Như một chuyện khó tin mà có thật, đó là chuyện của chàng thanh niên ở Tây Đức trước đây, đã một mình lái chiếc Cessna cánh quạt nhỏ vượt qua hành lang 400 dặm trên lãnh thổ Liên Xô cũ, rồi an toàn đáp xuống quảng trường đỏ. Người thanh niên Tây Đức tên là Matthias Rust này điềm tĩnh bước ra khỏi phi cơ, ký sổ lưu niệm cho một sồ khách hiếu kỳ. Sau đó, anh đã bị công an Liên Xô bắt giữ. Đây là một chuyện chưa từng xảy ra trên lãnh thổ vốn có hệ thống phòng thủ chặt chẽ như Liên Xô.

Sự thành công của chiếc phi cơ nhỏ này đã khiến cho nhà cầm quyền Liên Xô lúc bấy giờ e ngại và giật mình về sự sơ sót của mình. Đó có thể được xem như là một tai nạn trong hệ thống phòng thủ của một cường quốc về vũ khí như Liên Xô. Mà tai nạn thì luôn là một bất ngờ con người không bao giờ lường trước được. Không ai học được chữ ngờ trong cuộc sống. Có một cái gì đó luôn ở ngoài tầm tay, ở ngoài khả năng của con người. Bài học thông thường nhất mà ai cũng có thể học được từ một tai nạn: đó là không ai làm chủ được chính sự sống của mình.

Người Kitô hữu luôn được mời gọi để tìm ra ý nghĩa của các biến cố. Biến cố nào xảy đến trong cuộc sống cũng là một lời ngỏ của Thiên Chúa đối với con người. Ngài nhắc nhở cho con người biết rằng Chủ Tể của sự sống chính là Ngài, và kêu mời con người luôn sẵn sàng đến với Ngài trong cuộc gặp gỡ tối hậu. Thiên Chúa cho con người thấy những giới hạn của mình để biết hướng về Ngài với tất cả tin tưởng phó thác.

Bài đọc 1 trích sách Kn 18, 6 – 9 gợi lại đêm tối nổi tiếng trong lịch dử Do thái giáo. Đêm ấy các tổ phụ đã được biết trước. Không những Chúa đã báo trước cho Abraham mà chính Môsê sau này cũng báo cho con cái Israel biết. Họ chỉ biết khi có niềm tin. Họ có tin vào Chúa và lời của Ngài, họ mới chờ đợi cái đêm hôm ấy. Đêm để thấy các thánh được cứu độ và thù địch bị diệt vong. Đêm Đức Chúa giải thoát dân riêng Ngài khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ vào đất hứa. Nên con cái Itrael đã âm thầm tế lễ Thiên Chúa, thực hiện những công việc theo lệnh Chúa truyền, đồng tâm một lòng cùng chung phúc may và hiểm họa, biểu hiện niềm tin duy nhất bằng cách cất tiếng hát ca tụng Chúa cùng với các tổ phụ.

Tác giả sách Khôn Ngoan cho chúng ta thấy con cái Israel đã được giải thoát nhờ niềm tin, một niềm tin chung vững vàng căn cứ nguyên vào lời Chúa… Chính từ ngày ấy Chúa giải thoát dân bằng cánh tay hùng mạnh, người ta mới có kinh nghiệm và khuyến khích để tin vào những lần giải thoát khác mà Chúa nói là sẽ còn kỳ diệu hơn nữa, để mỗi khi ăn lễ Vượt Qua và mỗi khi trông chờ ơn Cứu độ, mọi người phải có niềm tin vững vàng, một niềm tin Chúa sẽ cứu cả cộng đồng trong đó có mình.

Do đó nếu bài thư Dt 11, 1 – 19 lấy gương Abraham để khuyến khích mỗi người chúng ta luôn luôn tiến bước về tương lai với niềm tin vững chắc, thì với bài trích sách Khôn Ngoan, phụng vụ muốn nhắc nhở chúng ta đặt niềm tin tương lai vào sự gắn bó chung với Giáo Hội. Thật vậy, chúng ta không tiến về tương lai một mình, nhưng cùng với toàn thể nhân loại được cứu độ. Chúng ta phải cất cao bài hát của các tổ phụ, tức là nói lên niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa và Lời Hứa của Ngài. Bài tin mừng Lc 12, 32 – 48 sẽ truyền lại cho chúng ta giáo huấn rõ ràng hơn của Chúa.

Thoạt đầu Chúa nói với các môn đệ, tức là với tất cả những người tin Chúa. Về sau Chúa nói riêng với các tông đồ tức là với những người có trách nhiệm trong Giáo Hội. Với tất cả mọi người, Chúa Giêsu có một lời khích lệ âu yếm, Người nói: ”Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”. Lời nói vắn tắt nhưng rất thâm thúy, có sức an ủi vì khơi lên niềm tin vững mạnh. Nó cho thấy Chúa thấu suốt hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Nhưng Người cũng khẳng định thân phận của chúng ta rất tốt đẹp. Hiện tại chúng ta là những con chiên vừa nhỏ vì ít ỏi, vừa nhỏ vì yếu thế. Giáo Hội luôn luôn như vậy vừa ít số, vừa không có thế lực. Thường khi chỉ là con thuyền nhỏ trong cơn bão táp trần gian. Nhưng Chúa bảo đừng sợ vì Chúa Cha đã hứa ban Nước Trời cho chúng ta. Giáo Hội đang là chính Nước Trời ấy có sự phong phú của Thiên Chúa và nắm giữ mọi phương tiện cứu rỗi. Những ai tin như vậy sẽ thấy bình an và vững vàng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tuy nhiên đức tin không phải chỉ là cái nhìn bình an. Nó là khởi điểm và là động lực. Nó đã làm cho Abraham lên đường và giúp ông luôn luôn cất bước cho đến hết cuộc đời. Nó đã khiến con cái Israel tập họp trong đêm xuất hành để vượt qua. Nó cũng phải đưa chúng ta vào hành động.

Vì thế Chúa nói với tất cả các môn đệ: hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn, tức là cả đêm ngày luôn ở tư thế làm việc và sẵn sàng. Ở đây, Chúa cũng gợi lên một ý tưởng. Với bất cứ người nào tỉnh thức, sẵn sàng mở cửa khi Chúa gõ, Người sẽ vào và ngự trong nhà người ấy, tức linh hồn họ. Thái độ tỉnh thức mà Chúa căn dặn mọi người chính là sự cởi mở, nhạy cảm với những điều có liên hệ đến Nước Trời, tức là đến Chúa và Giáo Hội, đến ơn cứu độ của Người luôn sẵn sàng đi vào đời sống của chúng ta qua các biến cố lớn nhỏ hằng ngày. Chỉ khi nào người ta giữ tâm hồn cởi mở và nhạy cảm đối với những gì có thể làm tăng ơn Chúa và mở rộng Nước Trời, lúc đó họ mới là con người sẵn áo đai lưng và chong đèn sáng, họ mới ở tư thế làm việc và sẵn sàng. Một đức tin như vậy mới sống động và tích cực, giống đức tin của tổ phụ Abraham và của cộng đồng dân Chúa nói trong các bài đọc Kinh thánh Chúa nhật XIX thường niên năm C hôm nay.

Cuối cùng, riêng với những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, Chúa muốn căn dặn qua câu trả lời cho Phêrô. Họ phải tỏ ra là quản lý trung thực và khôn ngoan. Không những phải tỉnh thức và sẵn sàng đón chủ về, mà trong khi chờ đợi còn phải phục vụ gia nhân cho đầy đủ, xả kỷ, yêu thương.