“Suối Nguồn”, Ngày của Mẹ tại Trung Tâm Mục Vụ, TGP Sài Gòn

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”


Câu ca dao gần như mỗi người Việt Nam đều được lắng nghe và thuộc nằm lòng từ thưở bé thơ qua câu ru à ơi của mẹ. Thế nhưng cuộc sống xã hội hôm nay với bao lo toan, vội vã đôi lúc không còn khoảng lặng cho đời mình nữa, ai còn nhớ và ai đã quên mẫu tử tình thâm? Không những chỉ ở Á Châu với truyền thống Á Đông mới chú trọng đến đạo hiếu mà ngày nay Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm được dành ra như là một ngày để nhớ về Mẹ hầu như trên khắp cõi đất này.

Trong tâm tình đó, hôm 01/05/2009, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã diễn ra Ngày Của Mẹ với chủ đề “Suối Nguồn” thu hút khoảng 500 tham dự viên là các bậc làm cha mẹ Công Giáo và là những người con trong gia đình để cùng nhau chia sẻ về đề tài mẫu tử tình thâm trong cuộc sống hôm nay. Ngày của mẹ được biết đến là ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm, năm nay rơi vào ngày 09/05, nhưng ban tổ chức chủ ý dời lại ngày Quốc tế Lao Động với mong muốn thu hút nhiều người đến tham dự nhân ngày nghỉ lễ cũng như chuẩn bị tinh thần cho các tham dự viên chu toàn trách nhiệm con cái với đấng sinh thành trong Ngày của Mẹ sắp đến.

Khoảng 13g30, tại sảnh đường trước hội trường đã đông nghịt người xem triển lãm ảnh với đề tài về Mẹ của nhiếp ảnh gia Công Giáo trẻ Trần Thế Phong. Những bức ảnh đầy chất nghệ thuật về mẹ này lại được thể hiện qua tay máy của một nhiếp ảnh gia mồ côi, anh đã cảm được tình mẹ qua bức ảnh của mình. Và hơn ai hết anh đã vượt qua số phận nghiệt ngã của cuộc sống để có được thành công như hôm nay.

Trong diễn từ khai mạc, Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn chia sẻ mục đích khi tổ chức ngày này là nhằm tìm kiếm, suy niệm, chia sẻ về người mẹ với chủ đề “Suối Nguồn” để nhận biết nguồn cội của mỗi con người và từ đó nhận biết Thiên Chúa là cội nguồn cuối cùng của mỗi chúng ta.

Mẹ hằng dõi bước theo đời con

Với tựa đề “Dòng sông thầm lặng”, chị Têrêsa Đinh Thị Thúy, học viên lớp Kỹ năng sống của Trung Tâm Mục vụ đã nói đến người mẹ trong gia đình là người giáo dục nhân bản đồng thời giáo dục đức tin. Chị cho hay mẹ đã dạy con trẻ kêu cha kêu mẹ, đồng thời cũng dạy con mình làm dấu thánh giá, cúi mình trước tượng ảnh Chúa, biết kêu cầu đến Chúa khi còn thơ bé đến lúc trưởng thành. Người mẹ đã góp phần lớn lao trong việc đào tạo ra những người con ưu tú cho Giáo Hội, cho xã hội, cho đất nước. Chị đặt câu hỏi: Có bao giờ chúng ta cám ơn, thăm hỏi mẹ, có ý thức được rằng mẹ vẫn âm thầm dõi theo từng bước chúng ta trong đời? Và như câu trả lời, chị đã tự tình: Xin đừng chờ đợi khi mẹ nằm xuống để rồi nhớ nhung, nuối tiếc. Để kết phần chia sẻ chị trích dẫn lời Chúa dạy qua Cựu Ước: “Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi. Ai thảo kính mẹ thì như người thu được kho tàng” (Hc 3,3-4).

Tạ ơn dưỡng dục sinh thành

Cùng trong khắc khoải về ơn nghĩa sinh thành, chị Teresa Avila Nguyễn Thị Bạch Vân chia sẻ đề tài “Mẹ ơi! con cám ơn Mẹ”. Chị chia sẻ rằng chị cảm nhận được tình yêu qua từng bữa cơm thân mật với người yêu mình, chị luôn tìm cách cám ơn anh, làm anh vui lòng. Nhưng chị cũng ý thức được rằng mẹ ở nhà vẫn hằng nấu cơm cho chị ăn bao năm qua, đồng thời mẹ cũng là người chia sẻ, quan tâm lo lắng cho chị bằng cử chỉ, hành động qua từng ánh mắt chan hòa. Tình thương của mẹ dành cho chị là thế nhưng giật mình nhìn lại chị tự hỏi: Có bao nhiêu lần con đã cám ơn mẹ? Những lúc con làm mẹ buồn bằng những lời nói nặng hay quay đi khi mẹ vẫn còn nói những lời khuyên nhủ bằng tình thương của người mẹ. Dầu vậy chị biết rằng mẹ vẫn thương con, đồng hành với con bằng lời cầu nguyện.

Chị như trăn trở với bổn phận đạo hiếu trong cuộc sống của người làm con cái khi thổ lộ rằng đôi khi chúng ta quan tâm và biết cám ơn những người ngoài vì lòng tốt của họ đối với mình nhưng những người thân trong gia đình, nhất là người mẹ mình thì ta xem sự giúp đỡ của họ là thường tình, là trách nhiệm, bổn phận của họ với chúng ta. Mẹ là người sinh ra và nuôi dưỡng con thành người như hôm nay, phải chăng ta không cần cám ơn, không cần khách sáo để nói lời cám ơn mẹ, phải chăng điều đó không quan trọng, chỉ cần tỏ lòng cám ơn là được. Chị nhắn nhủ với các tham dự viên khi kết thúc bài chia sẻ của mình: “Con xin nhắn nhủ rằng mỗi người chúng ta hãy làm điều gì tốt nhất cho mẹ khi mẹ còn sống”.

“Một bông Hồng cho em. Một bông Hồng cho anh. Và một bông Hồng cho những ai. Cho những ai đang còn Mẹ Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn...” Bài hát “Bông Hồng Cài Áo” do ca sĩ Thanh Sử trình bày như làm cho mọi người thêm phần lắng đọng, nghĩ suy khi dòng lệ vẫn còn chưa khô sau khi nghe chị Bạch Vân chia sẻ.

Người con bị bỏ rơi

Anh Giuse Châu Hoàng Anh Phương đến với bài chia sẻ của mình bằng tâm sự của một người con bị mẹ bỏ rơi. Hận mẹ là tâm trạng đeo đuổi dai dẳng anh suốt thời ấu thơ cũng như khi đã trưởng thành. Anh kể về quảng đời đau khổ của mình rằng ngày mẹ mang thai thì cha bỏ ra đi, khi anh 10 tuổi thì mẹ lập gia đình mới và gửi anh vào trại mồ côi. Từ đó, anh thu mình lại như con nhím và sẵn sáng bung ra những gai cực độc khi ai đó đụng đến nỗi đau của mình. Nhưng anh may mắn là còn bà, bà đã trở thành nhịp cầu để nói về tình yêu của người mẹ, nhưng lúc ấy anh còn nhỏ để hiểu thấu điều đó, nên càng căm hận mẹ. Dù thế anh vẫn cố gắng học hành, học để khẳng định không cần mẹ thì anh vẫn sống tốt. Thế rồi một ngày kia anh tìm mẹ để hỏi tại sao mẹ bỏ rơi con. Mẹ anh trả lời rằng mẹ còn phải có trách nhiệm nuôi nấng bà và mong muốn con được có điều kiện tốt hơn trong trại mồ côi vì mẹ phải vướng bận gia đình riêng. Thế rồi nhịp cầu giữa anh và mẹ cũng ra đi, bà anh qua đời. Nhưng anh đã nhận ra lòng vị tha của bản thân mình nơi lời cầu nguyện, nơi tình yêu Thiên Chúa và anh đáp trả tình yêu đó bằng cách anh đang đi trên con đường tìm hiểu ơn gọi để dấn thân vào đời sống tu trì trở thành linh mục. Trong ngẹn ngào vì cuộc đời bất hạnh của mình, anh ao ước và cũng nhắn nhủ các bậc cha mẹ: “Đừng bỏ rơi con mình khi chúng còn trẻ thơ”.

Tâm sự của một người con cài hoa trắng

Trong Ngày của Mẹ này, tất cả các tham dự viên đều được cài hoa như là biểu trưng để nhớ đến mẹ mình, nhưng có sự khác biệt khi những ai còn mẹ thì cài hoa hồng và những ai không còn mẹ thì cài hoa trắng. Trong số những người cài hoa trắng hôm nay có Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thức, là người cùng với Sr. Maria Hồng Quế dàn dựng chương trình Ngày của Mẹ, anh chia sẻ những người cài hoa trắng khi nói về mẹ không nói gì nhiều hơn là nỗi đau, nỗi mất mát mẹ mình. Anh chỉ xin những người còn cha mẹ đừng để đến khi mất cha mẹ mới giật mình nuối tiếc. Chính vì thương cha, nhớ mẹ mà anh đã cảm hứng sáng tác bài hát “Cho con xin một lần”, anh đã trình bày bài hát này như là lời tâm sự của người cài hoa trắng: “…Cho con xin, xin một lần nhìn dáng Cha yêu. Bao hy sinh suốt cuộc đời đỡ nâng chở che. Và Mẹ ơi! Có biết con nhớ Mẹ trong mỗi phút giây. Từng lời dấu yêu vỗ về biết bao đêm trường. Cha ơi! Mẹ ơi! Con khao khát nhất trong cuộc đời. Một lần nữa thôi cho con gọi: ‘Cha ơi! Mẹ ơi!’…”

Người Mẹ đau khổ

Bà Anna Nguyễn Cẩm Vân đã làm hội trường sụt sùi tiếng khóc nghẹn lòng khi thổ lộ tâm sự đau khổ của một bà mẹ nuôi nấng năm đứa con, 3 trai, 2 gái bằng gánh ve chai, trong đó có 2 người con, một trong trường cai nghiện ma túy và một đang vướng vào tù tội. Bà tâm sự rằng khi con lỡ bước sa chân vào con đường ma túy, con bà bỏ nhà ra đi, với tình thương người mẹ, bà đã tìm con bằng mọi cách. Bà cứ đi lang thang tìm con, bà bị bệnh suyễn, xỉu lên xỉu xuống nhưng vẫn kiên trì tìm con. Trong cô đơn, không ai chia sẻ, bà đã tìm đến với Kinh Thánh và sống bằng lời cầu nguyện, khi tìm được con bà nhất quyết đưa con đi cai nghiện. Vài năm sau, lại thêm một đứa con gái nghiện và trộm cắp, bỏ trốn, bà tìm con và nhất quyết đưa con đi đầu thú, trong tù, khi con bị bệnh nhiễm trùng máu tưởng như lìa đời, nhưng qua cầu nguyện và được tại ngoại chữa trị thì bớt nhưng bà vẫn tiếp tục đưa con vào tù.

Sống trong đau khổ, cùng cực nhưng bà vẫn năng đi nhà thờ. Dù vậy bà lại thêm một nỗi đau khổ khi bị chê cười: “Đi lễ làm chi mà để con cái khốn nạn như vậy”. Nỗi đau càng chất chồng khi chồng bà bị bệnh ung thư, tuy đã được phẫu thuật nhưng không còn sức. Mặc cho đau khổ và bị cười chê bà vẫn tin Chúa che chở cho đời bà và cầu nguyện cùng Chúa. Với nỗi đau của mình với những người con bị nghiện, bà đã vượt qua số phận để cộng tác tích cực với nhóm của Bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn trong việc chăm sóc người bệnh HIV/AIDS trong suốt 6 năm nay (Tại Phòng khám Đa khoa Xóm Mới của bác sĩ Phấn có tham vấn và chữa trị miễn phí cho người bệnh AIDS, 43/5 Phạm Văn Chiêu, P.12, Quận Gò Vấp). Kết thúc phần chia sẻ của mình bà nhắn nhủ với những người trẻ: “Hãy sáng suốt và khôn ngoan, đừng lún vào con đường ma túy, con đường chết, nhưng chết cũng không được mà phải sống trong vật vã”. Vì hơn ai hết, có lẽ bà thấu hiểu những người đã nghiện ma túy.

Viết thư gửi mẹ

Sau phần giải lao, cả khán phòng liên kết với nhau trong vòng tay thắt chặt với nền là lời hát: “Trong Giêsu chúng ta là tấm bánh”. Và ca sĩ Kim Cúc đã trải lòng qua bài hát “Thư gửi Má” mà trong phần giới thiệu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thức chia sẻ rằng khi tập hát chị cứ khóc vì mẹ đang bệnh và lời bài hát như đúng tâm trạng của người con khi nghĩ về mẹ. Sau đó là khoảng lặng với nhạc nền bài hát Lòng Mẹ để mỗi thành viên trải lòng mình qua tấm thiệp viết cho mẹ để nói lên tâm tình người con “Viết thiệp gửi má” với lời nhắn nhủ của ban tổ chức: Hãy viết và gởi cho mẹ để một lần nói lên trái tim của mình dành cho mẹ và tận tay trao mẹ và nói rằng con rất yêu mẹ.

Đã có nhiều chia sẻ nói lên tâm trạng của người con đối với mẹ mình, đó là những bài thơ nhớ nhung mẹ, lời trần tình vì có lỗi với mẹ, là lời nhớ nhung của một người con 30 năm xa mẹ vì mẹ ở nước ngoài mà giờ đây mẹ đang lâm trọng bệnh. Đó là sự sợ hãi của một người trẻ “nước mắt chảy xuôi” mà mình thì cứ trôi theo cuộc sống sợ không một ngày báo đáp công ơn mẹ…

Cả khán phòng rộn ràng lên khi chuyển những gói quà từ sân khấu xuống cho thành viên, để từng thành viên tham dự có thể có được một gói quà là một chiếc áo, bánh, sữa, cà phê để những gói quà này sau đó được tặng cho mẹ mình hay những bà mẹ nghèo trong khu xóm để tình thương được tỏa lan.

Nước mắt tuôn trào là xúc cảm và thú nhận của Cha Nhạc sĩ Xuân Thảo trước khi kết thúc Ngày Của Mẹ. Có lẽ đó là xúc cảm chung của các tham dự viên để khi ra về mỗi người nhận thức được đạo hiếu làm con, bổn phận làm người trong gia đình, ngoài xã hội. Và nhất là để hiểu rõ về mẹ và tôn vinh mẹ, từ đó thêm xác tín vào Cha thiêng liêng trên trời, Đấng quảng đại và luôn gần gũi với ta, như lời cha Luy nhắn nhủ trong lời kết thúc.