LỄ GIAO THỪA CANH DẦN – TÂN MÃO

(Ds 6,22-27; 1Tx 5,16-26.28; Mt 5,1-10)

Chúng ta đang cùng nhau hiện diện vào những giờ phút cuối cùng của năm Canh Dần, những giờ phút thật là linh thiêng và trang trọng như khi chúng ta sắp hoàn thành một công trình quan trọng, hay như khi các học sinh chờ đợi kết quả của kỳ thi chuyển cấp. Từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày và từng tháng đã lần lượt qua đi, giờ đây một năm cũng sắp trôi qua. Niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, bất hạnh, thành công, thất bại, vinh quang, tủi nhục, cũng lần lượt theo dòng chảy thời gian trôi về dĩ vãng và trở thành kỷ niệm.

Tuy nhiên đây không phải là một kết thúc theo nghĩa chấm dứt, nhưng là điểm giao lưu, chuyển tiếp, để mở ra một sự bắt đầu mới, như đông tàn chờ đón xuân sang, như đêm tàn nhường chỗ cho ngày mới. Canh Dần – Tân Mão: hai âm vang nghe không chõi nhau, nhưng gieo vần cho nhau, liên tục với nhau, như cọp và mèo cùng chung một họ. Cái mạnh mẽ của loài cọp trong năm Canh Dần được tiếp nối và bổ túc bởi cái uyển chuyển của loài mèo trong năm Tân Mão. Giờ đây chúng ta đang đứng trước giờ phút tiếp nối ấy và cùng nhau cử hành một thánh lễ để thánh hóa giây phút ấy, để cho những giây phút vốn thiêng liêng lại càng trở thành thánh thiêng. Và chúng ta gọi thánh lễ chúng ta đang cử hành là lễ giao thừa.

Đã từ lâu trong truyền thống văn hóa dân tộc, người Việt Nam chúng ta có tục đón giao thừa. Cử hành một thánh lễ vào lúc giao thừa, Giáo Hội vừa trân trọng nhìn nhận giá trị của tập tục này, vừa muốn đem lại cho nó một ý nghĩa mới: ý nghĩa Kitô giáo. Thật là ý nghĩa khi trong giờ phút giao thừa này chúng ta tự dành cho mình ít phút lắng đọng, tự nhìn lại chính mình và đánh giá lại những gì mình đã làm. Hãy mở lòng đón nhận khí thiêng của đất trời trong phút giây giao hội giữa hai năm, chúng ta sẽ cảm nhận được sức sống mãnh liệt nơi mình khi hoà nhập vào sự đổi mới của trời đất.

Giao là trao, thừa là nhận. Giao thừa là thời điểm năm cũ giao lại và năm mới nhận lấy. Đó là giây phút chuyển tiếp giữa hai năm: cũ và mới. Thái độ của con người trước thời điểm này là “tống cựu nghênh tân”, nghĩa là tiễn biệt cái cũ và đón chào cái mới. Có thay cũ, đổi mới thì đời sống con người mới phát triển, như lá vàng rơi rụng vào mùa đông để cho lá xanh mọc ra nhiều hơn vào mùa xuân, như ngày làm việc cực nhọc qua đi để đêm về có những giây phút nghỉ ngơi bồi dưỡng, như đêm tối chấm dứt nhường chỗ cho ngày mới đem lại ánh sáng vui tươi, giúp con người hăng hái tiếp tục và hoàn thiện công việc của ngày hôm trước.

Tuy nhiên, tống cựu nghênh tân không có nghĩa là phủ nhận toàn bộ quá khứ, nhưng là nhận lấy những gì đã qua, cả thành công lẫn thất bại, để sẵn sàng bước vào tương lai với niềm hăng say và hy vọng. Chúng ta trút bỏ hết những mệt mỏi, rủi ro, lo phiền của năm cũ, để bắt đầu một năm mới với niềm hăng say và tin tưởng. Ngay cả khi năm cũ có nhiều thắng lợi và may mắn, chúng ta cũng không dừng lại để hưởng thụ hoặc cứ say sưa ngủ quên trong chiến thắng, tự mãn với chính mình, nhưng hãy xem đó như một bệ phóng giúp ta tiến nhanh hơn nữa về phía trước, về một tương lai còn nhiều hứa hẹn và tốt đẹp hơn. Chúng ta trân trọng những gì đã đạt được như thành quả của lao động, của sự cộng tác và của tình yêu thương, để tiếp tục phát huy bằng những nỗ lực và sáng kiến mới.

Giao thừa cũng là thời điểm đặc biệt của tạ ơn và xin ơn. Trong suốt cả năm không có thời điểm nào mà tâm tình tạ ơn và xin ơn hòa quyện, nối tiếp nhau, cho bằng giây phút giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành hồn xác đã nhận lãnh trong suốt năm Canh Dần sắp qua, một năm trùng khớp với Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam, một thời gian ân sủng đặc biệt cho Giáo Hội Việt Nam nói chung, cho giáo phận Qui Nhơn và từng người chúng ta nói riêng. Tạ ơn Chúa vì hồng ân sự sống mà Thiên Chúa đã ban cho thân xác và linh hồn chúng ta. Tạ ơn Chúa vì bao nhiêu tài năng và cơ hội mà Thiên Chúa đã ban để chúng ta phát triển bản thân và phục vụ tha nhân. Tạ ơn Chúa vì đã có biết bao nhiêu người mà Chúa đã xếp đặt để yêu thương và giúp đỡ chúng ta.

Cùng với tâm tình tạ ơn, trong giờ phút linh thiêng có một không hai trong năm này, chúng ta cũng dâng lên Chúa những lời cầu xin tha thiết nhất. Lời cầu xin đầu tiên phải là lời xin lỗi, xin Chúa tha thứ những lỗi lầm trót phạm trong năm qua và cả những điều thiếu sót. Chúng ta xin Chúa tha thứ vì đã phí phạm hoặc không biết dùng ơn Chúa cho nên, đã chôn giấu nén bạc Chúa trao để sinh lợi cho Nước Trời, đã không quảng đại đáp lại tiếng Chúa và ích kỷ đối với tha nhân, đã tỏ ra vô ơn khi không bằng lòng về những gì mình có. Chúng ta chỉ nhìn thấy tội lỗi của mình khi ý thức rằng tất cả đều là hồng ân Chúa ban.

Từ kinh nghiệm về những lỗi lầm và thiếu sót trong năm cũ, chúng ta mới nhận thức rằng cuộc sống của mỗi người chúng ta rất cần đến sự trợ giúp của Chúa và được Chúa chúc lành. Vì thế, đứng trước một thời điểm đặc biệt như thế này, và với một niềm tin vững chắc vào Thiên Chúa là Chủ tể thời gian, Giáo Hội cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho các con cái của mình bằng những lời lẽ cảm động như chúng ta vừa nghe trong bài đọc I trích sách Dân Số: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và rủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (Ds 6,24-26).

Được Thiên Chúa chúc lành, đó là điều rất quan trọng và cần thiết khi chúng ta sắp bắt đầu một năm mới. Tuy nhiên, Thiên Chúa không chỉ chúc lành mà còn dạy chúng ta cách sống để mai ngày được hưởng phúc lành tuyệt hảo của Ngài. Vì thế mở đầu bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã vạch ra con đường tám mối phúc thật như chúng ta vừa nghe trong đoan Tin Mừng hôm nay. Trong giờ phút giao thừa linh thiêng này, nhiều người trong chúng ta chỉ biết cầu xin Chúa cho mình trong năm mới được hưởng những điều tốt lành tạm bợ, mà không để ý tới hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu. Nhiều người chỉ biết cầu xin cho được sức khỏe thể xác, làm ăn thịnh đạt. Ít có người cầu xin cho được tinh thần siêu thoát đối với của cải, biết sống hiền lành, vui lòng chấp nhận mọi sầu khổ, khao khát trở nên người công chính, có lòng thương xót đối với những người bất hạnh, luôn giữ được tâm hồn trong sạch, luôn tìm cách xây dựng sự hòa thuận và sẵn sàng hy sinh tính mạng vì chính đạo, để đạt được hạnh phúc đích thât, như Chúa Giêsu đã dạy.

Cụ thể, vào cuối thánh lễ, ai ai cũng nô nức bước lên cung thánh để hái lộc Lời Chúa. Người ta sẽ rất vui khi nhận được những câu Lời Chúa chứa đựng lời chúc lành, nhưng không khỏi buồn sầu hoặc thất vọng khi nhận được những câu Lời Chúa với một nội dung khiển trách hay đòi hỏi gay gắt. Họ đâu có biết rằng chính vì muốn cho họ được hạnh phúc thực sự mà Lời Chúa đã mời gọi họ sám hối, từ bỏ điều ác, thực hành điều thiện và cố gắng vươn lên trong sự trọn lành. Lời Chúa quả thật có an ủi nhưng không hề ru ngủ. Sự ru ngủ chỉ nhằm khiến cho người ta ngủ mê quên đi bổn phận, trái lại sự an ủi có sức nâng đỡ khiến người ta vượt qua khó khăn đau khổ để chu toàn bổn phận.

Chính vì thế, trong bức thư thứ I gửi giáo đoàn Thêxalônica mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc II, sau khi kêu gọi các tín hữu của ngài hãy vui mừng luôn mãi, cầu nguyện không ngừng và tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, thánh Phaolô đã khuyên họ hãy hành động theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, biết khôn ngoan cân nhắc để luôn thực hiện điều tốt và cương quyết lánh xa điều ác. Cuối cùng, tôi xin mượn lời thánh Phaolô trọng đoạn thư này để cầu xin Thiên Chúa gìn giữ anh chị em trong bình an và thánh hóa toàn diện con người anh chị em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh chị được gìn giữ toàn vẹn, không có gì đáng trách trong suốt năm mới đang về.