Bài giảng lễ đêm Giáng Sinh 2010: Chúa không ân hận vì đã làm người !

Dẫn nhập đầu lễ: Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,

Đặc biệt, kính thưa tất cả quý vị không có chung niềm tin Công Giáo, đang hiện diện trong khuôn viên thánh đường nầy,

Cùng với những bước chân thời gian vội vã của những ngày cuối năm 2010 để chuẩn bị bước sang một cuộc hành trình của Năm Mới 2011, trên mọi phần đất của địa cầu đều rộn rã tin vui mà những cánh thiệp Giáng Sinh mang về cùng với lời chúc đã trở thành truyền thống như một câu tục ngữ: “Merry Christmas and Happy New Year !- Giáng Sinh hân hoan – Năm mới hạnh phúc”. Trong bầu khí hân hoan, đầy ắp bình an và chan hoà tình cảm thân thương của tình huynh đệ, tình người, quả thật, Đêm nay, Đêm Thánh Vô Cùng, Đêm Noel đang mang đến cho tất cả chúng ta một thông điệp đầy tin yêu hy vọng như lời Ca nhập lễ mà cộng đoàn Phụng vụ từ ngàn xưa đã hát lên: “Tất cả chúng ta hãy vui mừng trong Chúa, vì Đấng Cứu Độ chúng ta đã sinh xuống gian trần. Hôm nay từ cõi trời cao thẳm, bình an đích thực đến giữa chúng ta”.

Vâng, “Giáng sinh hoan vui và Năm Mới Hạnh phúc” đó chính là lời chúc mừng đẹp nhất, ý nghĩa nhất, cần thiết và thân thương nhất mà chúng ta có thể dành cho nhau trong Đêm Thánh nầy. Merry Christmas and Happy New Year ! (Vỗ tay).

Riêng đối với anh chị em tín hữu Công Giáo, Giáng Sinh nầy cũng nằm trong những ngày cuối cùng của Năm Thánh 2010, năm kỷ niệm hai biến cố đặc biệt, hai cột mốc quan trọng của lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam: 50 năm thành lập hàng Giáo Phẩm Việt nam (1960-2010) và 350 năm thiết lập hai giáo phận tông tòa đầu tiên tại Việt Nam (1659-2009). Vì thế, chúng ta hãy sốt sắng dâng thánh lễ và cầu nguyện cho nhau được hưởng dạt dào hồng ân của Năm Thánh; và cầu nguyện cho tất cả những anh chị em không cùng tín ngưỡng, nhưng đang hiện diện nơi đây để chung chia niềm vui Giáng Sinh cũng nhận được muôn ơn huệ xác hồn, khang an và hạnh phúc.

Giờ đây, trong tâm tình hiệp thông cảm tạ tình yêu Thiên Chúa và nguyện cầu Chúa Giáng Sinh ban muôn ân lộc xác hồn, cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm sám hối tội lỗi để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

Giảng Lời Chúa:

Kính thưa Ông Bà Anh Chị em giáo dân, Kính thưa Quý Vị và các bạn ngoài Kitô giáo,

Trước hết, thay mặt cho bà con giáo dân giáo xứ Tuy Hòa, giáo hạt Phú Yên, tôi xin được trân trọng gởi đến quý vị không có chung niềm tin Kitô đang có mặt ở-đây-giờ-nầy lời cám ơn chân tình và lời chúc mừng Giáng Sinh tốt đẹp và trân trọng nhất.

a/. Với người ngoài Kitô giáo.

Tôi muốn dành những lời đầu tiên nầy để chia sẻ cùng quý vị không cùng niềm tin với chúng tôi. Chúng tôi cám ơn quý vị, quý bạn đã đến đây để chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với chúng tôi, để tham quan ngôi từ đường của đại gia đình kitô hữu Tuy Hoà, để chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, để nghe những bài thánh ca Noel, để lòng lắng đọng trước một đôi gợi ý của Kinh Thánh về huyền nhiệm đức tin Kitô, và giờ đây đang nghiêm túc sốt sắng cùng chúng tôi dâng lễ Tạ Ơn, một hành vi mà chúng tôi tin rằng hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng tín ngưỡng và mến mộ, từ trái tim huynh đệ và hiệp thông, từ ý thức nhân văn của những người văn minh và tiến bộ.

Với chúng tôi, những người Công Giáo giáo xứ Tuy Hoà-Phú Yên, quả thật đây là dịp duy nhất trong một năm, chúng tôi được đón tiếp quý vị như những vị khách quý để có thể chia sẻ với quý vị đôi điều về niềm tin của chúng tôi, để giới thiệu đôi nét đan thanh về Chúa Giêsu, Đấng thiết lập Giáo Hội của chúng tôi, và giới thiệu khái quát về chính cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, một Giáo Hội đang đồng hành với mọi thành phần trong Đất Nước Việt Nam cùng nắm tay gốp phần xây dựng Đất nước mỗi ngày mỗi đẹp hơn huynh đệ hơn, phát triển hơn và tự do dân chủ hơn.

Chúng tôi cám ơn quý vị về nghĩa cử đầy tính hiệp thông và khoan dung nhân ái. Chúng tôi cám ơn quý vị đã biểu lộ tâm tình trân trọng, kính tôn đối với Chúa Giêsu, một Đấng mà chắc chắn quý vị còn rất mù mờ, có khi được hiểu cách lệch lạc và rất nhiều khi được thông tin với một ý đồ không mấy thiện chí, nếu không muốn nói là xuyên tạc và thù nghịch.

Chia sẻ niềm vui Giáng Sinh hay hồng ân đức tin cùng quý vị trong đêm nay lại là một trong những trách nhiệm cốt yếu của ơn gọi là người Kitô hữu của chúng tôi, trách nhiệm làm chứng và loan báo Tin Mừng Cứu độ do Chúa Giêsu mang đến, Đấng mà quý vị cùng với chúng tôi đang hân hoan cử hành ngày sinh nhật lần thứ 2010 của Ngài. Việc sống và chia sẻ niềm tin cũng chính là định hướng mục vụ của Giáo Hội Công Giáo chúng tôi trong Năm Thánh đặc biệt nầy mà Sứ Điệp của cuộc Đại Hội Dân Chúa Việt Nam vừa kết thúc hôm 25.11 đã long trọng tuyên bố:

“Đại hội cũng xác tín rằng để thực sự là Hội Thánh của Chúa Kitô nhập thể và nhập thế, Hội Thánh tại Việt Nam phải nhập thể vào văn hóa và lịch sử của dân tộc mình. Trong hơn 4 thế kỷ hiện diện tại Việt Nam, Hội Thánh đã góp phần không nhỏ vào đời sống và sự phát triển của đất nước. Chính những người công giáo đầu tiên đã tạo ra chữ quốc ngữ mà mọi người Việt Nam hiện đang sử dụng. Các trường công giáo đã đào tạo biết bao nhân tài cho đất nước. Cũng chính người công giáo đã đem những giá trị nhân văn thấm vào đời sống xã hội như tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, sự bình đẳng, tình bác ái, tinh thần phục vụ, hi sinh. Tiếp nối công trình của cha ông, Hội Thánh ngày nay cũng phải dấn thân vào việc xây dựng đất nước về mọi mặt: văn hóa xã hội, cũng như kinh tế chính trị, vì ý thức rằng: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo, không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm” [3]. Khi dấn thân xây dựng xã hội trần thế, Hội thánh “không hề muốn thay thế Chính Quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Hội thánh có thể góp phần mình vào đời sống của Đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân” [4]. Đó cũng là lời chứng cho mọi người thấy vẻ đẹp đích thực của Tin Mừng như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắn nhủ tất cả chúng ta, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người công giáo tốt cũng là người công dân tốt” [5].

Với sự hiện diện đông đảo và thân tình của Quý vị trong giờ phút linh thiêng nầy, chúng tôi tin rằng “ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu”, niềm vui Noel, đã nối kết tất cả chúng ta, để chúng ta có thể mạnh mẽ tuyên bố rằng: cho dù có khác biệt về niềm tin, về ý thức hệ, về quan niệm sống, về truyền thống văn hoá…, thì chúng ta vẫn có thể nói chung một ngôn ngữ - ngôn ngữ của tình bạn, tình người; vẫn có thể để cùng đọng lại một tâm tình - tâm tình yêu thương, nhân ái; và vẫn có thể chung xây một ước nguyện - ước nguyện cho hòa bình, hiệp nhất, khoan dung, tự do và phát triển.

Và đó cũng chính là cùng đích của huyền nhiệm Giáng Sinh, huyền nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể làm người để con người có thể tìm lại được bản vị đích thực của mình: con người xuất phát từ Thiên Chúa, mang ảnh hình Thiên Chúa, anh em trong gia đình Thiên Chúa và được trở về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong Thiên Chúa.

Niềm tin đã dạy cho chúng tôi rằng: tất cả điều đó lại được khởi sự từ cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu, là Đấng mà trước khi Ngài sinh ra khoảng 600 năm, sứ ngôn Isaia đã gọi tên là Đấng Emmanuel – Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta; và khi Ngài sinh ra được đặt tên là Giêsu, có nghĩa là Thiên-Chúa-cứu-độ.

Quả thật Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Emmanuel) là để cứu độ chúng ta (Giêsu): và thế giới kể từ biến cố “Thiên Chúa giáng sinh làm người” đã chuyển từ không tới có, từ mất lại được, từ bóng tối mênh mông tới ánh quang rạng rỡ: Có ơn cứu độ, có sự tha thứ, có hồng ân tái tạo, có ánh sáng và chân lý dẫn đưa ta vào hạnh phúc vĩnh hằng, có hy vọng tin yêu để ta hiểu thế nào là diễm phúc được làm người và làm con Thiên Chúa. Chân lý nầy đã được ngụ ý nơi trích đoạn sách Sứ ngôn Isaia mà chúng ta vừa được nghe công bố:

“Đoàn người bước đi trong tăm tối, đã nhìn thấy ánh sáng bao la, ánh sáng bừng lên trên những miền âm u sự chết…vì một Hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một Người con đã được ban tặng cho chúng ta”.

Thi sĩ Trăng Thập Tự đã cảm nhận sâu xa ý nghĩa nầy trong bài thơ Tại Sao; xin được trích ra đây đôi dòng tiêu biểu:

Còn Ngài yêu con, Ngài đã làm người
Để có thể khóc, để có thể cười,
Để có thể chết thay con mà chuộc tội,
Và nhờ đó con hiểu thế nào là tội lỗi,
Thế nào là lòng Chúa thương yêu.
Để con hiểu ra vẽ diễm kiều
Khi được làm người, khi được làm con Thiên Chúa.
Lạy Đấng Cứu Thế, là Trời, là Tạo Hóa,
Chiều nay trên thập giá,
Chúa có ân hận đã làm người?
Con hỏi và con tự trả lời
Khi con đã biết
Ngài yêu là yêu cho đến đời đời kiếp kiếp
Lạy Thượng Đế làm người, lạy Chúa Giêsu !

(Trăng Thập tự, “Có ai về Cát Minh”, Bài “Tại Sao”, tr.184-186)


Từ ý nghĩa của mầu nhiệm “Emmanuel” – “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đó, và từ cuộc cử hành Phụng vụ lễ Giáng Sinh đêm nay, chúng tôi ước mong và xác tín rằng: chút nữa đây, khi từ giã ngôi nhà thờ nầy để trở về với mái ấm gia đình, quý vị sẽ nhận được tràn trào niềm vui của Giáng Sinh khi quý vị mang theo hình ảnh của Hài Nhi Giêsu dễ thương cùng với lời chúc phúc bình an của Ngài; sẽ mang về hình ảnh của Mẹ Maria dịu hiền khả ái với bàn tay che chở bảo bọc của Ngài; và mang theo hình ảnh thánh Giuse với trái tim cương nghị và trách nhiệm làm cha làm chồng của Ngài. Và biết đâu trong một thoáng lắng đọng tâm tư nào đó giữa bao bon chen, tất bật của đời thường, quý vị chợt cảm nhận được rằng có một Đấng Emmanuel là Chúa Giêsu đang đồng hành với quý vị từ lâu mà quý vị chưa kịp nhận ra; để rồi biết đâu một ngày không xa, nhiều người trong quý vị sẽ hiện diện nơi đây với tư cách hoàn toàn là một Kitô hữu !

b/. Với cộng đoàn giáo dân

Giờ đây, xin quý vị cho phép tôi được ngỏ lời với anh chị em của chúng tôi, cộng đoàn giáo dân thuộc giáo xứ Tuy Hòa.

Anh chị em, chiều hôm nay Mùa Vọng của chuẩn bị đợi chờ kết thúc để nhường chỗ cho Mùa Giáng Sinh của rạng rỡ hân hoan.

Sự chuẩn bị của Mùa Vọng nếu được khơi gợi từ những sứ điệp Thánh Kinh mà hình tượng khắc khổ của Gioan Tẩy Giả, sự trong trắng khiêm hạ khó nghèo của Đức Trinh Nữ Maria, tinh thần vâng phục trách nhiệm của thánh Giuse…như những biểu tượng xuyên suốt của cuộc hành trình đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể, thì sự chuẩn bị đó lại được hiện thực hoá qua biết bao hy sinh âm thầm của các anh em trong ban văn hoá, truyền thông âm thanh, ánh sáng, các bạn trẻ sinh viên học sinh, các ca viên của các ca đoàn, các em thiếu nhi trong đội canh thức, các bà mẹ âm thầm nhặt nhạnh từng ngọn cỏ dại, các anh em trong ban Trật tự, các thành viên trong các ban Chức Việc…Vâng, Mùa Vọng của những giọt mồ hôi hy sinh và chuẩn bị đã trỗ hoa trên những cây thông điện xinh xắn, đã mĩm cười với những ông già tuyết và những chú tuần lộc ngộ nghĩnh dễ thương, đã bừng sáng lên với những dòng điện rực rỡ, đã xinh tươi với những hang đá máng cỏ, đã ngọt ngào với những bài ca Phụng vụ và đã tưng bừng rộn rã với những vũ khúc Giáng Sinh…

Và có lẽ ấn tượng nhất của Mùa Vọng, phải chăng là hàng hàng lớp lớp trong suốt 5 ngày liên tiếp, anh chị em đã sốt sắng nghiêm trang đứng đợi hàng giờ để quỳ xuống nơi toà Giải Tội mà thân thưa lời tạ tội với Chúa và nhận lãnh hồng ân của thứ tha !

Và giờ đây Giáng Sinh đã đến. Niềm vui đã oà vỡ trong tim của mỗi người chúng ta. Một niềm vui thánh thiện, sâu lắng vì chúng ta thật sự đã cảm nhận được thế nào là vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta, thế nào là Giêsu cứu thế, thế nào là “Thiên Chúa yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một, để ai tin vào Con cùa Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Quả thật với mỗi người chúng ta đêm nay, niềm vui Giáng Sinh, Phụng vụ Giáng Sinh không phải chỉ là một lễ hội bình thường, mà là một Tin Mừng đích thực như Tin Mừng mà các thiên sứ đã báo cho các mục đồng thuở xưa nơi đồng vắng Bêlem: “Trong vùng ấy có những người chăn chiên sống ngoài đồng…bổng sứ thần Chúa trong vinh quang sáng láng hiện ra loan báo rằng: “Anh em đừng sợ. Nầy tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là niềm vui cho toàn dân: là hôm nay, trong thành vua Đa-vít, Đấng Cứu thế đã giáng sinh…”

Nếu ngày xưa “trong thành vua Đa-vít, Đấng Cứu thế đã giáng sinh…”, thì hôm nay, trong giáo xứ Tuy Hoà, trong khuôn viên thánh đường rực rỡ uy nghi nầy, Đấng Cứu thế cũng lại đã giáng sinh. Ngài tiếp tục giáng sinh qua mầu nhiệm Phụng vụ được cử hành trang nghiêm sốt sắng; ngài giáng sinh qua những cõi lòng trong trắng, đơn sơ của những em thiếu nhi không quản gió mưa mệt nhọc từng đêm tập múa cho đêm nay; Ngài giáng sinh trong từng đôi tay cần cù, chịu khó của những anh chị em trong các chuyên ban mục vụ, cố gắng miệt mài lo sao cho đại lễ Giáng Sinh được long trọng, hoành tráng và có sức thuyết phục cho tất cả những ai cùng hội tụ nơi đây để chung chia niềm vui của đêm thánh. Ngài giáng sinh tận sâu thẳm cõi lòng của biết bao nhiêu anh chị em đã hơn một lần sống kiếp con hoang lạc loài xa cách mái ấm của nhà Cha để hôm nay trở về làm lại cuộc đời trong ăn năn sám hối…

Vâng, Mùa Vọng đã qua rồi, nhọc mệt đã tan rồi, tội lỗi đã bị xoá hết rồi. Thật thích hợp để cùng đọc lại một lần nữa sứ điệp lời Chúa của Isaia trong bài đọc 1 thánh lễ hôm nay:

“Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi làm mồi nuôi lửa. Vì Một Hài đã sinh ra cho chúng ta, một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta”.

Và từ đêm nay, chúng ta phải cùng nói được với nhau rằng: “Chúng ta đã thấy Chúa”, “Chúa đang ở cùng chúng ta”. Chúng ta phải là những chứng nhân thật sự của mầu nhiệm “Emmanuel”, như lời nhắn gởi hôm nào của Chúa Giêsu: “anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Ngày xưa, các mục đồng thành Bêlem cũng đã làm chứng như thế sau khi đã diện kiến Hài Nhi Giêsu như Tin Mừng Luca thuật lại:

“Đến nơi, họ gặp bà Mara, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi nầy. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên”.

Mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm Emmanuel đã được cảm nhận, sống và loan báo như thế.

Đó chính là một cuộc sống biết thường xuyên trở lại với con đường Tám Mối phúc thật, là không ngừng biết quỳ xuống để “rửa chân” cho anh chị em, là nhẫn nại để “70 lần 7” khoan dung tha thứ, là mau mắn lên đường để “viếng thăm và chia sẻ niềm vui nỗi sầu cho những người chung quanh đang cần an ủi. Là như Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta dành cả cuộc đời để sẻ chia và phục vụ những người bất hạnh để họ tìm lại ánh sáng của niềm tin và nhận ra Thiên Chúa đang yêu thương mình (như Mẹ đã thắp sáng ngọn đèn cho căn hộ tăm tối của một cụ già bị bỏ rơi trong cô độc đau buồn).

Sống mầu nhiệm “Emmanuel” cũng có nghĩa là từ nay người vợ sẽ nhìn thấy Đấng Emmanuel trong gương mặt của chồng để sắt son chung thủy, là con cái nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cha mẹ để hiếu thảo kính yêu, là bạn bè nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cuộc đời của nhau để yêu thương và phục vụ, và tất cả chúng ta cùng nhìn thấy Đấng Emmanuel trên gương mặt ốm đói của những người nghèo, trong trái tim đầy khát vọng của những bạn trẻ, nơi tâm hồn khát khao tìm kiếm của các anh chị em chưa nhìn biết Chúa Kitô, trong ánh mắt khổ đau bất hạnh của bao nhiêu trẻ em bị bỏ rơi hắt hủi, nơi thân tàn ma dại của các bệnh nhân siđa…để yêu thương và phục vụ…

Nếu tất cả chúng ta đều sống được như thế, thì như cách cảm nhận của thi sĩ Trăng Thập tự, Chúa sẽ không ân hận vì đã làm người !

Và trong ý nghĩa đó, lời cầu của đêm nay chúng ta sẽ dành cho nhau chính là lời cầu của toàn thể Hội Thánh Việt Nam được cô đọng trong lời kết của Sứ Điệp Đại Hội Dân Chúa Việt Nam:

“Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa ngự đến trong tâm hồn mỗi người chúng con và biến đổi chúng con thành môn đệ đích thực của Chúa. Xin Chúa ngự đến trong mỗi gia đình công giáo, để gia đình trở thành cộng đoàn thờ phượng Chúa, hiệp nhất yêu thương nhau và cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời. Xin Chúa ngự đến và hiệp nhất tất cả chúng con trong cùng một sứ mạng yêu thương và phục vụ, quyết tâm xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương, để dung nhan Chúa bừng sáng trên quê hương Việt Nam chúng con. Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.” (Sđ ĐHDCVN)