CHÚT TÂM TÌNH NHỎ TRÀO DÂNG TRONG MỘT MÙA LỄ LỚN

Chúa Giáng Sinh: một hiện diện tuyệt cùng

Cuộc giáng sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa là một biến cố lịch sử vô tiền khoáng hậu bởi vì “Ngôi Lời đã mặc xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” Phải, Chúa giáng trần làm người như ta, sống với ta, đồng hành với ta, ở gần bên ta hơn ta nghĩ tưởng. Việc Ngài giáng trần đã được mạc khải, loan báo, chuẩn bị, và thực sự đã xẩy ra. Thì ra thế: dù là cả một rừng những phương tiện truyền thông trong thời đại ‘Facebook’ và ‘Twitter,’ hình ảnh, truyền hình, truyền thanh, hồi ký, thư từ, e-mail, gửi điện văn, điện thoại cầm tay…nhưng vẫn không đủ, vẫn không thể thay thế được sự hiện diện, sự có mặt nhãn tiền, hữu hình, cụ thể, sờ được, cảm nhận được. Thiên Chúa không hề yêu thương con người từ trên thăm thẳm tầng trời cao xa, biền biệt, theo kiểu viễn liên, viễn thông, điều khiển từ xa. Không, Ngài đã đích thân đến với chúng ta, trong thế giới này, trong khu phố ta ở, ngay trong nhà ta, lẫn trong đời ta, và nhất là ở giữa lòng ta. Cũng theo kiểu cách này, dẫu ở xa xôi cách trở và bận rộn đến đâu, những kẻ vắng mặt xa nhà cũng đều thu xếp để có thể có mặt cùng với gia đinh trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh. “I’ll be home for Christmas.” Sự hiện diện--dẫu chỉ là một có mặt suông sẻ--vẫn tự nó nói lên thật nhiều nếu không là tất cả. Huống chi một hiện diện ân cần, một hiện diện chất ngất yêu thương, một hiện diện cứu độ. Chúng ta hãy cùng chiêm bái và thờ kính Ngôi Lời giáng thế! (xem Fr. Thomas Rosic, CSB, In Jesus, the Medium is indeed the Message, www.zenit.org, ngày 12/21/10).

Chúa giáng sinh từ trong một mái gia đình

Thiên hạ đang đấu tranh nhằm đánh đổ cơ cấu truyền thống và căn cơ của xã hội: hôn nhân và gia đình. Phải, người ta đang tìm đủ cách đủ kiểu để tái định nghĩa về hôn nhân: đó không còn là sự kết hợp của một người nam và một người nữ, mà là của một người với một người (không được phân biệt đối xử!). Thế nhưng mới đây nhất, Giáo Sư Robert George thuộc khoa chính trị Viện Đại Học Princeton, cùng với hai vị dự bị tiến sĩ đã hợp tác trong một bài báo đăng trên Tạp Chí ‘Luật và Chính Sách Công Cộng Harvard’ để lên tiếng bảo vệ cho hôn nhân truyền thống. Họ viết rằng: những ai muốn tái định nghĩa hôn nhân dân sự bằng cách loại bỏ tính cách bổ túc của tính dục xét như một yếu tố căn cốt thì sẽ không thể trả lời được ba câu hỏi sau đây: (1) Tại sao hôn nhân lại là một việc nhập hội mang tính cách dục tính đối kháng lại một thứ nhập hội mang tính độc đáo phân cách hẳn với các sinh hoạt khác (bao gồm các tương quan phi-tính-dục, tỉ như việc bè bạn chung sống với nhau?); (2) Tại sao hôn nhân lại là một sự kết hợp độc nhất vô nhị của chỉ hai người (chứ không phải là ba người hoặc nhiều hơn nữa trong chế độ đa thê đa phụ?); (3) Tại sao hôn nhân, trước tiên và trên hết, lại là một tương quan được nhìn nhận và được điều hướng một cách hợp pháp (bởi lẽ ta không hề nhìn nhận một cách hợp pháp và cũng không hề điều hướng chặt chẽ các mốt tương quan bằng hữu khác?) (xem “Harvard Law Journal Article Defends Marriage,” www.ewtn.com, ngày 12/17/10)

Tình yêu chân thật--chứ không phải tình yêu lãng mạn—thì mong điều thiện hảo cho người phối ngẫu. Thử hỏi trong những mối quan hệ ngoài vòng hôn nhân, những kẻ nhập cuộc có thực sự tự trao hiến cho người khác chăng? Liệu họ có thực sự yêu người khác hay chỉ yêu thích những cảm xúc mà họ tạo được cho nhau? Khoái lạc không hề là một thiện hảo chân thực của con người, bởi lẽ các hành động tác hại có thể cũng đưa đến khoái lạc Ngược lại, đau khổ chưa hẳn là một sự ác; nó có thể chỉ là một cảnh báo mà thôi. Hai kẻ yêu nhau theo kiểu lãng mạn thì chỉ cho nhau mượn đỡ thân xác mà thôi. Đó chính là điểm khác biệt giữa hôn nhân và lăng loàn. Hôn nhân là một ràng buộc mà không một chọn lựa nào có thể tiêu diệt được. Bản chất hôn nhân là người nam và người nữ cam kết chia sẻ cuộc sống với nhau về mọi phương diện: từ thể xác, cảm xúc, cho đến tinh thần, trong một kiểu kết hợp sẽ đưa đến kết quả là thụ thai, cưu mang, và nuôi dậy con cái. Bất kỳ một cuộc kết hợp nào--ngoại trừ hôn nhân mà son sẻ--nếu không đưa đến thụ thai, sinh nở và nuôi dậy con cái thì không hội đủ điều kiện để được gọi là hôn nhân (xem “Panel Defines, Defends Traditional Sexual Morality,” www.franciscan.edu/InstituteofBioethics, ngày 10/20/10).

ĐGH Biển Đức XVI đã bắt đúng mạch căn bệnh thời đại và thế giới hôm nay, một thế giới sa đọa tột cùng, chỉ tôn thờ khoái lạc và dục vọng, những tội tầy trời của Babylon mà Sách Khải Huyền nói tới (18:13). Ngài nêu lên một vài tiêu biểu: thị trường tranh ảnh khỏa thân trẻ em ngày càng trở nên “bình thường” trong xã hội. Dấu chỉ hãi hùng của thời đại hôm nay là giảm hạ con người xuống thành món hàng thương mại, trao đổi. Du lịch tình dục trở thành một dịch vụ ăn khách và đắt giá. Vấn đề ma túy và chất kích thích, vốn là một thứ dịch vụ hái ra tiền, đang vươn vòi bạch tuộc đến mọi ngõ ngách của xã hội trên toàn thế giới. Bao nhiêu khoái lạc mới làm thỏa mãn dục vọng vô đáy của nhân loại hôm nay? Tất cả đều nhân danh một thứ tự do, tuy giả hiệu nhưng chết người. Cứ theo đà này, tự do của con người sẽ dần dần băng hoại để rồi sẽ hoàn toàn bị huỷ diệt. Ở đáy sâu là chủ nghĩa duy tương đối thấm đậm độc dược: không có sự ác tự thân, cũng chẳng có thiện hảo tự thân. Chỉ có cái “tốt hơn” hay “tệ hơn” mà thôi. Làm gì có cái tự nó là tốt, hay tự nó là xấu! Mọi cái xấu tốt đều do hoàn cảnh và mục tiêu nhắm tới. Cái gì cũng có thể là tốt hay xấu, tùy vào mục đích và hoàn cảnh. Luân thường đạo lý được thay thế bằng bài tính về các hậu quả. Rồi ra, luân lý sẽ phải chấm hết. (xem ĐGH Biển Đức XVI, “Christmas Address to the Roman Curia,” www.catholicculture.org, ngày 12/21/10)

Chúa đã giáng sinh, thế còn các thai nhi?

Bác sĩ Carlo Bellieni, chuyên ngành sơ sinh học tại Siena, Ý Đại Lợi, đang cố công tìm tòi và làm việc không mỏi mệt hầu làm thay đổi cái nhìn của thế giới về thai nhi. Hơn hai mươi năm trời ròng rã nghiên cứu và làm việc, ông đã phát huy những phương tiện nhằm tìm hiểu thai nhi và trẻ sơ sinh, cũng như các phương pháp trợ giúp chúng về mặt y tế. Ông đặc biệt nghiên cứu việc các thai nhi và trẻ sơ sinh cảm nhận sự đau đớn như thế nào, và tìm cách làm vơi nhẹ nỗi đớn đau này bằng các phương pháp y học không dùng đến dược phẩm. Theo ông, các thai nhi có các cảm nhận về thú vui, vị giác, thính giác và đau đớn. Chỉ sau hai mươi tuần đầu thai là bộ não thai nhi đã phát triển đến độ có thể phản ứng lại những kích thích của đau đớn. Mười năm trước đây, nếu sinh non trễ nhất là vào tuần lễ thứ 25, trẻ sơ sinh mới mong sống sót. Nay thì khoa học có thể cứu sống hài nhi sinh non vào tuần lễ thứ 22. Chính vì thế, ông ca ngợi dự luật vừa được thông qua tại Nebraska nhằm bảo vệ thai nhi 20 tuần tuổi không bị phá bỏ. Lý do là thai nhi lúc đó đã cảm nghiệm được sự đớn đau rồi. Càng tìm hiểu nhiều về thế giới thai nhi và trẻ sơ sinh mà ông cho là tuyệt vời, tuyệt mỹ--bellissimo—bác sĩ càng phải thốt lên rằng: “Không một ai có thể phi lý đến độ phủ nhận rằng mình chưa bao giờ là một phôi thai cả.” Một khi đã trở thành phôi thai thì tôi cũng đương nhiên trở nên một con người. Chưa hề có một khoảnh khắc nào tôi không là tôi. Ấy thế mà có người cứ khăng khăng bảo rằng trong kiếp người, có một thời đoạn nào đó không có giá trị bằng một thời đoạn khác. Không có một lý do nào để phân biệt đối xử dựa trên quan niệm cho rằng một hình thái con người nào đó thì kém phẩm giá so với một hình thái con người khác.

Thực ra, theo bác sĩ, việc nhìn nhận phôi thai là con người không hề là một vấn đề của tôn giáo, mà là của khoa học và sinh học. Sinh viên nào nói ngược lại thì khó mà được giáo sư cho điểm đậu. Ấy thế mà người ta vẫn tiếp tục dựng lên những bờ tường ngăn cách, cũng có nghĩa là tạo ra những phân biệt đối xử ngay giữa những nhân vị bình đẳng. Và giáo sư kết luận: khoa học luôn luôn là đồng minh của lý trí khi nó nói ‘có’ đối với sự sống. (xem “A Beautiful Thing: Dr. Carlo Bellieni’s Mission To The Unborn,” www.ewtn.com, ngày 12/20/10)

Chúa giáng sinh: món quà sự sống

“Mầu nhiệm Nhập Thể mạc khải cho chúng ta—trong ánh sáng chói loà và một cách đầy kinh ngạc--rằng mỗi một kiếp người đều mang một phẩm giá rất cao sang và khôn sánh.” Đây là lời ĐGH Biển Đức XVI trong đêm canh thức cầu nguyện cho các thai nhi ngày 12/11/10 vừa qua. Nền văn hóa sự chết đang phủ trùm trên thế giới hôm nay đã đánh một liều thuốc gây mê cực mạnh vào lương tâm thế nhân thời đại. Con người bất chấp sự kiện là chính khoa học đã chứng minh rằng thai nhi, dẫu còn đang trong bụng mẹ, đã có nét tự chủ riêng, có khả năng thông đạt và đáp ứng với người mẹ, có được những phối hợp sinh học nhịp nhàng, liên tục tăng triển với các cơ năng ngày càng trở nên phức biệt. Đó không hề là một đống bầy nhầy, mà là một sinh vật mới, sinh động và tuân thủ một thứ trật tự hết sức kỳ diệu: đó đích thực là một cá thể của nòi giống con người. Chúa Giêsu nằm trong cung lòng Mẹ Maria cũng y hệt như thế; mỗi người chúng ta đây cũng đã đều là như thế trong lòng dạ mẫu thân. Nói như Tertullian, một học giả Kitô giáo thời cổ thì: “cái mà sẽ trở thành một con người thì đã thành như thế trong bụng mẹ rồi.” Thật không còn lý do gì để không nhìn nhận thai nhi như là một con người sau lúc đầu thai. ĐGH còn tuyên bố thêm: “Thiên Chúa yêu thương đắm đuối từng con người như thể chỉ có một mình người đó trên đời.” (Diễn văn đọc ngày 02/13/2010 trước Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống). Thế nhưng vẫn nhan nhản trước mắt chúng ta những cảnh tượng bất công, khi biết bao thai nhi bị bức tử, có khi nhân danh chương trình “kế hoạch hóa gia đình,” có khi nhân danh luật “đào thải tự nhiên” khi thai nhi được xác nhận là có khuyết tật, dị dạng, hay chậm phát triển, có khi lại được chính vị “hiền mẫu” của mình, nhân danh nữ quyền, quyết định cho thai nhi “đi tầu suốt.” Càng quái gở hơn, như tại Bỉ Quốc mới đây, một tòa án đã phán “một cách xanh rờn” rằng: chính thai nhi cũng có quyền được BỊ phá bỏ (xem “Human Life as a Consumer Product” trong www.ewtn.com ngày 12/19/10). Nhưng đâu đã yên, khi mạng sống của biết bao trẻ em, dù đã thoát chết (hay ‘thoát thai?’), lọt được khỏi lòng mẹ, vẫn tiếp tục chịu cảnh ngược đãi, bỏ bê, trong nghèo đói, bệnh tật, lạm dụng, bạo hành và bóc lột. Nỗ lực không mỏi mệt của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cần được tiếp nối, ngõ hầu mỗi một cá nhân con người phải được “tôn trọng, bảo vệ, yêu thương và chăm sóc, bởi vì chỉ trong chiều hướng đó công lý, phát triển, tự do chân chính, hoà bình và hạnh phúc mới có cơ hội triển nở. (xem ĐGH Biển Đức XVI, “Promoting a Culture Respectful of Life” www.catholicculture.org, ngày 12/11/10)

Chúa giáng sinh: Món Quà từ Chúa Cha

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một..” (Gioan 3:16). Chúa giáng sinh vì thế là món quà tuyệt vời nhất mà Chúa Cha có thể tặng ban cho loài người. Lễ Giáng Sinh hàng năm là để tưởng niệm cuộc hạ sinh tiên khởi này (The First Noel), không có nó, thì cũng chẳng bao giờ có ngày Christmas cả. Không có Món Quà Tuyệt Luân là Chúa Cứu Thế giáng sinh đến từ Chúa Cha thì tất cả các món quà chúng ta trao tặng cho nhau trong mùa lễ này sẽ chẳng có ý nghĩa gì, cho dù có thể những món quà đó đã được đánh đổi bởi nhiều hy sinh gian khổ: tỉ như thức trắng đêm xếp hàng chờ Black Friday, tìm tòi chạy chọt trên mạng trong Cyber Monday… Ấy thế mà người ta lại đang hùa nhau loại bỏ Chúa ra ngoài, để chỉ tập trung và ngóng rước ông già Noel từ ống khói chui ra. Người ta nhân danh khoa học để bảo rằng cuộc giáng sinh của Chúa cũng chỉ là một huyền thoại như những cuộc hạ sinh huyền thoại khác. Mới đây thôi, Renato Lauro, Viện Trưởng Đại Học Roma, đã đại diện hơn năm ngàn sinh viên và giáo sư từ các Đại Học tại Roma đến triều yết ĐGH và đã chào mừng ĐGH với những lời sau đây: “Tin không hề đi ngược lại suy nghĩ và cũng không đối kháng với cam kết trí thức. Trái lại, tin đòi hỏi và sử dụng lý trí một cách mới mẻ cùng với các động lực khác, như đã được minh chứng suốt hai ngàn năm trong dòng lịch sử phương Tây, qua các triết gia, thần học gia, nghệ sĩ và khoa học gia, vốn là những tín hữu có lòng tin sâu xa (xem ‘Benedict XVI Calls for New Class of Intellectuals,’ trong www.ewtn.com ngày 12/19/10). Loại bỏ Chúa ra khỏi mùa Giáng Sinh thật là một thói thậm vô ơn bội bạc, thậm duy tục, duy vật, và duy lý (xin đọc loạt bài giảng Mùa Vọng của LM Cantalamessa, giảng viên Phủ Giáo Hoàng và Hội Đồng Tư Vấn Roma, trong www.zenit.org, từ ngày 12/04/10). Chính cái thói đời này đã thúc bách chúng ta thực hiện cấp bách một cuộc tái phúc âm hóa thế giới, ngõ hầu công bố cho thế nhân hôm nay biết rằng khi con người tự cô lập mình trong cái thế cô độc giữa vũ trụ này, vốn từ đó nó đã thoát ra một cách ngẫu nhiên, không định mệnh, không cứu cánh, hoàn toàn phi lý, thì con người theo nhãn quan khoa học ấy cũng sẽ tất nhiên loại trừ Chúa Kitô ra khỏi vũ trụ và lịch sử. Phải, lễ Chúa Giáng Sinh chính là phản đề căn bản nhất của chủ trương duy khoa học: bởi vì “moị sự nhờ Ngài mà được tạo thành; không có Ngài thì không loài gì hiện hữu được dựng nên” (Gioan 1:3). Chúa đã nhập thể làm người là để cho loài người chúng ta cũng có khả năng trở thành giống như Chúa. Biến Cố Giáng Sinh quả đúng là một tạo dựng mới, xác nhận hùng hồn việc “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (Stk 1:27). Với phẩm giá này, cho dù sống tại thế và có những bổn phận quan trọng nơi trần thế, trong tương quan với đồng loại và vũ trụ, định mệnh và cứu cánh con người không hề dừng lại nơi trần thế, mà vươn đến vĩnh cửu. Bởi lẽ, qua biến cố Nhập Thể của Chúa Kitô, vĩnh cửu đã đi vào thời gian, được tỏ hiện trong xác thịt. Đúng như Thánh Gioan đã khẳng định: “…chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha, và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi” (1Jn 1:2). Niềm tin vào vĩnh cửu này sẽ giúp ta hăng hái bước tới trên con đường thánh thiện, bất chấp mọi thử thách và chướng ngại của cuộc đời này, bởi lẽ chúng thấm thía gì so với vĩnh cửu (“quid hoc ad aeternitatem?) như thánh Bênađô và thánh Inhaxiô Loyala vẫn hằng tâm niệm.

Đón Chúa giáng sinh: cứ noi theo gương Mẹ Maria

Giáng Sinh đang về, nhưng ta vẫn như hoang mang không biết phải chuẩn bị như thế nào. Có gì đâu: cứ nhìn vào Mẹ Maria, người phụ nữ của Mùa Vọng. “Chỉ có người phụ nữ, chỉ có các bà mẹ mới biết thế nào là đợi chờ. Như thể nó đã khắc ghi sẵn trong thân xác của họ. Họ cho ta biết rằng chờ đợi không phải vì một khiếm diện nào đó cần được đong đầy, mà là bởi vì sự tràn ứ của mạch sống, đang thôi thúc tự mãi bên trong. Chờ đợi để sinh nở.” Đó là lời công bố của Đức TGM Vincenzo Pelvi, Tổng Tuyên Úy quân đội Ý, nhân dịp cử hành lễ Đức Mẹ Loreto, được Không Lực Ý nhận làm Quan Thầy suốt 90 năm qua (xem ‘Bishop of Italian Military Reflects on Our Lady of Loreto,’ www.zenit.org, ngày 12/20/10). Ngài nói tiếp: “Nơi Mẹ Maria, thế gian nhìn thấy một tạo vật chỉ được đan dệt bằng sự thiện hảo, một cánh tay không hề biết đến bạo hành, một lời nói không thể làm thương tổn, một thứ vô tội tuy có bị đe dọa nhưng rốt cuộc vẫn chiến thắng, một cử chỉ không mang vết tích hàm hồ, một ánh nhìn không hề mất vẻ trong sáng vô tội; một trái tim không phân chia, một nét đồng trinh không nuối tiếc; một mẫu tính không hề mang phong cách chiếm hữu; một người phối ngẫu chỉ biết yêu thương trong toàn hiến và nhân ái.” Thật là những lời khen ngợi khôn tả dâng lên vị Hiền Mẫu chân chính, hằng trìu mến nhìn đến từng người trong chúng ta để thỏ thẻ rằng: Con đang được yêu thương đấy! Chúa đã chọn con từ trước khi tạo thành vũ trụ. Và nay, Ngài đang ở với con; Ngài đang đổ đầy ân sủng trên con; và Ngài yêu con mãi mãi.

Năm nay, mùa đông như đến hơi vội vàng, đem theo giá lạnh và bão tố đầy trời. Mấy ngày hôm nay, mây xám che khuất cả chân trời, không cho ánh mặt trời tươi sáng chiếu xuống duơng gian. Tất cả đều gợi nhớ bầu trời thế sự hôm nay, khi mà từng ngày, qua làn sóng truyền thông, sự ác được nhắc đi nhắc lại, nói tới nói lui, chưa kể được khuyếch đại tràn lan, bắt ta phải làm quen với những thói đời ghê tởm, cưỡng ép ta trở thành vô cảm, và có khi còn đầu độc ta nữa; và những tiêu cực cứ mỗi ngày rỉ rả, chất thành từng đống…”Đừng sợ!” đó là lời sứ thần trấn an Mẹ Maria và mỗi người chúng ta. Đức TGM còn nói: “Đừng sợ khi buông ra những lời thứ tha đang được chờ đợi; đừng sợ khi phải đối mặt với vẻ dửng dưng trước cả tình yêu…đừng sợ, bởi vì Chúa đang ở với ta và không gì có thể tách rời ta ra khỏi bàn tay của Ngài. Hãy cứ mở rộng cõi lòng đón nhận tác động của Chúa; hãy có ánh nhìn trìu mến như Mẹ, nhất là đối với những ai đang cô đơn, đang bị ruồng rẫy và bị hành hạ. Trước mặt Chúa, điều duy nhất có giá trị là tình yêu, sự khiêm nhường, và lòng sẵn sàng để được bàn tay Ngài uốn nắn. Với Mẹ, chúng ta cùng vui tươi chào đón Ngôi Lời Tình Yêu giáng sinh!

Mùa Giáng Sinh 2010

Nguyễn Kim Ngân