« Tìm một con đường, tìm một lối đi »: Tâm sự của một sinh viên Phát Diệm qua buổi chia sẻ Lời Chúa (Mt 3, 1-12)

Sinh viên CG Phát Diệm sinh hoạt tại Sàigòn
« Mục tiêu trong Mùa Noel của tớ là ‘đi xưng tội’đấy ! », một câu ngắn ngủi chỉ có nửa dòng của một thành viên nick tungbin_th trên forum của trang svphatdiem.com đã đánh động tôi rất mạnh. Tôi cho rằng đó là một trong những comments ngắn nhất, đơn giản nhất trong forum svphatdiem từ trước đến nay, nhưng nó có sức bắt tôi nhìn sâu vào một góc tối của tâm hồn.

Nửa dòng chữ của tungbin_th đã làm cho tôi tự hỏi: tại sao tôi lại không có quyết tâm đi xưng tôi như tungbin_th ? Nếu tôi đi xưng tội, liệu có ảo tưởng không, khi xưng tội phải đi liền với việc chừa tội, mà làm sao tôi có thể chừa tội được trong mấy tuần Mùa Vọng ?! Hoặc, nếu tôi có đi xưng tội, liệu có vô nghĩa không, khi hết Mùa Giáng Sinh rồi, tôi lại đâu vào đó vì đã bao Mùa Giáng Sinh, Mùa Phục Sinh đi ngang qua đời tôi, từ năm này qua năm khác; vì đã biết bao kỳ tĩnh tâm ở Hà Nội, Châu Sơn, Phát Diệm, Sài Gòn; biết bao bài giảng về sám hối mà tôi đã nghe, nhưng sao tôi vẫn thế, tôi vẫn là tôi với một núi khuyết điểm ?! Hơn nữa, tôi vẫn giữ một nếp nghĩ trong đầu tôi từ lâu nay: nếu lòng mình còn nhơ nhớp thì làm sao mà đáng cho Chúa đến ngự ?! Nếu Chúa cần tôi trong sạch để xứng đáng cho Chúa đến, vậy thì Chúa đâu có cao cả, Chúa đâu có nhân hậu, vì Ngài cũng thích chi li, cân đo đong đếm lòng người, thích những điều kiện hết sức phàm trần chẳng khác nào những người tuyển lựa những thí sinh ưu tú vào học trong các trường học, hay tuyển những người ưu tú để khen thưởng ở các công ty vào dịp cuối năm!? Chúa cao cả đâu có cần một sự xưng thú lỗi lầm của tôi như một người hành khất xòe tay xin của bố thí ?!

Nhưng rồi, đêm hôm qua trước khi ngủ, những ý nghĩ đầy lý trí đó trong tôi đã chịu thua một lý luận giản đơn: bố mẹ đâu có cần đứa trẻ phải cho, biếu, tặng quà này, quà nọ thì mới yêu thương nó ? Họ yêu thương nó vô điều kiện, ngay cả khi khi nó làm cho họ phiền lòng. Bố mẹ chỉ cần đứa bé biết lỗi, biết nói lời xin lỗi, thậm chí chẳng cần nó nói gì, nhưng vẫn yêu thương nó. Thiên Chúa cũng vậy. Ngài còn cao cả hơn thế nhiều vì Ngài yêu thương vô điều kiện. Chính vì Chúa yêu tôi như vậy nên tôi muốn đi xưng tội là để đáp lại tình yêu ấy. Nếu tôi nói tôi đi xưng tội để củng cố mối quan hệ của tôi với Chúa, thì cũng là tốt, nhưng nói như thế là nói theo kiểu pháp lý. Thế đấy, ý tưởng yêu thương đã thắng ý tưởng pháp lý, thắng cả con người lý trí của tôi. Bây giờ tôi có thể mạnh dạn nói với bạn mà không sợ bạn cho rằng tôi bốc đồng: tôi cũng đã lên kế hoạch như tungbin_th: tôi quyết định đi xưng tội trong Mùa Giáng Sinh này, cho dù, thú thực với các bạn, tôi rất ngại đi xưng tội. Có thể sau khi xưng tội, tôi không chừa hết, chừa ngay được các tội của tôi, nhưng tôi chắc chắn, qua Giáo Hội, Chúa tha thứ và tiếp cho tôi một nghị lực mới để tôi chừa dần dần. Nhận ra mình tội lỗi đã là một ân huệ của Chúa. Sám hối, theo tôi, là bắt đầu thay đổi những gì bình thường nhất, nhỏ nhặt nhất mà tôi xét thấy không ổn giữa tôi và Chúa hay giữa tôi và anh em tôi. Chỉ cần cử chỉ quỳ gối khi xưng tội cũng là điều kiện tối thiểu để tình yêu Chúa chạm đến con tim cứng cỏi của tôi.

Không chỉ có mình tungbin_th và tôi tìm cách sám hối. Tối hôm qua mở một CD do một người bạn vừa tặng, tôi nghe được bài « Và con tim đã vui trở lại » mà sinh viên Phát Diệm mình ở Sài Gòn đã có lần hát lúc sinh hoạt. Tôi bỗng thấy như Đức Huy trải lòng mình với tâm tình thiết tha thống hối. Không biết Đức Huy viết bài này trong hoàn cảnh nào, nhưng rõ ràng đó là tâm trạng và ngôn ngữ của một người sám hối. Đức Huy coi việc sám hối như việc « tìm một con đường, tìm một lối đi » để « tình yêu đến như ánh sáng mai xóa tan màn đêm tối cho tôi biến đổi tâm hồn thành một người mới ». Chắc rằng anh đã có những ngày « lạc loài niềm tin sống không ngày mai, sống quen không ai cần ai cứ vui cho trọn hôm nay ». Chắc rằng Đức Huy cũng đã nghiệm ra nỗi cô đơn, những ê chề thất vọng sau những cuộc vui tàn: « và cuộc vui tàn mọi người bước đi, một mình tôi về nhiều lần ướt mi ». Nếu tôi không hiểu lầm thì hình như anh đã từng đi một con đường thênh thang nào đó, nhưng là con đường lạc, nên anh mới cần « tìm một con đường, tìm một lối đi » ?! Chắc rằng anh đã từng sống những ngày đen tối, nên mới cần đến Ánh Sáng (x. Ga 1) để xóa tan những đêm đen cuộc đời. Chỉ có ánh sáng Chúa Kitô mới làm anh « hy vọng được ơn cứu rỗi », và chỉ có ánh sáng Chúa Kitô mới làm cho « con tim vui trở lại » và « trọn tâm hồn nguyện yêu mãi riêng Người mà thôi ». Tiếp đó, « Dẫu như tôi phải đi qua vực sâu u tối, tôi sẽ không sợ hãi gì vì Người ở bên tôi mãi », Đức Huy đã lấy câu này từ thánh vịnh 22 như xác tín cuộc lột xác của mình để cho « tâm hồn thành một người mới ». Cảm ơn Đức Huy đã cho tôi một chân lý: không có cuộc lột xác, không « tìm một con đường, tìm một lối đi », sẽ không có « con tim sẽ vui trở lại » và « tâm hồn thành một người mới ». Và, xin lỗi Đức Huy nếu tôi hiểu lầm ý của anh.

Chiều nay (Chủ Nhật 5/12/2010) tham dự buổi chia sẻ Lời Chúa (Mt 3,1-12) với sinh viên Phát Diệm tại Sài Gòn, tôi thực sự cảm kích về sự thúc bách của Chúa về việc phải « sám hối vì Nước Trời đã gần đến ». Con người sẽ đi từ bất hạnh này đến bất hạnh khác nếu không sám hối. Giáo Hội sẽ chỉ là một tổ chức xã hội với những cơ chế phẩm trật nặng nề, những lễ nghi cồng kềnh, khó hiểu, nếu Giáo Hội không sám hối. Xã hội cũng sẽ mãi thối nát, chỉ toàn hận thù, lừa dối, tụt hậu, nếu xã hội không biết mình, không biết sám hối để vươn lên. Sám hối là một từ xa xỉ nơi một tâm hồn kiêu ngạo, nơi một xã hội bảo thủ, độc tài. Sám hối chỉ có nơi những tâm hồn khiêm nhượng biết mình tội lỗi, nơi Giáo Hội biết mình đang ôm ấp trong lòng những con người tội lỗi, nơi một xã hội biết mình còn có trái tim.

Tuần sau giới trẻ Phát Diệm sẽ tổ chức chuyến dã ngoại tại Cần Giờ. Thiết nghĩ, nếu cuộc dã ngoại chỉ có lo vui chơi rầm rộ, tổ chức lễ lạt hoành tráng với những hoạt động động trời, mà không mảy may nghĩ đến việc hoán cải, sám hối, thay đổi đời sống, thì chuyến dã ngoại cũng chỉ như một chuyến du lịch do một công ty lữ hành tổ chức không hơn không kém. Cũng thế, nếu lễ Giáng Sinh chỉ lo quà cáp, lo trang trí hang đá cho lộng lẫy, mà tâm hồn vô cảm với những nỗi khổ đau của người khác, việc Chúa xuống trần không tác động làm con người mình thay đổi, thì lễ Giáng sinh cũng là một lễ hội như bao lễ hội mà thôi.

Dường như trong lòng mỗi người đều có một góc tối. Góc tối đó cần phải có Ánh Sáng chiếu soi để « tâm hồn thành một người mới » và để « con tim sẽ vui trở lại » ngay trong Mùa Giáng Sinh 2010 này.