Gerard van den Aardweg từng là một nhà điều trị trong gần 50 năm tại quê hương Hòa Lan của ông, chuyên về các trường hợp đồng tính luyến ái và các vấn nạn vợ chồng. Ông giảng dạy trên khắp thế giới và trước tác rất nhiều về đồng tính luyến ái và ấu dâm, cũng như mối liên hệ của các vấn đề này với các chủ đề khác như việc lôi cuốn đồng phái nơi các linh mục, thông điệp Sự Sống Con Người và các hậu quả của việc người đồng tính làm cha mẹ. Ông là tác giả các cuốn “Battle for Normality: Self-Therapy of Homosexuality” (Cuộc Chiến Tìm Lại Sự Bình Thường: Tự Điều Trị Chứng Đồng Tính Luyến Ái) và “On the Origins and Teatment of Homosexuality” (Bàn Về Nguồn Gốc và Việc Chữa Trị Chứng Đồng Tính Luyến Ái). Ông từng là một thành viên của Ủy Ban Cố Vấn Khoa Học của Hiệp Hội Quốc Gia Nghiên Cứu và Chữa Trị Chứng Đồng Tính Luyến Ái từ khi cơ quan này được thành lập năm 1992. Ông cũng là chủ bút Âu Châu của “Tập San Thực Nghiệm Tác Phong Tính Dục Đồng Phái” (Empirical Journal of Same-Sex Behavior).

Trong cuộc phỏng vấn với Zenit gần đây, do Genevieve Pollock ghi lại, tác giả này cho rằng trong các trường hợp lạm dụng tình dục bởi một số giáo sĩ, không thể đồng nghĩa tác phong ấu dâm với việc đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, hai tác phong này không hẳn không có liên hệ với nhau. Về lý do có những tin tức dồn dập về các vụ một số linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, Van den Aardweg, cho rằng phần lớn việc ấy do giới truyền thông thực hiện, nhưng ta không nên mắc mưu của họ. Đơn giản là không nên tin giới truyền thông trong vấn đề này, nhất là những tờ báo thiên tả và tự do cũng như các kênh truyền hình, vì họ khai thác các vụ xi-căng-đan này để phục vụ nghị trình riêng của họ.

Dĩ nhiên, việc lạm dụng tình dục trẻ em đầy gương mù gương xấu của các linh mục và tu sĩ quả có xẩy ra trong quá khứ, rất thường là đàng khác, ít nhất cũng hơn người ta nghĩ hay tưởng tượng; và việc đó vẫn còn đang xẩy ra. Nhưng tình thế đang cải thiện một cách rõ rệt, và đỉnh cao các vụ lạm dụng này xẩy ra trong các năm từ 1965 tới 1990, đã 20 năm nay rồi.

Không phải là đặc trưng của giáo sĩ

Điều ấy không có gì phải ngạc nhiên; cuộc cách mạng tình dục trong thế giới thế tục không dừng bước tại ngưỡng cửa Giáo Hội. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa tác phong ấy là đặc trưng của các linh mục và tu sĩ, hay nó xẩy ra thường xuyên tại các giáo xứ hay các định chế giáo dục Công Giáo hơn các nơi khác.

Không hề bận tâm đến việc kiểm soát xem chúng có giá trị thực hay không, các lời tố cáo, chín mùi hay không chín mùi, đã được phát đi một cách vô tội vạ, thường là với luận điệu bình luận theo cung cách thù nghịch với Công Giáo. Ngày lại ngày, cùng một luận điệu ấy được lặp đi lặp lại.

Nó giống như một thứ điều kiện hóa kiểu Pavlov đối với công luận: việc liên kết giữa “linh mục Công Giáo” với “kẻ lạm dụng trẻ em” cứ được tăng cường mãi mãi trong tâm trí độc giả hay thính giả, và một cách minh nhiên, liên kết cả “giáo huấn luân lý Công Giáo về tính dục” với “sự giả hình”.

Đối với mức đáng tin trong các tư liệu mà các phương tiện truyền thông đại chúng đang ồ ạt tung ra liên quan đến việc lạm dụng tình dục trong Giáo Hội, Van den Aardweg cho rằng: chân lý nằm ở quãng giữa. Trong quá khứ, quả có việc làm giảm nhẹ hay che đậy nhiều vụ nghiêm trọng. Nhưng mặt khác, hình ảnh đen tối do các phương tiện truyền thông vẽ ra rõ ràng là cường điệu, một số các tố cáo ấy mang tính chất tin đồn hơn là sự kiện cụ thể; ở Hòa Lan, các vụ tố cáo thường là về các biến cố đã xẩy ra hơn nửa thế kỷ nay, liệu đa số người ta có sẵn sàng chờ một thời gian dài đến thế nếu quả họ chịu bất công nghiêm trọng hay không?

Người ta cũng không chịu phân biệt giữa những lạm dụng nghiêm trọng như các vụ các linh mục và tu sĩ thực sự cưỡng bức cả thể lý lẫn tâm lý khiến một em nhỏ thơ ngây vướng vào một liên hệ tình dục trong một thời gian dài và do đó gây tác động sâu xa đối với nạn nhân, và những tiếp xúc hay mưu toan qua loa không để lại những hậu quả như trên.

Về loại thứ hai, ta có thể đơn cử trường hợp một linh mục khá bình dân kia từng dạy tại một trường trung học, người thường hay tìm cách kéo chú các thiếu niên về phương diện tình dục, nhưng các thiếu niên này không đáp ứng; nhiều em còn tát vào mặt ông khi ông tỏ ra quá gây phiền toái, và thực sự ông trở thành trò cười.

Trong một cuộc điều tra tại Anh với các thiếu nam, 35% các em cho hay từng bị một người lớn tuổi (thành viên trong gia đình, thầy giáo, huynh trưởng thanh niên…) gạ gẫm đồng tính luyến ái, nhưng chỉ có 2% là thuận theo.

Đó cũng là một khía cạnh của vấn đề. Tác phong của linh mục giáo sư vừa nói trên đây dĩ nhiên là đáng trách, nhưng không thể đồng hóa nó với tác phong của một linh mục hay một tu sĩ tại một trường nội trú, tự đóng vai một người cha âu yếm đối với một trẻ trai cô đơn xuất thân từ một gia đình tan vỡ, để rồi lạm dụng địa vị có quyền của mình để chỉ âu yếm em nếu em chịu chiều theo các thèm muốn bẩn thỉu của mình.

Tại Hòa Lan, một hay hai trường nội trú bị tiếng xấu về phương diện này, hiển nhiên cho thấy một số nhân viên quan trọng là người không tốt, nhưng trong hầu hết các trường hợp khác, việc xách nhiễu tình dục chỉ là họa hiếm.

Về mối tương quan hay không tương quan giữa những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái và những người lạm dụng trẻ em, Van den Aardweg cho hay: các dữ kiện trong các vụ tố cáo giáo sĩ lạm dụng tình dục tại Mỹ, nơi đã có nhiều nghiên cứu về loại gương mù gương xấu này, cho thấy 14% các lời tố cáo là về các em nhỏ tới 11 tuổi, 51% về các em tiền thiếu niên, và 35% là các thiếu niên trong hạn tuổi 15-17. Ta có thể nói rằng, nói chung, khoảng 20% các lời tố cáo liên quan tới trẻ em, hay nếu muốn cởi mở hơn trong định nghĩa, ta có thể ước tính rằng về phương diện kỹ thuật, 1/3 các trường hợp liên hệ tới tác phong ấu dâm. Dù sao, đó không phải là đa số.

Đối với các nước Âu Châu, các thống kê trên chưa có, nhưng bất kể loại thông tin phiến diện nào hiện có cũng đều cho thấy một khuôn mẫu như thế. Vả lại, khuôn mẫu này cũng đã được xác nhận đối với các nhóm xách nhiễu trẻ em và thiếu niên đồng phái khác, nghĩa là đối với các thầy giáo, huynh trưởng thanh niên hay nhân viên các viện giáo dục.

Còn về việc rù quyến và lạm dụng các thiếu nam thì thông thường không phải nhãn hiệu của “ấu dâm”. Xét trung bình, người ấu dâm không quan tâm tới các trẻ nam khi chúng đã bước vào thời kỳ dậy thì và đã khai triển những nét nam tính đầu tiên của chúng; họ chỉ bị lôi cuốn bởi thân thể và tâm lý trẻ thơ mà thôi.

Hãy giả thiết rằng ở Âu Châu, vào khoảng 20% hay hơn các nạn nhân bị giáo sĩ xách nhiễu tình dục là dưới tuổi thiếu niên và do đó tất cả các linh mục này đều là ấu dâm. Van den Aardweg cho hay cả trong trường hợp ấy, phần chính của tội ác cũng phải tính cho các linh mục và tu sĩ không phải là ấu dâm, nhưng là những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì sự kiện phổ quát là nhiều người tự nhận là đồng tính luyến ái rất chú tâm tới các thiếu niên (từ chuyên môn gọi thiếu dâm, ephebophiles), và nếu họ không kiểm soát được xúc cảm của mình, họ thường tìm cách quyến rũ các thiếu niên, khi có cơ hội.

Nói tóm lại, chỉ một số rất ít linh mục đồng tính ấu dâm (homosexual pedophiles). Theo Van den Aardweg, nhiều người đàn ông tự nhận mình là người thực hành đồng tính luyến ái, đôi khi cũng lưu ý tới một trẻ nam vẫn còn con nít hay mới ở tuổi tiền thiếu niên. Vào khoảng 1/4 những người đàn ông thực hành đồng tính luyến ái cho biết đã làm tình với các thiếu nam 16 tuổi hay trẻ hơn, trong đó, có cả các trẻ em chưa tới tuổi dậy thì. Trong một cuộc nghiên cứu, vào khoảng một nửa những người đàn ông ‘tích cực’ đồng tính luyến ái cho biết có khi họ lưu ý đến cả những bé trai chỉ mới 12 tuổi. Đối với các linh mục thực hành đồng tính luyến ái, tỷ lệ này cũng từng được giả thiết. Đây là một khu vực tranh tối tranh sáng (gray zone), bởi lẽ vì các lý do dễ hiểu, những người cốt chính hay nhắm vào các thiếu niên (thiếu dâm, như đã nói) thường không thích nhận mình đôi khi cũng đi tìm những trẻ trai nhỏ tuổi hơn.

Van den Aardweg cho rằng nếu các cấm kị về những tiếp xúc loại này bớt nghiêm ngặt hơn, thì chắc chắn những loại ngấp nghé ấu dâm (borderline pedophile) này sẽ gia tăng nhiều hơn. Đây cũng là điều đã được gợi ý trong các tuyên bố của một tổ chức đồng tính luyến ái chính thức có tên là COC Hoà Lan (Holland Club for Culture and Leisure). Năm 1980, tổ chức này tuyên bố rằng: “nhờ biết nhìn nhận sự gần gũi giữa đồng tính luyến ái và ấu dâm, COC rất có thể giúp người đồng tính lớn tuổi dễ dàng hơn trong việc trở nên nhạy cảm hơn trong các ham muốn tình dục đối với các hội viên đồng tính trẻ tuổi hơn, nhờ thế nới rộng được bản sắc đồng tính luyến ái”. Bởi thế, tổ chức này cho rằng “giải phóng ấu dâm phải được coi là một vấn đề của đồng tính luyến ái” và “phải bãi bỏ tuổi ưng thuận”.

Không trưởng thành tâm lý

Đối với việc nhận các ứng viên vào chức linh mục, Van den Aardweg cho hay: một thanh niên đã trưởng thành về phương diện tâm lý và xúc cảm khi được nhận vào chủng viện sẽ không bao giờ trở thành người thích đồng tính luyến ái hay ấu dâm. Nếu người này bị khích dục và chiều theo cảm xúc của mình, thì họ sẽ đi tìm một phụ nữ. Khuynh hướng bị lôi cuốn bởi trẻ nam hay thiếu nam nơi các linh mục từng xách nhiễu chúng không bao giờ phát sinh trong những năm ở chủng viện hay làm linh mục. Trong nhiều trường hợp, khuynh hướng ấy khởi đầu có thể ít nhiều tiềm tàng, yếu ớt; nhưng luôn luôn có một lỗ hổng hiển nhiên trong cảm xúc, thiếu hẳn cảm xúc dị tính luyến ái thông thường. Rồi gặp một hoàn cảnh nào đó, khi đương đầu với người trẻ, hay khi thất vọng, cô đơn, sự thèm khát đồng tính luyến ái đang ngái ngủ kia bỗng bùng dậy. Vị khác rất có thể biết mình bị lôi cuốn bởi người cùng phái, nhưng ráng sống mà không hành động theo sự lôi cuốn ấy. Tuy nhiên, khi thấy mình càng ngày càng không đương đầu nổi với các nhiệm vụ của chức vụ hay bị vỡ mộng, trong một lúc yếu lòng có thể hoặc xem tạp chí khiêu dâm hoặc bắt đầu uống rượu để giải khuây; rồi từ buông thả theo các tưởng tượng tình dục của mình, người này đi hết từ tệ nạn này qua tệ nạn nọ. Đồng tính luyến ái vì thế không phải chỉ là vấn đề tình dục. Đúng hơn nó là một phần của dị bản bất trưởng thành về nhân cách, và triệu chứng thường gặp nhất của nó là thiếu mạnh mẽ về tính tình, cô đơn nội tâm, khó khăn trong việc kết thân bạn bè cách trưởng thành, hay lo âu trầm cảm. Như thế, căng thẳng, dưới mọi hình thức của nó, có thể làm suy yếu sức đề kháng của một người khỏi chiều theo các thèm muốn của mình.

Những yếu tố khác có thể hạ thấp mức đề kháng là thiếu sự hỗ trợ bản thân và hướng dẫn thiêng liêng đều đặn, một điều hết sức cần thiết; thả lỏng trong cuộc sống nội tâm, thiêng liêng; bỏ qua việc thường xuyên xưng tội; gương xấu của các linh mục khác trong môi trường dẫn tới cuộc sống hai mặt; và để mình bị tác động bởi các lý thuyết lỏng lẻo về tính dục nói chung và về đồng tính luyến ái nói riêng, coi chúng như chuyện bình thường.

Ảnh hưởng môi trường

Về phương diện này, thái độ phê phán của nhiều thần học gia và linh mục nổi tiếng đối với việc độc thân và trên hết đối với thông điệp Sự Sống Con Người đã là một yếu tố hữu hiệu đánh phá sức đề kháng của nhiều linh mục đối với hành động tình dục, nhất là trong phạm vi đồng tính luyến ái.

Như Đức GH Phaolô VI từng nói trong thông điệp của ngài, tách tính dục ra khỏi việc truyền sinh trong liên hệ vợ chồng là thừa nhận các hình thức ‘vô sinh’ khác của tính dục như đồng tính luyến ái chẳng hạn. Các gương mù gương xấu về tình dục từng tạo nên những đợt sóng truyền thông tại Mỹ và hiện nay đang được Âu Châu tiếp nối, đổ thêm dầu vào phong trào tuyên truyền chống phá đạo Công Giáo, đều là hậu quả hợp luận lý của hàng mấy thập niên trong đó, nhiều linh mục nổi tiếng, nhiều nhà thần học luân lý và cả giám mục nữa công khai bác bỏ và âm thầm làm ngơ thông điệp Sự Sống Con Người và quan điểm Kitô Giáo về tính dục đứng đàng sau thông điệp ấy.

Van den Aardweg cho rằng bạn không thể mong chờ nơi các linh mục hay tu sĩ với những yếu điểm như thèm muốn đồng tính luyến ái và đôi lúc ấu dâm có thể bền vững trong mặt trận trong sạch nội tâm khi họ không ngừng nghe được và ghi nhận rằng hầu như mọi điều đều OK như nhau bất kể đó là cuộc sống đồng tính, cuộc sống vợ chồng, hay không: “tại sao một mình tôi không được phép thỉnh thoảng chiều theo khoái cảm tính dục vô tội dù chẳng hại đến ai?”

Van den Aardweg nhân dịp này cũng trình bày vai trò của tâm lý học đối với việc điều trị các linh mục vi phạm và cố vấn cho giáo quyền cách đương đầu với những vấn đề này. Ông bảo: trái với những lời chỉ trích gần đây, không có chứng cớ nào chứng minh rằng đa số các trường hợp vi phạm tình dục của các linh mục trong quá khứ xa xôi và cả trong các năm 1960-1980 đã bị xử lý một cách tồi tệ hay vô trách nhiệm. Đôi khi phải tìm ra một thỏa hiệp khôn ngoan giữa nhu cầu bảo vệ trẻ vị thành niên, nhu cầu “tái xã hội hóa” người vi phạm, và việc kiểm soát thiệt hại đối với giáo xứ, giáo phận, định chế và nhà dòng hay tu hội.

Việc trị liệu

Theo ông, trị liệu là một trong các biện pháp tiêu chuẩn. Phương thức này không khác phương thức được sử dụng trong các trường hợp tương tự nơi các định chế thế tục, ngoại trừ việc trừng phạt ở đây theo giáo luật, không thường xuyên lắm. Nhìn trở lui, ta thấy việc xử lý này thông thường được coi là thỏa đáng trong nhiều trường hợp, nhưng cũng có khi không. Một trong các lý do khiến có sự không thoả đáng trong các thủ tục này là sự ngây thơ nơi các nhà hữu trách trong Giáo Hội đối với các lệch lạc về tính dục.

Van den Aardweg nghĩ rằng sự ngây thơ kia có khuynh hướng đánh giá thấp tính nghiêm trọng của tội phạm và thành thực tin rằng một người vi phạm có ý ngay lành, chịu đi xưng tội và hứa sửa đổi thì đáng được ta thương yêu và tin tưởng hơn bất cứ điều gì khác và phải để họ có cơ hội sửa chữa. Hơn thế nữa, cũng như nhiều nhà hữu trách thế tục trong phạm vi pháp lý, các nhà hữu trách trong Giáo Hội cũng có lòng tin tưởng quá lạc quan đối với các khoa tâm lý học và phân tâm học. Trao phó các trường hợp vi phạm tính dục cho một tâm lý gia hay một phân tâm gia được coi như một bảo đảm vững chắc không tái phạm nữa.

Buồn thay, việc ấy không như thế và sẽ không như thế. Hậu quả dài hạn của khoa trị liệu tâm lý hay dùng thuốc cho các người vi phạm tình dục chỉ có giá trị rất ít, cũng bởi vì động lực khiến một người đánh trận đánh rất khó khăn với chính mình rất có thể chỉ là giả tạo và tùy thuộc ở sức ép của hoàn cảnh.

Đàng khác, kể từ khoảng cuối thập niên 1960, hình như phản ứng trong nhiều khu vực của Giáo Hội đối với các vi phạm này đã trở nên ít thỏa đáng, yếu ớt hơn, nếu không muốn nói là hầu như bị lãng quên.

Khuynh hướng thế tục có tính tâm lý học là nhấn mạnh tới khía cạnh bệnh tâm thần của người phạm pháp nói chung, coi họ như bệnh nhân, như nạn nhân của việc dưỡng dục v.v… hơn là nhấn mạnh đến trách nhiệm của họ đối với tác phong vô luân của mình.

Các yếu tố kỷ luật và trừng phạt, hay đền tội trong trường hợp linh mục và tu sĩ, không được ưa chuộng lắm. Thêm vào đó, còn là việc trắng trợn bỏ qua không sét gì tới các đau đớn và nhu cầu của nạn nhân tội ác.

Tâm lý học vì thế mang nhiều trách nhiệm đối với cái nhìn méo mó và thực tế nhiều tính ý thức hệ này. Chắc chắn nó đã ảnh hưởng sâu xa tới cách phản ứng của các nhà hữu trách trong Giáo Hội đối với những vụ lạm dụng tính dục hay những lời tố cáo trình cho các ngài xem sét, cách các ngài tiến hành thủ tục đối với các giáo sĩ vi phạm tính dục, và thái độ của nhiều chức sắc nổi danh trong Giáo Hội cũng như các thần học gia đối với người đồng tính luyến ái nói chung và các giáo sĩ đồng tính nói riêng.

Nhân tố mạnh nhất trong vấn đề này còn là việc sợ các phương tiện truyền thông đại chúng, sợ công luận; không chịu chứng tỏ các quan điểm cấp tiến về vấn đề này và “bất khoan dung” sẽ gặp phản ứng thù nghịch trong giới truyền thông và cả trong một số khu vực của chính Giáo Hội nữa.

Dù sao, đôi khi các nhà hữu trách trong Giáo Hội làm ngơ khi được thông báo về những người ấu dâm hay những người có tác phong đồng tính. Và nếu có biện pháp nào chăng nữa, thì phần lớn được khoác cho chiếc áo đức ái, không trừng phạt, chỉ đưa vào các trung tâm trị liệu rồi quên cả kiểm soát xem việc ấy có hiệu quả gì hay không.

Van den Aardweg cũng đề cập đến việc một số vị hữu trách trong Giáo Hội quá tin vào các nhà trị liệu tâm lý, vội vàng cử những người vi phạm đảm nhiệm các thừa tác vụ khác trong khi còn đang diễn trình trị liệu. Theo ông, nên khôn ngoan chờ một vài năm để kiểm nghiệm hậu quả việc trị liệu. Nghĩa là phải đích thân theo dõi một cách có phê phán các trường hợp điều trị. Vì thực ra, xét chung, các nhà trị liệu tâm lý vốn và hiện vẫn còn quá tự tin vào các hiểu biết và phương pháp của mình. Quả thực, trị liệu tâm lý có giúp một số ít người với khuynh hướng lệch lạc về tình dục như đồng tính luyến ái chẳng hạn thay đổi một cách tận căn, và một số lớn hơn cải thiện được các lệch lạc ấy, theo nghĩa các cảm xúc của họ mất đi phần lớn cường độ của chúng và bản chất ám ảnh của chúng, và sự ổn định xúc cảm nói chung của họ gia tăng đáng kể. Nhưng việc đó cần nhiều năm mới đạt được và kết quả tốt nhất thường là những người tự ý đi tìm trị liệu, chứ không phải là những người bị buộc do hoàn cảnh bên ngoài.

Còn điều này nữa, một khách hàng trị liệu có thể tiến triển khá trong một khoảng thời gian trị liệu nào đó, khiến nhà trị liệu nghĩ một cách quá sớm là vị này đủ tư cách để trở lại với nhiệm sở cũ; tuy nhiên, dưới những căng thẳng mới thuộc nội tâm và ngoại cảnh rất có thể vị này lại rơi tõm trở lại con đường cũ của mình.

Thực ra điều trên không chỉ áp dụng với những người có vấn đề về tính dục, mà với nhiều loại người khác có vấn đề tâm thần hay du đãng. Cho nên, khôn ngoan nhất, theo Van den Aardweg, là đừng bao giờ đặt một người trước đây có tác phong xấu trở lại ngay với nhiệm vụ cũ của họ.

Ý thức hệ của Liên Hiệp Âu Châu

Về mối liên hệ hiện nay giữa giáo quyền và các tâm lý gia đang làm việc với các linh mục ấu dâm hay đồng tính luyến ái, Van den Aardweg cho hay: cái đó tùy thuộc từng nhà hữu trách một. Đàng khác cũng còn tùy con số các tâm lý gia Công Giáo có khả năng. Thực tế, ở Âu Châu hiện nay, chỉ một số ít tâm lý gia làm công việc trị liệu các trường hợp đồng tính luyến ái, vì ngành trị liệu này gần như bị pháp luật của Liên Hiệp Âu Châu ngăn cấm, lý do: họ chính thức ủng hộ ý thức hệ đồng tính luyến ái. Việc trị liệu các lệch lạc tính dục vì thế gần như bị coi là vi phạm nhân quyền; các đại học không truyền thụ kiến thức về đồng tính luyến ái nào khác ngoài những khẩu hiệu có tính ý thức hệ chính trị được coi là chính xác, không mong gì họ tổ chức các giảng khóa về trị liệu cho các nhà chuyên môn. Vì thế, con số các nhà trị liệu Kitô Giáo chuyên về ngành này rất ít.

Còn đối với Giáo Hội, ý thức hợp tác với các nhà tâm lý hay phân tâm học Kitô Giáo hay Công Giáo càng ngày càng gia tăng nơi các giám mục, các vị lãnh đạo các chủng viện, các linh mục và các nhà thần học cá thể, những vị vốn ủng hộ nền luân lý tính dục của Giáo Hội.

Những vị khác, rất có thể vì không có ý kiến vững chắc về vấn đề này hay sợ phải chạm trán với các phương tiện truyền thông đại chúng, bất kể là linh mục hay giáo dân cấp tiến, nên thích ủng hộ các nhà phân tâm học hay tâm lý học nào biết coi đồng tính luyến ái như một thứ bất ổn nhiều hơn. Theo Van den Aardweg, trong phạm vi này, hình như đang có tiến triển, dù khá chậm chạp. Vì một đàng, nhiều tâm lý gia và phân tâm gia trẻ tuổi đang tỏ ra quan tâm tới nền tâm lý học mà ta tạm gọi là “nền tâm lý học Kitô Giáo, hay Công Giáo”, nghĩa là nền tâm lý học đặt căn bản phương pháp của mình trên quan điểm Kitô Giáo về con người, về hôn nhân và tính dục, về vấn đề lệch hướng tính dục, và là nền tâm lý học biết thừa nhận giá trị trị liệu của “yếu tố tôn giáo”, tức việc hồi tâm, biết thừa nhận tầm quan trọng của cuộc sống thiêng liêng bên trong, và của việc thực thi nhân đức, chống lại thói hư tật xấu, nhằm đạt cho bằng được sức khỏe tinh thần và sự vững ổn cho tính tình.

Đàng khác, vì nhiều vị giám mục, nhiều thần học gia và nhiều linh mục hơn đang quay về với việc hết lòng ủng hộ kế hoạch truyền bá, giải thích, thi hành và bênh vực toàn bộ giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về tính dục và hôn nhân, hay nói cách đơn giản hơn, đã làm cho thông điệp Sự Sống Con Người trở thành yếu tố chủ chốt trong các hoạt động tái phúc âm hóa của mình, nên đương nhiên các vị này cậy nhờ nhiều vào ý kiến và sự trợ giúp của các tâm lý gia Kitô Giáo hay Công Giáo, và việc này đây đó đang dẫn tới một sự hợp tác hết sức sống động và có lợi cho cả đôi bên.