Cuộc đấu tranh cho sự sống còn của Giáo Hội tại Trung Quốc
(Tường trình đặc biệt của Anthony E. Clark, Ph.D - Catholic World Report "The Church’s Fight for Survival in China")

Một cuộc phỏng vấn dành riêng với Đức Hồng Y Joseph Zen tại Hồng Kông

Hồng Kông vẫn là thành phố tân tiến bậc nhất của Châu Á, bừng dội với đầy người và sự trổi dậy của chủ nghĩa vật chất. Ẩn mình trong mạng lưới của những con đường quanh co, những thang cuốn thật dốc, và những cao ốc vút trời của hải đảo này, là một ngôi nhà nhỏ nơi cư ngụ của một cộng đoàn Sa-lê-diêng (Salesians) khiêm tốn hằng phục vụ người nghèo và giáo dục thanh thiếu niên theo mẫu gương của Thánh Don Bosco. Thật khó để tưởng tượng trong lần đầu đến với cộng đoàn khiêm hạ này, rằng đây là nhà của vị giáo chủ Công giáo nổi tiếng bậc nhất và chỉ trích thẳng thừng nhất của Trung Quốc, Đức Hồng Y Joseph Zen, S.D.B.

Sau khi được dành cho một cuộc phỏng vấn riêng, Cha Paul Mariani, S.J. và tôi chờ đợi ở tầng dưới tại nơi cư ngụ của Ngài trong Học Viện Sa-lê-diêng. Đức Hồng Y Zen vào gặp chúng tôi, điều chỉnh máy điều hòa không khí, và báo cho chúng tôi biết Ngài đã cảm thấy "không khỏe lắm" ngày hôm đó. Mặc dù không được khỏe, Ngài đã rất rộng rãi với thì giờ của mình, và đã ứng xử đúng như danh tiếng của Ngài về sự trung thực và thẳng thắn khi bàn về tình hình của Giáo Hội tại Trung Quốc.

ĐHY Zen đã phục vụ trong chức vụ giám mục của Hồng Kông vào những năm 2002-2009, và đã được phong làm hồng y bởi Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI trong năm 2006. Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn trước đó, liệu ngài có ý định nghỉ ngơi trong thời hưu trí của mình, Ngài đã trả lời: "Tôi nghỉ hưu, nhưng tôi sẽ không ngừng làm việc cho Giáo Hội tại Trung Quốc." Thật rõ ràng Đức Hồng Y Zen là một người thợ lao công đạo đức sâu sắc trong vườn nho của Chúa, và rằng trái tim của Ngài không hề nao núng với cam kết cho việc cải thiện tình trạng đau khổ lâu dài của cộng đồng Giáo Hội tại Trung Quốc. Ngài có lẽ là người am hiểu nhiều nhất còn sống hôm nay về những gì đang diễn ra giữa các Kitô hữu đang sống bên trong dãy Vạn Lý Trường Thành.

Buổi thảo luận của chúng tôi bắt đầu với một phản ánh trong lời của Tertullian, rằng máu của các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội. Chúng tôi đã hỏi Đức Hồng Y Zen là tại sao ở Trung Quốc nơi đã sản xuất một số lượng tương đối lớn các vị tử đạo Kitô giáo trong lịch sử, và lý do tại sao cuộc đàn áp chống lại người Công giáo vẫn còn mạnh mẽ như thế cho đến ngày hôm nay. Ngài trả lời: "Khi chúng ta nói về tình hình tại Trung Quốc, chúng ta đang nói về chính sách đàn áp dưới chế độ cộng sản." Ngài lưu ý rằng trong khi chủ nghĩa cộng sản trên nguyên tắc thì tương tự ở khắp mọi nơi, nhưng nó có những đặc trưng khác nhau tùy thuộc vào quốc gia mà nó tồn tại. "Trung Quốc về cơ bản là một nơi mà các Kitô hữu là một nhóm thiểu số", và tại Trung Quốc sứ vụ Kitô Giáo "đã được coi là chủ nghĩa đế quốc," theo ĐHY Zen. Vì vậy, chính sách đàn áp Kitô Hữu của Cộng sản ở Trung Quốc đã "độc ác và nhẫn tâm." Ngoài ra, do "chế độ Cộng sản Trung Quốc là một 'phiên bản cải tiến' của chủ nghĩa cộng sản," sự kiểm soát trên tôn giáo tại đó lại đặc biệt chặt chẽ.

Chúng tôi đã hỏi tại sao dù trong khi chính quyền Trung Quốc vẫn muốn các cộng đồng Công giáo phải được trở thành bản địa, họ lại đi kềm hãm sự sùng kính các thánh Trung Quốc đã được phong thánh bởi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2000. Ngài Zen lưu ý rằng "bạn không bao giờ biết được điều gì trong đầu óc của chính quyền Cộng sản ở Trung Quốc", chính quyền này "rất bí mật" về cách thế hành sự của họ. Tuy nhiên, Ngài nói, sau khi Vatican thông báo rằng việc phong thánh sẽ diễn ra, nhà cầm quyền lại yêu cầu người Công giáo phải "ký vào một văn kiện chống lại Đức Giáo Hoàng." Ngài cũng nhắc lại quyết định tổ chức lễ phong thánh vào ngày 01 tháng 10, Ngày Quốc Khánh của Trung Quốc, "là, dĩ nhiên, một lầm lẫn lớn." Chọn ngày Trung Quốc làm lễ kỷ niệm chào mừng sự khởi đầu của chính quyền Cộng sản để phong hiển thánh cho các thánh Công giáo đã bị Đảng quan niệm như là một sự xúc phạm cố ý. Và do sự kiểm soát của chính quyền đối với các hoạt động của Giáo Hội, "rất ít người Công giáo Trung Quốc nhận thức được 120 vị tử đạo được phong hiển thánh," Ngài bày tỏ.

Một vấn đề khác Giáo Hội tại Trung Quốc phải đối mặt là sự trổi dậy của chủ nghĩa dân tộc. Đức Hồng Y Zen nhấn mạnh rằng người Công giáo Trung Quốc vẫn là người Trung Quốc, "giống như trước kia." Giáo hội, ông nói, không đe dọa bản căn Trung Quốc.

Về vấn đề leo thang của chủ nghĩa dân tộc tại Lục Địa, Ngài Zen cho rằng điều đầu tiên cần ghi nhớ là các nền văn hóa Trung Hoa và văn hóa Tây Phương trong thực tế khá khác biệt nhau. "Nhà truyền giáo đến đây mang quốc tịch riêng của mình, và mặc dù với tất cả những nỗ lực ngài đã làm, ngài vẫn là một người ngoại quốc. Bạn không nên bị vướng mắc bởi vấn đề này." Tuy nhiên," các nhà truyền giáo đã mang theo thần học của Thánh Thomas Aquinas khi họ đến Trung Quốc. Có điều gì sai trái với việc này? Họ mang theo cái gì tốt nhất của Giáo Hội với họ." Trong khi chủ nghĩa dân tộc tăng triển cách cực đoan hơn, Đức Hồng y cho rằng quả người Phương Tây và người Trung Quốc rốt cuộc có khác biệt, và rằng cả hai bên nên trân trọng những năng khiếu của nhau.

Khi được hỏi lý do tại sao các thánh tử vì đạo người Trung Quốc được phong hiển thánh chỉ vừa đến thời gian gần đây nhất là năm 1930, Đức Hồng Y Zen trả lời rằng có lẽ là Vatican "không muốn gây bực tức khó chịu cho chính quyền cộng sản." Nhưng Ngài Zen tự hỏi, "Tại sao chúng ta lại không công bố tất cả những vị tử đạo đã chết dưới chế độ Cộng sản?"Và ngài nói thêm, "Mọi người ở đây không dám công bố. Họ nói, 'Chúng tôi chờ đợi cho thời điểm tốt hơn. ‘Nhưng tôi sẽ nói, 'Đến khi nào mời có "thời điểm tốt hơn"? Hiện bây giờ là thời điểm tốt hơn."’ Ngài Zen kêu gọi người Công giáo từng bị chịu đau khổ dưới các sách lược bạo tàn chống lại Kitô hữu của Cách mạng Văn hóa (1966-1976), thuật lại chi tiết những mẫu chuyện của họ. Và ngài cũng khuyên các học giả hãy viết lịch sử về những gì đã xảy ra. Ngài Zen cho rằng thật là một điều đáng tiếc khi người Công giáo đã không công bố ngay bây giờ, trong lúc cuộc đàn áp vẫn lan tràn tại Trung Quốc, "hiện bây giờ là lúc người ta cần sự khích lệ."

"Việc tử vì đạo mang ý nghĩa ‘nhân chứng,’" ngài nói, và các vị tử đạo của Trung Quốc – gồm những vị đã được phong thánh và những vị mà tường thuật của họ chưa được biết tới, bắt buộc phải được viết đến và thảo luận, nhằm mục đích tăng cường niềm tin của những người đang chịu đau khổ ngày hôm nay dưới sự ngược đãi.

Chúng tôi đã hỏi Đức Hồng Y Zen về hiện tình của các cộng đoàn Công Giáo “hầm trú” (underground) và “công khai” (above-ground); trong khi có một số người cho rằng, sự phân chia giữa hai hình thái này đang biến mất, lại có nhiều linh mục và giám mục Trung Quốc ngày nay đang khẳng định điều ngược lại- nghĩa là sự chia cách đang tăng triển mãnh liệt hơn. Ngài Zen cho biết:

Giữa năm 1989 và năm 1996 tôi đã sống ở Trung Quốc sáu tháng mỗi năm giảng dạy trong các chủng viện của Giáo hội công khai, và kết luận của tôi khi tôi giảng dạy tại chủng viện Thượng Hải là như vầy, họ là người Công giáo, giống như những người Công giáo ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Và vì vậy tôi nói với mọi người là họ không nên nghĩ rằng hình thái hầm trú là trung thành và Giáo Hội Yêu Nước đã phản bội lại đức tin. Không, hoàn toàn không phải như thế.

Tại một thượng hội đồng giám mục tôi đã nói với các giám mục rằng chỉ có một Giáo Hội tại Trung Quốc, bởi vì trong trái tim của họ [người Công giáo Trung Quốc] có cùng một đức tin. Nhưng nếu bạn nhìn từ quan điểm cấu trúc, cách thế chúng được điều hoạt, thì rõ ràng là bạn thấy có hai Giáo Hội biệt lập. Giáo Hội hầm trú nằm ngoài vòng pháp luật. Nó có một thứ tự do, và nó không chấp nhận sự kiểm soát của chính quyền. Nhưng Giáo hội công khai thì vẫn bị khống chế chặt chẽ dưới quyền lực của chính phủ. Vì vậy, chắc chắn bạn không thể nói rằng lằn phân cách đang biến mất. Một số người nói rằng Giáo Hội hầm trú nên trở thành công khai. Điều đó là sự sai lầm tuyệt đối. Điều đó không nằm trong bức thư của Đức Thánh Cha [gửi đến những người Công giáo Trung Quốc, xuất bản năm 2007], và quan điểm này đã được soi rõ trong các ghi chú của bản trích yếu [của lá thư, đã được xuất bản vào năm 2009]. Đức Thánh Cha đã nói về một tiến trình hòa giải của tâm tư, chứ không phải là sự sáp nhập vào cùng một hệ thống.

Nếu sự kiểm soát của chính quyền trên Giáo hội công khai bị áp đặt đến mức đó, ngài Zen hỏi, "Tại sao Giáo hội hầm trú phải đầu hàng vào Giáo Hội công khai?" Rốt cuộc, ngài khẳng định, "Họ đã phải chịu đưng quá lâu, và đột nhiên ra đầu hàng không phải là một kỳ vọng hợp lý chút nào cả."

Sự ngay thẳng của Đức Hồng Y Zen thường bị gièm pha chê bai, nhưng ngài nói rằng ngài không quan tâm đến sự hâm mộ, ngài là, như Đức Giáo hoàng Benedictô XVI, một người cam quyết với sự thật. "Khi ở Trung Quốc, nếu bất cứ ai lên tiếng chống lại Giáo hội hầm trú, tôi sẽ bênh vực Giáo hội hầm trú, và nếu bất cứ ai lên tiếng chống lại Giáo hội công khai tôi sẽ bênh vực Giáo hội công khai, bởi vì toàn bộ các Giáo hội đều bị đàn áp." Thật không may, ngài Zen gợi ý, "Sự rộng lượng của Đức Thánh Cha trong việc hợp thức hóa các giám mục của Giáo hội công khai đã không sản sinh được kết quả mà nó phải mang lại."

"Đây là một thỏa hiệp từ cả hai bên," ngài Zen giải thích. "Đức Thánh Cha công nhận và phê chuẩn [các giám mục do Chính quyền lựa chọn] mà không đòi hỏi bất kỳ hành vi chống đối nào nhắm đến chính quyền, và mặt khác, chính quyền chấp nhận điều này mà không trừng phạt các giám mục đã được chấp thuận bởi Đức Giáo Hoàng."

Thế mà, ngài Zen đặt vấn đề, tại sao hai cộng đồng vẫn còn quá phân cách?" Một giải pháp có thể được tìm thấy.. . do đó, nó thực sự vượt quá sự hiểu biết của tôi tại sao tình trạng vẫn như thế. Tôi đổ lỗi cho số những giám mục đó tại Trung Quốc, những người đã không tuân theo ý định của các vị lãnh đạo trong Giáo hội nhưng chỉ thà mong muốn đi theo lợi thế riêng của họ."

Một vấn đề nữa là rất nhiều vị trong số những giám mục được chấp thuận bởi Đức Giáo Hoàng đã không mạnh dạn. Và, ngài Zen xác nhận, "Ngay cả một số giám mục đang hiệp thông với Roma cũng nói trong bài phát biểu của mình, 'Tôi muốn một Giáo Hội độc lập.' Làm thế nào họ có thể nói họ đang hiệp thông với Đức Thánh Cha? Điều này quả không tin nổi." Đức Hồng Y Zen, bản thân cam kết sâu xa với Toà Thánh Vatican, kêu gọi đến các giám mục đồng hàng của mình ở Trung Quốc trở nên một khối duy nhất, đi theo Roma mà không có những phát biểu lập lờ nước đôi. Điều này, ông nhấn mạnh, là những gì nói lên ý nghĩa để là "giám mục chân thực trong Giáo Hội Công Giáo."

Chúng tôi đã hỏi Đức Hồng Y Zen là ngài có cảm thấy rằng bức thư của Đức Giáo Hoàng gửi đến Trung Quốc đã thực sự loại bỏ lý do tồn tại (raison d'être) của Giáo Hội hầm trú, dưới ánh sáng từ gợi ý của Đức Giáo hoàng cho rằng hình thái "hầm trú" không phải là cách thế bình thường để Giáo hội thi hành chức năng. Có phải chăng văn thư của Đức Giáo hoàng đã bằng cách nào đó tạo ra sự rối ren mới trong Giáo Hội Trung Quốc? Ngài Zen nói không, quả quyết rằng ở Trung Quốc, "người Công giáo bị vướng mắc về vấn đề các giám mục chính thức, những vị đã được công nhận bởi Đức Giáo Hoàng vẫn còn ở bên phía của chính quyền." Ngài xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng trong thực tế đã không yêu cầu Giáo Hội hầm trú xuất đầu lộ diện và liên kết với Giáo hội Yêu nước, mà đúng ra đã nêu bật tính cực đoan của tình trạng bất thường tại Trung Quốc. Đức Hồng y đề xuất rằng các cộng đoàn hầm trú có lý do chính đáng để nghi ngờ Giáo Hội được thừa nhận, cho dù quan điểm này đã nhận được một số chỉ trích. Phản ứng với các nhóm phê bình về mình, ngài nói:

Người ta nói rằng, "Ông là ai, hỡi Hồng Y Zen? Ông sống trong một môi trường yên bình và ông đẩy anh em của ông vào việc tử vì đạo." Tôi không đẩy bất cứ ai vào việc tử đạo; việc tử đạo là một ân sủng đặc biệt từ Thiên Chúa. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu ngài là một giám mục, ngài bắt buộc phải cố kết chặt chẽ với đức tin của ngài. Điều quan trọng nhất đối với những người Cộng sản là sự kiểm soát, và họ đã tìm thấy một cách để kiểm soát Giáo Hội tại Trung Quốc thông qua Hiệp hội Yêu nước.

Khi được hỏi để diễn giải tỉ mỉ về cách thế Giáo hội Yêu nước bị kiểm soát ở Trung Quốc, Đức Hồng Y Zen chỉ vào Lưu Bách Niên (Liu Bainian), đương kim Phó chủ tịch của Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Hoa. Ngài Zen khẳng định, Liu có lẽ là một trong những yếu tố hiển nhiên nhất trong nỗ lực của chính quyền để kiểm soát người Công giáo Trung Quốc.

"Trong nhiều năm Lưu đã là người đứng đầu toàn bộ Giáo Hội Trung Quốc, và các giám mục thực sự chỉ là nô lệ của ông," Ngài Zen giải thích. "Tại các bữa ăn tối với ông Lưu và các giám mục, Liu là người duy nhất nói năng. Nhưng khi ông đi ra thì tất cả mọi người đều có thể nói; điều này thật là nhục nhã. Một số, tuy thế, vẫn coi ông như là một vị thánh. Nhưng chúng ta làm được gì? Thật là kinh hoàng."

Khi được hỏi về những người dèm pha cho rằng Liu và Zen là hai thái cực đã khiến Giáo hội Trung Quốc cứ phải chia cách, Đức Hồng y phản ứng:

Họ không sai. Chúng tôi thực sự là hai thái cực. Ông ta [đòi hỏi] toàn thể Giáo Hội Trung Quốc vẫn giữ trong tình trạng cách ly từ Roma, ông ta đã thúc ép cho sự tấn phong bất hợp pháp của các giám mục, và ông ta đã thúc ép để tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập của Hiệp hội Yêu nước. Chúng tôi thậm chí có bằng chứng cho thấy nhiều điều ông ta làm còn đi xa hơn những gì chính quyền ra lệnh. Khi chính quyền cho gọi năm giám mục để tham dự một thượng hội đồng của Trung Quốc, Liu gửi thêm một ông thứ sáu. Chính quyền không thể bằng lòng về về việc này được.

Đức Hồng Y Zen nói rằng điều sẽ giúp cho tình trạng ở Trung Quốc là nếu các giám mục chỉ đơn giản khởi sự trân trọng bức thư gần đây của Đức Thánh Cha gửi cho Giáo Hội Trung Quốc. "Tôi không thể hiểu làm thế nào mà rất nhiều người không tiếp nhận bức thư của Ngài một cách nghiêm túc, một số thậm chí còn cung cấp một lối giải thích xuyên tạc về bức thư."

Mặc dù phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội tại Trung Quốc, con số người Công giáo vẫn tiếp tục gia tăng. Người ta tự hỏi là Giáo Hội tại đây đã làm đúng những điều gì.

"Chẳng có gì là bất ngờ," ngài Zen nói, "khi người ta tìm thấy sự an ủi nơi Kitô giáo đang lúc Trung Quốc là một nước rối loạn như thế." Ngài cũng yêu cầu thế giới ghi nhớ rằng "Kitô hữu Trung Quốc vẫn còn là một thiểu số rất nhỏ," và rằng người ta "không nên đòi hỏi quá nhiều vào Giáo Hội Trung Quốc trong thời gian này." Ngài nói, "Giáo hội Trung Quốc ngày hôm nay phải chiến đấu cho sự sống còn, không giống như Giáo Hội ở các nơi khác trên thế giới. Nhưng mặc dù những nhu cầu phải đấu tranh cho sự sống còn, Giáo hội đó vẫn tranh thủ để truyền giáo và cống hiến các dịch vụ từ thiện."

Cuối cùng, chúng tôi đã hỏi Đức Hồng Y Zen về những gì người Công giáo ở ngoài Trung Quốc có thể làm cho Giáo Hội Trung Quốc. Câu trả lời của ngài khá đơn giản:

Tôi nghĩ rằng điều đầu tiên là có được những hiểu biết về Giáo Hội tại Trung Quốc. Thật đáng tiếc là ngày nay có rất nhiều người biết về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc nhưng lại không nói, và rất nhiều người nói về người Công giáo Trung Quốc nhưng thực sự không biết bất cứ điều gì hết. Người ta phải biết về cái thực tại – cái thực tại chân thực của tình huống. Ngày nay đã có quá nhiều những rối ren - quá nhiều rối ren.

Đức Hồng Y Zen cũng lưu ý, "Đức Thánh Cha ngày hôm nay đã rất rõ ràng trong ý tưởng của Ngài về Giáo Hội tại Trung Quốc, và chúng ta rất may mắn có được một giáo hoàng như thế."

Đến hồi kết thúc cuộc thảo luận của mình, chúng tôi đã nhớ lại một lần nữa những lời của Tertullian, rằng máu của các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội. Chúng tôi phản ánh về những thể cách mà lịch sử của Trung Quốc qua những cuộc đàn áp người Công Giáo vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho người Công giáo Trung Quốc cam quyết sâu nặng hơn với đức tin của họ. Đức Hồng Y Zen đã kết thúc bằng một lời cầu nguyện với Đức Mẹ, Đấng Phù Trợ các Kitô hữu, “để ban phước lành cho tất cả những người đang chịu đau khổ vì đức tin của họ, và cũng cho những người đang cố gắng để giúp đỡ họ." Khi chúng tôi đứng lên để ra về, Đức Hồng Y Zen nói, "Vâng, tôi cần phải vội vàng để có thể dâng Thánh Lễ hàng ngày của mình." Ngài đã ban phép lành cho một số tượng ảnh Đức Mẹ Trung Quốc cho chúng tôi, và rời khỏi phòng.

Ngài Zen là một con người của Giáo Hội, quan tâm một cách sâu xa cho đức tin và sự tự do của đồng bào Trung Quốc của ông. Và rõ ràng là ông sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi nào chính quyền Cộng sản Trung Quốc trả cho Giáo Hội sự độc lập toàn bộ khỏi sự kiểm soát của họ. Như ngài Zen nói, "Lời quyết định không phải được độc quyền từ phía của một chính quyền vô thần." Dường như Đức Hồng Y Zen dự định chỉ có rất ít thời gian nghỉ ngơi trong những năm nghỉ hưu của ngài, ông đã tạo cho mình một công việc chẳng kém hơn sự chiến thắng với một chính quyền mà ngài mô tả là "độc ác và nhẫn tâm". Mặc cho những cuộc đấu tranh của Trung Quốc, ngài Zen vẫn là một con người của hy vọng, như ông đã nói, "Mùa đông đã qua và mùa xuân sẽ đến."

(Anthony E. Clark, Ph.D., Assistant Professor, chuyên ngành lịch sử Á Châu tại Whitworth University (Spokane, Washington), đã dành sáu tuần vào mùa hè qua du hành và nghiên cứu tại Trung Quốc. Trong chuyến đi này, ông đã phỏng vấn Đức Hồng Y Zen tại Hồng Kông -- Phạm Hương Sơn chuyển ngữ)