Kitô trong khuôn khổ một linh đạo thiên về tình cảm. Khuynh hướng này được đào sâu hơn qua mẫu gương và giáo huấn của Phanxicô Assisi, của các tu sĩ Anh Em Hèn Mọn và các nữ tu Clara, những người ngày càng tập trung lòng mộ đạo vào cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô. Rồi tiếp theo đó là sự chú ý ngày càng tăng hướng vào các thương tích của Chúa; từ đó, với kinh nghiệm thiêng liêng của mình, một số nhà thần bí và tác giả của thế kỷ 13 đi đến phát triển sự tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu. Trong số các tác giả này có Gertrude, Mechtild Hackeborn, và Mechtild Magdeburg. Bonaventure và Thomas Aquinas cũng có những lời rất cảm kích về Trái Tim Chúa Giêsu. Nạn Dịch Hạch, cùng với những truân chuyên do chiến tranh dai dẳng, đưa đến sự nhấn mạnh có tính khải huyền về Đức Kitô như vị Thẩm Phán đáng sợ đang đến để tách chiên ra khỏi dê, như ta đọc thấy trong thi phẩm Dies irae (Ngày thịnh nộ). Các chủ đề cánh chung khác, vốn đã có từ trước, càng phát triển mạnh mẽ hơn vào cuối thời Trung Cổ.
- Cách Hiểu Về Thục Hồi
Những trình diễn (kịch nghệ) có tính thần học và dân gian về Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô đã tác động sâu sắc tới linh đạo. Các giáo thuyết từ trước đó về một Đức Kitô chiến đấu và vượt qua thần dữ, cùng với sự diễn dịch thời Trung Cổ về những đau đớn trong hỏa ngục, đã khắc họa nổi bật ma quỉ và những cám dỗ của ma quỉ trong một thứ linh đạo mang đậm tính chiến đấu. Thuyết về sự thục hồi dựa trên việc lập công đền tội tương xứng (satisfaction) của Anselm đã chuyển hướng quan tâm đến các mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa, cũng như quan tâm tới tình yêu và sự vâng phục của Đức Kitô như cái giá vô cùng xứng đáng để đền món nợ vô cùng lớn mà con người mắc nợ với Thiên Chúa do tội lỗi. Tuy nhiên về sau thần học và linh đạo đôi khi bóp méo thuyết này thành một thứ thuyết “satis-passion” (khổ nạn để làm thỏa lòng), như thể sự cứu độ nằm chính nơi những đau khổ của Đức Kitô. Cái nhìn này đẩy một số linh đạo vào chiều hướng không lành mạnh, với những thực hành sám hối quá chuyên chú vào việc trấn áp thân xác và việc bắt chước những đau đớn của Đức Kitô. Sự nhấn mạnh về việc đền bù, ngay cả khi được nhìn cách đúng đắn qua lòng yêu mến và sự vâng phục tích cực được diễn tả trong sự đền tội, vẫn dẫn tới những sự nhấn mạnh các việc đền tội, gồm cả việc đền bù những tội đã xưng thú, và làm cho người ta quan tâm nhiều hơn về luyện ngục và về các ân xá – đây là những quan tâm đặc biệt của linh đạo cuối thời Trung Cổ. Sự phục sinh của Đức Kitô, dù được các nhà thần học đề cập, vẫn không có được tác động trong linh đạo ở Tây phương như người ta thấy bên Đông phương.
- Đức Maria và Các Thánh
Khi Đức Kitô, cũng như Chúa Cha, được quan niệm là một quan tòa nghiêm khắc, thì sự sùng bái thời Trung Cổ xoay sang các thánh, đặc biệt là Đức Maria, được xem như những vị phù trợ gần gũi hơn và có lòng cảm thông hơn, hay ngay cả được xem như những trung gian giữa con người với Chúa Kitô và Chúa Cha. Sự tôn kính dành cho Đức Maria, các thiên thần và các thánh trong giai đoạn đầu của thời Trung Cổ đã phát triển thành sự cầu khẩn tích cực hướng về các ngài.
Những ngày lễ các thánh kèm theo kinh thần vụ riêng, những cuộc hành hương các đền Đức Mẹ và các thánh, những câu chuyện về các mạc khải và các ơn đặc biệt được Đức Mẹ và các thánh ban cho, những cuộc cung hiến các thánh đường và các dòng tu, kinh Mân Côi, các kinh cầu và các kinh nguyện khác, những trình diễn nghệ thuật, những truyền thuyết, thi ca và thánh ca tôn kính Đức Maria và các thánh, vv... tất cả cùng kết hợp để chuyển hướng linh đạo thời Trung Cổ từ việc qui hướng về Đức Kitô trở thành qui hướng thái quá về Đức Maria và các thánh, chẳng hạn, Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, các thánh Tông Đồ Phêrô và Giacôbê (những cuộc hành hương đến Rôma và Compostela), Thánh Maria Mađalêna, Thánh Martin, Thánh Tôma Becket, và nhiều vị thánh khác.
- Câu Chuyện Sùng Mộ Thánh Thể
Đối với các tu sĩ nam nữ, việc cử hành Thánh Lễ và việc hát Kinh Thần Vụ qui hướng linh đạo của họ vào Đức Kitô và công trình cứu độ của Ngài được hiện tại hóa trong Thánh Lễ. Nhưng đối với phần đông các tín hữu, do không biết tiếng La tinh, lại bị cách ly xa khỏi cung thánh trong các thánh đường rộng lớn, cùng với việc thiếu sự chỉ dạy... dẫn đến thực tế là họ không tham dự tích cực được vào những phụng vụ này. Những giải thích có tính phúng dụ về các nghi lễ, như của Amalarius, liên hệ mỗi cử chỉ phụng vụ với một yếu tố nào đó trong cuộc đời hay cuộc thương khó của Đức Kitô. Những dẫn giải ấy có thể giúp cho lòng mộ đạo bình dân, nhưng chúng cũng gây lệch lạc, không cho phép có một linh đạo Thánh Thể với nền tảng vững chắc.
Tình trạng suy giảm lòng trân trọng qui hướng về cử hành Thánh Lễ cũng là hậu quả của những tranh luận thần học về sự hiện diện của Mình và Máu Thánh Chúa Kitô trong hình bánh hình ruợu đã được truyền phép. Lòng sùng mộ ngày càng tập trung vào sự hiện diện này và vào các phép lạ gắn liền với sự hiện diện này. Nó được thấy nơi nỗi khao khát mãnh liệt được nhìn thấy hình bánh hình rượu được nâng cao lên trong Thánh Lễ (sau truyền phép), và nhất là nó được thấy nơi việc cử hành Lễ Mình Thánh Chúa, với những cuộc rước kiệu và ca hát của người tham dự. Một bằng chứng nữa về sự chuyển đổi trọng tâm, đó là ngày càng phổ biến việc lưu giữ Thánh Thể trong các Nhà Tạm được trau chuốt công phu hơn. Đôi khi các Nhà Tạm này được đặt trong những nhà nguyện đặc biệt. Những sự lưu giữ Thánh Thể như vậy trở thành trọng tâm của lòng sùng mộ Thánh Thể.
- Việc Xưng Tội và Những Thực Hành Phụng Vụ Khác
Lòng sùng mộ và linh đạo của các tín hữu được đẩy mạnh bởi những thực hành phụng vụ khác như việc kiệu rước trong phụng vụ, việc làm phép mọi thứ đồ vật, việc trừ tà, và những Ngày Cầu Mùa, vốn bao gồm những cuộc rước kiệu qua các cánh đồng kèm với việc hát các kinh cầu và các lời nguyện xin cho mùa màng được bội thu.
Trong các thể kỷ đầu việc xưng tội thường xuyên đã lan rộng từ các tu viện tới dân chúng qua sự truyền giảng của các tu sĩ dấn thân vào các việc tông đồ. Sự phát triển của thần học bí tích vào thế kỷ 12 bao gồm nhiều thảo luận về bí tích sám hối và dẫn đến việc xuất bản những sách sám hối hướng dẫn các cha giải tội. Qua việc qui định mỗi năm xưng tội ít là một lần với mục tử của mình, Công Đồng Latêranô IV (1215) càng thúc đẩy sự thực hành bí tích này. Sau công đồng này, các dòng hành khất hăng hái khích lệ dân chúng xưng tội thường xuyên hơn và thực hành nhiều việc đền tội hơn, hoặc trấn an họ hơn qua những cách thức dễ hơn để nhận lãnh các ân xá.
(Trích dịch từ Walter H Principe, C.S.B., Western Medieval Spirituality, trong “The New Dictionary of Catholic Spirituality,” do Michael Downey chủ biên, The Liturgical Press xuất bản, 1993)