(Theo CNS) Cuốn sách phỏng vấn dài của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI chắc chắn sẽ còn nhúm lên nhiều mồi lửa tranh luận trên toàn thế giới, không chỉ vì vấn đề sử dụng bao cao su mà thôi nhưng còn về một số vấn đề khác nữa.

Trong cuốn sách dầy 219 trang, "Ánh sáng thế giới: Về Giáo Hoàng, Giáo hội và các dấu hiệu của các thời đại," ( "Light of the World: The Pope, the Church and the Signs of the Times," ) Đức Giáo hoàng đã đề cập thẳng thắn về các vụ bê bối lạm dụng tình dục, về quan hệ với Hồi giáo, về việc từ chức của giáo hoàng và về "thảm họa" đang đe dọa nhân loại.

Cuộc phỏng vấn đã được thực hiện với nhà văn Peter Seewald người Đức, dưới hình thức câu hỏi-trả lời trong sáu buổi hội kiến, mỗi buổi kéo dài một giờ, vào mùa hè năm ngoái. Cuốn sách đã được phát hành ngày 23 tháng 11 tại Vatican.

Cuốn sách hé mở cho thấy một khía cạnh bình dân của Đức Giáo hoàng, nghĩa là ngài đã phát biểu quan điểm một cách đơn giản và trực tiếp về nhiều chủ đề đa dạng từ niềm vui của tình dục đến lệnh cấm áo chòang burqas. Những câu hỏi tập trung theo hướng mà như Đức Giáo Hoàng thường kêu gọi là thế giới phải "kiểm tra lương tâm" trước sự chênh lệch về kinh tế, trước thảm họa về môi trường và sự trượt giốc của luân lý đạo đức.

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh nhiều lần rằng vai trò của giáo hội trong một thế giới nhiều hư hỏng không phải là để áp đặt một "gánh nặng" vì các quy tắc đạo đức, nhưng là để mở cửa cho người ta hướng về Thiên Chúa.

Trước khi cuốn sách được phát hành, các phương tiện truyền thông đã tập trung vào lời phát biểu của ĐGH về bao cao su trong việc phòng, chống bệnh AIDS. Ngài lặp đi lặp lại quan điểm rằng bao cao su không phải là lời giải đáp duy nhất của dịch AIDS, ngài cũng tính đến một số trường hợp cụ thể, ví dụ, một người đàn ông làm nghề mại dâm dùng bao cao su thì có thể kể là đương sự đang có hướng đi theo một chiều hướng có trách nhiệm đối với hành động của mình.

Tòan bộ một chương và thêm ở nhiều nơi khác nữa đã được dành riêng cho các vụ bê bối lạm dụng tình dục. Đức Thánh Cha gọi đó là "một cuộc khủng hoảng lớn" khiến ngài "choáng váng vì tình trạng thảm hại (wretched) của Hội Thánh, vì con số lớn lao những thành viên của Hội Thánh đã không đi theo con đường của Chúa Kitô."

"Nó giống như thể một miệng núi lửa, mà đột nhiên một đám khói khổng lồ với rác rưởi phun ra, làm đen tối và ô uế tất cả mọi sự, và trên hết, chức vụ linh mục đột nhiên có vẻ như là một nơi đáng xấu hổ,".

Ngài bày tỏ sự lạc quan ở việc Giáo Hội sẽ phục hồi từ vụ bê bối này, ngài nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục nâng đỡ những vị thánh nhân. Nhưng ngài cũng tỏ ý thông cảm với một số người Công giáo, đặc biệt là các nạn nhân, đã phản ứng bằng cách bỏ đạo để phản đối.

"Đối với họ thì thật là khó khăn để giữ niềm tin rằng Hội Thánh là cội nguồn của sự tốt, là truyền đạt ánh sáng của Chúa Kitô, và giúp con người trong cuộc sống, tôi có thể hiểu được điều đó," ngài nói.

Đức Giáo Hoàng nói rằng các phương tiện truyền thông đã theo dõi các vụ bê bối một phần là vì muốn làm mất uy tín của Giáo Hội. Nhưng ngài nói thêm rằng Giáo Hội phải "biết ơn mọi tin tức đã bị vạch trần đó" và ngài thêm rằng các phương tiện truyền thông đã không thể loan tin như thế nếu "cái ác đã không hiện diện trong Giáo Hội. "

Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra rằng đã có nhiều quy định và chính sách mới từ Giáo Hội về lạm dụng tình dục, nhưng ngài cũng có vẻ nhận rằng Giáo Hội đã có thể thực hiện nhiều hơn thế nữa. Ngài lấy thí dụ về sự kiện xảy ra năm 2002, khi đó Vatican và các giám mục Hoa Kỳ đã thành lập một tiêu chuẩn nghiêm ngặt để hạn chế những lạm dụng tình dục trong các giáo phận Mỹ.

"Sẽ là tốt hơn không? nếu lúc đó Roma đã nói với tất cả các quốc gia cách rõ ràng rằng: Hãy tìm hiểu xem nước quí vị có đang ở trong một tình cảnh tương tự như thế không? có lẽ chúng ta đã nên làm điều đó," ngài nói.

Đức Giáo Hoàng nói về việc ứng phó với những cáo buộc lạm dụng tình dục của cố linh mục Marcial Maciel Degollado bên Mexico, vị sáng lập ra dòng Legionaries of Christ (đạo binh của Chúa Kitô,) "tiếc là chúng ta giải quyết những việc này rất chậm chạp và muộn màng." Các cáo buộc cuối cùng đã được chứng minh là có thật, và nhà dòng đã bị đặt dưới sự giám sát của Vatican trong thời gian cải tổ.

Đức Giáo Hoàng Benedict nói rằng đối với ngài thì Cha Maciel vẫn là "một nhân vật bí ẩn", một người đã sống một cuộc sống vô đạo đức và méo mó, nhưng lại là người đã xây dựng một nhà dòng với sự nhiệt thành, một "tiên tri giả" tuy nhiên lại có một "hiệu ứng tích cực." Đối với tương lai của dòng Legionaries, ĐGH cho biết về cơ bản thì nhà dòng là khá tốt nhưng cần phải sửa chữa thêm làm sao mà không làm mất sự nhiệt tình của các sĩ tử.

Đức giáo hoàng đã được hỏi có khi nào ngài muốn từ chức trong những lúc phải đối mặt với những gánh nặng như cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Ngài trả lời: "Khi cơn nguy hiểm là lớn thì không nên chạy trốn. Vì lý do đó, bây giờ chắc chắn không phải là thời gian để từ chức.." Nhưng ngài nói thêm rằng nếu một giáo hoàng không còn đủ thể chất, tâm lý và tinh thần để xử lý các nhiệm vụ của giáo hoàng, thì ông có quyền và có nghĩa vụ phải từ chức.

Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện thẳng thắn về tuổi tác và sức khỏe, ngài nói rằng lịch trình các cuộc họp và các chuyến công du "thực sự là một khỏan thuế quá nặng (overtaxed) cho một người đàn ông 83 tuổi."

"Tôi tin rằng Chúa nhân lành sẽ cho tôi đủ sức mạnh để có thể làm những gì cần thiết. Nhưng tôi cũng nhận thấy rằng sức lực của tôi đang giảm dần.," Ngài nói.

Đức Giáo Hoàng cười khi Seewald cho rằng ngài trông còn khỏe mạnh, đủ để làm một huấn luyện viên thể dục, ngài nói rằng ngài đã phải dưỡng sức nhiều trước những ngày bận rộn. Khi được hỏi ngài có sử dụng chiếc xe đạp mà một bác sĩ đã cho ngài không, Đức Thánh Cha trả lời: "Không, tôi chưa sờ đến nó - và cũng chưa cần nó vào lúc này, cảm ơn Chúa."

Ngài cho biết trong lúc rảnh thì ngài đọc sách, cầu nguyện và đôi khi xem DVD, thường là về các chủ đề tôn giáo, với các nhân viên nội trợ của phủ giáo hoàng.

Một phần lớn của cuốn sách bàn về chiến lược của Đức giáo hoàng để trình bày thông điệp của Giáo Hội trong một thế giới nhiều hoài nghi. Các vấn đề quan trọng ngày hôm nay, ngài nói, là mô hình phổ biến của tiến bộ kinh tế và xã hội đã tách Thiên Chúa ra ngòai, và vì thế bỏ mất khía cạnh đạo đức.

Thảm họa về khí hậu sắp xảy ra là một cơ hội thực sự để truyền bá và thúc đẩy các quyết định đạo đức, ngài nói. Tuy nhiên hầu như các dân tộc và quốc gia dường như không muốn hy sinh, do đó đây là chỗ mà Giáo Hội có thể tạo ra sự khác biệt, ngài nói.

Thật là một điều cấp thiết để "mang Thiên Chúa vào lại trung tâm của cuộc bàn luận," ngài nói. "điều quan trọng ngày nay là nhận biết rằng Thiên Chúa tồn tại, Thiên Chúa là vấn đề quan trọng của chúng ta và ngài đáp ứng với chúng ta."

Ngài cho biết Giáo Hội chỉ có thể làm điều này nếu các thành viên của mình sống cuộc sống đức tin hàng ngày của họ. Ngài nói rằng nhiệm vụ đơn giản đó là ưu tiên của ngày hôm nay, thay vì bắt tay vào những sáng kiến lớn lao như tổ chức Công đồng Vatican 3.

Đức Giáo Hoàng nói rằng nhiệm vụ của giáo hội bị đe dọa bởi một "bất dung mới" đang hạn chế những biểu hiện tôn giáo nhân danh 'không phân biệt đối xử,' ví dụ như cấm treo thánh gía trong các trường công, hoặc lên án những giáo lý của Hội Thánh.

"Ví dụ, vì nhân danh không phân biệt đối xử, người ta buộc Giáo Hội Công Giáo thay đổi quan điểm của mình về đồng tính luyến ái hoặc truyền chức cho phụ nữ, như thế có nghĩa là Giáo Hội không còn được phép sống theo bản sắc riêng của mình," ngài cho biết.

Về vấn đề đó, Đức giáo hoàng nói rằng các tôn giáo khác cũng phải đối mặt với những áp lực tương tự. Ngài cho ví dụ rằng ngài không thấy có lý do gì để các nước phương Tây cấm áo chòang burqa, là khăn phủ mặt của Hồi giáo, miễn là nó được mặc cách tự nguyện.

Về các chủ đề khác, Đức Giáo Hoàng Benedict cho biết:

Ngài ủng hộ thông điệp "Humanae Vitae" năm 1968 dạy rằng ngừa thai nhân tạo trong hôn nhân là sai trái về mặt đạo đức, nhưng nói rằng giáo hội cần phải tìm cách để giúp mọi người sống theo những giảng dạy và tò ra khoan dung với những người có vấn đề với nó.

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng giáo hội chấp nhận phương cách ngừa thai theo tự nhiên (natural regulation of conception.) Ngài nói rằng, phương pháp này đòi hỏi các cặp vợ chồng dành nhiều thời gian cho nhau, và khác xa với việc dùng thuốc "để tôi có thể nhảy vào giường với một người quen cách ngẫu nhiên." Nói chung, ngài nói, Giáo Hội cần trở về với "một thái độ Kitô giáo chân thật" của niềm vui, cũng như kỷ luật và trách nhiệm, trong tình dục.

Ngài cho biết cuộc đối thoại với người Hồi giáo đã được cải thiện trong thời gian giáo hoàng của mình, một phần vì các học giả Hồi giáo chấp nhận rằng Hồi giáo cần phải làm sáng tỏ mối quan hệ với bạo lực và mối quan hệ với lý trí của mình.

Đức Giáo Hoàng đã đặt vấn đề với những người đã phê bình các chính sách thời chiến của Đức Giáo Hoàng Piô XII, ngài nói rằng đức Piô "đã cứu nhiều người Do Thái hơn bất cứ ai khác" nhờ việc lặng lẽ mở cửa các tổ chức giáo hội.

Ngài nói rằng ngài bắt đầu cho rước lễ trên lưỡi trong các Thánh Lễ giáo hoàng không phải vì ngài phản đối việc rước lễ bằng tay, nhưng để "gửi một tín hiệu" về sự cần tôn kính sự hiện diện thật của Chúa Kitô trong phép Thánh Thể.