Truyền giáo tại Việt Nam - Thử xem lại!

Dẫn nhập

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đang mừng kỷ niệm hai sự kiện lớn trong lịch sử truyền giáo của mình, 350 năm thành lập hai địa phận tông toà và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm. Hai sự kiện này nói lên mức độ trưởng thành của một cơ cấu tổ chức. Lịch sử truyền giáo vẫn đang tiếp diễn trên dân tộc Việt Nam. Mỗi thời mang một sắc thái riêng. Thời đầu, các vị thừa sai đã không quản ngại để mang hạt giống Tin Mừng vào mảnh đất thân yêu này (1). Sau khi Lời Sự Sống được gieo trồng trên quê hương Việt Nam, vì nhiều lý do phức tạp, người ta cố tìm cách để trù dập hay thậm chí là muốn nhổ tận gốc mầm của Lời Sự Sống; thế nhưng mọi nỗ lực tận diệt đó đều không thành trước sức mạnh nội tại của Lời (2). Thời kỳ cấm cách qua đi, bầu trời trở lại bình yên, Giáo Hội có nhiều cơ hội để thể hiện chính mình hơn; tuy nhiên trong cái thời ổn định này, thì công cuộc rao giảng Tin Mừng hầu như bị chững lại. Nêu lên những thành quả của cha anh để xem xét là tại sao con cháu lại không làm cho cây ra hoa kết quả (4).

1. Thời khai sinh

Công cuộc truyền giáo trên đất nước Việt Nam được bắt đầu kể từ năm 1533. Với một khởi đầu không mấy ai biết đến, khởi đầu đó chỉ được ghi lại như sau: “Năm Nguyên Hoà nguyên niên, đời Lê Trang Tông, có một dương nhân tên là I-Ni-Khu đi đường biển lén vào giảng đạo Gia-tô ở làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân, và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thuỷ.”

Nhìn lại quá khứ cách đây mấy trăm năm khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, thì động lực nào đã khiến những vị thừa sai - những người chẳng có họ hàng máu mủ gì với đất nước và con người Việt Nam chúng ta, đã nhiệt tình, can đảm, hết mình và xả thân vì mảnh đất và con người sống trên mảnh đất này bất chấp mọi khó khăn gian khổ khi phải vượt biển sóng dữ trùng khơi? Chính “tình yêu Đức Kitô thôi thúc” (xc. 2 Cr 5,14) họ mạnh dạn (xc. 2 Cr 5,8.11) và can đảm dám từ bỏ tất cả đến mức quên mình vì phần rỗi chúng ta (xc. 2 Cr 5,1-21). Họ nhiệt tình vì Nước Chúa mà quên đi mọi gian lao vất vả và thậm chí là bất chấp cả cái chết. Không có gì ngăn cản lòng họ nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng. Lửa truyền giáo cháy lên trong trái tim nhiều vị thừa sai. Chỉ xét xem thời gian lênh đênh gian khổ trên sóng nước mà các vị thừa sai đã phải trải qua cũng nói lên tinh thần quyết tâm và kiên cường đối với sứ vụ cao cả là gieo niềm tin và hy vọng cho những con người vừa xa vừa lạ: xa về khoảng cách địa lý; lạ về ngôn ngữ, tập quán và văn hoá.

Khi đặt chân đến một miền đất xa xôi và lạ lẫm như thế, các vị thừa sai đã làm gì để rao truyền sứ điệp cứu độ? Chúng ta cứ thử tìm hiểu và thử nghĩ xem. Xin đừng thần thoại hay thần thánh hoá các vị thừa sai là họ có khả năng thần thông, làm phép lạ này kia hay có tài biến đổi những người dân trong chốt lát thành những Kitô hữu sốt sắng. Các vị đã sống thật con người giữa những con người xa lạ, rồi từ từ cảm hoá những con người xa lạ đó bằng tình yêu thương. Chính tình yêu Đức Kitô thôi thúc họ thì cũng chính tình yêu ấy biến đổi những con người xa lạ ấy trở thành người thân, người nhà của các vị thừa sai, trở thành môn đệ của Đức Kitô.

2. Thời cấm cách

Dưới thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị rồi Tự Đức, Giáo Hội tại Việt Nam tưởng chừng như không có một tí đất nào để sống sót, chứ đừng nói vươn lên. Cộng đoàn tín hữu nhỏ bé và yếu sức nhờ vào sức mạnh nào, quyền năng nào hay thần lực nào để có thể tồn tại trước bao thử thách đau thương đó? Câu trả lời tuỳ thuộc vào cái nhìn của mỗi người! Đối với người không có đức tin, thì có lẽ họ sẽ trả lời là do sự gian xảo của các tín hữu, những người vẫn bị coi là “quân tả đạo”, “tà đạo”...; đối với người theo chủ nghĩa cục bộ, câu trả lời có lẽ là nhờ sự tiếp sức của thế giới ngoại xâm, nhờ thực dân...; đối với người có niềm tin, thì câu trả lời chắc chắn là nhờ vào quyền năng Thiên Chúa, các tín hữu mới có thể vượt qua mọi thử thách, đau khổ, bắt bớ và tù đày.

Những cực hình, những đòn tra tấn tàn bạo và những cuộc bố ráp để diệt tận gốc không làm suy giảm đức tin của các tín hữu nhưng lại làm cho đức tin ấy kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn và sáng hơn. Các tín hữu đã cảm nghiệm được động lực thiêng liêng để có đủ sức chịu đựng tất cả, như lời thánh Phêrô nói: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người” (1 Pr 1,6-9).

Từ năm 1833 đến 1862 là thời kỳ bách hại đạo nghiệt ngã, nhưng số tín hữu vẫn không ngừng gia tăng từ 320.300 năm 1800 lên đến 426.000 vào năm 1855. Tại sao trong thời kỳ khó khăn như thế mà công cuộc truyền giáo vẫn phát triển mạnh. Chẳng lẽ chúng ta cứ mong Giáo Hội luôn luôn bị bách hại để có thêm người tín hữu? Phải chăng chúng ta cứ mong có nhiều đầu rơi máu chảy để có nhiều người khác theo đạo? Có nhất thiết như thế không? Phải chăng là cần có những trang sử hào hùng để có thật nhiều vị tử đạo? Hằng ngày chúng ta vẫn thường cầu nguyện cho Giáo Hội được bình an và tự do để thi hành sứ vụ Chúa giao phó là gì, nếu không muốn nói là có bớt những bắt bớ, cấm cản và tù đày...?!

3. Thời ổn định

Trong thời kỳ bị bách hại ráo riết, thế mà Giáo Hội vẫn cứ phát triển mạnh, lan rộng nhanh, đức tin kiên cường, người tín hữu hết mình vì Đạo Thánh. Còn thời bình thì sao? Một điều thật nghịch lý là càng được yên ổn bao nhiêu thì Giáo Hội lại không tiến được tí nào bấy nhiêu! Chúng ta thử lấy hai con số cách nhau hơn 30 năm để so sánh: năm 1970, theo thống kê của Thánh Bộ Truyền Giáo dân số Việt Nam là 38.113.000 trong đó có 2.491.839 người tín hữu, người công giáo chiếm 6,5% dân số; theo thống kê năm 2004, dân số Việt Nam là 82.300.000 trong đó 5.670.000 tín hữu, người công giáo chiếm tỉ lệ 6,88%. Hai con số ấy chênh nhau không là bao, cho thấy công cuộc truyền giáo đang khững lại, nếu không muốn nói là không có một sự truyền giáo nào. Vì tỉ lệ gia tăng số người công giáo thấp hơn so với mức tăng dân số tự nhiên của cả nước.

4. Thử xét mình lại xem!

Điều gì đã khiến công cuộc rao giảng Tin Mừng tiến chậm? Phải chăng là do mất lửa truyền giáo? Chúng ta hằng ngày vẫn kêu gọi và cầu nguyện cho việc truyền giáo; lại có cả một năm là Năm Thánh Truyền Giáo (2003); trong năm này có nhiều băng rôn, khẩu hiệu treo trong hầu hết các nhà thờ trong suốt năm này, nhiều khoá học tập thư chung của HĐGM gửi cho cộng đồng Dân Chúa... Trong suốt năm thánh này, lửa truyền giáo đã được đốt lên. Lửa đó đã kịp cháy chưa? Lửa đó có cháy lên trong trái tim của mỗi con người tín hữu không? Hay là chỉ cháy lên nơi những khẩu hiệu? Xong rồi tắp ngúm mất tiêu!

Truyền giáo không tiến triển tí nào, phải chăng là thiếu nhân sự? Hẳn là không phải thế. Bởi vì tại Việt Nam ơn gọi tu trì trong những năm gần đây đều tăng; số dòng tu nước ngoài vào tuyển ơn gọi cũng đông; nhiều dòng mới được thành lập; số giáo lý viên tăng; các hội đoàn ngày thêm nhiều... Và các dòng tu lo việc truyền giáo cũng không thiếu. Nói rộng ra, mỗi người tín hữu là một người truyền giáo, vậy hơn sáu triệu người thì phải có hơn sáu triệu nhà truyền giáo! Nhân sự thật dồi dào! Có điều là sử dụng được đấy thôi!

Vậy thì do thời thế chăng? Lý do này lại không có tính thuyết phục tí nào, bởi vì ngày hôm nay, chúng ta có nhiều phương tiện hơn, có nhiều điều kiện hơn,... Trong những thời kỳ khó khăn cấm cách, đức tin chẳng lớn lên mạnh mẽ đó sao?!

Có phải là do thiếu tài chính? Cứ rảo quanh một vòng đất nước, rõ ràng là có nhiều nhà thờ mới được xây dựng, có nhiều công trình mới được hoàn thành... Thiếu tài chính mà đâu đâu cũng thấy xây nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý,... ? Tài chính có vẻ không có cho quỹ truyền giáo, nhưng có lẽ không thiếu!

Có nhiều câu hỏi nữa cần đặt ra, nhưng chừng ấy cũng đủ để mỗi Kitô hữu Việt Nam chúng ta phải suy nghĩ. Đừng nói là các vị thừa sai hồi xưa có cái này cái kia, nên mới truyền giáo được như thế! Mà mỗi người hãy tự hỏi chính mình tại sao mình lại không đi truyền giáo và không truyền giáo được!

Thay lời kết

Sứ mạng chính yếu của Giáo Hội là truyền rao ơn cứu độ cho muôn dân. Mỗi người Kitô hữu là thành phần trong gia đình ấy, do đó, chúng ta cũng có thể nói được là mỗi thành phần trong gia đình ấy đều được mời gọi ra đi truyền giáo. Hơn bao giờ hết, Năm Thánh 2010 là một lời mời gọi khẩn thiết Giáo Hội gửi đến mỗi người tín hữu Việt Nam và cũng là một lời thách thức để xem người tín hữu Kitô tại Việt Nam sau năm thánh đặc biệt này có làm gì được cho quê hương này không. “Con hơn cha là nhà có phúc”, có lẽ các thế hệ cha anh của chúng ta đã có công vun trồng lên ngôi nhà Giáo Hội tại Việt Nam này đều mong muốn chúng ta làm hơn thế nữa cho dân tộc này! Mong thay!