ROMA, (Zenit.org) - Cách đây 70 năm, ngày 20 tháng Tám năm 1940, « lần đầu tiên Thầy Roger Schutz đặt chân đến Taizé… ». Đó là nội dung bài xã luận của tác giả Giovanni Maria Vian đăng trên tờ báo Osservatore Romano hôm thứ Sáu vừa qua, để ca ngợi Thầy Roger và cộng đồng Taizé nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập.

Trong khi đến « ngọn đồi Taizé » vào mùa hè năm ấy khi mà nước Pháp oằn mình trong chiến tranh, vị mục sư trẻ thuộc phái Calvin người Thụy Sĩ ấy hoàn toàn không hình dung ra rằng trong một bước chân tương lai sau đó, những bạn trẻ Châu Âu khác, nhiều và nhiều vô kể sẽ tìm đến ngọn đồi ấy nằm trong trái tim của vùng Bourgogne.

Vị ân nhân đón tiếp những người tị nạn và người Do Thái trong thế chiến luôn bị cuốn hút bởi ơn gọi đời sống đan viện. Chính ngài và một số anh em nữa, « tất cả đều theo đạo Tin Lành, nhưng lại nhạy bén với sự phong phú của nhiều luồng Kitô giáo khác », đã cam kết ngay trong năm 1949 sống đời sống cộng đoàn theo linh đạo Bênêđictin và thánh Inhaxiô, đã được ấn định trong quy luật sống Taizé một vài năm sau đó », Tổng Biên Tập Giovanni Maria Vian kể lại.

Ngay trong năm đó, « Thầy Roger cùng với một trong số các anh em đầu là Max Thurian được Đức Piô XII tiếp kiến, kể từ năm 1958 trở đi những cuộc gặp gỡ với các Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II, người viếng thăm Taizé vào năm 1986, trở thành thông lệ hàng năm nhằm bày tỏ sự gần gũi dành cho cộng đoàn ngay cuối những năm 60 qua sự gia nhập của đông đảo anh em Công Giáo ».

Và rồi « một thanh niên Công Giáo trẻ trung người Đức, thầy Alois Löser, được thầy Roger chỉ định là người kế vị để đứng đầu cộng đoàn nhiều năm trước khi bị ám sát vào ngày 16 tháng Tám năm 2005 ».

Vị Tổng Biên Tập tờ Osservatore Romano cũng gợi lại biến cố « công đồng người trẻ » vào dịp tháng Tám năm 1974 với sự tham gia của hơn 40 ngàn bạn trẻ Châu Âu tại Taizé. « Đối với họ, trong các thập niên, Thầy Roger giữ thói quen truyền thống vào mỗi buổi tối có một bài suy niệm ngắn ». « Sau buổi cầu nguyện, ngài dừng lại để đón tiếp hay lắng nghe những ai muốn nói với ngài hoặc lại gần Thầy ».

Taizé, ông Giovanni Maria Vian lặp lại sau hết, « đã không bao giờ muốn thiết lập một phong trào, nhưng đã luôn luôn thúc đẩy dấn thân trong các giáo xứ và trong những thực tại địa phương: bằng cách cùng lúc thực hành đón tiếp, cổ võ bình an của mối phúc Tin Mừng, làm việc vì sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội cũng như các cộng đồng tin vào Đức Kitô, chỉ cho thấy sự sống động và tính hiệu quả của con đường đại kết thiêng liêng ».

Taizé đã biết dung hòa « những phong phú của các niềm tin Kitô giáo khác nhau: sự chú ý đến Kinh Thánh của Tin Lành, vẻ huy hoàng của phụng vụ Chính Thống giáo, tính trung tâm điểm Bí Tích Thánh Thể của Công Giáo ».