Giáo Phận Phát Diệm và VietCatholic

hân hạnh giới thiệu

Bộ Film DVD và Video mới:


100 năm Nhà thờ Phát Diệm



DVD và Video 100 năm Phát Diệm gồm có:

  • Lịch sử Giáo Phận Phát Diệm
  • Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ và vùng Kim Sơn Ninh Bình
  • Cha Trần Lục, một vĩ nhân có cái nhìn xa thức thời
  • Giới thiệu Khu kiến trúc khu quần thể Phát Diệm
  • Viên ngọc của kiến trúc Á Đông: Nhà thờ đá: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
  • 4 Nhà thờ cạnh: Thánh Gioan Tiền Hô, Thánh Roco, Thánh Giuse, Thánh Phêrô
  • Giới thiệu Nhà thờ Chính Tòa Phát Diệm
  • Phương Đình Phát Diệm
  • Cuộc Rước Kiệu vĩ đại trong khung viên Nhà thờ Chính Tòa
  • Bài Múa Trống nhảy
  • Cuộc phỏng vấn với Đức Cha Giuse Nguyễn văn Yến
  • và những bài hát
  • Bài hát ‘Từ bây giờ cho đến ngàn thu’ do ca đoàn Phát Diệm trình bày
  • Bài hợp xướng ‘Khúc nhạc yêu thương’ trước nhà thờ đá, do ca đoàn Phát Diệm trình bày
  • Bài hát 'Tràng hoa dâng Mẹ' tại gian Cung Thánh do ca đoàn Phát Diệm trình bày
  • Bản đàn hợp tấu với các cây đàn truyền thống dân tộc Việt Nam “Linh hồn tôi tung hô Chúa” do các nữ tu Mến Thánh Giá Phát Diệm trình tấu


I. Nhà thờ Phát Diệm và cha Trần Lục

Lịch sử Giáo Phận Phát Diệm khởi đầu từ xa xưa đã lâu lắm rồi, khi mà vùng Kim Sơn Phát Diệm là một phần của cửa biển Thần Phù, nơi một nhánh sông Hồng và sông Càn giao nhau ở Biển Đông mênh mông. Thiên nhiên đã biến nơi đây thành một cửa biển mà mức độ nguy hiểm từng đi vào ca dao:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù,

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.


Rồi biển sóng nhường chỗ cho đất bồi cứ lấn mãi, lấn mãi, để đến năm 1829, Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ đến đây khai khẩn đất hoang lập nên huyện Kim Sơn gồm bảy tổng, 60 làng trại với 14 620 mẫu ruộng. Những ngôi làng của vùng đất nhuộm đẫm phù sa này được cụ Nguyễn Công Trứ sắp đặt theo chiều Bắc - Nam với những con sông nhỏ chạy song song giống như những con rồng vươn mình ra phía biển khơi. Những tên làng cũng thật đẹp: Trì Chính, Thủ Trung, Lưu Quang, Hướng Đạo, Hoà Lạc..., rồi Phát Diệm, nghĩa là toả ra vẻ đẹp.

Đền thờ Cụ Nguyễn Công Trứ toạ lạc trên nền ngôi nhà xưa cụ từng sống, tại làng Lạc Thiện, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn để ghi nhớ công ơn người đã đặt nền tảng cho sự phát triển của cả miền Kim Sơn sau này.

Gần 40 năm sau, một nhân vật hậu sinh đã nối chí Cụ Nguyễn Công Trứ trong việc khai khẩn đất hoang, đồng thời để lại cho vùng Kim Sơn - Phát Diệm những di sản quí giá. Đó là Cha Phê-rô Trần Lục.

Cũng nên biết Cha Phê-rô Trần Lục vốn tên là Hữu, sinh năm 1825 ở làng Mỹ Quan, tục gọi là làng Khan, tức là họ Đạo Đức, xứ Kẻ Dừa, nay thuộc giáo phận Thanh Hoá.

Những dãy núi đá vôi này đã từng gắn liền với tuổi thơ của cậu Hữu. Phải chăng tuổi ấu thơ liền với núi sông cẩm tú đã gợi cảm hứng cho cậu ôm ấp hoài bão xây dựng một quần thể có non nước hữu tình với đá và gỗ.

Còn xa xa kia nữa, giữa rừng đá liền kề làng quê cậu Hữu, mọc lên một pho tượng bán thân. Dân ở đây gọi đó là Lã Vọng.

Nơi đây là xứ đạo Kẻ Dừa với một khuôn viên rộng rãi và yên tĩnh. Ngôi nhà thờ này được xây dựng nhiều năm sau khi Cụ Sáu từ trần, nhưng mảnh đất này từng là nơi cậu Hữu học kinh bổn, dự thánh lễ, và như vậy đã có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong việc hình thành nhân cách và chiều kích tâm linh cũng như tôn giáo nơi con người Cụ Sáu.

Năm 15 tuổi, cậu Hữu vào sống với cha Tiếu tại giáo xứ Bạch Bát, nay là xứ Bạch Liên thuộc giáo phận Phát Diệm. Vẫn là những dãy núi, những cánh đồng, và cả ngôi nhà thờ đã in vết sâu đậm trong ký ức tuổi thiếu niên của cậu Hữu. Ngôi nhà thờ hiện nay được xây dựng vào năm 1906 ở vị trí của ngôi nhà thờ trước đây từng in dấu chân cậu Hữu.

Năm 1845 cậu Hữu được cha Tiếu cho vào học Trường La-tinh ở Vĩnh Trị, ở đây, cậu được cải tên thành Trần Triêm. Ngôi làng bình yên nép mình bên dòng sông Đáy này là nơi thày Triêm từng sôi kinh nấu sử, từng được sống với những bậc danh sư như cha thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh, cha thánh Nê-rông Bắc, cha thánh Vê-na Ven. Có thể nói thời gian tu học ở đây có tính cách quyết định đối với chiều sâu tư tưởng cũng như học vấn uyên thâm nơi con người thày Triêm.

Năm 1858, thày Triêm lãnh tác vụ Phó Tế. Cũng năm này thày bị triều đình nhà Nguyễn bắt vì đạo, bị đi đày ở Lạng Sơn. Chính tại nơi lưu đày biệt xứ, thày được mọi người gọi bằng cái tên sau này trở nên quen thuộc: Cụ Sáu. Những thăng trầm thế cuộc đã rèn đúc Cụ Sáu thành một con người có ý chí và nghị lực khác thường để sau này Cụ Sáu có dịp dụng công kiến tạo và lưu lại cho đời sau một công trình bất hủ, cũng là niềm tự hào của nền kiến trúc Việt Nam.

ở vùng đất bồi, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, Cụ Sáu đã khéo léo lợi dụng sức nước vận chuyển hàng chục ngàn tấn gỗ đá để chuẩn bị cho một công trường xây dựng khổng lồ.

Kể từ khi nhận nhiệm vụ coi sóc xứ Phát Diệm vào năm 1865 cho tới khi qua đời năm 1899, trong vòng 34 năm cuối đời, với những phương tiện hết sứ thô sơ, Cụ Sáu đã lần lượt xây cất các công trình đồ sộ trong quần thể Nhà thờ Phát Diệm.

II. Giới thiệu khái quát

Trên một diện tích gần 3000 m2, Cụ Sáu đã lần lượt kiến tạo mười công trình lớn nhỏ khác nhau.

Núi Táng Xác là công trình đầu tiên được dựng năm 1875 nhằm mục đích thử độ lún của đất tân bồi. Núi này từ năm 1954 được đổi tên thành núi Sinh Nhật.

Núi Giệt-si-ma-ni nhắc nhở biến cố Chúa Giê-su cầu nguyện vào đêm trước khi Ngài chịu chết. Núi này được dựng năm 1896, và từ năm 1925 được đổi tên thành núi Lộ Đức.

Hang Bê Lem với dáng dấp tự nhiên, được điểm tô bằng hai cây đại mà dấu vết thời gian đã in đậm trên thân cây sần sùi uốn lượn. Núi này được dựng năm 1898, và từ năm 1957 được đổi tên thành Núi Sọ.

III. Nhà nguyện Trái Tim Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Nhớ lại khi còn đi đày vì đạo ở Lạng Sơn vào năm 1860, có lần Cụ Sáu lâm cơn bạo bệnh tưởng chừng không qua khỏi. Cụ đã dâng một lời khấn: “Đức Mẹ thương cho qua cơn này, thời khi đạo rộng mà được về nơi cựu sở, sẽ dụng tài lực xây một ngôi nhà thờ tôn kính Mẹ”.

Khi trở thành cha xứ Phát Diệm, Cụ đã ấp ủ kế hoạch thực hiện lời khấn trên, và đến năm 1883, Cụ tiến hành xây cất Nhà Nguyện dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ. Công trình này hầu như hoàn toàn bằng đá, một loại đá có chất lượng đặc biệt, được chạm trổ hết sức công phu, xứng đáng là viên ngọc trong quần thể Nhà thờ Phát Diệm.

Mặt tiền ngôi nhà nguyện này là sự kết hợp khéo léo giữa tính cách bề thế, vững chãi của đá với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thủa xưa. Hai ngọn tháp hai bên có dáng dấp như Tháp Bút bên hồ Hoàn Kiếm, chỉ khác là ở đây, cây thánh giá thay chỗ cho cây bút.

Ngọn tháp chính giữa công phu và đẹp nhất với bức phù điêu có hình trái tim bị đâm thâu qua, là biểu tượng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ. Nét đặc biệt là vào thời điểm xây dựng ngôi nhà nguyện này, Cụ Sáu đã có ý thức dân tộc rất mạnh khi khắc một lời cầu bằng bốn loại chữ viết lên trên ngọn tháp này, trong đó, chữ quốc ngữ được trân trọng đặt lên trên cùng với nội dung: “Lái Tim Rất Thánh Đức Bà Chẳng Hề Mắc Tội Tổ Tông Truyền Cầu Cho Chúng Tôi”.

Nhà nguyện trái tim đức mẹ

Giờ đây chúng ta cùng theo chân các du khách vào thăm ngôi nhà nguyện này.

Nghệ thuật trang trí ở trong ngôi nhà nguyện có thể coi là một công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất ở Việt Nam, bởi vì các chi tiết chạm trổ ở đây hầu như hoàn toàn bằng đá, từ cột, kèo, xà, bẩy đều bằng đá, nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng của kiến trúc bằng gỗ. Nét độc đáo ở đây đó là có thể nói đá hoá thân thành thiên hình vạn trạng, đá trở thành những chi tiết uyển chuyển nhẹ nhành. Có lẽ vì lý do đó, mà các chuyên gia nghệ thuật chạm khắc đá ở Việt Nam đưa ra lời nhận xét rằng: “Ngôi nhà nguyện này là hội tụ tất cả những tinh hoa nghệ thuật chạm khắc đá ở Việt Nam vào thời điểm xây dựng.

Ở bốn góc nhà nguyện này, là bốn bức chạm thông phong giới thiệu bốn loài cây mai, trúc, cúc, tùng, đây là bốn loài cây tượng trưng cho người quân tử; cây mai tượng trưng cho tính cách nhẹ nhàng thanh cao; cây trúc có thân mọc thẳng nên tượng trưng cho tính cách cương trực và ngay thẳng; cây trúc là loài đơn bông cho độ chướm thu, là khi mọi thứ cây thu mình lại, đó là hình ảnh diễn tả sự vượt lên trên ngoại cảnh; cây tùng là loài cây luôn luôn hiên ngang, đặc biệt cây tùng luôn xanh tốt trong suốt mùa đông là khi tất cả mọi loài cây đều trút lá, vì thế bốn loài cây này được chọn làm biểu tượng cho người quân tử.

Bàn thờ chính là một tảng đá nguyên khối, được chạm trổ hết sức tinh xảo, chính giữa là bức phù điêu giới thiệu hình trái tim có lưỡi gươm đâm thâu qua. Đây là biểu tượng đau đớn của Đức Maria trong công trình cứu chuộc của con Ngài.

Ở bên tay trái là một bức phù điêu giới thiệu một chiếc giếng phủ kín, trên nắp giếng có dòng chữ La-tinh “Puteus signatus” có nghĩa là giếng niên phong.

Ở bức bên tay phải là một bức phù điêu khác giới thiệu một khu vườn có hoa, có lá, có rào và có khoá. Đây là hai hình ảnh được lấy từ sách Diễn Ca nhằm cho thấy Đức Đồng Trinh Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria. Nếu như mặt tiền của bàn thờ là những hình ảnh trình bày về Đức Maria theo cái nhìn Thánh Kinh, thì hai mặt bên của bàn thờ là những hình ảnh về Đức Maria theo cái nhìn của người Việt Nam, vì bông sen tượng trưng cho sự trong trắng. Có thể nói Cụ Sáu đã rất táo bạo khi đặt cụm sem vào đây. Bởi vì theo cái nhìn của Nhà Phật, thì sen là loài cây diễn tả nhiều quan điểm của Phật pháp nhất, nên được chọn làm biểu tượng của Phật Giáo, bố cục của cụm sen này rất chặt chẽ. Cụm sen được trình bày từ khi mọc lên, thành nụ, thành hoa, hoa già, thành quả rồi rũ xuống. Nói cách khác, đây là vòng đời của cây sen, ở chính giữa của bức chạm này là hình lá sen được chạm theo hình cây thập giá. Chúng ta biết rằng sen là biểu tượng của Phật Giáo trong khi thập giá là biểu tượng của Kitô Giáo. Dường như qua bức chạm này, tác giả muốn cho thấy rằng mọi tôn giáo, mọi nền văn hoá dú khác biệt nhâu đến đâu, vẫn có thể chung sống hài hoà với nhau, để kiến tạo một bức tranh tuyệt đẹp, và nhìn vào đây lập tức ta cũng liên tưởng đến quan điểm luân hồi của Phật Giáo, cuộc sống mãi là như thế, vẫn sinh ra, phát triển rồi lại chết đi. Với hình cây thậy giá ở trung tâm dường như tác giả còn muốn chuyển tải đến chúng ta một thông điệp thần học hết sức quan trọng, vòng đời của bông sen, vòng đời của con người hay vòng thăng trầm của lịch sử nhân loại đều có thể đặt thập giá của Đức Giêsu Kitô ở trung tâm để thánh hoá và biến đổi. Đây là một trong những bức chạm lớn trong khuôn viên nhà thờ đá, bức chạm này được chạm trổ tinh vi cả hai mặt, có thể nói tác giả đã rất táo bạo khi đặt một biểu tượng hoàn toàn xa lạ với Kitô giáo vào chính giữa của bức chạm này, đó là biểu tượng của Âm Dương. Theo cái nhìn của người á Đông cụ thể là trong kinh dịch nói: “thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái biến ra vạn vật trong vũ trụ. Nói cách khác biểu tượng Âm Dương này chính là vũ trụ quan của người á Đông nó giới thiệu về cuội nguồn, về nguyên lý chi phối với vạn vật trong vũ trụ, ở mật ngoài của bức chạm này là hình con sư tử với gương mặt đang cười. Chúng ta biết rằng theo cái nhìn Thánh Kinh thì con sư tử chính là biểu tượng giới thiệu Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu được gọi là sư tử chiến thắng nhà Giuđa, phải chăng qua bức chạm này, tác giả muốn chuyển tải những tư tưởng thần học rất quan trọng. Chúa Giêsu Kitô chính là trái tim. hay nói cách khác Ngài là trung tâm, Ngài là cuội nguồn, là nguyên lý chi phối vạn vật trong vũ trụ.

Phượng hoàng vốn là biểu tượng của sự trong trắng, siêu việt, của hạnh phúc và của vị nữ hoàng. Bức chạm này đã khéo léo giới thiệu các đức tính và vẻ đẹp của Đức Mẹ, đồng thời với mỏ chim mang sợi dây buộc bút và nghiên dường như Cụ Sáu muốn cho thấy rằng Đức Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa trên thân xác Ngài.

VI. Bốn nhà thờ cạnh

Năm 1889, Cụ Sáu cho xây dựng nhà nguyện dâng kính Trái Tim Chúa với nội thất hoàn toàn bằng gỗ lim. Cửa vào ngôi nhà nguyện này là một tác phẩm điêu khắc gỗ tuyệt vời. Tất cả đều được chạm trổ tinh vi tới từng chi tiết nhỏ. Một viên chức cao cấp người Pháp đã từng say sưa ngắm tác phẩm này, rồi ngỏ lời xin mượn toàn bộ những phần bằng gỗ ở cửa vào này để đưa về Paris, kinh thành ánh sáng thời đó, triển lãm. Cụ Sáu từ chối vì tác phẩm này đã được dâng cho Chúa vĩnh viễn.

Vào trong, ta thấy dường như tất cả nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc gỗ với lịch sử hàng nghìn năm trên đất Việt đã về đây dự hội. Đây nét huy hoàng, uy nghi đường bệ của chốn đế đô. Đây nét duyên dáng của những Tây Đằng, Thổ Hà, Chu Quyến, Chùa Keo. Đây phong cách chạm trổ tinh xảo của những Đền Vua Đinh, Vua Lê, những Đình Bảng, Phù Lão, Hương Canh.

Bàn thờ bằng đá mang đậm phong cách biểu tượng. Những bức phù điêu giới thiệu nơi thì con chiên, nơi thì chim bồ nông lấy máu thịt mình nuôi con, nơi khác lại là con sư tử.

Năm 1895, Cụ cho xây dựng nhà nguyện kính thánh Gio-an Tiền Hô với nội thất bằng gỗ mít. Gỗ ở đây trở thành những tấm màn vén lên nhẹ nhàng, những vòm tròn mềm mại uyển chuyển. Ta không khỏi thán phục trình độ nghệ thuật, khả năng thẩm mĩ cũng như nét chạm tài hoa của các nghệ nhân thời xưa. Từ năm 1923, nhà nguyện này được đổi tên thành nhà nguyện kính thánh Rô-cô.

Năm 1896, Cụ Sáu tiếp tục xây dựng nhà nguyện dâng kính thánh Giu-se với nội thất bằng gỗ lim. Nơi đây gỗ hoá thân thành những bông huệ quấn quýt đan xen vào nhau, thành những sợi dây mảnh mai duyên dáng, thành những tấm màn vén lên kín đáo nhẹ nhàng.

Hai bên gian cung thánh là mười bốn bức phù điêu theo dòng đời thăng trầm chìm nổi của thánh Giuse.

Lễ cưới Đức Mẹ và thánh Giu-se. Thiên thần báo tin cho thánh Giuse. Đi thăm bà Ê-li-sa-bét. Bị xua đuổi. Cảnh Giáng Sinh. Dâng Chúa trong Đền Thờ. Thiên thần báo mộng. Trốn sang Ai Cập. Nghỉ ngơi khi chạy trốn. Thánh gia bên Ai Cập. Chúa Giêsu trong Đền Thờ năm mười hai tuổi. Sinh hoạt của thánh gia. Thánh Giuse qua đời.

Tất cả dường như là một bản hợp xướng tuyệt vời về sự cao cả mà âm thầm của thánh Giu-se.

Rời nhà nguyện dâng kính thánh Giu-se, ta đến với một công trình khác cũng được thực hiện vào năm 1896, đó là ngôi nhà nguyện dâng kính thánh Phê-rô, quan thày của Cụ Sáu. Nội thất công trình này hầu như hoàn toàn bằng gỗ mít. Đây chùm chìa khoá, chiếc mũ ba tầng thể hiện quyền uy của thánh Phê-rô, đây những nét chạm, những đường cong như đã chạm tới tuyệt đỉnh thẩm mĩ. Đường chạm có chỗ nhẹ nhàng tinh tế, có chỗ mạnh mẽ uy nghiêm. Tất cả đều đã được tính toán kỹ lưỡng để chúng hài hoà, nương tựa và bổ túc cho nhau tạo thành một tổng thể.

Vì ngôi nhà nguyện này được dâng kính thánh Phê-rô nên bàn thờ chính là một tảng đá nguyên khối liền từ trên xuống dưới với trọng lượng khoảng trên 20 tấn. Hai bên gian cung thánh là 12 bức phù điêu giới thiệu 12 vị Tông Đồ với đường nét tuyệt đẹp. Góc mỗi bức phù điêu là một lời cầu bằng chữ Nôm của một trong 12 họ đạo thuộc xứ Phát Diệm thời Cụ Sáu dâng lên vị thánh quan thày.

V. Nhà thờ Chính Toà Phát Diệm

Mặt tiền Nhà Thờ Lớn

Nhà Thờ Lớn được xây dựng năm 1891. Khi chúng ta đứng phía trước mặt tiền Nhà Thờ Lớn chúng ta sẽ nhận ra được rằng mặt tiền nhà thờ được kiến trúc bằng những khối đá lớn, gồm 05 lối vào và phía trên có 03 tháp vuông với những mái cong. Tháp vuông và mái cong là sự kết hợp hài hoà giữa âm và dương, là biểu hiện của âm dương hoà hợp; con số 3 tượng trưng cho tam tài theo triết học á Đông - thiên, địa, nhân - trời, đất và con người, nói lên mối quan hệ ràng buộc hữu cơ trong vũ trụ; con số 03 giúp người tín hữu ý thức mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nhìn toàn cảnh kiến trúc mặt tiền nhà thờ chúng ta dễ dàng nhận thấy sự kết hợp hài hoà giữa hai trường phái kiến trúc: Gothic và á Đông, đồ sộ, bề thế với những vòm cuốn đá, nhưng lại không vươn cao mà lại trải rộng, ẩn mình trầm mặc theo phong cách á đông. Nếu người phương Tây muốn mỗi công trình kiến trúc của họ đều nổi bật trên khung cảnh của Tạo hoá, thì ngược lại người á Đông lại mong muốn những nhà cửa của mình, những công trình kiến trúc hoà hợp với phong cảnh xung quanh, với thiên nhiên vạn vật.

Nhìn lên phía trên cửa vào, chúng ta thấy những khối đá lớn được trang trí thanh thoát nhẹ nhàng đường nét chạm trổ sắc sảo, tinh vi với những bức rèm được vén mở như muốn mời gọi, như thúc giục con người vào Nhà Chúa.

Phía trên mỗi cửa vào đều có 03 bức phù điêu, tất cả là 15 mầu nhiệm Mân Côi được tạc nổi trên đá; từ bên phía tay trái: Năm Sự Vui - Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ, Năm Sự Thương - nói về cuộc Tử Nạn của Chúa và kết thúc ở bên phía tay phải khi Đức Mẹ được hưởng triều thiên trên Thiên quốc.

Điều mà chúng ta cảm thấy thú vị đó là những bụi hoa sen được tạc cách điệu lẫn với những bụi hồng dây tượng trưng cho chuỗi Mân Côi, rồi các Thiên Thần trong tư thế đấu vật của tranh Đông hồ, các nhân vật trong Thánh Kinh mang gương mặt của người á Đông - gương mặt tròn trịa, viên mãn, các thánh mặc áo gấm, quan tổng trấn Philatô đội mũ cánh chuồn, rồi các Thiên Thần kéo nhị, thổi sáo.

Trong 05 lối vào của mặt tiền nhà thờ được kiến trúc độc đáo và kiên cố, chúng ta thấy có các Thiên Thần tay cầm bình nước phép, phía trên có những dòng chữ Latinh được lấy ý từ trong Thánh Kinh, một trong những dòng đó được dịch như sau: “Hãy xin để cửa mở cho anh em, hãy làm hoà với kẻ thù trước khi đến bàn thờ Chúa”.

Bên trong ngôi Nhà thờ Phát Diệm

Ngôi nhà thờ chính toà Phát Diệm được xây dựng vào năm 1891, theo các tài liệu lịch sử kể lại thì việc dựng ngôi nhà thờ này chỉ diễn ra trong vòng 03 tháng, theo cách tính của người Việt Nam tức là kể từ khi đặt các chi tiết gỗ cho đến khi chính thức đặt được cây thượng lương. Công trình này có thể coi là hội tụ của hai nền kiến trúc Đông-Tây. Kiến trúc phương Tây thể hiện qua lối vào ở đầu nhà thờ và lòng nhà thờ cao vút lên, là một trong những nét đặc trưng của kiến trúc Gothic. Kiến trúc á Đông, cụ thể là kiến trúc Việt Nam thể hiện qua những cách bố trí cột, kèo, các chi tiết chạm trổ hoa văn uyển chuyển, tinh tế, nhẹ nhàng.

Nhà thờ gồm có 06 hàng cột gỗ lim, tức là 52 cây cột, trong đó hai hàng cột ở chính giữa gồm 16 cột là đồ sộ nhất, mỗi cây cột cao 11m và cột lớn nhất chu vi là 2,65m. Nhà thờ được bố trí theo lối thượng thu hạ thách, tức là càng lên cao càng thu vào, cụ thể là mỗi cây cột cứ cao lên một thước ta là nghiêng vào từ 1,5-2cm.

Nhà thờ gồm có 09 vì kèo, nét chạm trổ càng gần cung thánh càng tinh tế càng uyển chuyển; mỗi vì kèo nặng ước chừng 25 tấn. chúng ta thử tưởng tượng rằng, cách đây trên 100 năm, với những phương tiện hết sức thô sơ, không có máy móc như bây giờ, cha ông chúng ta đã phải ghét tất cả những vì kèo đồ sộ này ở dưới đất, rồi dùng sức trâu, sức người, dùng mặt tiền nhà thờ làm điểm tựa để kéo tất cả những vì kèo đồ sộ này lên.

Chúng ta đang ở trong gian cung thánh nhà thờ chính toà Phát Diệm với bức phông vô cùng lộng lẫy đã từng khiến một ký giả người Pháp phải thốt lên “tôi chưa từng thấy gian cung thánh ở đâu lộng lẫy, rực rỡ như ở đây”. ở trên cùng là hình ảnh Đức Mẹ trao tràng hạt Mân Côi cho thánh Đaminh, xung quanh là hình ảnh của các vị Thiên thần với khuôn mặt đầy đặn của em bé Việt Nam. ở dưới chính giữa là hình Đức Chúa Giêsu làm vua, xung quanh là 06 vị thánh tử đạo Việt Nam, gồm có: một vị Giám mục, một vị Linh mục, một vị quan triều đình, một anh lính, một ông lý trưởng và một phụ nữ nông dân. ở dưới nữa, chính giữa là tượng Đức Mẹ Mân Côi, xung quanh là hình ảnh của các vị thánh.

Bàn thờ chính là một tảng đá nguyên khối, có chiều dài tới 3m, được chạm trổ tinh sảo cả ba mặt. Chúng ta thấy mặt chính giữa là một bức chạm rất là công phu với những cụm hoa hồng đan xen vào nhau hài hoà, đồng thời còn toát ra vẻ đẹp thanh thoát, tinh tế, nhẹ nhàng uyển chuyển.

Bàn thờ phía trước cũng được làm bằng đá và được thực hiện vào năm 1991 vào dịp kỉ niệm 100 năm nhà thờ chính toà Phát Diệm.

VI. Phương Đình

Phương đình

Phương đình được hoàn thành năm 1899 có lối kiến trúc rất độc đáo, vừa là cổng tam quan, vừa là chức năng của một gác chuông, được chia thành 3 tầng: tầng dưới cùng được kiến trúc rộng rãi, phóng khoáng, trang trí đơn giản nhưng không hề tầm thường, trong mỗi gian đều có một phiến đá lớn. Đặc biệt là phiến đá lớn ở gian chính, chiều dài là 4,20m rộng là 3,20m, trọng lượng khoảng 20 tấn; tương truyền đây là sập rồng của vua Hồ Quý Ly ở thành Tây Giai, Thanh Hoá xưa. Cha Sáu cho đặt phiến đá lớn vào trong Phương đình để tưởng nhớ Chúa Giêsu đã ngồi ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ trước khi đi chịu chết, vì bên ngoài lối vào, cha Sáu cho khắc một dòng chữ Latinh nghĩa là Nhà Tiệc Ly của Chúa. Điều độc đáo, cha Sáu đã không làm bàn đá để Chúa Giêsu ngồi ăn với các môn đệ như trong bức hoạ nổi tiếng của Leona de Vinci - danh hoạ nổi tiếng người ý. Cha Sáu đặt phiến đá có bề mặt lớn để tưởng nhớ Chúa Giêsu ngồi khoanh chân thật gần gũi với người Việt.

Nếu như theo quan niệm của người Việt Nam xưa là trời tròn và đất vuông tượng trưng qua bánh trưng và bánh dầy thì phiến đá vuông ở đây chính là tượng trương cho đất và vòng tròn ở phía trên chính là tượng trương cho trời.

Trên đỉnh gác chuông, ta thấy được treo quả chuông Nam, tức là chuông được đánh bằng vồ, điều khá lạ đối với nhà thờ công giáo, hầu hết thường dùng chuông kéo bằng dây.

Quả chuông được đúc vào năm 1890, chiều cao là 1,90m, đường kính chỗ lớn nhất là 1,10m, trọng lượng của quả chuông khoảng 2 tấn, khi đánh, tiếng của quả chuông có thể ngân xa trên 10km. Quả chuông là sự kết hợp hài hoà giữa hai nền văn hoá Đông-Tây. Ta thấy phía Tây hầu hết bằng chữ Latinh, phía Đông hoàn toàn bằng chữ Hán. Mặt Đông Nam của quả chuông ta thấy có dòng chữ Hán “Phát Diệm xứ công vật” nghĩa là vật chung của xứ Phát Diệm. Còn đây là dòng chữ Hán ghi niên hiệu của qủa chuông theo Âm lịch “Thành Thái Canh Dần tạo” nghĩa là được đúc năm Canh Dần, đời vua Thành Thái. Chung quanh quả chuông còn có bốn núm chuông với bốn chữ Hán: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Phía Tây Bắc có những dòng chữ Latinh ghi lời chuông nói được dịch như sau:

Tôi ca tụng Thiên Chúa,

Tôi kêu gọi dân chúng,

tôi tập hợp Giáo sĩ,

tôi khóc người qua đời,

tôi đẩy lui dịch tễ,

tôi điểm tô ngày lễ.

VII. Kết

Vậy là từ khi trở thành mục tử của xứ Phát Diệm cho tới khi qua đời, Cụ Sáu đã làm cho Phát Diệm thực sự trở thành nơi toả ra vẻ đẹp của tâm hồn Việt Nam, kiến trúc Việt Nam.

Ta không khỏi ngỡ ngàng khâm phục tài tổ chức, óc thẩm mĩ, khả năng diễn đạt, chiều sâu tư tưởng Cụ Sáu gửi gắm nơi quần thể này, và nơi đây, niềm tin Ki-tô giáo đã được diễn tả bằng phong cách đậm đà bản sắc Việt Nam.

Cuối thế kỉ mười chín, danh tướng cũng là viện sĩ hàn lâm khoa học Pháp, ông Li-ô-tây, từng phải thốt lên: "Cụ Sáu có óc tưởng tượng thần thánh". Một thế kỉ sau, nhà báo Pháp Rơ-nê đờ Cle khẳng định: “Nếu như ở Pháp, thế kỉ XIII là thế kỉ vĩ đại của các ngôi nhà thờ chính toà, thì dường như vào thời điểm xây cất Nhà Thờ Phát Diệm, con người đã đạt tới tuyệt đỉnh kiến trúc và thẩm mĩ”. Lời nhận xét trên thiết tưởng là hơi quá, nhưng quả thực, trước công trình này, mọi ngôn ngữ đành bất lực.

Cũng nên biết thêm rằng Cụ Sáu lớn lên và học hành trong giai đoạn bách hại đạo khốc liệt. Cụ không hề được học hành về kiến trúc, và chưa hề ra khỏi biên giới Việt Nam. Chỉ bằng ý chí, nghị lực, nhiệt tâm và niềm tin bén rễ sâu từ ý thức mạnh mẽ về bản sắc dân tộc mình, Cụ đã làm nên tất cả. Bên cạnh núi đá, hãy còn cây nhãn cổ thụ này có từ thời Cụ Sáu, dãi dầu với bao thăng trầm của Phát Diệm trên một trăm năm qua.

VIII. Mộ Cụ Sáu

Ngôi mộ nhỏ khiêm tốn của Cụ Sáu ngày nay nằm giữa quần thể uy nghi đồ sộ, đó là nơi an nghỉ của vị mục tử nhân lành đã hiến dâng gần trọn đời mình cho Phát Diệm.

Trước mộ cụ Sáu, một tư tưởng đã tràn về nhân lời dặn của Cụ Sáu trước khi lìa đời. Công lao là thế, tài năng là thế, đức độ là thế, vậy mà khi sắp lìa cõi đời Cụ vẫn băn khoăn sợ mình còn có điều vướng mắc, còn có điều không phải với đời. Vì thế, Cụ dặn mọi người mai táng Cụ ở nơi đây, khoảng sân chính giữa lối ra vào nhà thờ, rồi san phẳng đi, không bia mộ, không một dòng ghi công lao sự nghiệp để mọi người hàng ngày đi lễ qua lại trên mộ Cụ. Thế nhưng người đời sau đã không dám làm như vậy mà xin an táng Cụ ở vị trí như ngôi mộ hiện nay.

IX. Phần cuối cùng là cuộc phỏng vấn Đức Cha Nguyễn văn Yến

Đôi lời của Đức cha Giuse Nguyễn văn Yến, giám mục Phát Diệm, ngỏ cùng qúi nam nữ tu sĩ và anh chị em Công Giáo gốc Phát Diệm