SAIGON - Sáng ngày thứ hai 4-10-2010, Tỉnh Dòng Phanxicô Việt Nam, Tu viện Phanxicô Đakao và Giáo xứ Phanxicô Đakao mừng lễ cha thánh Phanxicô, Đấng sáng lập Dòng Nhất, Dòng Nhì Clara và Dòng Phan Sinh tại Thế (tức là Dòng Ba). Tham dự thánh lễ trong buổi sáng đẹp trời, có khoảng 600 anh chị em thuộc đủ màu áo, từ nâu, đen, trắng đến màu xám, màu lam của nhiều Dòng tu nam nữ, anh chị em Phan Sinh tại thế, anh chị em Cựu Phan sinh (cựu chủng sinh Dòng Phanxicô) và giáo dân tại Thành phố.

Xem hình ảnh

Sân nhà thờ càng lúc càng đông người. Tiếng chào nhau và nói chuyện cười đùa vui vẻ, toát lên tinh thần Phan sinh đơn sơ dễ mến. Đúng 9g, thánh lễ giỗ Tổ bắt đầu do cha Phanxicô Xavier Vũ Phan Long, Giám tỉnh, chủ sự và giảng lễ. Đoàn đồng tế khoảng 27 linh mục, trong đó có cha Tổng đại diện Tổng Giáo phận và một số linh mục triều. Ca đoàn các thầy Học viện Phanxicô phụ trách hát lễ, thay vì ca đoàn Quê Hương của cha nhạc sĩ Xuân Thảo hát lễ như các năm trước.

Mở đầu bài giảng với chủ đề “Con đường thánh Phanxicô đặc biệt ra sao đối với chúng ta”, cha chủ tế nói: “Mỗi khi tự hỏi con đường của cha thánh Phanxicô đặc biệt ở chỗ nào, dường như chúng ta lại được đưa tới tận con người của ngài, để rồi thấy con đường của ngài đặc biệt, bởi vì bản thân ngài đặc biệt. Thật ra, mỗi kiểu sống thiêng liêng đều chỉ là một cố gắng đón nhận nghiêm túc và sống chân thành hơn Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô; linh đạo Phan sinh cũng không phải là một luật trừ. Nhưng có điều gì đó nơi thánh Phanxicô và nơi cách thức ngài sống Tin Mừng khiến ngài có một sức thu hút không sao cưỡng lại. Ngài dám sống Tin Mừng theo cách mà bất cứ ai trong chúng ta cũng muốn sống. Ngài yêu mến Đức Giêsu theo cách bất cứ ai cũng muốn yêu mến. Chỉ có điều ngài thì làm, chúng ta thì chỉ muốn làm! Thế là ngài cho thấy được Thiên Chúa thật sự rất đáng yêu và yêu thương Thiên Chúa thì đời chúng ta vui lắm; còn chúng ta thì không !”

Cha nói tiếp: “Còn thêm một điều quan trọng nữa. Thánh Phanxicô không bị lừa dối bởi những cái mặt nạ tôi đang đeo, ngài biết và ngài yêu thương chính con người tôi. Ngài làm cho tôi cảm thấy tôi được yêu thương; ngài làm cho tôi cảm thấy tôi có giá trị, tôi có khả năng tạo niềm vui, tôi cũng đáng quan tâm, và tôi cũng đầy tiềm năng. Ngài tác động được như thế trên chúng ta, Người Nghèo Bé Nhỏ thành Assisi ấy, và đó là lý do vì sao rất nhiều người coi ngài như là cái mẫu về hình ảnh mà họ cũng có thể trở thành. Bất cứ ai đến với thánh Phanxicô, đều thấy ngài là một người bạn và một người anh có khả năng chỉ cho biết sống cho ra người là sống thế nào, sống là nhắm tới điều gì, điều gì là giá trị thật.”

“Nói ra những điều này, chúng ta cảm thấy lãng mạn quá, và quả thật, lãng mạn lắm đấy, nếu như không để ý đến những yêu cầu ngài gửi đến cho chúng ta. Điều này na ná như người ta nghĩ đến lòng nhân hậu của người cha trong Tin Mừng Lc: người cha đón cả đứa con đi hoang lẫn đưa con đàng hoàng, nhưng lại quên mất các đòi hỏi sau đó. Vậy ta không thể nào thấy mình có liên hệ huyết thống với cha thánh Phanxicô mà lại không thấy là phải nhìn lại đời sống mình và thay đổi một điều gì đó. Nói vô phép, có khi chúng ta lý luận vòng vo về Đức Giêsu, rồi bỏ lơ Người luôn, bởi vì Đức Giêsu còn có những nét cao xa hơn chúng ta. Còn Phanxicô thì là người giống như chúng ta. Ngài sống thế nào, chúng ta cũng có thể trở thành như thế. Và chính thách đố của đời sống ngài lại thu hút chúng ta. Chúng ta có cảm tưởng là Người Nghèo Assisi đã đi đúng đường, còn chúng ta thì đi sai đường!”

“Phanxicô hiểu và sống sự hòa giải mà Đức Giêsu đã kiến tạo được giữa chúng ta và Thiên Chúa, giữa chúng ta và các thọ tạo, giữa chúng ta với chính mình. Suốt đời, ngài chọn sự hòa giải này, cộng tác vào sự hòa giải này. Phanxicô trở nên một với Thiên Chúa qua một tiến trình khó khăn, đó là cũng cố gắng trở nên một với chính mình ngài và nên một với muôn loài thọ tạo. Và ngài đã làm điều đó theo con đường duy nhất, cách thức duy nhất ngài biết: bước theo dấu chân của Đức Giêsu, và sẵn sàng thực hiện bất cứ điều gì Đức Giêsu đã thực hiện.”

“Con người độc đáo ấy lại không bao giờ đi theo sáng kiến riêng; sáng kiến là của Thiên Chúa. Chính Chúa dẫn ngài đến với người phong cùi, chính Chúa ban cho ngài có anh em, chính Chúa nói với ngài qua Phúc Âm. Do đó, không bao giờ thấy được một Phanxicô đứng trước mặt người khác, vỗ ngực mà nói rằng: A! Điều đó là do sáng kiến của tôi đấy!”

“Bất cứ lúc nào Phanxicô cũng sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào Chúa dẫn ngài đến, đó là những nơi và những lúc, biết được, là chúng ta căng thẳng ngay, cưỡng lại, lý luận quanh co. Sự căng thẳng trong đời sống chúng ta thường do chúng ta kéo trì lại chuyển động của con tim chúng ta, kềm lại xu hướng bột phát của chúng ta là sẵn sàng đi theo con đường và bước theo Thiên Chúa đến nơi nào Người dẫn chúng ta. Bởi vì chúng ta sợ, chúng ta đứng với những người đang sợ, trong khi Phanxicô thì chẳng sợ gì, ngài cứ đi tới trên con đường đáng sợ, trên đó ngài gặp tất cả các thọ tạo đã có lúc tưởng là kẻ thù, thật ra lại là những người bạn nhờ sự hòa giải Đức Kitô đã thực hiện. Thật vậy, con đường Phanxicô theo là con đường đưa tới hiệp thông với những kẻ mà ta nghĩ là thù địch. Đó là con đường học lại cách sống với con sư tử và con rắn đang nằm trong tim và trong những khu rừng đen tối là cuộc sống chung quanh chúng ta. Con đường này đáng sợ vì bắt ta phải sống thật con người mình, chứ không chấp nhận những thứ mặt nạ anh hùng.”

Kết thúc bài giảng, cha chủ tế nói: “Điều hoàn toàn có một không hai nơi cha thánh Phanxicô, đó là ngài thật sự làm điều chúng ta chỉ muốn làm thôi, và ngài làm cách đơn sơ và hồn nhiên, khiến chúng ta biết rằng chúng ta cũng đã có thể làm như thế, nếu chúng ta bắt tay vào. Hôm nay thế giới vẫn cần những Phanxicô dám sống, dám làm, hơn là chỉ nói và ước muốn.”

Trước khi ban phép lành cuối lễ, cha chủ tế đã cám ơn cha Tổng Đại diện, các Dòng tu nam nữ, các hội đoàn, ông bà cố của các linh mục, tu sĩ trong Tỉnh dòng, cha chánh xứ giáo xứ Phanxicô, Ban Hành giáo của Giáo xứ, và tất cả những người đã đến tham dự Thánh lễ và góp phần tích cực vào việc tổ chức trọng thể ngày giỗ Tổ. Đặc biệt cha cám ơn ca đoàn các thầy Học viện Phanxicô đã hát “rất khỏe”, giúp cộng đồng thêm sốt sắng cầu nguyện. Cộng đoàn phụng vụ cùng hát bài thân thương Kinh Hòa Bình của cha Kim Long phổ nhạc, để kết thúc Thánh lễ.

Mọi người xuống sân, nhận mỗi người một phần quà như là lộc của cha Thánh trong ngày lễ, và chia tay nhau ra về.

Trước đó ngày chủ nhật 3-10, giáo xứ Phanxicô đã tổ chức lễ thánh bổn mạng Phanxicô. Cuối thánh lễ cha xứ Giuse Phạm Văn Bình nói rằng ở Việt Nam chưa có một tục tốt đẹp trong ngày lễ thánh Phanxicô như ở các nước, đó là ban phép lành cho các con vật giáo dân mang tới. Tuy nhiên, nhân lễ này, Giáo xứ phóng sinh một số chim như để nói lên tình thương đối với mọi tạo vật của cha thánh. Cha xứ mở lồng chim cầm trên tay, từng con chim lần lượt bay ra, nhưng cũng có con cứ tìm đường mãi mà lâu mới ra được, trước sự vỗ tay nồng nhiệt của công đoàn dự thánh lễ, Buổi tối, lúc 19g15’, diễn ra đêm văn nghệ giáo xứ, với sự góp mặt của các cây nhà lá vườn và một số ca sĩ Công giáo nổi tiếng thánh phố.

Chủ nhật tới, 10-10, anh chị em Cựu Phan Sinh sẽ mừng giỗ Tổ, lễ cha thánh Phanxicô, tại Học viện Phanxicô, quân 9. Đây là dịp thường lệ hàng năm để anh chị em gặp gỡ nhau, mừng lễ cha Thánh, và nói lên lòng biết ơn Tỉnh Dòng vì quãng đời niên thiếu của mình được các cha các thầy của Dòng huấn luyện và dạy dỗ chu đáo.

Được biết hiện nay Tỉnh Dòng Phanxicô Việt Nam có 218 cha và thầy, trong đó có 15 tập sinh.