Tôi xin được vòng vo Tam Quốc một chút trước khi đi vào câu chuyện.

Một trong những thói quen dễ thương của người Việt chúng ta là thích khoe con cái. Ai trong chúng ta không muốn làm cái việc dễ thương này khi con cái của chúng ta lúc còn nhỏ thì ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ, biết nhường trên, nhịn dưới, học hành chăm chỉ, lúc lớn lên thì đỗ đạt thành tài, có công ăn việc làm tốt, có địa vị trong xã hội, có hiếu với cha mẹ, thuận thảo với anh em. Nhất là khi con em chúng ta đã đỗ đạt thành tài, vượt qua được cái bậc đại học, là chúng ta có thể hãnh diện để cho rằng chúng đã ở trong giai cấp trí thức. Và chúng ta muốn phổ biến cái niềm hãnh diện của mình, muốn chia sẻ cái niềm hãnh diện đó với bạn bè, đôi khi với cả những người mới quen. Nếu người đối thoại cũng có con cái tương tự như mình, thì đến lượt họ sẽ khoe con cái họ. Thế là vui vẻ cả, miễn là người này không cố tình hay vô ý hạ thấp giá trị con cái của người kia. Nhưng nếu người đối thoại không có hoàn cảnh tốt như vậy, hoặc không muốn nghe những lời khoe khoang ấy, thì họ có thể không chú ý tới câu chuyện, hoặc lịch sự thì ráng nghe nhưng cảm thấy khổ sở cái lỗ tai vô cùng.

Nói đến trí thức, nhiều người trong chúng ta chỉ nghĩ đến cái cấp bằng, thường là đại học, và sự hiểu biết rộng rãi. Trong các tự điển, cái định nghĩa trí thức cũng tương tự như vậy. Thế nhưng, theo một người bạn tôi, trí thức không những là người có bằng cấp cao, có sự hiểu biết rộng, mà còn phải biết sản xuất, sản xuất cho chính mình, cho gia đình mình, và cho tha nhân. Cái anh bạn này đúng là hơi rắc rối. Anh đã thêm cái phần sản xuất, nhất là sản xuất cho tha nhân vào cái định nghĩa trí thức. Tôi nói ví như một vị bác sĩ, làm hết trách nhiệm vớì bệnh nhân, đó là tha nhân, và đóng thuế cho Nhà Nước để lo cho dân, thế là đủ rồi, thế là trí thức rồi, ông có quyền “thoải mái” rồi. Bạn tôi nói rằng nếu ông dành chút thời giờ để khám bệnh miễn phí cho người nghèo, hoặc nếu ông có mở phòng mạch tư thì giảm giá cho người nghèo, thì quả thực là một trí thức trọn vẹn. Tôi bảo anh có phần lẩm cẩm, có thể đang gây rắc rối cho chính mình khi động chạm tới cái giai cấp cao như vậy trong xã hội bằng cách định nghĩa lại cái danh xưng của giai cấp này. Anh bèn kể cho tôi hai mẩu chuyện mà anh lấy làm đắc ý và cho rằng hai mẩu chuyện này củng cố cho cái lý luận của anh.

Hồi anh còn là chuẩn úy, một lần về phép, đứa con gái 5 tuổi của anh bị bệnh. Anh ẵm con ra bến xe lam, đưa con đến phòng mạch một bác sĩ tư mà anh biết dường như là một đại úy quân y. Khám bệnh cho thuốc xong, không đợi anh hỏi để trả tiền, vị bác sĩ nói ngay: “Hôm nay miễn phí”. Với lương một chuẩn úy, vợ ở nhà nuôi bốn đứa con, tiền khám bệnh cho một đứa con cũng khá mệt cho anh rồi. Tôi bảo anh: “Có thể ông đại úy quân y miễn phí cho anh vì anh là chuẩn úy”. Anh nói: “Từ tình thương đồng đội đến tình thương đồng loại không xa lắm”. Và anh kể cho tôi nghe một chuyện khác.

Qua một người bạn của anh, anh quen chị và anh rể anh ta, đã khá lớn tuổi. Lần gặp hai ông bà này ở nhà bạn anh, biết hai người, cùng với người con trai út đang làm việc ở Âu Châu, mới về thăm Việt Nam, anh bèn hỏi chuyện chuyến đi. Sau khi kể những nơi gia đình đã đi và những gì gia đình đã thấy, người vợ bèn thêm: “Mệt lắm anh ơi. Chiều hôm sau lên máy bay trở về Mỹ, mà hai đêm trước tôi ngủ không được mặc dầu nhà người chị họ tôi khá khang trang. Thấy vậy, cháu nó bảo để lấy phòng lạnh ở hotel trên đường Tự Do cũ cho gia đình để tôi có thể ngủ được. Tôi hỏi cháu bao nhiêu. Nó bảo khoảng một trăm đô la. Tôi bảo ‘Mẹ tưởng con chỉ còn đủ tiền tiêu lặt vặt trên đường về’. Cháu nó bảo vẫn còn đủ để lấy phòng cho tôi. Tôi bèn xin cháu số tiền ấy và không đi ngủ ở hotel. Cháu nó ngạc nhiên hỏi tôi dùng tiền làm gì. Tôi bảo còn một vài nơi tôi chợt nhớ ra là chúng tôi chưa giúp gì cả. Cháu nó bảo là chúng tôi đã giúp các hội từ thiện tổng cộng gần hai ngàn đô la rồi. Tôi bảo cháu là vẫn còn sót vài nơi tôi muốn đến thăm. Cháu nó đồng ý cho tôi cái trăm đô la ấy, nhưng vẫn muốn tôi ngủ ở hotel để lấy lại sức. Tôi nhìn cháu cười cười, nắm tay nó, rồi bảo ‘Con có hiếu quá. Mẹ thương con quá. Nhưng mẹ muốn con cho mẹ nốt cái trăm đô la ấy’. Cháu nó rút tay ra, tròn mắt nhìn tôi, rồi bỗng nó quỳ xuống, gục đầu vào đùi tôi ‘Mẹ thật là tuyệt vời. Con thương mẹ lắm. Con biết cái lý do hai đêm nay mẹ không ngủ được rồi’. Thế là chúng tôi ra xe tắc xi đi đến nơi mà tôi muốn đi. Và đêm ấy tôi ngủ ngon anh ạ. Sáng hôm sau, cả nhà cùng vui.” Ðến đây thì người chồng mới chêm vào: “Bà chỉ có hay khoe con”.

Không. Bà ấy không chỉ khoe con, mà còn khoe cả cái việc làm đáng quý của gia đình bà. Và trong trường hợp này, chính tôi cũng muốn phụ họa để khoe việc làm đầy lòng vị tha của gia đình bà. Ðó là lý do khiến tôi thuật lại mẩu chuyện này. Nhưng tôi góp ý với bạn tôi rằng nhà trường chỉ huấn luyện chuyên môn. Cái lòng vị tha xuất phát từ con tim và gia đình là nơi giáo dục tốt nhất. Tôi cũng đề nghị bạn tôi là đừng vì “nóng bức” trong người mà đòi đổi cái định nghĩa về trí thức. Trí thức và lòng yêu tha nhân “dường như” là hai vấn đề riêng biệt. Tôi hy vọng rằng cái “den” thương người này không còn có tính cách cá biệt nữa, mà nó sẽ được phổ biến trong mọi người chúng ta.