Qua một quyết định dứt khóat nhưng chắc chắn sẽ gây cảm xúc mạnh với giáo dân, ngày thứ Bảy này Tổng Giáo Phận St Paul và Minneapolis sẽ chính thức công bố kế hoạch tái cấu trúc bằng cách đóng cửa khoảng 20 giáo xứ để giải quyết tình trạng tài chánh bị thu hẹp, nhân khẩu di chuyển và số linh mục suy giảm.

Đây là một phần của việc tái tổ chức lớn nhất trong lịch sử 160 năm của tổng giáo phận, kế họach đóng cửa này đã được chia sẻ với các linh mục giáo xứ và các nhân viên của giáo phận vào thứ sáu. Giáo dân sẽ được giải thích một cách chi tiết cụ thể vào cuối tuần.

Theo lịch trình, những thay đổi sẽ bắt đầu vào đầu năm 2011 và sẽ được thực hiện từng bước một qua nhiều năm, theo lời của Cha Peter Laird, Chánh Ðại Diện của giáo phận và là đồng Chủ tịch của lực lượng đặc nhiệm 16 thành viên đã thiết lập kế hoạch và kiến nghị lên đức Tổng giám mục John Nienstedt vào tháng Bảy vừa qua.

Việc tái cấu trúc sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều giáo xứ trong tổng giáo phận bao trùm vùng Hai Thành Phố và xa hơn tới các vùng lân cận hẻo lánh. Ở phía đông bắc Minneapolis, nơi có một số nhà thờ đã có từ lâu đời, như nhà thờ Holly Cross, St Clement và St Hedwig sẽ phải đóng cửa, để nhập với St Anthony of Padua.

Ở St Paul có 5 nhà thờ sẽ đóng cửa để nhập vào các giáo xứ khác, thí dụ St Andrew sẽ trở thành một phần của Maternity of the Blessed Virgin, St Francis de Sales sẽ kết hợp với St James; St John sẽ trở thành một phần của St Pascal Baylon; St Thomas the Apostle sẽ hợp nhất với Blessed Sacrament, và St Vincent de Paul, sẽ được hấp thụ vào nhà thờ chánh tòaCathedral of St. Paul.

Cha Laird không cho biết bao nhiêu nhân viên toàn thời gian trong số 3.800 người làm việc trong tổng giáo phận có thể bị mất việc làm. Một kế hoạch khác phác thảo số trường Công Giáo có thể phải đóng cửa sẽ không được loan báo cho đến sau tháng Giêng.

"Nhửng quyết định chiến lược đã được suy xét kỷ lưởng, bởi vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của nhiều người, ảnh hưởng đến cái cốt lõi sâu xa nhất của cuộc sống là kinh nghiệm của họ với Thiên Chúa," Cha Laird nói. "Đó là một điều rất thiêng liêng. Trong cùng một cách, tôi muốn nói với họ, đây không phải là một lý do để mất hy vọng bởi vì chúng tôi đã không bỏ xót bất cứ điều gì, và chúng tôi chắc chắn đã không bỏ các bạn."

"Lời kêu gọi là chúng ta hãy tái đầu tư vào các nhà thờ của giáo phận, vào các nhà thờ địa phương, để chúng ta có thể giao cho con cái và cháu chắt của chúng ta những gì chúng ta đã nhận được," Cha nói.

Kế hoạch được thực hiện là kết quả nghiên cứu của tổng giáo phận trong một năm rưỡi trời, với gần 150 cuộc họp công cộng. ĐTGM Nienstedt cho biết cần phải có những thay đổi lớn như thế vì có nhiều giáo xứ đã sống vượt quá khả năng, gần 25 phần trăm của 213 giáo xứ hiện có những món nợ nghiêm trọng hoặc có những vấn đề ngân sách khác.

Số linh mục trong tổng giáo phận cũng được dự kiến là sẽ giảm đi trong 10 năm tới. Hiện tại tổng giáo phận có 302 linh mục và 182 có đủ điều kiện để trở thành chánh xứ. Trong 10 năm tới, con số này sẽ giảm rất nhiều. Ngoài ra, gần 25 phần trăm các giáo xứ đã phải có một mối quan hệ liên đới nào đó, có nghĩa là một số linh mục đang phục vụ tại nhiều nơi.

Người Công giáo là thành phần lớn nhất của hai thành phố 'Twin Cities', và nhân số của tổng giáo phận đã tăng trong hai thập kỷ qua lên gần 800.000 người. Tổng giáo phận bao trùm một khu vực 12 quận, việc tăng trưởng chủ yếu là nhờ ở người mới nhập cư. Hơn 10 năm qua, có 100.000 thành viên mới gia nhập vào tổng giáo phận. Trong bối cảnh tăng trưởng đó, các giáo xứ ở trong lòng đô thị đã bị thu hẹp vì người dân di chuyển qua vùng ngoại ô. Trong 32 phần trăm các nhà thờ, vào các lễ cuối tuần, số ghế bị bỏ trống nhiếu hơn hai phần ba.

Trong 98 trường học của tổng giáo phận thì gần 20 phần trăm phải nhờ trợ cấp từ tổng giáo phận, và số bàn ghế trống là khoảng 20 phần trăm.

Tại Hoa Kỳ, các giáo phận ở các khu vực đô thị lớn - như New York, Chicago, Boston, Detroit, Newark, NJ, và Cleveland - cũng đã phải trải qua các việc tái tổ chức tương tự vì tình trạng thiếu linh mục, hoặc vì thiếu ngân sách, hoặc vì nhân khẩu di chuyển và, trong một số trường hợp, vì tổn thất tài chính do việc thua kiện về lạm dụng tình dục.

Tom Roberts, chủ biên của tờ báo National Catholic Reporter, cho biết những nhà thờ ở khu vực nội thành đã phải đóng cửa một phần là do giáo dân đã di chuyển đến các vùng ngoại ô hoặc di dân qua các khu vực khác của đất nước, và các nhà thờ họ để lại thường là rất lớn và việc duy trì thì rất tốn kém.

Tuy nhiên nại ra các lý do thực tế thì không luôn luôn giúp cho giáo dân tránh khỏi những cảm giác buồn sầu sâu xa bởi vì họ đã sốt sắng đầu tư vào cộng đồng giáo hội của họ, Roberts nói. Những kỷ niệm quan trọng như rửa tội, kết hôn và tang lễ được tổ chức tại nhà thờ, làm cho giáo dân trở nên gắn bó với giáo xứ của họ.

"Cho nên người giáo dân thường có những phát biểu u buồn khi mô tả những cảm xúc của họ trước việc giáo xứ thân thương của họ phải gia nhập vào một cộng đồng khác", Roberts nói. "Nó là một vết thương chung. "

"Tôi nghĩ rằng trong hiện tại thì những lo lắng của cộng đồng là việc gì sẽ xảy ra trong 10 năm? Chúng ta có phải làm điều này một lần nữa trong 10 năm tới không? Kế họach của tòa giám mục có phải là một viễn kiến sáng suốt hay chỉ là một biện pháp vá víu? Nói cách khác họ tự hỏi trong trường kỳ thì ngôi nhà thờ mới mà họ sẽ tới có còn là một sự hiện diện có ý nghĩa và mạnh mẽ trong cộng đồng không? "